Thứ Sáu, 22 tháng 11, 2013

SỐ: 255 - tác giả VĂN THẢNH





Chú thích ảnh trên:  Đã 48 ngày qu đi, nhưng nhân dân ở mọi miền đất nước vẫn nối nhau vào viếng Đại tướng.


VỊ TƯỚNG CỦA HUYỀN THOẠI



Trong 2 cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc ta đã sản sinh ra không ít vị tướng tài được Đảng ta nhà nhân dân ta ghi nhận. Trong số đó không thể không kể đến vị đại tướng đầu tiên của các lực lượng vũ trang cách mạng Việt Nam - Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Không phải chỉ có người Việt Nam ở thế hệ Hồ Chí Minh mà cả thế giới từ những năm 40 của thế kỉ XX đến nay đều đã biết những điều rất cơ bản về thân thế và sự nghiệp của Võ Nguyên Giáp – một trong số ít các vị tướng tài của nhân loại ở thế kỷ XX. Ông là tổng tư lệnh đầu tiên và qua 2 cuộc kháng chiến thắng Pháp và đuổi Mỹ của dân tộc Việt Nam. Ông là vị tướng đầu tiên được Đảng, Nhà nước và Chủ tịch Hồ Chí Minh phong quân hàm Đại tướng từ khi ông mới 38 tuổi. Ông là vị chỉ huy của Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân gồm 34 người - tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam. Ôâng là Tư lệnh đầu tiên của các tư lệnh thuộc QĐNDVN. Ông là Tư lệnh duy nhất làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ - đòn quyết định của quân và dân ta đánh bại ý chí xâm lược của thực dân Pháp tháng 5.1954. Ông là vị tư lệnh tối cao thay mặt Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương ra lệnh cho các cánh quân của ta (tháng 4.1975) hợp quân dứt điểm chiến tranh tại nội đô Sài Gòn bằng bức điện nổi tiếng: “Thần tốc! Thần tốc hơn nữa! Táo bạo! Táo bạo hơn nữa”, trong chiến dịch tổng tấn công lịch sử mang tên Hồ Chí Minh. Ông là vị tướng và là chính khách duy nhất trong thể chế Hồ Chí Minh có tới 12 cuốn sách do mình viết ra mà cuốn đầu tiên rất dày có tên “Những năm tháng không thể nào quên”. Ông là đại diện cho quân đội của một dân tộc từng “đánh thắng hai đế quốc to” là Pháp và Mỹ mà bản chất đội quân ấy vô cùng bình dị, đáng yêu: Từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu! Đó là yếu tố quan trọng và tiên quyết để dân tộc ta chiến thắng mọi kẻ thù xâm lược, dù chúng là thực dân, đế quốc hay bọn bành trướng, ở phía Bắc xâm lấn biên giới Tây Nam tổ quốc. Ông là người được vinh danh là người Anh Cả của các lực lượng vũ trang Việt Nam.
Trong đội quân hàng triệu người của vị Tư lệnh ấy, tôi là người phục vụ trong quân ngũ chưa đầy 4 năm, trong đó ở chiến trường Quảng Trị chưa được 4 tháng (tính từ sau Tết Nguyên Đán 1972). Tôi bị thương ở một khu rừng cây nhỏ, bên phía Triệu Phong. Khi theo tuyến tải thương ra đến Quân y viện tại Lệ  Thủy (lúc ấy tôi chưa biết đấy là quê hương Đại tướng Võ Nguyên Giáp), tôi mới được tin: Quân ta mở chiến dịch tấn công thành cổ, giải phóng Quảng Trị mùa hè 1972 mà quân ngụy Sài Gòn gọi là “mùa hè đỏ lửa”, còn khi kết thúc chiến dịch, ta gọi đó là “Thành cổ 82 ngày đêm”. Về sau, tôi được biết Tư lệnh mặt trận Quảng Trị bấy giờ là tướng Lê Trọng Tấn, Chính ủy mặt trận là tướng Lê Quang Đạo. Sau này, thống nhất đất nước, ông Lê Quang Đạo giữ chức Chủ tịch Quốc hội. Còn tướng Lê Trọng Tấn, tôi nghe phong thanh rằng ông chết trước khi sắp được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Bộ Quốc phòng. Hiện nay, một đường phố ở Thủ đô Hà Nội đã được mang tên ông. Lại nói đầu hè năm 1972, tại nơi gần đại bản doanh mặt trận Quảng Trị, hai bên các dòng suối, dây điện thoại hữu tuyến rải dọc từ ngoài Bắc vào ước chừng ôm cả ôm không xuể. Trong đó, có một đường dây của Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp nối với Trung tướng Lê Trọng Tấn. Tôi có nghe mấy anh lính thông tin ở đại bản doanh ra cùng nằm viện với tôi kể lại: Hữu tuyến a lô, cụ Giáp điện cho cụ Tấn, nhắc cụ Tấn cho các cánh quân ta xiết chặt địch, không cho nống ra các điểm cao và nhảy dù vào thành cổ. Lần này ta sẽ quyết tâm giải phóng tỉnh Quảng Trị, không để như thời Mậu Thân – 68 nữa đâu.
Nói là làm, Đại tướng là thế.
Tôi cũng được biết, từ khi là Chủ nhiệm Hội Báo chí Đông Dương, rồi làm cán bộ Việt Minh, nhà giáo Võ Nguyên Giáp đã kịp tìm hiểu và làm quen với cô Nguyễn Thị Quang Thái. Tình yêu nảy nở, hai người động viên, dìu dắt nhau cùng hoạt động trong Tổng hội Việt Minh. Ít lâu sau, bà Quang Thái được tổ chức cử đi Sài Gòn để liên lạc và truyền đạt mệnh lệnh tới bà Nguyễn Thị Minh Khai - lãnh đạo của Xứ ủy Nam Kỳ lúc bấy giờ. Tiếc thay, khi chưa tới được Sài Gòn, bà Quang Thái đã bị thực dân Pháp bắt và đem về giam giữ tại nhà ngục Hỏa Lò (Hà Nội). Khi biết bà là vợ của Đại tướng Võ Nguyên Giáp (lúc ấy ông đang ở Việt Bắc cùng Bác Hồ và các đồng chí Trung ương chỉ đạo xây dựng Đảng và đẩy mạnh kháng chiến toàn quốc), thực dân Pháp đã đưa vào biệt giam và bí mật thủ tiêu bà. Khi ông đang là Tổng tư lệnh, điều động các đại đoàn (sau này là các sư đoàn 308, 304…) đánh chiếm và giải phóng các đồn binh Pháp như Phai Khắt, Nà Ngần trên tuyến biên giới Việt - Trung, chặn viện binh Pháp từ dưới Hà Nội lên hoặc từ Sơn La, Lào Cai sang. Ông gánh cả hai vai: Thù nhà, nợ nước. Từ đấy, dọc đường kháng chiến, cán bộ, chiến sỹ các đại đoàn từ An toàn khu ATK cho đến núi rừng biên giới Việt Bắc, ai ai cũng thấy Đại tướng luôn đeo băng tang vợ trên nắp túi áo ngực phải.
Có lẽ, theo tôi, đấy không chỉ còn là câu chuyện riêng của vị Đại tướng Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam mà còn là câu chuyện chung của cả dân tộc này, của cả đất nước này. Đúng như một câu đối mà người đồng chí, đồng đội đã tặng Đại tướng Võ Nguyên Giáp:
Văn ngời nghiệp võ bừng đất nước
Võ dậy hùng văn sáng non sông.
Sự hiểu biết và kỉ niệm của tôi nhớ về Đại tướng Võ Nguyên Giáp chỉ đơn giản có vậy thôi, nhưng khi được biết quá trình trở thành Đại tướng, ông chưa hề có được một buổi theo học một lớp quân sự nào, cứ thế mà theo Đảng, theo Bác Hồ, vì nhân dân mà hy sinh, chiến đấu. Vậy đấy, ông thực sự là vị tướng huyền thoại đầy bản lĩnh, giàu nhân cách mà tôi và các thế hệ sau tôi phải học tập, noi gương, phấn đấu suốt đời, không đơn giản chỉ vì ông vốn là thầy giáo dạy lịch sử.
HỮU CHỈNH




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét