Thứ Bảy, 16 tháng 11, 2013

SỐ: 254 - tác giả PHAN VŨ






ĐỒNG TÂM VỮNG VÀNG
TRONG CƠN LỐC SUY THOÁI

Ghi chép



Bây giờ đến Đắk Lắk và các tỉnh Tây Nguyên khác, ta thấy bạt ngàn cà phê, cao su… Ở đâu cũng thấy công ty/ trang trại cà phê, cao su. Ở đâu cũng có những hồ, đập lớn, nhỏ để cung cấp nước cho cây trồng và phục vụ dân sinh. Ở đâu cũng thấy những con đường mới thẳng tắp, rộng rãi, trải dài đến tận vùng sâu, vùng xa. Thế nhưng, nhiều người đâu biết rằng: Xưa kia, chỗ cà phê bạt ngàn kia, chỗ cao su mênh mông, bát ngát kia, chỗ những thị trấn sầm uất kia, chỗ những hồ nước trong xanh soi bóng trời thu kia… là rừng hoang bạt ngàn cây dại, lau lách, là những lối mòn của muông thú, rắn rết… Và cũng mấy ai biết được rằng: Để có hàng trăm ngàn ha cà phê, lúa, cao su… ngập tràn quả đỏ, hạt vàng, chảy đầy nhựa trắng kia, để có những hồ nước, những con đường thênh thang kia … có bàn tay lái máy ủi, máy xúc, có dấu chân của những cán bộ công nhân Công ty Khai hoang cơ giới 4 một thời. Họ đã đến đây khi còn là rừng hoang, dựng lán, chịu cảnh nằm đất, ướt đẫm mưa rừng, sên vắt bám đầy chân, sốt rét đến bủng da, vàng mắt… để cày ủi, khai hoang, mở đường, đắp đập, góp phần tạo dựng nên gương mặt đời sống Tây Nguyên hôm nay. Và vì thế những lớp người trẻ tuổi của Tây Nguyên hôm nay và mai sau, ngoài rất nhiều chuyện phải nhớ, xin đừng quên công ơn của họ - những cán bộ, công nhân bình dị, đến hôm nay đã trải qua ba thế hệ chung sức chung lòng xây dựng Công ty (Cty) phát triển ổn định và đóng góp công sức trí tuệ của mình cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của vùng đất thân yêu này.
                                                               
                                                            *
Mang theo tình cảm đó của những người con Tây Nguyên đến làm việc với lãnh đạo Cty cổ phần thi công cơ giới Đồng Tâm (tên hiện nay của Cty khai hoang cơ giới 4) trong không khí cả Cty đang náo nức thi đua chuẩn bị cho kỷ niệm 35 năm thành lập và phát triển (23.10.1978 – 23.10.2013), với một chút băn khoăn, lo lắng trước tình hình khó khăn của các doanh nghiệp hiện nay, tôi “rụt rè” hỏi: 
- “Mấy năm gần đây, trong điều kiện suy thoái kinh tế toàn cầu, đặc biệt là suy thoái của Việt Nam chúng ta “sâu hơn”, theo nhiều chuyên gia là “khó khăn chưa từng thấy”, hàng loạt doanh nghiệp trong nước rơi vào tình trạng bế tắc, ngắc ngoải, thậm chí là… “chết như rạ” (chỉ tính từ năm 2011 đến 6 tháng đầu năm 2013 đã có 135.000 doanh nghiệp phải giải tán hoặc ngừng hoạt động). Đối với các doanh nghiệp xây dựng, sau khi Chính phủ  ban hành Nghị quyết 11 NQ/CP về những giải pháp chủ yếu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội thì nguồn vốn cho đầu tư xây dựng cơ bản giảm hẳn, nhiều dự án phải ngừng triển khai, nên càng khó khăn bội phần… Vậy tình hình Đồng Tâm thế nào?” . Giám đốc Cty là ông Trần Quốc An – một người con của Quảng Ngãi, nhưng  sinh ra trên đất Nghệ An, tuổi đã ngoài 50, nhưng phong dáng còn khá trai trẻ, nở nụ cười nhẹ nhàng trả lời tôi một cách tự tin: - “Cái khó chung của cả đất nước là như vậy; chúng tôi cũng không thể thoát ra ngoài cái chung đó. Nhưng chúng tôi có cách xoay xở riêng, có sự may mắn riêng, nên cũng không đến nỗi nào”… Và qua trao đổi với ông Trần Quốc An, tôi được biết 5 năm qua, giữa cái khốn khó chung của các doanh nghiệp, Đồng Tâm vẫn tìm được việc làm, đạt doanh số bình quân gần 40 tỷ đồng/năm; người lao động vẫn có thu nhập khá ổn định, bình quân vẫn đạt gần 50 triệu đồng/người/ năm. 35 năm qua Cty liên tục làm ăn có lãi, cả trong thời điểm khó khăn hiện nay. Đấy thực sự là những thông tin hấp dẫn đối với tôi – một người làm báo. Bởi việc duy trì liên tục 35 năm làm ăn có lãi, nhất là 5 năm gần đây, trong điều kiện đất nước khó khăn chưa từng thấy, mà Đồng Tâm vẫn đứng vững và làm ăn có lãi, thực sự là một “kỳ tích”…
- “Nhưng Đồng Tâm đã xoay xở cách nào? Ai đã phú cho Đồng Tâm điều “may mắn” để Đồng Tâm trụ vững và phát triển?”. Tôi đem suy nghĩ đó hỏi ông Trần Đức Thành, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐQT Cty. Ông Trần Đức Thành là thế hệ cán bộ lãnh đạo thứ 3 của Cty, trông bề ngoài ông còn khá trẻ, vậy mà đã có gần 30 năm gắn bó với Cty. Có lẽ vì thế nên mọi “đường đi nước bước” trong quá hoạt động của Cty ông đều biết đến tận “chân tơ kẽ tóc”. Cũng vì thế mà chẳng cần phải suy nghĩ lâu, ông trả lời tôi ngay: -“Thực ra… những thành quả mà Cty đạt được ngày hôm nay là thành quả của cả quá trình lâu dài, từ các chú, các bác, các anh, các chị cán bộ, công nhân các thế hệ trước cho đến thế hệ chúng tôi hôm nay. Có thể nói rằng: Các thế hệ lãnh đạo và CBCN của Cty đã có chung tâm huyết trong việc vun đắp, xây dựng nên truyền thống cực kỳ quý báu của Cty: Đấy là sự đoàn kết, yêu thương, giúp đỡ nhau, tạo điều kiện cho nhau cùng tiến bộ; đấy là sự thủy chung với Cty, đồng tâm, hiệp lực vì Cty, biết xem quyền lợi của Cty, thành công của Cty cũng chính là quyền lợi và thành công của bản thân. Đấy cũng chính là nền tảng văn hóa doanh nghiệp. Không có nền tảng này thì Cty khó mà phát triển được như ngày hôm nay… Dựa trên nền tảng tinh thần đó, Cty mới có điều kiện tập trung đầu tư xây dựng lực lượng làm tiền đề cơ bản cho sự phát triển. Đó là đầu tư cho con người và phương tiện. Cũng từ quan điểm đó, hầu hết CBCN được Cty hỗ trợ đi đào tạo chính quy, có trình độ chuyên môn kỹ thuật vững vàng, sử dụng các máy móc thiết bị thành thạo, đúng quy trình kỹ thuật, vừa có năng suất cao, vừa bảo đảm được độ bền cho máy móc. Lực lượng xe, máy được liên tục bổ sung. Trước đây chủ yếu là xe, máy của các nước XHCN. Từ năm 1999 đến nay Cty đã liên tục mua sắm các máy móc hiện đại, năng suất cao. Máy móc khai hoang được Komatsu hóa nên hiệu quả lao động cao hơn hẳn, chất lương, tiến độ sản xuất cũng tốt hơn, nhanh hơn. Hiện nay nói về phương tiện khai hoang, xây dựng công trình thủy lợi, Đồng Tâm chúng tôi có quyền tự hào là đơn vị mạnh nhất ở Đắk Lắk và Tây Nguyên. Song song với việc chăm lo xây dựng lực lượng con người và phương tiện, chúng tôi cũng rất quan tâm đến công tác Đảng, đoàn thể và đặc biệt quan tâm đến đời sống của người lao động. Bởi người lao động gắn bó với Cty hay không, hết lòng vì Công ty hay không, có ý nghĩa quyết định đến sự tồn tại và phát triển của Cty. Sự quan tâm đến người lao động của chúng tôi cũng được thể hiện bằng nhiều giải pháp, nhiều hình thức thiết thức. Trong quản lý, ngay từ thời còn bao cấp chúng tôi đã minh bạch hóa định mức lao động, tiến hành khoán sản phẩm đến từng công đoạn cụ thể. Vì thế sau một ngày làm việc, người lao động có thể biết ngay ngày hôm nay mình thu nhập được bao nhiêu tiền. Nhờ vậy mà họ có ý thức tự giác cao trong lao động, làm việc chăm chỉ hơn để có thu nhập cao hơn; ý thức bảo vệ máy móc trong làm việc cũng tốt hơn. Cũng từ thời còn bao cấp Đồng Tâm đã đề ra chương trình “10 có” để phục vụ tốt hơn cho người lao động trên các công trường, gồm: Có lán trại, có giường nằm, có điện thắp sáng, có ti vi, có tủ sách, có báo đọc hàng ngày, có sân bóng, có tủ thuốc, có vườn rau, có chuồng chăn nuôi. Đây là những biện pháp tổ chức hết sức thiết thực nhằm bảo đảm sức khỏe, đời sống vật chất, tinh thần cho anh em trên các công trường xa trung tâm, xa chợ búa. Chương trình này đến nay chúng tôi vẫn tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng hơn; ví dụ với lán trại, bây giờ phải là lán trại lắp ghép, nền lán trại phải được láng xi măng; ở mỗi đội sản xuất đều phải có máy phát điện, có chảo thu sóng truyền hình, có xe ô tô U-oát để phục vụ người lao động đi lại và chăm lo bữa ăn hàng ngày cho họ. Bên cạnh đó, hệ số lương cơ bản của người lao động  Cty cũng luôn điều chỉnh theo hướng có lợi cho họ. Có thời điểm chúng tôi đã đưa lên 2,5 lần so với hệ số chung của nhà nước… Để người lao động đến với Cty và gắn bó với Cty, chúng tôi đề ra chính sách thu hút riêng, có chế độ bồi dưỡng độc hại riêng; làm việc ở vùng nắng nóng, đắt đỏ, hay đi làm việc ở nước ngoài đều được Cty phụ cấp thêm; trong điều kiện thời tiết mưa kéo dài, công việc bấp bênh chúng tôi áp dụng hình thức trả lương chờ việc và đề ra chính sách phân phối “làm 6 tháng , ăn cả năm” … 
Để có công việc làm thường xuyên cho người lao động, chúng tôi phải tổ chức một lực lượng cán bộ nhanh nhạy, năng động chuyên lo tìm khách hàng. Chúng tôi không chỉ tìm việc làm trong tỉnh, trong khu vực, trong nước, mà còn tìm ở nước ngoài. Năm 2005 chúng tôi đã tìm được khách hàng ở Lào. Năm 2008 chúng tôi tìm thêm được khách hàng ở Campuchia. Việc mở rộng tìm đối tác sang các nước bạn trong giai đoạn khó khăn vừa qua, có ý nghĩa hết sức quan trọng với chúng tôi; nhờ đó mà bảo đảm được doanh số, thu nhập cho người lao động liên tục. Chúng tôi đánh giá đây là một bước ngoặt lớn trong hoạt động của Cty. Ban đầu không ít người ngần ngại, cho rằng đưa con người, máy móc ra nước ngoài “làm thuê” là liều, là mạo hiểm. Nhưng lãnh đạo Cty đã thống nhất ý chí, quyết tâm hành động để tạo ra sự thay đổi cần thiết trong tình hình khó khăn chung hiện nay và chúng tôi đã thành công. Bên cạnh đó, uy tín về chất lượng thi công, tiến độ thi công nhanh, an toàn của chúng tôi cũng là điều cần thiết để chúng tôi có khách hàng. Nhiều doanh nghiệp trên địa bàn Tây Nguyên hễ có dự án cần triển khai là họ lại mời chúng tôi tham gia. Có thời điểm chúng tôi sẵn sàng làm thầu phụ cho những nhà thầu lớn, dù lãi ít, thậm chí không có lãi, nhưng giải quyết được việc làm cho người lao động, để họ có thu nhập ổn định…
      
                                                           *
Đến Đồng Tâm giữa những ngày đầu tháng 10. 2013, thời điểm đang mưa nhiều, các công trình phải tạm dừng thi công; được gặp nhiều CBCN của Cty đang làm việc trên các công trường xa về thăm gia đình (hầu hết CBCN ở đây có nhà ở xung quanh Cty), thấy ai cũng vui vẻ kể về những kỷ niệm đã gắn bó đời mình với Cty và cùng háo hức chờ đón ngày kỷ niệm 35 năm thành lập Cty, chúng tôi càng thấu hiểu tình cảm của họ với Cty gan ruột đến mức nào. Qua đó, tôi lại càng hiểu sâu sắc thêm điều ông Trần Đức Thành – Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐQT và ông Trần Quốc An Giám đốc Cty tâm sự: -Làm sao để mọi người cùng đoàn kết, thống nhất ý chí, cùng một lòng một dạ gắn bó với Cty, đó chính là nền tảng, là sức mạnh để Cty đứng vững và phát triển!
















Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét