Thứ Bảy, 8 tháng 6, 2013

SỐ: 249 - tác giả HOÀNG BÌNH TRỌNG




ÔNG VÀ CHÁU

Truyện ngắn



Mẹt Thiện, tên đầy đủ là Lê Thị Nghĩa Thiện, đúng là một con bé chẳng tâm lý chút nào. Ai dè ông Lương bố nó, ngồi chờ nó từ trưa đến giờ, vậy mà về đến nhà, nó lại chui tọt ngay vào bếp. Lục nồi lục niêu chán, nó ra giếng tắm giặt. Tắm giặt phơi phóng xong, nó còn phới ra vườn bắt châu chấu cho hai con chim sáo đói mồi ăn đến tức bụng mới thôi. Giá lúc khác hẳn ông Lương đã rút cây roi dâu giắt sẵn trên mái nhà, phết cho Mẹt Thiện mấy roi để nó chừa cái thói vô tâm bất tạng ấy đi. Nhưng hôm nay ông không thể làm thế. Hôm nay là ngày đặc biệt của con bé. Vì thế, sau khi Mẹt Thiện từ ngoài vườn quay vào nhà, ông Lương chẳng những không tỏ ra bức bối, và còn nói cười sởi lởi:
- Thế nào, con gái rượu của bố! Công việc bên ủy ban xã, còn làm… nói chung là là… suôn sẻ chứ?
Mẹt Thiện nhướng cao cặp lông mày lá liễu:
- Sang… sang ủy ban… con chỉ đi chơi, chứ… làm gì đâu mà… mà…
- Đành rằng đi chơi. Nhưng thời buổi này… lao động đổ mồ hôi sôi nước mắt lắm khi chẳng có… miếng chén gì; nhưng chơi bời bừa phứa có lúc nói chung là là… ăn dày đó.
- Ăn dày là sao bố? À, hiểu rồi, hiểu rồi, chắc bố muốn nói đến ăn tiệc, phải không? Có đấy. Ở đó tan họp, người ta có tổ chức tiệc tùng thật, nhưng con… sợ quá, bỏ về trước.
- Cái gì? – Ông Lương cựa mình trên ghế – Ăn tiệc thì có gì mà sợ?
- Tất cả toàn người lớn, chỉ mình con trẻ nít, đến lúc dùng bia rượu hô “dô dô trăm phần trăm”, thì con tính sao? Đó là chưa nói đến việc… họ còn ôm hôn nhau thắm thiết nữa cơ!
- Dô dô trăm phần trăm với ôm hôn nhau thắm thiết thì là việc người lớn, can dự gì đến mày?
- Nhưng cũng ngượng bỏ xừ đi!
- Ngượng gì mà ngượng! Tranh quà với em không ngượng, nhìn người ta hôn nhau thắm thiết thì ngượng! – Ông Lương nhoài nửa người phía trên ra bàn – Thế nhà báo phỏng vấn con lúc nào?
- Nhà báo phỏng vấn là sao bố?
- A, cái con bé cà thộn này! Thế mày có thấy ai đeo máy ảnh, cầm bút chì với sổ tay vừa hỏi chuyện mày vừa ghi ghi chép chép không?
- Có có! Có một chú đúng thế đến hỏi con những câu hỏi nghe buồn cười đến chết đi được – Như để minh họa cho câu vừa nói, Mẹt Thiện xổ một tràng cười giòn tan, khiến ông bố nổi đóa:
- Ngoác cái mỏ thối hoắc của mày ra vừa vừa để nghe tao hỏi đây này. Nói chung là là… họ đã hỏi mày những câu gì mà làm mày buồn cười đến chết hả? Hả?
- Dạ, chú ấy hỏi còn là… hi hi… hỏi con là… he he…. Hỏi con là… hê hê… “Bé gái Lê Thị Nghĩa Thiện, em đã suy nghĩ gì trước khi chèo thuyền đi cứu bà con có nhà bị ngập lụt hôm hăm hai tháng chín vừa rồi”, với lại “Em đã nghĩ suy gì trong lúc chèo thuyền…”, với lại “Em nghĩ suy gì lúc đã cứu sống hơn hai chục bà con suýt bị lũ cuốn trôi”… Nghe mấy câu hỏi đó, bố cũng buồn cười chứ?
- Người ta phỏng vấn đúng như cách vậy thì có gì mà cười! Vậy mày trả lời thế nào?
- Con thì… nghe buồn cười quá, nên căn bản là… cười thôi ạ.
- Mày làm như… nói chung là là…. Căn bản chỉ khóc, nên hễ có dịp là mày cười thả phanh, đúng không hả, hả?
Nhác thấy những thớ thịt trên khuôn mặt mâm xôi gấc của bố bắt đầu giật giật, kèm theo giọng nói cũng đã giật giật của ông, Mẹt Thiện nghĩ ngay đến cây roi dâu giắt trên mái nhà, nên vẻ hồn nhiên biến mất.
- Nhưng… thưa bố… con nhớ… lúc đó con chỉ nhảy đại xuống thuyền rồi hết chèo lại chống, chứ… có suy nghĩ gì cho ra hồn đâu mà bảo trả lời nhà báo cho suôn sẻ: - Hình như cảm thấy có điều gì chưa ổn trong câu vừa rồi, Mẹt Thiện vội vàng bổ sung – À, hình như con cũng có suy nghĩ và trả lời nhà báo chút ít.
- Chút ít là thế nào, nói nghe coi?
- Dạ, thì con… nghĩ sao nói vậy. Đại khái, trước lúc xuống thuyền con nghĩ ngay đến cái quai chèo và cây sào có còn bền chắc không. Vì hai thứ đó mà đứt, mà gãy khi thuyền ra giữa dòng, thì mình toi mạng như chơi. Trong lúc chèo thì con… nghĩ cách làm sao cho thuyền khỏi va đập vào mấy cụm đá sót, nếu không mình sẽ xuống chầu Hà Bá. Cuối cùng, sau khi cứu xong người mắc nạn trở về, thì con rất mừng vì mình cũng vừa thoát chết như họ.
- Thế có nghĩa là… mày chỉ nghĩ đến sự an nguy của bản thân, mà không  nghĩ gì khác nữa sao? – Ông bố cảm thấy có cái gì sụp đổ trong lòng không phương cứu chữa, giọng trở nên rên rẩm – ừ, cứ cho rằng, lúc vào cuộc đã nghĩ đến ngợi vậy đi, nhưng lúc tra lời nhà báo mày phải biết cách sáng tạo mà “Nghĩ một đàng nói quàng sang một nẻo” chứ.
- Nghĩ một đàng nói quàng một nẻo là thế nào , bố?
- Trời ơn! Tại sao trong cái xứ “địa linh nhân kiệt” này lại nảy nòi ra một cái đầu mít đặc như mày nhỉ? – Ông Lương nhăn nhó như bị ôm cắn, nói dằn từng tiếng – Căn tai ra mà nghe đây. Đáng lẽ, khi nhà báo hỏi câu đầu thì mày phải trả lời thế này mới là người có đầu óc, rõ chưa? Trả lời rằng, thưa chú phóng viên kính mến, động cơ mãnh liệt thôi thúc cháu xuống thuyền đi cứu bà con lâm nạn là vì cháu nghĩ đến tình nghĩa cùng chung bọc trứng mẹ Âu Cơ ạ…
- Nhưng lúc đó… con không nghĩ thế!
- Câm ngay!... đến lượt tay nhà báo hỏi thứ hai, thì mày nên trả lời: lúc đó cháu chỉ tâm niệm mình phải làm sao cho xứng đáng với con cháu bà Trưng, bà Triệu, cùng bao hùng nghĩa sĩ khác dám xả thân vì nươc.
- Nhưng lúc đó con… con…
- Câm ngay! – Lại một lần nữa ông Lương chặn đứng lời phân trần của cô con gái bé đang nghẹn ứ trong cổ họng – Tiếp theo, khi phóng viên hỏi câu thứ ba, mày trả lời thế này mới thấu tình đạt lý: “Sau khi cứu được bà con xong, trên đường về cháu nghĩ xem mình đã làm tốt khâu nào, làm chưa tốt khâu nào để rút kinh nghiệm…”.
- Nghĩa là bắt con phải nói dối, có nên thế không, bố?
- Nói dối tí chút vậy thì chết ai hả, hả? Mày không nghe bên Tân Chính, lợi dụng hoàn cảnh lụt thì lụt cả làng, bao nhiêu người đua nhau nói dối để được trợ cấp loại A của nhà nước ư? Thằng cha cu Tường, thóc lúa còn mấy hạt mà khai nhà hắn bị ngâm nước mất tấn rưỡi cả nếp lẫn tẻ? Con mụ Chắt Thoài, cái sập gụ nó bán cho thương lái từ đời tám hoánh, mà vẫn khai bị cuốn trôi trong trận lũ vừa rồi hả? Sống giữa thời buổi ma quỷ ở lẫn với người này thì phải có mánh lới con ạ. Trường hợp của mày, nói chung là là… biết vận dụng kiến thức sách vở vào thực tế một cách sáng tạo, linh hoạt tí chút là một bước lên tiên đó.
- Một bước lên tiên có mà Tôn Ngộ Không! – Mẹt Thiện lúng búng.
- Lại cãi bướng hả? Lại dám bốp chát với bố mày vậy, hả con mất dạy! Căng tai ra mà nghe tiếp đây này! – Ông Lương nuốt nước bọt ừng ực, tiếp – Giá mày trả lời như tao nói vừa rồi, thì báo chí sẽ đua nhau tán dương mày. Nào là, cô bé mười ba tuổi Lê Thị Nghĩa Thiện rất đỗi thông minh, nhanh nhẹn, tháo vát, người nhỏ chí lớn. Nào là, cô bé Lê Thị Nghĩa Thiện cực kỳ dũng cảm, dám xả thân vì nghĩa lớn. Nào là… phải có đến hàng trăm cái “nào là” cho nhà báo múa bút, chứ không ít. Trò đời là thế, để nguyên thì cục đất, thiên hạ tha hồ giẫm đạp. Nhưng sau khi đã được thợ gốm nặn ra thành ông Phật, thì liền được đặt tên bàn thờ cho mọi người vái lạy. Báo chí đã rùm beng lên rồi thì lãnh đạo từ cấp xã đến cấp trung ương hò nhau tặng giấy khen, bằng khen, huy chương, huân chương cho mày. Kèm theo mỗi loại giấy khen, bằng khen, huy chương, huân chương ấy… nói chung là là… một triệu, chục triệu, vài chục triệu, trăm triệu Việt Nam đồng. Chưa hết, ngoài ra mày còn được hưởng vô số ưu tiên ưu hậu khác. Ví như, mày có học dốt đặc cán mai dài cán tấu, năm nào cũng chót bét, đội sổ thiên hạ, nhưng vẫn được lên lớp nhoay nhoáy. Ví như, lúc thi vào đại học, bài mày làm có trật toét tòe loe, vẫn cứ đỗ thủ khoa như chơi. Học xong, dù chữ nghĩa đã trả cho thầy tất tần tật, mày vẫn được hàng tá cơ quan sang trọng sẵn sàng mở rộng cửa mời vào. Như thế có phải một bước lên tiên không hả, hả? hả?
Ngồi nghe ông Lương độc thoại, Mẹt Thiện tức anh ách, nhưng không dám cãi, vì sợ bố đánh. Mãi đến lúc này nó mới chêm một câu:
- Được, để sáng mai con qua xóm Bàu gặp ông nội, hỏi xem sự thực có đúng như bố nói hay không?
- Thế nào? – Ông Lương nhìn Mẹt Thiện với nhìn nảy lửa – Mày định mượn danh ông già Khốt-ta-bít ấy để dọa tao hả?
- Không phải dọa, con chỉ muốn biết chuyện bố nói có thật không thôi. Nên sáng mai con phải gặp ông nội bằng được.
Kỳ lạ chưa, vừa nhắc đến Tào Tháo thì Tào Tháo xuất hiện. Cụ Tâm, tên đầy đủ là Lê Nghĩa Tâm, ông nội Mẹt Thiện chẳng phải đang rảo bước từ ngoài cổng vào nhà rồi đó sao?
Cụ Tâm nay đã tròn tám mươi, nhưng đọc sách chẳng phải đeo kính; nét đi, dáng đứng, cách nói năng còn rất hoạt bát, phong độ. Cụ có hơn hăm lăm năm trong quân đội và đã giải ngũ hăm tám năm về làm ruộng. Cụ sinh hạ được hai trai, một gái, ba vị đã tặng cụ sáu đứa cháu cả nỗi lẫn ngoại. Dĩ nhiên cháu nào cụ cũng quý, nhưng trong số đó, cụ quý Mẹt Thiện hơn hết, phải chăng vì tính hồn nhiên trong sáng, thật thà chất phác của nó vượt trội hơn bọn kia? Mặc dầu hiện ở với ông Phúc, người con trai cả bên kia sông, nhưng mỗi tháng đều có dăm bảy bận cụ tự chèo thuyện qua đây thăm Mẹt Thiện, không thế cụ cứ bứt rứt trong người không chịu được. Về phần mình, Mẹt Thiện cũng rất quý ông nội, vì ông học ít hiểu nhiều, lại biết ăn biết ở. Với Mẹt Thiện, ngoài tình máu mủ ruột rà, ông nội còn là một tấm gương sáng về đạo lý làm người. Thường thường mỗi bận cụ Tâm qua đây, thế nào hai ông cháu cũng có những giờ phút ra ngồi dưới gốc sung già ven sông. Tại đây, Mẹt Thiện thì xoa cổ đấm lưng cho ông; còn ông thì rủ rỉ kể những chuyện lặt vặt đã trải nghiệm trong đời trận mạc của mình cho cháu nghe. Người kể thì kể say sưa; người nghe thì nghe như bị hớp hồn.
Nhưng đó là nói đến những ngày bình thường, còn lần này cụ Tâm qua đây vì lý do đặc biệt:
- Cháu gái của ông ngoan lắm, giỏi lắm – Sau khi vào đến nhà, và sau khi đón bát nước chè đặc từ đứa cháu gái bưng ra uống liền một hơi, cụ Tâm vỗ lên vai Mẹt Thiệt, cười tít mắt – Ông rất tự hào vì dòng họ Lê Nghĩa nhà ta sinh ra được một cô bé tuyệt vời như cháu. Hà hà… bây giờ thì cháu có thể tường thuật từ đầu đến đuôi trận chiến đấu “đơn thương độc mã” cua cháu với trận lũ hôm vừa rồi cho ông nghe được không?
- Được lắm chứ. Vì cháu là người trong cuộc mà – Mẹt Thiện đáp – Nhưng kể xong cháu sẽ xin ông một thứ. Thứ này rất sẵn trong kho tàng của ông đó.
- Con bé láu cá thật cơ. Được. Vậy thì cháu bắt đầu ngay đi!
Mẹt Thiện đứng dậy, chấp hai bàn tay trước ngực, ngước cặp mắt trong sáng to tròn nhìn lên trần nhà, và cặp môi đỏ chót như son bắt đầu mấp máy. Vốn là một học sinh giỏi văn, lại được cô giáo chủ nhiệm hay chỉ định kể chuyện cho các bạn cùng lớp nghe trong các giờ ngoại khóa, do vậy Mẹt Thiện tường thuật lại cậu chuyện cứu lụt vừa rồi rất lưu loát, hấp dẫn. Nó đã làm cho chẳng những ông nội, mà cả bố đều có cảm giác như đang xem một cuốn phim thời sự quay cận cảnh về trận lũ kinh hoàng đó…
Như thường lệ, ăn cơm tối xong Mẹt Thiện xuống nhà ngang ngồi học bài. Đến mười giờ đêm nó tắt đèn đi ngủ. Mới chợp mắt được một lúc, Mẹt Thiệt đã bị bố dựng dậy báo tin, phía thượng nguồn mưa to, đâïp Vực Tròn bị vỡ, nước ngoài sông dâng lên rất nhanh, không chóng thì chầy, nhà mình sẽ ngập lụt. Mẹt Thiện nhìn qua cửa sổ, rồi quay lại hỏi bố: “Bây giờ ta phải làm gì?” Ông Lương trầm tĩnh vạch kế sách đối phó: “Đáng lo nhất lúc này là mẹ mày thì ốm, thằng cu út còn bé, nên bố phải sơ tán họ lên chòi canh rẫy trước đã”. “Còn con?” “Tạm thời mày ở lại coi nhà đợi bố về. Lúc này mà sơ sênh một tí là bọn chôm chỉa thừa cơ đục nước béo cò ngay tắp lự”. “Nhưng lỡ bố chưa về kịp, mà nước đã vào nhà thì sao?” “Nước ngập thấp thì mày treo lên giường, ngập trung bình thì trèo lên    sập, ngập quá sập thì trên lên tra(1), ngập đến nóc thì lên thuyền. Mày bơi cũng giỏi mà chèo chống cũng giỏi, lo gì? À quên, nhớ để mắt đến con thuyền, chiếc cần câu cơm nhà ta đó. Nó mà mất thì đâu còn phương tiện cho bố con ta thả lưới, quăng chài kiếm con cá, con tôm. Nhớ chưa?”.
Ở nhà một mình, để khỏi buồn ngủ, Mẹt Thiện lấy sách truyện ra đọc. Khốn thay, đúng nửa đêm thì mất điện. Dù muốn hay không, Mẹt Thiện cũng phải nằm lên giường, rồi hô khẩu hiệu suông: “Cương quyết không ngủ! Cương quyết! Cương quyết!” Nhưng Mẹt Thiện càng hô thì con sâu ngủ tìm đến mắt em càng nhanh, hàng lông mi khép lại. Mẹt Thiện mơ thấy mình được di dự  hội diễn văn nghệ toàn tỉnh, được hát dân ca giữa một dàn nhạc đệm cực kỳ hoành tráng. Chẳng biết giấc mơ còn đưa Mẹt Thiện đi đến đâu nếu không có con Mi-nô vừa cào cấu loạt soạt, vừa sủa oăng oẳng bên mạ giường làm con sâu ngủ hóa bướm bay biệt tăm tích. Mẹt Thiện bồn chồn ngồi dậy, thỏng chân xuống đất để quờ tìm đôi dép rọ. “Cái gì thế này! Ô, nước, nước! Hóa ra nước lũ đã tràn vào nhà từ bao giờ rồi”. Mẹt Thiện rờ rẫm chiếc đèn pin. Mẹt Thiện lội lõm bõm trong nhà. Mẹt Thiện mở cửa đưa mắt xem con thuyền. “Bình tĩnh, bình tĩnh!” Mẹt Thiện tự trấn tĩnh khi con thuyền đã đứt dây néo trôi đi. Rất may là nó mắc cứng phía rặng tre lồ ô cuối vườn. Như một phản xạ có điều kiện, Thiện ta nhào ngay xuống nước. Mất độ mươi phút vật lộn với con nước chảy xiết, con bé đã bám được tay vào mạn thuyền. Mất thêm ngần ấy thời gian nữa để nó tát hết nước đọng trong đáy khoang và bắt đầu kéo thuyền về bằng dây lưới sẵn có. Dọc đường Mẹt Thiện nảy ra ý nghĩ sẽ dùng thuyền chở toàn bộ thóc gạo, quần áo trong nhà lên rẫy cho bố mẹ. Khốn nỗi, sức vóc con bé có hạn, lại phải kéo thuyền đi ngược chiều nước chảy, nên đi rất chậm, mãi trời sáng mới tới nơi. Mệt quá. Lại đói nữa. Nhưng chẳng có gì ăn. Gạo tẻ, gạo nếp đều có, nhưng nấu cách nào trong khi bếp núc nồi niêu đều ngập chìm trong nước? Nhớ lời ông nội dặn: Gặp hoạn nạn phải làm thèo cách hoạn nạn”, Mẹt Thiện bèn vốc gạo sống nhai trậu trạo. Bất ngờ từ xa vọng đến nhiều âm thanh chát chúa nghe như tiếng các thanh kim loại gỗ vào nhau mỗi lúc một khẩn thiết. Mẹt Thiện hé cửa sổ ló đầu ra ngoài nhìn quanh. Toàn bộ nhà cửa của chín gia đình xóm Cồn đã ngập quá sâu trong nước. Chủ nhân của chúng đã tháo ngói dỡ tranh trèo cả lên nóc và đang dùng dao, dùng búa gõ liên hồi kỳ trận vào những chiếc mâm đồng, soong nhôm để kêu cứu. Như có phép tiên, Mẹt Thiện tắt ngay cơn đói. Mang nguyên bộ quần áo ướt, cô bé lẳng lặng đi ra thuyền, lẳng lặng  cài chèo vào cộc, lẳng lặng chống thuyền ra ngoài sông.
Cuốn phim thời sự về lũ lụt tạm thời dừng lại vì Mẹt Thiện cần uống nước để khỏi khát cháy cổ. Uống xong, cô bé lại ngước khuôn mặt trái xoan có má lúm đồng tiền nhìn lên trần nhà. Và cuốn phim lại dàn ra trước mắt cụ Tâm, ông Lương với quang cảnh một con thuyền ẩn hiện trong mưa gió bời bời được điều khiển bởi một bé gái tuổi mười ba, thân hình mảnh mai. Con thuyền lúc thì trành bên nọ, lúc thì triềng bên kia, khi thì vọt lên như cá heo gọi bạn, lúc thì cắm đầu xuống như chim ó bắt mồi trong hồ. Còn cô bé thì hết dùng chèo lại dùng sào; hết bát qua bên nọ, cạy về bên kia; lại chống đằng sau, đỡ đằng trước. Chẳng phải chỉ dùng mỗi sức cơ bắp thôi đâu, mà Mẹt Thiện đã dùng cả sức mạnh của đầu óc, rất nhiều sức mạnh của đầu óc. Không thế thì sao cô bé “đào tơ liễu yếu” này lại có thể điều khiển nổi con thuyền khỏi bị vô vàn khúc gỗ kích cỡ khác nhau lao đi với tốc độ chóng mặt đâm phải; khỏi cưỡi lên vô vàn cụm đá ngầm rắn như những bức thành thép để khỏi mạn vỡ đáy tan…?
- Khá lắm! Khá lắm! Ông rất tự hào về cháu! – Mẹt Thiện vừa dứt lời, đã được ông nội kéo lại cho ngồi lên đùi, cười sảng khoái -  À quên, lúc nãy cháu đã mặc cả, kể xong cháu sẽ xin ông nội thứ. Đó là thứ gì vậy?
Mẹt Thiện ghé miệng sát tai ông nội:
- Xin ông kể cho cháu nghe chuyện về một trận đánh làm ông nhớ lâu nhất.
- Để làm gì?
- Để viết báo tường! Cháu là lớp phó phụ trách tờ báo tường lơp 7B đó ông!
- À, được đích danh đồng chí tổng biên tập một tờ báo lớn phỏng vấn thì ông phải đáp ứng chứ sao? Nào, nếu có ghi chép thì lấy bút giấy ra ngay đi, thưa đồng chí cháu!
Dù đã rời quân ngũ lâu ngày, cụ Tâm vẫn giữ được tác phong người lính. Chỉ đợi Mẹt Thiện ngồi lại ngay ngắn là cụ bắt đầu kể. Giọng cụ bỗng dưng như từ một miền xa lắc xa lơ nào đó vọng về.
Câu chuyện xảy ra đã rất lâu, hồi cụ chỉ mới là anh binh nhì Lê Nghĩa Tâm, và đang chiến đấu ở miền Nam… Hôm đó, sau khi đẩy lùi ba đợt phản xung phong của đối phương có phi cơ, pháo, xe tăng yểm trợ, đơn vị của binh nhì Lê Nghĩa Tâm chỉ còn lại năm chiến sĩ. Bọn giặc chẳng để họ nghỉ ngơi lấy một phút. Bộ binh chúng tạm rút, thì đạn pháo các cỡ từ tàu chiến ngoài khơi bắn vào, từ các đồn lũy chung quanh câu sang, bom phá, bom bi, bom na-pan trên trời ụp xuống. Quân số đơn vị từ năm đã tụt xuống ba. Ba người mà phải chống trả cuộc phản xung phong tiếp theo của đối phương có quân số đông gấp hai chục lần quả là không cân sức, nhưng họ vẫn đẩy lùi được chúng xuống chân đồi. Sau trận đó, bên ta chỉ còn lại một chiến binh duy nhất là Lê Nghĩa Tâm. Như một cái máy, Tâm ta quang quàng chạy đi thu nhặt thủ pháo, lựu đạn, các khẩu súng tiểu liên, trung liên, B40, B41 cùng các thứ đạn dược, lương khô, bi đông nước… tập kết vào các vị trí thích hợp khắp bốn hướng Đông, Tây, Nam, Bắc. Quân tử phòng thân, tiểu nhân phòng bị gậy, Lê Nghĩa Tâm thủ riêng trong người một quả lựu đạn mỏ vịt, phòng khi vỡ trận thì tự sát để khỏi sa vào tay địch. Sắp đặt mọi thứ xong xuôi đâu đấy, Nghĩa Tâm ngồi nhau lương khô và chờ giặc đến thì choảng. Và Nghĩa Tâm đã choảng một trận ra trò. Dưới đó, tên địch nào còn nằm bẹp dí xuống đất thì thôi, nhưng hễ nhô đầu lên là bị choảng. Chúng ở tầm xa thì bị choảng bằng trung liên, tiểu liên; gần thì dùng lựu đạn. Gần hơn nữa thì thủ pháo. Xe tăng hành tiến lên đây thì dùng B40, B41. Hình như Nghĩa Tâm hơi bị… cao số hay sao ấy. Đạn cối chúng bắn lên như mưa, công sự sập tan từng quãng, vậy mà anh binh nhì này chẳng hề hấn gì. Mới bắn đổ một tên sĩ quan ở hướng Nam, Nghĩa Tâm đã cho ăn đạn một thằng lính mang mấy bộ đàm hướng Bắc. Vừa mới hạ gục một xe tăng bên Đông anh đã bắn “xuyên táo” hai tên Mỹ cao kều ngoài Đoài. Chắc chắn anh đã làm cho đối phương tưởng đâu trên này ít ra có cả một trung đội lính Cụ Hồ. Vì vậy mà chúng tiến quân khá thận trọng, chậm chạp, thời gian đủ để cho quân tiếp viện của ta từ rừng sâu ra đến nơi, đánh tập hậu chúng sau lưng, làm chúng chỉ có chết và đầu hàng mà thôi.
- A, hoan hô! Ông anh hùng quá! – Cụ Tâm vừa dứt lời, thì Mẹt Thiện đã bò reo và thơm lên bộ râu khá dài của ông nội, thẽ thọt: Hồi đó đã có nhà báo chưa ông?
- Có chứ? Nhiều nữa là đằng khác. Sau trận đánh động trời đó, ông được đi báo công trên sư đoàn và được tiếp kiến một nhà báo.
- À, hay quá! – Mẹt Thiện lại vỗ tay reo – Vậy chú nhà báo có phỏng vấn ông: “Đồng chí Lê Nghĩa Tâm suy nghĩ gì trong lúc một mình phải chống trả với bao nhiêu quân địch có phi pháo yểm trợ” không? Vậy ông trả lời sao?”
- Cái con ranh này! – Cụ Tâm cáu cẳn một cách thân mật – Ông trả lời sao ư? Ông trả lời: lúc đó tôi chỉ biết đánh, đánh và đánh chứ lấy đâu ra thì giờ mà suy với nghĩ! Rõ ràng ông đã làm cho anh chàng nhà báo nọ không hài lòng. Trong thâm tâm hẳn anh ta muốn ông trả lời: “Xuất phát từ tình yêu nước nồng nàn, lòng căm thù giặc Mỹ xâm lược sâu sắc, tôi hạ quyết tâm tử cho tổ quốc quyết sinh”. À quên, chắc sáng nay bên ấy cũng có nhà báo phỏng vấn cháu về chuyện cứu bà con vừa rồi chứ?
Mẹt Thiện hồn nhiên thuật lại cuộc gặp gỡ giữa mình với nhà báo nọ sáng nay cho ông nôi, rồi chun mũi nói thêm:
- Cháu về kể lại chuyện này cho bố nghe, thì bố chửi cháu ngu, không biết “nghĩ một đàng nói quàng sang một nẻo” để kiếm chút lợi lộc.
Cụ Tâm nghiêm mặt ngoảnh qua ông Lương trong lúc ông này đang rất muốn rút cây roi dâu giắt trên mái nhà phết cho Mẹt Thiện mấy roi vào mông vì cái tội bép xép.
- Hẳn con muốn cháu Thiện trả lời rằng vì xuất phát từ tình thương yêu đồng bào chứ gì. Lòng căm thù giặc xâm lược với tình yêu thương đồng bào thì luôn nằm trong con tim, khối óc, trong từng li ti huyết quản mỗi người Việt Nam chân chính, chẳng cần nói mà qua việc làm ai cũng thấy rõ. Mẹt Thiện trẻ con, nghĩ sao nói vậy. Chẳng lẽ con lại muốn biến nó thành một đứa ăn gian nói dối để kiếm một chút lợi lộc, hơn là để nó làm một đứa bé trung thực sao?
- Trung thực với chẳng trung giả – Ông Lương đay lại – Noi gương ông nội đấy kìa. Chỉ là quá trung thực mà suốt đời trong quân ngũ đánh đủ trăm trận, lập bao chiến công động trời vẫn không có được một cái danh hiệu “chiến sĩ thi đua toàn quân”.
- Ơ cái thằng này, mày nói năng thế mà nghe được à?
- Nghe được, chứ sao không! Nghe hay nữa là đằng khác – Ông Lương vẫn tiếp – Cũng vì quá trung thực, nên chi… nói chung là là… thương tích đầy mình mà về già bố vẫn chẳng được hưởng chút quyền lợi gì, trong lúc đó lắm kẻ suốt đời chỉ rúc trong váy vợ vẫn làm được thẻ thương binh!
- Cái thằng! Tao nhiều sẹo nhưng toàn bị thương nhẹ, sợt ngoài da, không xếp được loại nào thì làm sao có sổ thương binh?
- Nhưng có đứa nhặt lựu đạn rồi lên Vực Tròn ném cá bị cụt tay, vẫn làm được sổ thương binh thì sao?
- Thế mày cho rằng làm một người trung thực mà thiệt thòi chút đỉnh lại không có giá trị bằng mấy đứa bán trời không văn tự mà được danh hiệu này nọ hả? Tao thật không ngờ cái căn bênh… vô nhân tính của mày đã trầm kha đến thế! Hừ hừ, theo đà này, không khéo, mày nhuôm đen tâm hồn Mẹt Thiện với cu Út mất thôi – Cụ Tâm lắc đầu ngao ngán, rồi nắm lấy tay con bé Mẹt Thiện – Đứng dậy thôi cháu. Chúng ta ra bờ sông ngồi chơi, chứ ở đây chuyện trò với thằng bố mày, chắc ông sẽ nỗi khùng lên mất đó.
Mẹt Thiện ngoan ngoãn đứng dậy.
Mấy phút sau đã nghe ông cháu cười nói rỉ rả dưới gốc sung già ngoài bờ sông.

           Quảng Hòa, ngày 25.8.1011


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét