Thứ Bảy, 30 tháng 11, 2013

SỐ: 255 - tác giả TRẦN THỊ NGỌC





MỘT GIỜ HỌC ẤN TƯỢNG

 Truyện ngắn



Năm nay nó lên lớp 8. Nó tự hào mấy năm qua vẫn được ở tốp đầu của lớp. Tuy thế, từ lớp dưới nó chỉ thích mấy môn tự nhiên, thậm ghét những môn xã hội, nhất là môn Văn. Vì theo nó, môn Văn vừa dài, vừa phải suy nghĩ, liên tưởng, làm bài lại khó. Và một lí do hơi chủ quan là chưa có giáo viên nào dạy hay khiến nó thấy thích. Năm nay, lớp nó được một giáo viên dạy Văn mới. Một cô giáo đã nhiều năm trong nghề, và nổi tiếng là khó. Nhưng cô cũng là người có bề dày thành tích và có nhiều học sinh giỏi các cấp. Cô thường đến lớp với tà áo dài truyền thống. Cô gây ấn tượng với người đối diện bằng cặp mắt sáng và đôi môi cong vẻ hờn dỗi. Cô không đẹp cuốn hút, lộng lẫy cũng không quá lạnh lùng, xa cách nhưng có điều gì đó làm người đối diện phải e dè. Cô tên Thu Nguyên - nghe nói vì sinh ở Tây Nguyên lại vào mùa thu nên ba mẹ cô đặt cái tên này chứ quê cô ở tận miền Bắc xa lắc. Lớp nó đứa thì mừng, đứa thì lo. Riêng nó - một cảm giác không rõ, không hẳn sợ, cũng không mừng. Vì với nó không thích môn này thì ai dạy mà chẳng vậy!
Mấy tuần học đầu trôi qua nhẹ nhàng. Cách giảng của cô khác với những giáo viên năm trước. Nhiệt tình, lôi cuốn, luôn bắt học sinh phải làm việc. Vì vậy, lớp nó nổi tiếng là “buôn chuyện” nhất khối thì vào tiết học của cô cũng không có thời gian rảnh nữa. Cách kiểm tra bài cũ của cô cũng khác, không phải tiết học nào cũng bắt học sinh lên bảng đọc thuộc lòng mà cô thường lồng vào bài mới, tích hợp kiến thức cũ thậm chí kiến thức từ lớp dưới nên nó thấy là mình bị hổng nhiều. Trong giờ học, cô gọi nhiều bạn trong lớp, đặc biệt những bạn rụt rè luôn được cô động viên khích lệ. Lớp nó tới hai phần ba số học sinh là người dân tộc Eâđe,â nên những năm trước việc phát biểu ý kiến xây dựng bài quả là hiếm. Năm nay đã tiến bộ hơn. Còn bài viết cô chấm kĩ. Từng lỗi chính tả, cách dùng từ, đặt câu cho tới bố cục, trình bày, cách diễn đạt thế nào cho có chất văn… đều được cô phê trong từng bài kiểm tra. Vì thế, tâm trạng chán nản, lo sợ của một số bạn được thay thế bằng việc háo hức chờ đón mỗi khi có tiết học. Còn những “cây văn” của lớp thì khỏi nói: Cứ gọi là “say tít”. Với nó, hình như cũng có gì đó khang khác khi học văn. Nó chăm chỉ hơn, chú ý nghe cô giảng và cũng hay phát biểu ý kiến xây dựng bài hơn. Nó ngờ ngợ cách mọi người đánh giá về cô “khó”, có thể hiểu là cô muốn học sinh học tốt chứ không phải khó khăn theo nghĩa khác. Nhưng ấn tượng nhất với nó là tiết học Tiếng Việt tuần trước - khi cô thông báo với lớp cô sẽ thao giảng chào mừng năm học mới.
Hôm đó là thứ 3. Tiết Văn là tiết đầu.
Sáng thu ở Tây nguyên trời se lạnh. Sương mù như những dải lụa trắng mỏng còn vương trên rừng cao su sau trường. Đằng đông, mặt trời từ từ nhô lên, hắt những tia nắng vàng như mật xuống khắp không gian. Những hạt sương như những hạt kim cương lóng lánh còn đọng trên những bồn hoa, thảm cỏ ở sân trường. Trường nó đẹp thật! Ngôi trường này đã gắn bó với nó mấy năm nay và gắn với bao kỉ niệm buồn vui… Hôm nay nó đến sớm hơn thường ngày bởi phiên trực nhật. Làm xong mọi việc thật nhanh vì những việc này nó đã quen làm ở nhà. Mẹ tuy rất chiều nhưng vẫn dạy nó phải làm mọi việc vì mẹ thường nói:
- Thương con là phải dạy con biết suy nghĩ, biết làm việc.
Trống trường đã điểm. Sinh hoạt 15 phút đầu giờ xong lớp nó nhanh chóng tới học ở phòng máy chiếu vì giờ trước cô đã dặn. Trường nó ở vùng sâu của huyện nên cuối năm vừa rồi nhà trường mới mua máy chiếu và lấy một phòng học để dạy. Các lớp khác đã được học vài tiết, nghe chúng kể lại thật thích. Nó cũng muốn lắm nhưng chưa được học. Thật may, hôm nay giờ Văn cô giáo dạy máy chiếu. Đứa nào lớp nó cũng háo hức, không hình dung tiết học sẽ như thế nào! Liệu có dễ hiểu hơn dạy bình thường không? Cả lớp nó tranh cãi, đứa nói sẽ hay hơn, đứa nói chưa chắc. Cái Oanh “ tồ” nói:
- Chúng bay việc gì phải đoán già đoán non, lát nữa sẽ biết ngay thôi mà.
Lớp nó nhanh chóng ổn định chỗ ngồi. Cô giáo duyên dáng hơn trong tà áo dài màu thiên thanh và mái tóc bồng bềnh thả ngang lưng. Cô giới thiệu các giáo viên đến dự giờ với lớp. Và lớp trưởng báo cáo sĩ số. Vẫn là giọng trầm ấm, cuốn hút, cô mở đầu tiết học:
- Trước khi học bài mới, cô sẽ kiểm tra kiến thức cũ. Các em nhìn trên màn hình.
Hình nền màu xanh nước biển, nổi bật những câu hỏi màu trắng, điểm xuyết vài hình con vật ngộ nghĩnh. Đứa ồ, đứa xuýt xoa nhưng ngưng lại ngay vì chợt nhớ là có giáo viên dự giờ. Một số câu hỏi về kiến thức của bài cũ dưới hình thức trắc nghiệm và bài tập vận dụng khiến tụi nó khắc sâu bài học hơn. Cô khen lớp học bài cũ tốt và chuyển sang bài mới. Chỉ cần một cái nhấp chuột là những dòng chữ mới hiện ra với đủ hình dáng, màu sắc. Thật đẹp, thật nhanh. Nó nghĩ: “Đúng là thời đại khoa học phát triển có khác. Học thế này khác gì đi xem phim ở rạp mà có lần nó lên nhà bác ở thành phố được anh con bác đưa đi xem.”
Bài học hôm đó là Từ tượng hình, từ tượng thanh. Thật nhanh, lớp nó ai cũng nắm được đặc điểm và công dụng thông qua các ví dụ ở sách giáo khoa và những ví dụ cô đưa ra. Ở mỗi đơn vị kiến thức cô đều liên hệ với cuộc sống và tích hợp giáo dục kĩ năng sống. Bài học trở nên đơn giản, dễ hiểu. Ai cũng hăng hái phát biểu. Chẳng đứa nào có thời gian tranh thủ “buôn” và để ý đến lũ chim sâu đang cãi nhau chí chóe trên cây bàng trước cửa lớp học. Đến bài tập nhanh, trên màn hình hiện ra một số hình ảnh thật sinh động. Nào là thác nước đổ tung bọt trắng xóa, nào là trận mưa rào ở một làng quê, rồi con thuyền bồng bềnh trên sóng biển; những thiếu nữ với tà áo dài thướt tha trong gió... Cô cho một số từ tượng hình tượng thanh, yêu cầu lớp thảo luận nhóm 4 phút: Tìm từ miêu tả đúng trong hình và đặt câu. Tụi nó thảo luận sôi nổi và nhanh chóng giơ tay xung phong trả lời. Đa số các nhóm tìm từ đúng nhưng đặt câu chưa hay. Cô chỉnh sửa để tụi nó lần sau đặt câu hay, có ý nghĩa hơn. Sang phần luyện tập, các bài tương đối dễ. Nhưng vui nhất là đến bài tập đặt câu với từ tượng hình, tượng thanh cho sẵn. Lớp nó hôm ấy học rất sôi nổi. Đến cả một số bạn như Y Toang, Y Kê, Y Kim mọi ngày chỉ ngồi phá hoặc ngủ mà hôm nay cũng giơ tay. Đúng là chuyện lạ. Đến từ “ồm ồm”. Cô hỏi:
- Đây là từ tượng thanh, mô phỏng âm thanh gì?
- Thưa cô! Giọng nói của người ạ. Đó là câu trả lời của Hương “lùn”.
- Vậy bạn nào đặt câu có từ “ồm ồm”?
Y Bé giơ tay:
- Thưa cô, lớp em có bạn giọng ồm ồm, em đặt câu: Bạn Tiến lớp em kêu ồm ồm.
Tiếng cười vỡ òa. Cả cô và những giáo viên dự giờ cũng không nín được. Nhưng cô đã nhanh chóng lấy lại bình tĩnh. Ổn định lớp xong, cô nói:
- Em đặt câu như vậy là đúng nhưng em dùng từ chưa chuẩn. Con người không thể dùng từ “kêu” mà phải dùng từ “nói”. Còn bạn Tiến đừng buồn, nhiều ca sĩ có giọng khàn, ồm mà vẫn nổi tiếng như thường.
Kết thúc tiết học sau khi  được xem sơ đồ tư duy cô vẽ trên máy. Màu sắc đẹp, các đơn vị kiến thức cô đọng, rõ ràng. Cô dặn dò chúng tôi về học bài, làm bài tập và soạn bài mới. Bất ngờ cái Thanh “ thi sĩ bất đắc dĩ” của lớp:
-  Thưa cô! Em có ý kiến.
- Cô mời em.
- Dạ, em muốn tặng thầy cô và các bạn một “thi phẩm” em vừa nghĩ ra được không ạ?
Lại chuyện thú vị gì nữa đây! Cô gật đầu:
- Thế thì hay quá, em đọc đi.
Nó e hèm lấy giọng và bắt đầu véo von:
-Thưa cô và các bạn, tựa đề của bài là Ngẫu hứng.
Hôm nay học tiết Ngữ văn
Là bài tiếng Việt - Tượng thanh, tượng hình.
Bao nhiêu gương mặt xinh xinh
Bấy nhiêu giọng nói ân tình thiết tha.
Kiến thức ở sách giáo khoa
Ở trong cuộc sống khéo hòa với nhau
Thời gian nhanh chóng trôi mau.
Lớp, trường, thầy, bạn - khắc sâu suốt đời.
Nó vừa dứt lời, một tràng pháo tay giòn giã vang lên cũng là lúc tiếng trống báo hiệu hết giờ.
Một tiết học thật ấn tượng. Trên đường về lớp, đứa nào cũng tranh nói. Nó và cả lớp đều mong có nhiều tiết học như thế. Chắc chắn từ nay nó sẽ nghĩ khác về môn Văn. Phải chăng nó đã bắt đầu thích môn học này? Từ cô giáo? Từ phương pháp dạy hay từ việc áp dụng công nghệ thông tin vào dạy học?... Nó không biết nữa. Nhưng nó quyết tâm sẽ học thật tốt - đặc biệt là môn Văn.
Làn gió nhẹ mơn man vuốt ve khuôn mặt nó. Những tán lá xanh um ở rặng cây trên sân trường cũng vẫy vẫy như cổ vũ nó hãy cố lên. Và nó vào lớp với một tâm trạng háo hức cho tiết học tiếp theo...
                                                

                                                                              Cuor Đăng tháng 10/2013


Thứ Sáu, 29 tháng 11, 2013

SỐ: 255 - thác giả PHẠM ÁNH



Thầy tôi

Thầy tôi lặng lẽ đưa đò
Lớp này lớp khác học trò sang sông
Thời gian như nước xuôi dòng
Đêm đêm như ánh đèn chong âm thầm

Bây giờ tóc bạc hoa râm
Học trò đôi dịp về thăm ấm tình
Nhân từ chiếc lá lung linh
Cổ kim vọng lại bóng hình thầy tôi

Dẫu xa trường cũ lâu rồi
Đôi khi tôi nhớ những lời thầy xưa
Thầy về vườn cũ sớm trưa

Tứ thời vẫn nắng vẫn mưa vui buồn...

Thứ Năm, 28 tháng 11, 2013

SỐ: 255 - tác giả TRẦN THU HÀ



Thưa thầy

Hoa phượng đỏ… Như mắt trò
Thưa thầy
Bài em không thuộc
Sân trường ngày xưa còn đó
Thầy đâu?
Sao cứ rưng rưng

Giơ tay hứng làn sương mỏng
Tưởng như tóc thầy đang bay
Bùi ngùi dỗ lòng đừng khóc
Mưa ơi đừng ướt tóc thầy

Tháng năm lời thầy ươm hạt
Đại ngàn như những cánh tay
Thưa thầy
Bài em đã thuộc…
Mùa xuân hoa trái nói gì…?

10.5.2013


Thứ Tư, 27 tháng 11, 2013

SỐ: 255 - tác giả TRẦN CÔNG SẢN





Trăng rừng
         Tặng Nga



Em mang cái chữ lên rừng
Mười năm đèo dốc trập trùng gió mây
Trường xiêu, nặng gánh vai gầy
Lớp vài chục cháu lúc đầy lúc hao

Nhớ quê xa đến cồn cào
Hè về em lại nao nao nhớ trường
Nhớ từng ánh mắt thân thương
Sáng đến lớp, chiều lên nương vai gùi
Đêm về đuổi ánh trăng rơi
Củ mài, củ sắn ngọt bùi đùa reo

Bóng cô giáo tím lưng đèo
Đẹp như một mảnh trăng treo cuối ngàn

Mười năm nhịp trống rộn vang
Bảng đen, phấn trắng, nét vàng mà say
Tuổi xuân em gửi nơi này
Bao trang lứa đã sum vầy ấm êm

Hằng đêm thao thức hằng đêm
Mở trang giáo án tay mềm mại đưa
Ngoài hiên rỉ rắc giọt mưa
Tiếng chim “chóp bóp” cũng vừa sang canh.



Thứ Ba, 26 tháng 11, 2013

SỐ: 255 - tác giả HỒNG CHIẾN


Chú thích ảnh: Vườn cây gió bầu (ảnh trên)
Anh Khúc Đình Liệu chăm sóc cây gió bầu (ảnh dưới)


TỶ PHÚ NHỜ CÂY DÓ BẦU

Ghi chép



Gần đây ở huyện Ea Kar, tỉnh Đắk Lắk dư luận bàn tán xôn xao về một người nông dân “bất ngờ” trở thành tỷ phú, chuyện thật được bao nhiêu chưa rõ, nhưng cũng làm nhiều người tò mò, trong đó có tôi muốn biết thực hư ra sao nên cất công đi tìm cho biết. Theo quốc lộ 26A từ thành phố Buôn Ma Thuột xuôi về phía thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa; đến Km 68 rẽ phải theo đường liên xã vào xã Cư Brông. Con đường nhựa ngày nào, nay chỉ còn lại dấu vết những hố lồi lõm và những rãnh đá sỏi trộn nhựa gập ghềnh; nhiều nơi đường chỉ còn trơ mặt đất đầy bùn đỏ quạnh. Sau khoảng 6 km đánh vật với quãng đường hư hỏng nặng, tôi cũng hỏi thăm đến được ngôi nhà mình cần đến.
Trước mắt tôi một ngôi nhà xây cấp bốn, lợp ngói, ba gian, giống như mọi căn nhà bình thường khác ở vùng nông thôn đồng bằng Bắc bộ; trước sân dựng chiếc xe máy hãng Honda màu xanh. Anh Khúc Văn Liệu, chủ nhà tuổi chắc chưa đến bốn chục và người vợ còn khá trẻ, ra cửa niềm nở mời chúng tôi vào nhà. Trong nhà kê bộ xalon thẻ ở gian chính giữa, gian bên phải để chiếc giường đôi và tủ đựng chiếc ty vi màu; gian bên trái dùng làm phòng ngủ cho người mẹ già trên tám chục tuổi. Quả thật, nhìn cơ ngơi của gia đình tôi nghĩ chắc chỉ ngang tầm như những hộ kinh tế thường thường bậc trung của vùng này mà thôi.
Qua trao đổi, tôi biết anh Khúc Văn Liệu là con thứ năm trong một gia đình có sáu anh chị em ở tỉnh Hải Hưng, năm 1988 theo chủ trương của Nhà nước, gia đình vào huyện Ea Kar xây dựng kinh tế mới. Cuộc sống lúc ấy vô cùng vất vả; bố mẹ, anh chị em dựng một “ngôi nhà” tranh vách đất ở tạm. Hàng ngày gia đình vào rừng đốt than, chặt củi bán mua gạo kiếm sống qua ngày. Cơ cực là thế, nhưng nhờ chăm chỉ làm ăn, cuộc sống cũng dần dần ổn định; theo dòng thời gian, các anh chị và em gái út lấy vợ, lấy chồng ra làm ăn riêng; bố mẹ già ở với anh. Khoảng năm 1998 trở về trước, vùng đất của thôn Quyết Tiến, xã Ea Tyh, thuộc huyện Ea Kar, đa số đất canh tác là cát hoặc pha cát nên không thể trồng được cà phê như các vùng khác trong huyện mà chủ yếu trồng khoai, sắn hoặc cây nông sản ngắn ngày. Khi ấy chưa có nhà máy chế biến sắn như bây giờ nên giá rẻ lắm, trồng một ha chăm sóc cả năm trời, khi thu hoạch lời lãi chẳng được là bao nên xoay ra trồng các cây nông nghiệp khác, kết quả cũng chẳng mấy khả quan.
Trong những ngày mùa khô năm 1992, thấy người dân của tỉnh Phú Yên lên rủ đi tìm trầm, anh bằng lòng đi theo; phần vì mưu sinh, phần vì tò mò muốn biết mặt mũi cái cây trầm như thế nào mà quý giá đến thế. Sau mỗi chuyến đi hàng tuần, có khi cả tháng ăn ngủ trong rừng sâu, núi cao cũng có lúc những người “ngậm ngải tìm trầm” ấy tìm thấy thứ họ cần tìm. Riêng Khúc Văn Liệu lại tìm thấy một thứ khác: Cây dó bầu. Việc những người đi tìm trầm, họ thấy cây dó bầu nào to cỡ bắp đùi trở lên đều hạ xuống để bổ cây ra xem có trầm ở trong đó không; hành động đó đã tàn phá cả một nguồn tài nguyên rừng quý giá bao đời để lại, làm anh băn khoăn tự hỏi: sao ta không trồng để khai thác mà cứ phải vào rừng tàn phá? Cây mọc trong rừng có trầm, sao ta không tự trồng mà lấy? Từ trăn trở ấy, anh về nhà mày mò tìm sách đọc để hiểu thêm về cây dó bầu và nung nấu một dự định khác người: Trồng cây dó bầu. Dịp may bất ngờ đến với anh, năm 2001, tại Hội chợ Buôn Ma Thuột, anh đã thấy người ta giới thiệu và bán cây giống dó bầu. Anh về bàn với bố mẹ và vợ mua 300 cây về trồng thử. Năm sau thấy cây phát triển tốt, anh lại mua thêm 400 cây nữa về trồng, và năm sau nữa thấy cây lên đẹp quá, anh dốc hết vốn và vay thêm bạn bè mua thêm 500 cây trồng kín diện tích gần 3 ha. Sau 5 năm đầu cây phát triển tốt, đến năm thứ sáu bọ rầy và sâu róm ở đâu đổ về ăn trụi hết lá cây, anh lại phải tìm sách báo đọc rồi mua thuốc về phun, cây xanh tốt trở lại. Trong những năm đầu, cây còn nhỏ, tranh thủ đất trống trồng thêm đậu, sắn, ngô xen kẽ, lấy ngắn nuôi dài; khi cây khép tán không trồng được cây nông sản thì nuôi gà, nhờ vậy trong thời gian ấy cuộc sống gia đình 5 khẩu cũng tạm đủ ăn. Buồn nhất là rất nhiều người không tin vào cây dó bầu có thể mang lại kinh tế cao, có người độc miệng bảo: Trồng chỉ để làm... củi; hay: Cây dó bầu phải trên cả trăm tuổi mới có trầm, chờ đến lúc đó thì... Tuy người ngoài dèm pha nhiều, nhưng trong nhà bố mẹ và vợ lại rất ủng hộ, gia đình tôn trọng niềm đam mê của anh cũng như tin cây dó bầu sẽ mang lại kết quả tốt đẹp, nhờ vậy anh an tâm chăm sóc và tìm hiểu thêm về cách tạo trầm.
Mấy năm gần đây, công nghệ thông tin phát triển, qua mạng anh liên lạc với một số người cùng sở thích và được hướng dẫn đặc tính của cấy dó bầu có trầm. Cây dó bầu trong tự nhiên có trầm là do sâu đục thân, hoặc tác động của tự nhiên làm cây sứt sẹo, những vết thương ấy được cây tiết ra một loại nhựa để tự chữa, lâu dần thành trầm; còn cây trồng ta muốn nhanh có trầm phải tạo ra vết thương và hiện đại hơn là cấy nấm vào trong thân cây để cây hình thành trầm. Từ thông tin quý giá ấy, năm 2011 anh liên hệ với một người bạn ở tỉnh Quảng Nam, nhờ lên tận nơi xem và cấy thử 50 cây, nhưng thất bại. Không nản chí, đầu năm 2012 cũng qua mạng, anh làm quen với một người ở thành phố Hồ Chí Minh, được giới thiệu loại nấm mới cấy cho cây dó bầu sẽ cho trầm chất lượng cao; anh đặt mua và cấy cho 100 cây; sáu tháng sau thử thấy kết quả tốt nên đã đầu tư cấy toàn bộ số cây còn lại trong vườn.
Theo chân vợ chồng chủ nhà, chúng tôi ra thăm khu vườn trồng cây dó bầu. Trên diện tích gần 3 ha, cây dó bầu được trồng thẳng hàng như lô cao su, tán lá khép kín, gốc cây trồng lứa đầu, đường kính phải đến 25cm, cao khoảng chục mét. Quanh gốc cây không có cỏ, chỉ trơ cát và bầy gà đông đúc đang đào bới tìm mồi. Chỉ những chỗ khoan vào thân cây để cấy trầm, Khúc Văn Liệu hoan hỷ nói: ‘Trầm phát triển tốt lắm, hồi tháng ba vừa rồi, có một công ty ở thành phố Nha Trang lên trả giá mua bình quân mỗi cây hai triệu đồng; vườn có hơn một ngàn cây, tính sơ sơ cũng được trên hai tỷ; thấy cây đẹp quá, lại chưa cần phải chi lớn nên em không bán. Giá mua của công ty đó hiện nay là hai lăm đến ba chục triệu một ký trầm; vườn em chăm thêm vài năm nữa thì chắc thu phải gấp nhiều lần giá họ trả hôm nay”. Cô Nguyễn Thị Ngát, vợ anh góp lời: “Ông mất năm kia, giờ còn hai vợ chồng, hai con nhỏ và mẹ già, thu nhập hai cái ao thả cá có diện tích khoảng năm sào, mỗi năm thu hai vụ, mỗi vụ khoảng tấn rưỡi cá, thế là tạm ổn chi cho các việc lớn; còn sinh hoạt hàng ngày có thu nhập từ cây nông sản và chăn nuôi rồi”.
Nhìn đôi vợ chồng trẻ khỏe mạnh, sống trên vùng đất khô cằn, khí hậu khắc nghiệt nhưng dám nghĩ, dám làm đã xây dựng được cuộc sống không những sung túc mà giờ đây còn có thể nói đã thực sự trở thành tỷ phú. Họ có tiền tỷ một cách bất ngờ nhất vì không thể hình dung ra chỉ sau hơn 10 năm, vườn cây đã có giá  cao đến như vậy. Người thanh niên quanh năm lam lũ với đồng ruộng, học vấn chỉ vừa hết trung học cơ sở, không vốn liếng, từ hai bàn tay trắng đã làm nên sự nghiệp, trở thành tỷ phú. Phải chăng chính lòng đam mê và kiên trì mang bản chất con người Việt Nam ham học hỏi, cần cù trong lao động nên đã gặt hái được thành công. Từ mô hình trồng rừng bằng cây dó bầu của anh Khúc Văn Liệu, chúng ta hy vọng không chỉ ở vùng đất cát xã Ea Tyh mà nhiều nơi khác có thể học hỏi để tiến tới có nhiều khu rừng dó bầu, một loại nguyên liệu quý mà thiên nhiên ban tặng cho nước ta sẽ phủ xanh nhiều đồi trọc, mang lại nguồn lợi lớn cho người dân, góp phần không những xóa đói giảm nghèo mà còn trở thành giàu có!





Thứ Hai, 25 tháng 11, 2013

SỐ: 255 - tác giả ĐẶNG BÁ TIẾN






Nơi Đại tướng trở về




Đấy là nơi ngọn gió trong lành
chưa ô nhiễm bởi đời khói bụi

Đấy là nơi sớm tối
ánh sáng trong veo của chính mặt trời

Đấy là nơi chim hót bởi yêu Người
không phải hót cho đời trang điểm

Đấy là nơi lời ru của biển
thật thà lời ru không xu nịnh bãi bờ

Đấy là nơi Bà Huyện* làm thơ
trăng sẽ ngẩn ngơ trong tiếng đàn Đại tướng

Đấy là nơi bốn phương tám hướng
lòng dân hội tụ ở quanh Người
chẳng còn nữa những muộn phiền thế sự
“Vạn đại dung thân”**
thanh thản giữa đất – trời!


24 giời 12.10.2013



* Bà Huyện Thanh Quan tác giả bài thơ nổi tiếng Qua đèo ngang
** Trạng Trình – Nguyễn Bỉnh Khiêm – với câu sấm truyền đời: “Hoàng Sơn nhất đái, vạn đại dung thân”.


SỐ: 255 - tác giả NGUYỄN VĂN THANH





CÁCH MẠNG THÁNG MƯỜI –
KIÊN ĐỊNH VÀ SÁNG TẠO HƠN NỮA


   
Cách đây vừa tròn 96 năm, dưới sự lãnh đạo đúng đắn, sáng suốt của Đảng Bônsêvích Nga và Lênin, giai cấp công nhân và nhân dân lao động Nga đã làm nên một cuộc Cách mạng Tháng Mười vĩ đại mới cho nhân loại.
Thắng lợi này đã chứng minh hùng hồn lời tiên đoán của C. Mác và Ph. Ăngghen được nêu trong “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản” tháng 2.1848 rằng: “Chế độ tư bản chủ nghĩa nhất định sẽ bị thay thế bởi xã hội cộng sản văn minh thông qua quá trình cải biến cách mạng”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đánh giá: “Giống như mặt trời chói lọi, Cách mạng Tháng Mười chiếu sáng khắp năm châu, thức tỉnh hàng triệu người bị áp bức, bóc lột trên trái đất. Trong lịch sử loài người chưa từng có cuộc cách mạng nào có ý nghĩa to lớn và sâu xa như thế”(1). Với ý nghĩa đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Thắng lợi vĩ đại của Cách mạng Tháng Mười đã dạy cho giai cấp công nhân, nhân dân lao động và các dân tộc bị áp bức trên toàn thế giới nhiều bài học hết sức quý báu, bảo đảm cho sự nghiệp giải phóng triệt để của giai cấp công nhân và của cả loài người”(2). Cho đến những ngày tháng cuối cùng của cuộc đời, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn dành trọn tấm lòng thủy chung son sắt, lòng biết ơn vô hạn đối với Lê-nin, Cách mạng Tháng Mười và nhân dân Liên Xô. Người nói: "Việt Nam có câu tục ngữ: "Uống nước nhớ nguồn". Càng nhớ lại những ngày tủi nhục mất nước, nhớ lại mỗi bước đường đấu tranh cách mạng đầy hy sinh, gian khổ mà cũng đầy thắng lợi vẻ vang thì giai cấp công nhân và nhân dân Việt Nam càng thấm thía công ơn to lớn của Lê-nin và Cách mạng Tháng Mười"(3). Cách mạng Tháng Mười đã đi vào lịch sử nhân loại như một sự kiện vĩ đại mở đầu một thời đại mới - thời đại quá độ lên chủ nghĩa xã hội trên phạm vi toàn thế giới.
96 năm đã trôi qua, Cách mạng Tháng Mười vẫn luôn là niềm tự hào bất tận của giai cấp công nhân và nhân dân lao động trên toàn thế giới, đúng như V.I Lênin đã từng nói: "Chúng ta có quyền tự hào và thực tế, chúng ta tự hào là chúng ta có vinh hạnh được bắt đầu xây dựng Nhà nước Xô Viết và do đó, mở đầu một thời đại mới trong lịch sử thế giới, thời đại thống trị của giai cấp mới, giai cấp bị áp bức trong tất cả các nước tư bản chủ nghĩa và ở bất cứ nơi nào cũng đang tiến tới một cuộc đổi mới, tiến tới chiến thắng giai cấp tư sản, tiến tới chuyên chính của giai cấp vô sản, tiến tới giải phóng loài người khỏi ách tư bản, khỏi cuộc chiến tranh đế quốc chủ nghĩa".
Đây được coi là "cuộc cách mạng sâu sắc nhất trong lịch sử loài người, lần đầu tiên trên thế giới chính quyền đã từng trong tay một thiểu số người bóc lột chuyển  sang tay đa số người bị bóc lột". Khác với tất cả các cuộc cách mạng xã hội từng diễn ra trong lịch sử loài người, nhằm thay thế một phương thức bóc lột này bằng một phương thức bóc lột khác thì cách mạng xã hội chủ nghĩa Tháng mười Nga chứa dựng một nội dung vô cùng vĩ đại nhằm thủ tiêu mọi hình thức bốc lột giai cấp và áp bức dân tộc, mở đường thắng lợi cho độc lập dân tộc, dân chủ và chủ nghĩa xã hội trên toàn thế giới. Với ý nghĩa đó, Cách mạng xã hội chủ nghĩa Tháng Mười Nga mở ra một kỷ nguyên mới trong lịch sử loài người. Nó như "Ánh mặt trời rạng đông xua tan đêm tối, cuộc Cách mạng Tháng Mười chiếu rọi ánh sáng mới vào lịch sử loài người " .
Sự sụp đổ của Liên Xô và hệ thống các nước xã hội chủ nghĩa làm cho chủ nghĩa xã hội tạm thời lâm vào thoái trào. Song đó chỉ là sự sụp đổ một mô hình của chủ nghĩa xã hội, nó không đồng nhất với chủ nghĩa xã hội nói chung. Nó buộc những người xã hội chủ nghĩa và các đảng của họ phải tìm kiếm hình thức mới, nội dung mới cho chủ nghĩa xã hội. Bởi vì chủ nghĩa xã hội phát triển trong lòng nhân loại, hấp thụ tinh hoa nhân loại và nở hoa kết trái cho nhân loại. Sự thất bại hay sự biến dạng của chủ nghĩa xã hội nơi này hoặc nơi khác không phải do Cách mạng Tháng Mười gây ra. Cách mạng Tháng Mười không chịu trách nhiệm về những sai lầm chủ quan của các nhà lãnh đạo sau đó. Chủ nghĩa xã hội thế giới từ Cách mạng Tháng Mười Nga đang theo xu hướng tiến lên phía trước tuy phải trải qua con đường quanh co phức tạp, thậm chí có bước thụt lùi tạm thời. Bất chấp những chẩn đoán và dự báo khác nhau về thời cuộc và tương lai, chủ nghĩa xã hội vẫn tiếp tục cuộc hành trình táo bạo, đầy thử thách. Lý tưởng xã hội chủ nghĩa vẫn là bất diệt, vẫn là lý tưởng mà nhân loại tiến bộ đang hướng tới.
Đối với nhân dân Việt Nam, Cách mạng Tháng Mười đã mở ra con đường giải phóng dân tộc khỏi ách áp bức đế quốc thực dân. Đến với Cách mạng Tháng Mười và chủ nghĩa xã hội, những người yêu nước Việt Nam đầu thế kỷ XX tựa như người đi đường đang khát mà có nước uống, đang đói mà có cơm ăn. Từ tình cảm tốt đẹp đến niềm tin khoa học, từ chủ nghĩa yêu nước đến chủ nghĩa xã hội là con đường mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đi; và chính Người đã dẫn dắt nhân dân ta đi trên con đường Cách mạng Tháng Mười. Bằng thực tiễn đấu tranh yêu nước qua các thời kỳ trước và sau Cách mạng Tháng Mười, lịch sử Việt Nam chứng minh rằng nhân dân Việt Nam đã không thể lựa chọn con đường nào khác con đường kết hợp độc lập dân tộc với chủ nghĩa xã hội. Đó chính là ngọn cờ mà Đảng Cộng sản Việt Nam và nhân dân Việt Nam giương cao gần suốt thế kỷ qua. Dưới ánh sáng của Cách mạng Tháng Mười, nhân dân ta đã giành được những chiến công vĩ đại, đánh thắng hai đế quốc xâm lược Pháp và Mỹ, bước tới kỷ nguyên độc lập tự do và quá độ lên chủ nghĩa xã hội.
So với gần một thế kỷ đấu tranh giải phóng dân tộc, thời kỳ hòa bình xây dựng của chúng ta thật ngắn ngủi. Ngoài những chiến công vĩ đại, cùng với những thành tựu to lớn về nhiều mặt, chúng ta cũng đã không tránh khỏi những tổn thất, sai lầm. Năm 1986 Đại hội VI của Đảng Cộng sản Việt Nam đã đề ra đường lối đổi mới toàn diện để đưa đất nước ta thoát khỏi khủng khoảng kinh tế - xã hội. Tiếp đến các Đại hội VII đến Đại hội XI của Đảng là quá trình không ngừng bổ sung, hoàn thiện, phát triển đường lối đổi mới. Đường lối đó là kết quả sự vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lê-nin vào điều kiện cụ thể của đất nước trong bối cảnh mới của tình hình thế giới, trên cơ sở kiên định mục tiêu, lý tưởng xã hội chủ nghĩa - lý tưởng của Cách mạng Tháng Mười vĩ đại.
Sau gần 30 năm thực hiện đổi mới, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu to lớn, toàn diện. Cùng với tăng trưởng kinh tế, sự ổn định kinh tế vĩ mô được duy trì, các mặt chính trị, xã hội, quốc phòng và an ninh được bảo đảm và ổn định. Trong đó có những thành tựu rất đáng khích lệ về thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội gắn bó chặt chẽ với tăng trưởng kinh tế, phát triển nguồn lao động và chất lượng lao động, khoa học và công nghệ. Những thành tựu đó đã tạo ra thế và lực mới cho nước ta, đưa nhân dân ta vững bước trên con đường Cách mạng Tháng Mười.
Đất nước ta đang bước vào thời kỳ phát triển mới, đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước để xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật vững chắc, thực hiện bước quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Đây là một cuộc cách mạng toàn diện và sâu sắc trong tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, nhằm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020. Hơn lúc nào hết, mỗi một chúng ta cần kiên định và sáng tạo hơn nữa con đường Cách mạng Tháng Mười Nga, chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh.



------------------------------

(1), (2) (3). Hồ Chí Minh: toàn tập, NXB CTQG, Hà Nội 2002, tập 12.

Chủ Nhật, 24 tháng 11, 2013

SỐ: 255 - tác giả PHAN QUỐC BÌNH




Đảo yến
         Kính dâng anh linh Đại tướng Võ Nguyên Giáp



Đảo yến
con mắt miền Trung
nhô cao
nhìn
bốn phương tám hướng
nghìn năm chưa rời vị trí chỉ huy
dõi theo đội ngũ Hoàng Sa Trường Sa
nghìn năm
Đảo Yến
chờ gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp
Người về đây
thức cùng với sóng.



10.10.2013

SỐ: 255 - tác giả PHAN QUỐC BÌNH




Đảo yến
         Kính dâng anh linh Đại tướng Võ Nguyên Giáp



Đảo yến
con mắt miền Trung
nhô cao
nhìn
bốn phương tám hướng
nghìn năm chưa rời vị trí chỉ huy
dõi theo đội ngũ Hoàng Sa Trường Sa
nghìn năm
Đảo Yến
chờ gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp
Người về đây
thức cùng với sóng.



10.10.2013

Thứ Bảy, 23 tháng 11, 2013

SỐ: 255 - tác giả HỮU CHỈNH

Chú thích ảnh: Những người già không quản đường sá xa xôi vẫn cùng con cháu đến viếng Đại Tướng

KÝ ỨC MỘT LẦN ĐƯỢC GẶP
ĐẠI TƯỚNG VÕ NGUYÊN GIÁP




Năm 1999, tôi theo đoàn văn nghệ, báo chí từ Đắk Lắk làm cuộc hành hương về Bắc. Lịch trình đã vạch sẵn, nhưng được tin Đại tướng Võ Nguyên Giáp sẽ lên Điện Biên dự lễ kỷ niệm 45 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (lúc đó còn thuộc tỉnh Lai Châu) nên chúng tôi đã thay đổi lịch trình để ngày 6 tháng 5 tới được Điện Biên, ngày 7 tháng 5 sẽ nhìn thấy Đại tướng, dù biết phải đứng xa cũng hạnh phúc lắm rồi.
Trằn trọc suốt đêm, mong trời sáng để ra sân vận động Điện Biên, cố len vào chỗ thuận tiện để dễ nhìn ngắm. Vị tướng huyền thoại, anh hùng dân tộc, thắng mấy đời đế quốc đã ăn sâu trong tâm trí tôi, nên náo nức chờ mong là lẽ đương nhiên. Tôi lạc giữa rừng người, muôn sắc màu Tây Bắc sống động như quây quần, như dồn tụ. Lấp lánh khăn piêu, phấp phới bao lưng reo cùng nắng sớm, lòng người cũng hát ca cùng “Hò kéo pháo” trầm hùng, của “Giải phóng Điện Biên” náo nức.
Rồi có tin Đại tướng không lên được. Tôi cũng như mọi người cảm thấy hụt hẫng, chơi vơi.
Phạm Doanh đi cùng đoàn có bàn: “Lễ hội thì nơi nào chả có, ta đi Mường Phăng xem Sở chỉ huy mặt trận coi như gặp Đại tướng”. Hầm của Đại tướng có đường hào thông với hầm của Tướng Hoàng Văn Thái và hầm của Tướng Lê Liêm. Phòng họp vẫn còn, tưởng như thấy nếp nhăn suy tư trên mặt các tướng lĩnh đang cúi xuống bản đồ lòng chảo Mường Thanh khi Đại tướng ra quyết định lịch sử, từ phương án đánh nhanh thắng nhanh sang đánh chắc thắng chắc. Đây là quyết định xuất thần của thiên tài, giàu tính nhân văn bởi đỡ tổn hao xương máu.
May mắn cho tôi, năm 2000 được về dự Hội nghị văn nghệ toàn quốc. Khi nghe giáo sư, tiến sĩ Tô Ngọc Thanh giới thiệu có Đại tướng Võ Nguyên Giáp đến dự, cả hội trường vỡ òa, đứng dậy, vỗ tay chào mừng Đại tướng. Tôi ngồi hàng ghế thứ ba hơi chếch một chút so với hàng ghế đầu, mải mê ngắm nhìn Đại tướng mà quên mất những gì đang diễn ra trong hội nghị.
Đến giờ nghỉ, mọi người ào ra, tôi cũng len theo. Bên cạnh Đại tướng là nhà thơ Tố Hữu mà tôi đã gặp đôi lần. Tiếp cận với Đại tướng vào tuổi 90 vẫn minh mẫn, tươi cười, đôn hậu. Tôi mạnh dạn thưa với Đại tướng:
- Thưa bác, cháu từ Đắk Lắk về Hà Nội, được gặp bác là niềm vinh hạnh và may mắn cho cháu.
Đại tướng hiền từ nói:
- Thế là ở Tây Nguyên rồi. Đồng bào và chiến sĩ Tây Nguyên trong hai cuộc kháng chiến gian khổ lắm, anh dũng lắm, thương lắm.
Chỉ một câu ngắn vậy thôi mà tôi thấy chan chứa ân tình.
Tấm ảnh được chụp chung với Đại tướng tôi coi như báu vật, được treo nơi trang trọng.
Vẫn biết là quy luật, nhưng hay tin Đại tướng đã về cõi vĩnh hằng, tôi vẫn lặng đi. Mấy ngày không cầm nổi bút, chỉ ngồi thẫn thờ mà hồi tưởng lại lần duy nhất trong đời được gặp Đại tướng kính yêu.
Đại tướng đi gặp Bác Hồ và các bậc tiền bối cách mạng cùng các bậc tiên hiền từ thuở Hùng Vương dựng nước. Đất nước ghi công, dân tộc nhớ ơn muôn năm vị Đại tướng - nhân văn, Đại tướng – người hiền.


Ngày 8.10.2013


Thứ Sáu, 22 tháng 11, 2013

SỐ: 255 - tác giả VĂN THẢNH





Chú thích ảnh trên:  Đã 48 ngày qu đi, nhưng nhân dân ở mọi miền đất nước vẫn nối nhau vào viếng Đại tướng.


VỊ TƯỚNG CỦA HUYỀN THOẠI



Trong 2 cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc ta đã sản sinh ra không ít vị tướng tài được Đảng ta nhà nhân dân ta ghi nhận. Trong số đó không thể không kể đến vị đại tướng đầu tiên của các lực lượng vũ trang cách mạng Việt Nam - Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Không phải chỉ có người Việt Nam ở thế hệ Hồ Chí Minh mà cả thế giới từ những năm 40 của thế kỉ XX đến nay đều đã biết những điều rất cơ bản về thân thế và sự nghiệp của Võ Nguyên Giáp – một trong số ít các vị tướng tài của nhân loại ở thế kỷ XX. Ông là tổng tư lệnh đầu tiên và qua 2 cuộc kháng chiến thắng Pháp và đuổi Mỹ của dân tộc Việt Nam. Ông là vị tướng đầu tiên được Đảng, Nhà nước và Chủ tịch Hồ Chí Minh phong quân hàm Đại tướng từ khi ông mới 38 tuổi. Ông là vị chỉ huy của Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân gồm 34 người - tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam. Ôâng là Tư lệnh đầu tiên của các tư lệnh thuộc QĐNDVN. Ông là Tư lệnh duy nhất làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ - đòn quyết định của quân và dân ta đánh bại ý chí xâm lược của thực dân Pháp tháng 5.1954. Ông là vị tư lệnh tối cao thay mặt Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương ra lệnh cho các cánh quân của ta (tháng 4.1975) hợp quân dứt điểm chiến tranh tại nội đô Sài Gòn bằng bức điện nổi tiếng: “Thần tốc! Thần tốc hơn nữa! Táo bạo! Táo bạo hơn nữa”, trong chiến dịch tổng tấn công lịch sử mang tên Hồ Chí Minh. Ông là vị tướng và là chính khách duy nhất trong thể chế Hồ Chí Minh có tới 12 cuốn sách do mình viết ra mà cuốn đầu tiên rất dày có tên “Những năm tháng không thể nào quên”. Ông là đại diện cho quân đội của một dân tộc từng “đánh thắng hai đế quốc to” là Pháp và Mỹ mà bản chất đội quân ấy vô cùng bình dị, đáng yêu: Từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu! Đó là yếu tố quan trọng và tiên quyết để dân tộc ta chiến thắng mọi kẻ thù xâm lược, dù chúng là thực dân, đế quốc hay bọn bành trướng, ở phía Bắc xâm lấn biên giới Tây Nam tổ quốc. Ông là người được vinh danh là người Anh Cả của các lực lượng vũ trang Việt Nam.
Trong đội quân hàng triệu người của vị Tư lệnh ấy, tôi là người phục vụ trong quân ngũ chưa đầy 4 năm, trong đó ở chiến trường Quảng Trị chưa được 4 tháng (tính từ sau Tết Nguyên Đán 1972). Tôi bị thương ở một khu rừng cây nhỏ, bên phía Triệu Phong. Khi theo tuyến tải thương ra đến Quân y viện tại Lệ  Thủy (lúc ấy tôi chưa biết đấy là quê hương Đại tướng Võ Nguyên Giáp), tôi mới được tin: Quân ta mở chiến dịch tấn công thành cổ, giải phóng Quảng Trị mùa hè 1972 mà quân ngụy Sài Gòn gọi là “mùa hè đỏ lửa”, còn khi kết thúc chiến dịch, ta gọi đó là “Thành cổ 82 ngày đêm”. Về sau, tôi được biết Tư lệnh mặt trận Quảng Trị bấy giờ là tướng Lê Trọng Tấn, Chính ủy mặt trận là tướng Lê Quang Đạo. Sau này, thống nhất đất nước, ông Lê Quang Đạo giữ chức Chủ tịch Quốc hội. Còn tướng Lê Trọng Tấn, tôi nghe phong thanh rằng ông chết trước khi sắp được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Bộ Quốc phòng. Hiện nay, một đường phố ở Thủ đô Hà Nội đã được mang tên ông. Lại nói đầu hè năm 1972, tại nơi gần đại bản doanh mặt trận Quảng Trị, hai bên các dòng suối, dây điện thoại hữu tuyến rải dọc từ ngoài Bắc vào ước chừng ôm cả ôm không xuể. Trong đó, có một đường dây của Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp nối với Trung tướng Lê Trọng Tấn. Tôi có nghe mấy anh lính thông tin ở đại bản doanh ra cùng nằm viện với tôi kể lại: Hữu tuyến a lô, cụ Giáp điện cho cụ Tấn, nhắc cụ Tấn cho các cánh quân ta xiết chặt địch, không cho nống ra các điểm cao và nhảy dù vào thành cổ. Lần này ta sẽ quyết tâm giải phóng tỉnh Quảng Trị, không để như thời Mậu Thân – 68 nữa đâu.
Nói là làm, Đại tướng là thế.
Tôi cũng được biết, từ khi là Chủ nhiệm Hội Báo chí Đông Dương, rồi làm cán bộ Việt Minh, nhà giáo Võ Nguyên Giáp đã kịp tìm hiểu và làm quen với cô Nguyễn Thị Quang Thái. Tình yêu nảy nở, hai người động viên, dìu dắt nhau cùng hoạt động trong Tổng hội Việt Minh. Ít lâu sau, bà Quang Thái được tổ chức cử đi Sài Gòn để liên lạc và truyền đạt mệnh lệnh tới bà Nguyễn Thị Minh Khai - lãnh đạo của Xứ ủy Nam Kỳ lúc bấy giờ. Tiếc thay, khi chưa tới được Sài Gòn, bà Quang Thái đã bị thực dân Pháp bắt và đem về giam giữ tại nhà ngục Hỏa Lò (Hà Nội). Khi biết bà là vợ của Đại tướng Võ Nguyên Giáp (lúc ấy ông đang ở Việt Bắc cùng Bác Hồ và các đồng chí Trung ương chỉ đạo xây dựng Đảng và đẩy mạnh kháng chiến toàn quốc), thực dân Pháp đã đưa vào biệt giam và bí mật thủ tiêu bà. Khi ông đang là Tổng tư lệnh, điều động các đại đoàn (sau này là các sư đoàn 308, 304…) đánh chiếm và giải phóng các đồn binh Pháp như Phai Khắt, Nà Ngần trên tuyến biên giới Việt - Trung, chặn viện binh Pháp từ dưới Hà Nội lên hoặc từ Sơn La, Lào Cai sang. Ông gánh cả hai vai: Thù nhà, nợ nước. Từ đấy, dọc đường kháng chiến, cán bộ, chiến sỹ các đại đoàn từ An toàn khu ATK cho đến núi rừng biên giới Việt Bắc, ai ai cũng thấy Đại tướng luôn đeo băng tang vợ trên nắp túi áo ngực phải.
Có lẽ, theo tôi, đấy không chỉ còn là câu chuyện riêng của vị Đại tướng Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam mà còn là câu chuyện chung của cả dân tộc này, của cả đất nước này. Đúng như một câu đối mà người đồng chí, đồng đội đã tặng Đại tướng Võ Nguyên Giáp:
Văn ngời nghiệp võ bừng đất nước
Võ dậy hùng văn sáng non sông.
Sự hiểu biết và kỉ niệm của tôi nhớ về Đại tướng Võ Nguyên Giáp chỉ đơn giản có vậy thôi, nhưng khi được biết quá trình trở thành Đại tướng, ông chưa hề có được một buổi theo học một lớp quân sự nào, cứ thế mà theo Đảng, theo Bác Hồ, vì nhân dân mà hy sinh, chiến đấu. Vậy đấy, ông thực sự là vị tướng huyền thoại đầy bản lĩnh, giàu nhân cách mà tôi và các thế hệ sau tôi phải học tập, noi gương, phấn đấu suốt đời, không đơn giản chỉ vì ông vốn là thầy giáo dạy lịch sử.
HỮU CHỈNH




Thứ Năm, 21 tháng 11, 2013

SỐ: 255 - tác giả LÊ ANH PHONG





 Chú thích ảnh trên: Chúng con canh giấc ngủ cho Đại tướng

Đất mẹ đón Người

        Kính dâng hương hồn Đại tướng Võ Nguyên Giáp




Phải đâu
Người vội đi xa?
Ra đi
Là để về nhà đó thôi
Quảng Bình
Quê mẹ yêu ơi
Chiều nay
Đất mẹ đón người con xa…

Nhọc nhằn
Năm tháng can qua
Bay xuyên thế kỉ
Chói lòa sao băng
Chân tình
Đại – Tướng – Nhân – Dân
Thiên tài huyền thoại
Nhân tâm vĩnh hằng.

Một đời
Tận tụy vì dân
Mang hồn Đất Mẹ
Tảo tần gió sương
Đức - Nhân - Trí - Dũng
Phi thường
Chuyển xoay lịch sử
Nêu gương anh hùng


Anh minh
Nhẫn nại
Khiêm nhường
“Dĩ công vi thượng”
Xem thường công danh
Trở về Mẹ Đất
An lành
Chim bằng sải cánh
Thênh thênh… vút trời…!

SG, 13.10.2013


Thứ Tư, 20 tháng 11, 2013

SỐ: 255 - tác giả LÊ ĐÌNH LIỆU






NGƯỜI ĐI TÌM ĐẤT TRỒNG RỪNG

Hòn ngọc viễn đông” nơi người ở khắp Bắc - Trung - Nam, miền xuôi, miền ngược đua nhau tìm đến bon chen, mua bán, phô bày mọi tính cách, mọi tài năng để kiếm tiền sống qua ngày hoặc làm giàu, trở nên ông này bà nọ… nhưng đối với Bùi Khánh Mậu lại không như vậy. Tìm đến phường Bình Trị Đông, quận Bình Tân, thành phố Hồ Chí Minh hỏi thăm cựu chiến binh Bùi Khánh Mậu dân phố biết ngay là “Người đi tìm đất trồng rừng”.
Nhập ngũ năm 1967, Bùi Khánh Mậu được huấn luyện và chiến đấu qua nhiều chiến trường. 24 năm quân ngũ anh hiểu rất rõ sự khắc nghiệt của đạn bom chiến tranh và sức hủy diệt của chất độc hóa học mà đế quốc Mỹ trút xuống núi rừng và làng quê Việt Nam. Mới hôm nào rừng cây còn trải màu xanh biếc “rừng che bộ đội rừng vây quân thù” hùng vĩ, điệp trùng, bóng rợp một vùng nhưng bom đạn dội lên, chất độc hóa học tưới xuống, rừng trở thành trơ trụi, không lá, không cành, chỉ còn cái gốc khô cháy, nám đen, đầy vết sẹo. Hình ảnh đó cứ ám ảnh Bùi Khánh Mậu theo anh cho đến tận bây giờ.
Năm 1991, thiếu tá Bùi Khánh Mậu nghỉ hưu, về vùng đất Sài Gòn, nơi phồn hoa tráng lệ. Cuộc sống đô thành với nhiều điều kiện thuận lợi để anh cùng vợ là chị Nguyễn Thị Dung làm nên một “Thương hiệu” nào đó tại thành phố có số dân đông nhất cả nước. Năm tháng trôi đi, ký ức về chiến tranh về những cánh rừng bị tàn phá lại lần lượt hiện về trong anh. Cuộc sống nơi đô thành ồn ào, náo nhiệt trong nhịp bước chuyển mình thời công nghiệp hiện đại không níu kéo được anh khi mà cả trong giấc ngủ cứ đau đáu những nghĩ suy về việc đi tìm đất trồng rừng. Thế rồi sau một năm kỷ niệm ngày rời quân ngũ, năm 1993 anh bắt đầu lên đường đi tìm “Thương hiệu” của mình nơi rừng hoang đất trống. Bùi Khánh Mậu đi về vùng đất “Chiến khu D” Lộc Ninh, Tây Ninh, Tân Uyên, Bình Phước - mảnh đất hứng chịu dày đặc bom mìn, nơi đồng đội anh đổ máu xương quá nhiều trong cuộc trường chinh chống Mỹ. Tuy rằng mình là người đến sau, nhưng Bùi Khánh Mậu cũng kịp trồng xuống mảnh đất chiến trường xưa 10 hécta cao su để cùng góp sức trả màu xanh cho quê hương xóa đi những vết tích bom cày, đạn xéo. Không dừng lại ở đó, anh lại tiếp tục đi tìm…
Tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, anh lập chòi lật đất tại xã Tóc Tiên, một xã vùng sâu của huyện Tân Thành. Vì chỉ nơi này còn đất cho anh trồng rừng. 12 hécta đất trống phải sang nhượng với dân, anh đầu tư vào đây bước đầu 5 lượng vàng tương đương 23.250.000 đồng (năm 1993). Những tháng ngày lăn lộn nơi đất trống, mệt mỏi toan tính với vùng đất chưa quen thổ nhưỡng cùng với số tiền bỏ ra không nhỏ của người lính vừa hạ ba lô. Anh tìm đến các trang trại, đến các chủ nhân trồng rừng và rồi mang mẫu đất đến Viện Nông - Lâm nhờ phân tích kiểm nghiệm để đi đến kết luận: Chất đất phù hợp với cây keo và bạch đàn. Từ đó, màu xanh cứ thế vươn lên, làng quê Tóc Tiên ngày một khởi sắc. Người dân tìm đến Bùi Khánh Mậu để học tập một hướng đi thoát nghèo và làm giàu từ cách “trồng cây gì? nuôi con gì?” mà cựu chiến binh Bùi Khánh Mậu đã dày công tìm kiếm. 19 năm, rừng keo và bạch đàn của anh với diện tích 12 hécta, trong đó có 3,5 hécta muồng thuộc loại cây lấy gỗ nhóm I đã qua các kỳ khai thác. Rừng của anh, của dân cứ thi nhau mọc, xã vùng ven thực sự trở thành “quê hương xanh” giữa dải đất miền Đông nắng gió. Đêm đêm thao thức nghe vùng biển Bà Rịa - Vũng Tàu dội sóng. Tiếng sóng như thúc giục anh nghĩ suy về một hướng đi tiếp. 12 hécta ở xã Tóc Tiên này mới chỉ là góp với rừng chút xíu. Anh lặn lội lên đến Tây Nguyên, đến với cánh rừng phía đông Đắk Lắk, một thời nơi đây là vòng tuyến vây quân thù để làm nên chiến thắng giải phóng Buôn Ma Thuột mùng 10 tháng 3 năm 1975 tạo thời cơ quan trọng cho chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng.
Tháng 4 năm 2004, Bùi Khánh Mậu ký hợp đồng trồng rừng với Công ty Lâm nghiệp Phước An thuộc huyện Krông Pắc, tỉnh Đắk Lắk. Đây có thể coi là cuộc đọ sức quyết liệt giữa một bên là cựu chiến binh Bùi Khánh Mậu và một bên là 36 hécta đất trống bạc màu, hoang hóa từ nhiều năm trên địa bàn xã Vụ Bổn không mấy ai mặn mà nhòm ngó. Sự xuất hiện của Bùi Khánh Mậu gây sự chú ý cho cả Công ty Lâm nghiệp Phước An, bởi lẽ đã qua nhiều đợt giao đất trồng rừng cho cán bộ công nhân viên mà chẳng có ai dám nhận. Cả xã Vụ Bổn xôn xao bàn tán về cái “gan to” của ông chủ đất mới “từ trên trời rơi xuống”. Riêng Bùi Khánh Mậu vẫn lặng lẽ tìm cách làm. Anh tự nhủ: “Có như thế mình mới còn phần”. Mất mấy tháng trời nằm võng ở rừng, Bùi Khánh Mậu đã đánh thức 36 hécta bật dậy bằng tiếng máy ủi, máy múc, máy cày. Nơi hoang vu của hàng ngàn bụi le, ụ mối, của lớp lớp gốc cây chết vùi dưới đất, của chằng chịt dây leo… Con suối Krông Pắc chảy qua, mùa khô thì hiền như già làng, bến nước; mùa mưa thì hung dữ dâng nước ngập hết đường đi, đôi khi cô lập toàn thôn Thanh Sơn, nơi có 36 hécta đất của Bùi Khánh Mậu với trung tâm xã Vụ Bổn.
Để có được 22 hécta trồng keo và bạch đàn xanh tốt (14 hécta đang tiếp tục cải tạo), Bùi Khánh Mậu đã đầu tư cho mỗi hécta tới 25 triệu đồng. Diện tích 36 hécta đã ngốn hết 900 triệu đồng của anh. Qua 9 năm lật đất trồng rừng. 22 hécta đã chuẩn bị vào đợt khai thác lần thứ hai. Gần 2000 Ste gỗ keo và bạch đàn sẽ được ký hợp đồng bán cho cơ sở chế biến bột giấy xuất khẩu, anh sẽ thu về số lượng tiền không hề nhỏ.
Con đường làm nên thương hiệu “Tìm đất trồng rừng” nét đơn của cựu chiến binh Bùi Khánh Mậu trải qua bao gian nan vất vả, bao nỗi thăng trầm ở chốn rừng xanh. Anh đã góp cho Tây Nguyên màu xanh quê hương trên vùng đất trống. Anh cũng đã xây dựng cho nơi đây một hồ nước gần 3 hécta. Hồ Krông Búk Hạ ra đời - một đập nước được xây dựng kiên cố, trấn giữ không cho nước lũ tràn về chia cách làng quê, luôn luôn đầy nước phục vụ tưới tiêu cho bạt ngàn cây công nghiệp và nông nghiệp mà ngàn đời chưa có. Bùi Khánh Mậu để lại cho Tây Nguyên hình ảnh cựu chiến binh dám nghĩ dám làm. Có lẽ không xa nữa hồ Krông Búk Hạ sẽ là khu du lịch vui chơi giải trí cho khách gần xa tìm về tận hưởng môi trường xanh - sạch - đẹp.
Cựu chiến binh Bùi Khánh Mậu đã chiến thắng, bởi vì anh đã mang cái tâm của mình đến với rừng: “Nó không chết. Chất độc hóa học đã rứt hết hoa lá nó. Bom đạn đã phạt hết nhánh nó. Nhưng rễ nó, rễ nó cuồn cuộn như con rồng trườn trên mặt đất. Rễ nó cũng to lớn, hùng vĩ như cành nó. Rễ nó ăn sâu tận đất đen, rồi mưa xuống, nó lấy sức từ lòng đất vọt lên khi nó gặp những con người có tâm với nó.” 19 năm gắn bó với rừng. Rừng vẫn bên anh. Mỗi năm 2 lần từ thành phố Hồ Chí Minh, anh cùng vợ con đi “du lịch” về rừng, thăm rừng và đưa ra các phương án để người trông coi rừng giúp anh ở các trang trại triển khai kế hoạch chăm sóc và bảo vệ rừng. Mỗi chuyến đi là những nụ cười rạng rỡ của vợ chồng anh, của các con anh khi các con đang cần thu thập thêm nhiều tư liệu ở anh để những trang văn, trang thơ, những chương hồi ký về “Người đi tìm đất trồng rừng” tham gia bảo vệ môi trường theo thời gian xanh mãi.





GIỚI THIỆU SỐ: 255 - THÁNG 11 NĂM 2013









Thứ Ba, 19 tháng 11, 2013

SỐ: 254 - tác giả HỒNG CHIẾN






NHỮNG NGƯỜI BẠN THỦY CHUNG

Ghi chép



Cách đây gần tròn 35 năm, Công ty Khai hoang Cơ giới 4 thuộc Bộ Nông nghiệp được thành lập, đảm nhiệm công tác khai hoang chủ lực trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên. Năm tháng trôi qua, sau vết xe lăn của Công ty đã hình thành nên những cánh đồng lúa, cà phê, cao su… bạt ngàn; hay các công trình giao thông, thủy lợi… góp phần khắc phục tình trạng “đói” nước cho con người và muôn loài nơi đây. Thành quả các anh để lại chính là những công trình bền vững với thời gian và ngày càng phát huy hiệu quả kinh tế, góp phần quan trọng trong công cuộc chinh phục thiên nhiên, bắt “rừng thiêng nước độc” phục vụ con người và giúp con người có cuộc sống ấm no hạnh phúc. Tây Nguyên huyền bí là thế, nhưng các anh đã chinh phục tất cả, để đem lại sự huyền diệu cho cuộc sống, góp phần làm trù phú thêm cho cả một vùng đất rộng lớn của Tổ quốc.
35 năm thời gian chưa phải là nhiều so với bề dày của lịch sử đất nước, nhưng những người công nhân Công ty Cơ giới 4, và hôm nay có tên gọi mới: Công ty cổ phần thi công cơ giới Đồng Tâm (Công ty Đồng Tâm) vẫn tiếp tục gánh trọng trách là người bạn lớn thi công các công trình giao thông thông thủy lợi hay khai hoang phục hóa không chỉ ở Việt Nam mà còn vươn qua các nước bạn như: Lào, Vương quốc Cam Pu Chia. Các công trình nối tiếp các công trình, được hoàn thành đưa vào sử dụng mang dấu ấn những người công nhân Công ty Đồng Tâm. Năm tháng qua đi, ba thế hệ nối tiếp nhau cùng chung tay xây nên lịch sử Công ty có truyền thống đoàn kết nội bộ, cùng nhau vượt qua gian nan thử thách để hoàn thành xuất sắc kế hoạch đề ra; cũng như tạo dựng được một thương hiệu đứng được với thời gian; và có lẽ nhờ thế, đến hôm nay Công ty vẫn có đủ việc làm cho công nhân, thu nhập nhập ổn định. Trong thời buổi suy thoái kinh tế toàn cầu Công ty vẫn hoạt động bình thường, lợi nhuận cao, đó quả là một kỳ tích đáng khâm phục. Điều gì giúp công ty Đồng Tâm đạt được điều ấy, tôi muốn đi tìm một câu trả lời cho những tò mò của mình nên tìm đến Công ty.
Ông Trần Đức Thành – Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Đồng Tâm vui vẻ đón tôi tại phòng làm việc. Với giáng cao gầy, phát âm “chuẩn” tiếng xứ Thanh mà quá nửa đời người xa quê vẫn không bỏ được. Người Thanh Hóa là thế, mộc mạc, dễ gần và vui tính. Anh em quen biết nhau đã lâu lại đồng hương “rau má” nên trao đổi cũng cởi mở. Ông cho biết: Sau 35 thành lập, Công ty đã phục vụ các đơn vị như: Công ty cà phê Thắng Lợi, Công ty cà phê Phước An, các đơn vị trong Tổng công ty cà phê Việt Nam, Công ty Cao su Đắk Lắk, Krông Buk, Ea H’leo, Binh đòan 15, Binh đoàn 16… Từ năm 2005, Công ty Cao su Đắk Lắk đầu tư sang Lào, Công ty Đồng Tâm được phục vụ công tác khai hoang trồng cao su trên đất bạn đến năm 2009 tiếp tục chuyển qua Campuchia làm cho Công ty cao su Đakmoruko. Năm 2010 nhận công việc khai hoang và trồng cao su cho Công ty cao su Krông Buk Ratanakiri tại Campuchia… Có thể nói sự thành công của Công ty như hôm nay là nhờ sự ưu ái của các đơn vị bạn giành cho Công ty trong suốt 35 năm qua; dù đó là nơi thuận tiện như ở trong nước hay khó khăn, gian khổ như trên đất nước bạn.
Kể về các đơn vị bạn từng ký kết hợp đồng công việc với Công ty, tôi thấy mắt ông sáng lên, giọng hồ hởi: Vì sao Công ty Đồng Tâm lại được ưu ái như thế? Điều đầu tiên và quan trọng nhất của bạn hàng thời cơ chế thị trường là chữ TÍN. Anh phải tạo dựng được lòng tin ở những đối tác – bạn hàng bằng chính việc làm cụ thể thông qua công việc được giao: Kết quả thế nào, chất lượng ra sao, thời gian hoàn thành… dù Công ty có khó khăn đến mấy cũng đảm bảo đúng tiến độ thi công, không để lỡ công việc của đơn vị bạn. Xây dựng được chữ TÍN đã khó, giữ được nó trong lòng bạn bè lại càng khó hơn và đó là cả một quá trình mà từ cán bộ đến công nhân Công ty phải cùng nhau nâng niu, gìn giữ. Có thể nói, đến hôm nay chúng tôi đã làm tốt điều đó; các công trình hoàn thành và bàn giao cho đơn vị bạn trở thành những kỷ vật khó quên như Công ty cà phê 719 đặt tên cây cầu trên công trình Công ty thi công là cầu Đồng Tâm; điều ấy làm anh em chúng tôi hết sức cảm động. Con đường đơn vị thi công sau một thời gian nhất định phải làm lại, cây cầu cũng có tuổi thọ nhất định rồi cũng phải xây lại cây cầu mới, nhưng tên Đồng Tâm sẽ còn đứng được với thời gian. Cái tên cầu Đồng Tâm không chỉ ghi danh đơn vị thi công mà còn thể hiện tình cảm của hai công ty gắn bó chân tình với nhau. Hạnh phúc của những người thi công các công trình là sau khi bàn giao, các công trình ấy phát huy hiệu quả đúng như thiết kế. Đến hôm nay nhìn lại các công trình Công ty thi công cho Công ty cao su Đắk Lắk, Công ty cao su Krông Buk trên nước bạn Lào và Cam Pu Chia đã và đang mang lại hiệu qủa kinh tế cao, chúng tôi mừng lắm. Mừng vì chất lượng công trình chúng tôi thi công đảm bảo, mừng vì đơn vị chủ quản kinh doanh phát đạt và vì thế khi có công trình mới liên quan đến nghề chúng tôi, họ sẽ nhớ đến những người ở Công ty Đồng Tâm “mát tay” mà giao việc. Công ty rất cảm ơn các bạn hàng đã đồng hành cùng chúng tôi suốt 35 năm qua và hy vọng tiếp tục cùng song hành trong thời gian tới, gặt hái được những thành công mới!
Ông Bí thư kiêm Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Đồng Tâm say sưa trao đổi với tôi về các đối tác “ruột”, những người bạn chí cốt từng cộng tác với nhau với một vẻ tự hào. Những người bạn cùng đồng cam cộng khổ lúc khó khăn vất vả đã hết lòng vì công việc của nhau, thể hiện một tình bạn trong sáng. Có người nói: “Trong cơ chế thị trường, thương trường là chiến trường”; vì công việc, nhiều công ty tranh giành, lừa gạt nhau để tồn tại, để có lợi... Nhưng quan hệ đối tác trong công việc tại Công ty Đồng Tâm, tôi thấy ở đây chỉ có tình bạn, lấy niềm tin làm đầu. Từ niềm tin ấy các công việc được giao nhận đúng quy trình, mang lại niềm vui cho cả đôi bên. Điều ấy quả là hạnh phúc cho những người lao động hôm nay và chắc chắn có cả những người làm công tác quản lý, điều hành các công ty. Người Việt chúng ta vốn trọng chữ TÍN đúng như ông Trần Đức Thành đã nói, và nếu giữ được chữ tín ấy mọi công việc mới dẫn đến thành công; tôi nghĩ các anh đã làm được đúng điều đó.

Chia tay Công ty Đồng Tâm, tôi thấy vui vui vì câu hỏi của tôi đã được trả lời. Công ty Đồng Tâm “đứng” được và phát triển trong thời buổi khó khăn này bởi họ có một truyền thống tốt đẹp xây dựng từ lâu và lớp sau kế tiếp lớp trước chung tay gìn giữ trọn vẹn hai chữ “đồng tâm” trong đối nội. Về đối ngoại, họ đã xây dựng được sự tin cậy đối với các bạn hàng. Chính những người “bạn” ấy đã tạo điều kiện để đôi bên cùng phát triển. Ông cha ta từ xưa đã từng có lời dạy con cháu: “Giàu vì bạn…” quả là đúng. Xin chúc cho Công ty Đồng Tâm cùng các bạn hàng đã và sẽ mãi mãi là những đối tác tin cậy của nhau.