Thứ Sáu, 15 tháng 11, 2013

SỐ: 254 - tác giả Y CHEN NIÊ

LỜI NÓI VẦN ÊĐÊ – MỘT VÀI ĐẶC ĐIỂM



Trong kho tàng văn hoá dân gian Êđê, lời nói vần (klei duê) là một bộ phận văn hoá dân gian ngôn từ xuất hiện phổ biến, được phát triển mạnh mẽ trong cộng đồng dân tộc Êđê. Có thể nói, lời nói vần là “ngôn ngữ nghệ thuật đặc biệt” được tạo ra bởi tri thức dân gian, góp phần làm phóng phú, đa dạng di sản văn hoá dân gian và bản thân ngôn ngữ, tiếng nói của dân tộc Êđê.
Lời nói vần có mặt trong tất cả thể loại văn học dân gian, như: Truyện cổ tích (klei đưm), lời khấn thần (riu yang), câu đố (klei mđăo), hát khóc (chok hia), luật tục (klei bhiăn kđi), hát đố (klei mđăo), hát giao duyên (ei rei), sử thi (khan)... Nội dung của nó đề cập đến mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, được đúc kết và truyền dạy từ đời này sang đời khác.
Trong tiếng Êđê, lời nói vần thường được dùng với từ ghép klei duê hay bi duê blu. Từ “klei” có nghĩa là lời nói, “duê” có nghĩa là nối kết. “Klei duê” là lời nói có sự nối kết  với nhau bằng các âm tiết cùng vần hoặc bằng từ có các âm tiết tương đồng. “Klei duê” có nghĩa tương đồng với cụm từ “lời nói vần” trong Tiếng Việt.
 Trong đời sống đồng bào Êđê, lời nói vần luôn chiếm một vị trí đặc biệt, nó giúp ích, thiết thực cho việc trao đổi thông tin, giao tiếp, giúp cho người nghe có thể tiếp thu nhanh chóng và nhớ lâu. Bởi vì lời nói vần là những câu chữ ngắn dài được nối kết với nhau một cách hợp lý bằng vần điệu khá nhuần nhuyễn và sinh động.
Nội dung lời nói vần thường được dùng để diễn đạt một cách cô đọng và ngắn gọn những kinh nghiệm đã đúc kết được trong quá trình phát triển và trường tồn của người Êđê. Kinh nghiệm đó bao gồm nhiều mặt: Về thiên nhiên, như việc xem thời tiết, cây cỏ, chim muông, qua đó để biết thời vụ gieo trồng, gặt hái, đoán ngày tốt, ngày xấu... Về xã hội và con người, như cách ứng xử trong gia đình và xã hội, phong tục, tập quán...
Ví dụ:
Khai rẫy mới sao cho được nhàn,
Ở nhà mới sao cho được rỗi,
Nuôi con gái, con trai sao cho nên người.
Lời nói vần của đồng bào Êđê có cấu trúc và phương trức diễn đạt khá phong phú, không có cố định. Có khi là một câu ngắn, gãy gọn chỉ có 3, 4 đến 6,7 chữ, nhưng có khi là những câu dài theo từng đoạn, khúc của một nội dung đề cập đến.
Ví dụ:
Chớ nên khiến cây đa gãy,
Cây sao đổ, để lũ mối  khốn đốn phải chết.
Hãy trông kìa! Nhung nhúc mối rời hang giữa trời nắng ráo,
Nghìn nghịt mối rời hang giữa cơn mưa rào,
Mối đi dưới đất bị lũ kiến tha,
Mối bay lên cao bị lũ chèo bẻo,
Mối  bay tít tận giữa lưng chừng đất trời,
Mối đi bằng đôi chân làm sao thành mối chúa,      
Trông kìa nhốn nháo mối bu đầy đỉnh gò!     
Đoạn văn trên là đoạn văn diễn đạt theo thể văn vần - klei duê. Một thể loại văn vần chi phối bởi hệ thống các câu, vần, ngữ điệu đối nhau mà không tuân thủ nguyên tắc nào như các ngôn ngữ thơ ca khác. Nghĩa là số từ, số lượng vần, nơi đặt vần trong câu, qui luật của thanh nhịp đối nhau không được xác định chặt chẽ. Theo nghĩa đen tác giả hay nghệ nhân đưa ra hình ảnh loài mối sống mất thăng bằng, điêu đứng: Từ đánh mất những tập tính (rời hang khi trời nắng ráo… khi cơn mưa rào), cuộc sống của loài mối gặp muôn phần rủi ro (… bị lũ kiến tha, bị loài chèo bẻo ăn), cánh rụng chân rời và mối không nơi ẩn náu tựa nhờ (nhốn nháo bu đầy đỉnh gò) khi môi trường sống bị phá vỡ (cây đa gãy, cây sao đổ) để khuyên răn con cháu phải giữ gìn môi trường tự nhiên xung quanh cuộc sống của mình. Theo nghĩa bóng, lời nói vần mượn hình ảnh cuộc sống loài mối mất đi sự che chở của cây cao bóng cả làm gương hình cho con cháu thấy cuộc sống của người dân (hình tượng loài mối) khi mất cội nguồn hoặc tương tự nếu như không có vai trò của vị thủ lĩnh (cây đa và cây sao) trong cộng đồng thì cuộc sống sẽ như loài mối mất cây rừng.
      Có thể, lời nói vần là những câu nói đơn có tính độc lập tương đối liên kết với nhau bằng các cặp từ có âm tiết vần hoặc bằng cặp từ có âm tiết tương đồng; ngoài sự liên kết với nhau bằng vần, chúng còn có sự liên kết với nhau bằng từng cặp từ hay từng cặp cụm từ đối nhau nhưng thống nhất về mặt ý nghĩa.
Sự liên kết với nhau bằng vần và bằng đối nhau từng các cặp từ hay từng các cặp cụm từ giữa các câu đơn của chúng tạo thành một chuỗi nhịp âm giai điệp ngữ làm cho các câu có nội dung đầy đủ và có sức hấp dẫn thu hút người nghe. Nhờ đó, các câu nói có tính năng truyền thụ nhạy bén, sinh động và ấn tượng hơn, giúp cho việc trao đổi thông tin, giao tiếp có hiệu quả thiết thực, người nghe có thể tiếp thu nhanh và ghi nhớ lâu.
Trải qua hàng nghìn năm phát triển cùng với sự tồn tại và phát triển lâu dài của dân tộc Êđê, hình thức ngôn từ lời nói vần trở thành lời nói quen thuộc và ngày càng được phổ biến trong cộng đồng tộc người. Nó được tạo ra bởi tri thức dân gian và trở thành một loại hình ngôn từ văn chương truyền miệng có giá trị như những câu thành ngữ, tục ngữ, ca dao của người Việt (Kinh) đề cập đến mọi lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội.
Lời nói vần Êđê là lời ăn tiếng nói kết tinh nhiều trí tuệ được đúc kết và truyền đạt từ đời này sang đời khác. Các nghệ nhân, các già làng luôn là người thuộc nhiều câu lời nói vần và nó trở thành vốn liếng cần thiết trong hành trang của họ để sống, điều hành xã hội và giáo dục con cháu. Người thuộc nhiều câu lời nói vần có thể vận dụng nó ở những hoàn cảnh phù hợp, từng tình huống cụ thể như khi nói chuyện tâm tình, lúc ngâm ngợi cuộc vui buổi uống rượu hay xướng ca trong đêm lễ hội ấm áp tình cộng đồng hoặc khi bàn bạc công việc đại sự, đấu lý với nhau trong xử kiện... Do đó, người thuộc nhiều lời nói vần cũng là người thầy ở buôn làng, là người nắm giữ, thấu hiểu các phong tục, tập quán, những tín ngưỡng cũng như truyền thống cộng đồng. Họ là những nghệ nhân được dân làng nể trọng và có thể giữ vai trò người chủ làng hoặc vị trí quan trọng nào đó trong làng.
Khi diễn xướng hay trong giao tiếp, các bậc lớn tuổi thường có tục thử tài nhau, tìm hiểu nhau, thăm hỏi nhau qua cách trao đổi bằng lời nói vần. Hai bên có thể dùng câu lời nói vần nói chuyện với nhau thâu đêm, suốt sáng mà người bình thường không biết lời nói vần dân tộc mình thì khó có thể nào hiểu được lĩnh vực họ đang nói đến. Người hiểu câu lời nói vần mà nghe không kỹ cũng không thể hiểu nổi họ đang nói chuyện gì. Chỉ có những người nói chuyện với nhau từ đầu đến cuối mới hiểu rõ vấn đề. Khi hai hay nhiều người đang nói chuyện bằng câu nói vần, nếu có người mới xen vào cuộc mà nghe chưa kỹ thì sẽ nói lạc đề, không đúng trọng tâm câu chuyện.
Nghệ nhân diễn xướng lời nói vần là những người say mê vốn văn hoá truyền thống. Họ có trí nhớ khá tốt, một thiên bẩm nghệ sĩ nhất định; họ tiếp thu vốn tri thức dân gian của lớp người đi trước, đồng thời sáng tác thêm các bài lời nói vần mới và hay. Trong dịp hội hè, những nghệ nhân diễn xướng lời nói vần không những sinh hoạt giao lưu trong ngôi nhà dài, bến nước, khu mộ địa và nương rẫy ở buôn làng mình, mà còn đi xa nhằm giao lưu, học hỏi với các buôn khác và vùng khác. Những người này, một mặt phổ biến lời nói vần vùng mình tại vùng đất mới, mặt khác tiếp thu vốn của vùng đất mới để làm phong phú hơn cho vùng mình. Nghệ nhân diễn xướng lời nói vần là lực lượng nòng cốt trong việc sáng tạo và lưu truyền văn hoá truyền thống dân tộc. Nhờ họ mà không những lời nói vần ngày càng được phát triển như sự sống sinh sôi, mà văn hoá dân gian cũng được bảo tồn và phát huy.
Trong buôn làng Êđê, ở đâu cũng thấy người ta diễn xướng lời nói vần, họ thường thể hiện các thể loại hát dân ca như kưưt, muynh, êi rêi. Đến vùng người Êđê sinh sống, nhất là vào những ngày sau thu hoạch mùa màng, những ngày nhàn rỗi, mùa ăn năm uống tháng, đứng từ xa thì nghe tiếng chiêng trống, đến gần thì nghe tiếng hát bằng lời nói vần ca ngợi vẻ đẹp của thiên nhiên, buôn làng, tình cảm, hành động tốt đẹp của con người trong cuộc sống.
Trong hệ thống nghi lễ - lễ hội liên quan đến từng gia đình và cộng đồng, các bài cúng lễ từ lễ đăït tên, lễ trưởng thành, lễ mừng thọ đến lễ tang ma, bỏ mả và các nghi lễ - lễ hội của buôn làng v.v. cũng như trong luật tục, người ta đều sử dụng lời nói vần.
      Ở buôn làng, khi có những chuyện xích mích nhỏ, vụ đánh nhau hay vợ chồng bỏ nhau, trộm cắp trâu bò… khi hai bên không tự giải quyết được, người ta phải đến nhờ đến luật tục xét xử. Pô phat kđi - những người xử kiện thuộc nhiều lời nói vần và có uy tín trong cộng đồng - đứng ra xử kiện… Họ đọc những lời nói vần trong luật tục theo phong tục tập quán đã quy định và dân làng lắng nghe việc xử kiện này đồng ý hay không đồng ý phải lý giải trước những người xử kiện. Nhìn chung, lời nói vần dùng trong lúc xử kiện là những câu êm tai, thấu tình, đạt lý. Nhờ vậy mà chúng có sức thuyết phục người nghe. Và trong thực tế, những điều luật tục được diễn đạt theo cách lời nói vần đã có tác dụng tốt trong việc bảo vệ điều hay lẽ phải, bảo vệ mối quan hệ của cộng đồng. Lời nói vần luôn được sử dụng như là một công cụ cần thiết trong việc điều chỉnh các mối quan hệ giữa cá nhân với nhau trong cộng đồng, giữa cá nhân với cộng đồng, giữa các cộng đồng láng giềng trong quá trình tự quản và quản lý cộng đồng để tồn tại và phát triển của tộc người.
Ví dụ: 
Là cây lách chớ nên vươn cao hơn cây sậy,
Là cây tranh chớ cao hơn cây lau,
Là dã thú chớ nên vọt cao hơn lùm dây mắt mèo.
Chớ có thách sức với cọp,
Chớ có kiêu ngạo với  thần,
Chớ có to tiếng với người giàu sang.
Sợ như con heo dịch, thiệt thân; như con trâu dịch thiệt thân,
Người hay gây sự thì phải mắt thấy.
Nhìn chung, câu vần trong lời nói vần Êđê có nhiều đặc điểm giống như vần trong tục ngữ, ca dao của người Việt. Song, nó chưa đạt mức ổn định như thể loại tục ngữ, ca dao của người Việt. Vì lời nói vần chưa có sự quy định chặt chẽ theo một công thức có sẵn gò bó nào đó, cho nên, nội dung lời nói vần rất phong phú, dồi dào. 
Trong lời nói vần thường có đơn vị trung tâm làm nòng cốt, có bộ phận tự do, số lượng từ trong một câu, câu trong một đoạn, người sử dụng có thể thêm hoặc bớt một số âm tiết nào đó cho phù hợp với cách thể hiện của riêng mình. Dựa vào đó, nghệ nhân tài giỏi với vốn từ ngữ phong phú của mình có thể kết hơp các từ ngữ thành lời nói vần, sáng tạo những lời nói vần êm tai, hay, cuốn hút người nghe và được cộng đồng buôn làng tiếp nhận.

Lời nói vần của người Êđê có giá trị xã hội hết sức quan trọng, giúp ích cho việc trao đổi thông tin một cách thiết thực. Nó không chỉ là ngôn ngữ giao tiếp thông thường hằng ngày, mà còn là những vấn đề cốt lõi hơn của đời sống cộng đồng, về: Cách đối xử nhân thế, những chuẩn mực trong mối quan hệ xã hội, những lời khuyên răn giáo dục con người, những kinh nghiệm trong lao động sản xuất cũng như mọi hiện tượng trong tự nhiên. Nói chung, lời nói vần phản ánh về thế giới quan, về những kinh nghiệm cuộc sống, về quan hệ cộng đồng, quan hệ lứa đôi, giàu hình ảnh và mang tính nhân văn sâu sắc.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét