Thứ Năm, 14 tháng 11, 2013

SỐ: 254 - văn học nước ngoài

\
Ernest Miller Hemingway sinh ngày 21.7.1899  tại Oak Park, Illinois, Hoa kỳ. Ông là nhà văn, nhà báo người Mỹ.  Hemingway được giải thưởng Pulitzer 1953 với tiểu thuyết “The old man and the sea”, và giải Nobel văn chương cho sự nghiệp văn học trọn đời của ông, năm 1954. Nhiều tiểu thuyết của ông đã được chuyển ngữ sang tiếng Việt như: “The sun also rises – Mặt trời vẫn mọc”, “A farewell to arms – Giã từ vũ khí”, “For whom the bell tolls – Chuông nguyện hồn ai”, “The old man and the sea – Ông già và biển cả”, v.v… Ông tự sát bằng súng tại nhà riêng ở Ketchum, Idaho vào sáng ngày 02.07.1961.

“Một nơi sáng đẹp và sạch” trong truyện ngắn dưới đây là nơi tị nạn để trốn tránh bóng đêm. Bóng đêm là biểu tượng của sợ hãi, cô đơn và sự trống rỗng…\
MỘT NƠI SÁNG ĐẸP VÀ SẠCH

               
Trời đã khuya, mọi người đã về hết trừ một ông già ngồi trong bóng tối của tàn lá cây chắn ánh đèn điện. Vào ban ngày con đường nhiều bụi, nhưng vào ban đêm sương làm bụi lắng xuống, ông già thích ngồi khuya, bởi vì ông điếc và giờ này ban đêm trong không gian yên ắng cho ông dễ cảm nhận được sự khác biệt. Hai người phục vụ bàn trong quán cà phê biết ông già đã hơi say, và dù ông là một người khách tốt, họ biết nếu ông quá say ông sẽ đi mà không trả tiền, vậy là họ cứ canh chừng ông.
 “Tuần trước ông ấy đã tự tử”, một người phục vụ nói.
 “Tại sao?”.
 “Ông ấy tuyệt vọng”.
 “Vì chuyện gì?”
 “Chẳng gì cả”.
 “Sao mày biết là không có chuyện gì?”
 “Ông ấy có nhiều tiền”.
Họ ngồi cùng nhau nơi cái bàn kê sát tường gần cửa quán cà phê nhìn ra sân chỗ kê những cái bàn đã hết khách, ngoại trừ chỗ ông già ngồi trong bóng tối của tàn lá cây nhẹ lay trong gió. Ngoài đường một cô gái và một người lính đi ngang qua. Ngọn đèn đường chiếu lên con số bằng đồng gắn trên cổ áo người lính. Cô gái đầu không đội gì rảo bước bên anh.
“Đội tuần tra sẽ bắt anh ta”, một người nói.
“Thì có gì quan trọng nếu anh ta đạt được điều anh ta theo đuổi?”.
“Tốt hơn anh ta nên lánh khỏi con đường. Đội tuần tra sẽ chụp anh ta. Họ vừa đi qua cách đây năm phút”.
Ông già đang ngồi trong bóng tối gõ lên cái đĩa nhỏ bằng cái ly của ông. Người phục vụ trẻ tuổi hơn đến bên ông.
“Ông cần gì?”.
Ông già nhìn anh ta. “Một ly brandy nữa”, ông nói.
“Ông sẽ say”, người phục vụ nói. Ông già nhìn anh ta. Người phục vụ bỏ đi.
“Ông ấy sẽ ở đây suốt đêm”, anh ta nói với bạn đồng nghiệp. “Tao buồn ngủ. Tao không bao giờ được đi ngủ trước ba giờ. Tuần trước ông ấy nên chết đi cho rồi”.
Người phục vụ lấy chai brandy và một cái dĩa nhỏ khác từ quầy phía trong quán đem lại bàn ông già. Anh ta để đĩa xuống và rót một ly rượu đầy.
 “Tuần trước ông nên tự tử chết cho rồi”, anh ta nói với ông già điếc. Ông già ra hiệu bằng ngón tay.
“Thêm một chút nữa”, ông già nói. Người phục vụ rót rượu vào ly cho tràn ra chảy theo xuống chân ly vào cái dĩa trên cùng trên chồng dĩa. “Cám ơn”, ông già nói. Người phục vụ đem chai rượu vào trong quán. Anh ta lại ngồi xuống bàn với đồng nghiệp.
 “Ông ấy say rồi”, người đồng nghiệp nói.
“Đêm nào ông ấy cũng say”.
“Vì chuyện gì mà ông ấy muốn tự tử?”.
“Sao tao biết được”.
“Ông ấy tự tử như thế nào?”
“Ổng treo cổ bằng dây thừng”.
“Ai đem ông ấy xuống”.
“Cháu gái ổng”.
 “Sao họ lại cứu ổng”.
“Vì lo cho linh hồn ổng”.
“Ông ấy có bao nhiêu tiền?”
“Ổng có nhiều tiền”.
“Ông ấy chắc tám mươi tuổi rồi”.
“Tao thì nói ổng tám mươi tuổi”.
 “Ước gì ổng đi về cho rồi. Tao chưa hề được đi ngủ trước ba giờ. Đi ngủ giờ đó thì gọi là giờ gì?”.
“Ông ấy thức khuya vì ổng thích thế”.
“Ông ấy cô đơn. Tao không cô đơn. Tao có con vợ đang đợi trong giường”.
“Trước đây ổng cũng có vợ”.
“Một người vợ sẽ là không tốt đối với ổng bây giờ”.
“Đừng nói vậy. Có thể ổng sẽ tốt hơn với một người vợ”.
“Ổng có cháu gái săn sóc cho ổng. Người ta nói nó cắt dây đem ổng xuống”.
“Ờ”.
“Tao không muốn già tới cỡ đó. Người già là người dơ dáy”.
“Không phải lúc nào cũng vậy. Ông già này sạch sẽ. Ổng uống không rớt rượu. Ngay cả khi say. Nhìn ổng đi”.
“Tao không muốn nhìn ổng. Tao ước gì ổng sẽ đi về nhà. Ổng chẳng quan tâm gì đến những người phải làm việc”.
Ông già nhìn từ ly rượu ra khoảng sân, rồi nhìn mấy người phục vụ.
“Một ly brandy nữa”, ông ta nói, tay chỉ vào ly. Người phục vụ đang nóng lòng về đi lại bàn ông.
“Thôi đi”, anh ta nói theo kiểu người làm công thất học nói với người say hay người nước ngoài bất chấp câu cú. “Đêm nay không bán nữa. Bây giờ đóng cửa”.
“Một ly nữa”, ông già nói.
“Không. Chấm hết”. Người phục vụ lau mép bàn bằng một cái khăn và lắc đầu.
Ông già đứng dậy, chầm chậm đếm những cái đĩa, rồi lấy từ trong túi ra một cái túi da đựng tiền xu trả tiền những ly rượu, để lại nửa đồng pezơta (1) tiền boa.
Người phục vụ nhìn ông đi trên đường, một người rất già đang đi không vững nhưng tư cách đàng hoàng.
“Sao mày không để ổng ngồi lại uống?”, người phục vụ không nôn nóng hỏi. Họ đang đóng cửa chớp. “Chưa tới hai giờ rưỡi”.
 “Tao muốn về ngủ”.
“Một tiếng đồng hồ thì có nghĩa gì?”.
“Nhiều ý nghĩa với tao hơn là với ổng”.
“Ai cũng một giờ như nhau”.
“Mày nói như chính mày là ông già đó vậy. Ông ấy có thể mua một chai đem về nhà uống”.
“Không như uống ở đây”.
“Không, không giống”. Người phục vụ có vợ nói. Anh ta không muốn xử sự như thế. Anh ta chỉ đang nóng lòng.
“Còn mày thì sao? Mày không có nỗi sợ khi về nhà trước giờ thường lệ hả?”
 “Mày đang nói móc tao hả?”.
“Không đâu bồ tèo, chỉ đùa thôi”.
“Không”, người phục vụ đang vội nói, “Tao tin tưởng. Tao hoàn toàn tin tưởng”.
 “Mày có tuổi trẻ, niềm tin, và một việc làm”, người phục vụ lớn tuổi hơn nói. “Mày có mọi thứ”.
“Còn mày thì thiếu gì?”.
“Mọi thứ ngoại trừ việc làm”.
“Mày có mọi thứ như tao”.
“Không. Tao chưa bao giờ có niềm tin và tao không còn trẻ”.
“Thôi. Không nói chuyện tào lao nữa, đóng cửa thôi”.
 “Tao thuộc loại người thích ở quán cà phê đến khuya”, người lớn tuổi hơn nói. “Với những người không muốn đi ngủ. Với những người cần một ngọn đèn trong đêm”.
“Tao muốn về nhà và vào giường”.
“Bọn mình là hai loại người khác nhau”, người lớn tuổi hơn nói. Bây giờ anh ta đã mặc đồ để đi về. “Đó không chỉ là vấn đề về tuổi trẻ và niềm tin mặc dù những điều đó là rất đẹp. Mỗi đêm tao miễn cưỡng đóng cửa vì có thể còn có ai đó cần quán cà phê”.
“Bồ tèo, có những quán rượu mở cửa suốt đêm”.
 “Mày không hiểu. Đây là một quán cà phê dễ chịu và sạch sẽ. Quán chơi ánh sáng đẹp. Ánh sáng rất tốt và còn có những bóng lá”.
“Tạm biệt”, người phục vụ trẻ hơn nói.
“Chúc ngủ ngon”, người kia nói. Trong khi tắt ánh sáng điện anh ta tiếp tục độc thoại. Chỉ là ánh điện nhưng cần thiết để nơi này sáng và sạch. Ông không cần nhạc. Chắc chắn ông không cần nhạc. Ông cũng không thể chững chạc đứng trước quầy bar dù đó là điều kiện cần thiết trong giờ khuya khoắt này. Ông ấy sợ gì? Không phải là chuyện sợ hay khiếp đảm. Đó là cái trống rỗng, hư vô, không là gì mà ông ấy quá rõ. Hư vô chẳng là gì và một người đàn ông thì cũng chẳng là gì. Chỉ thế thôi và ánh sáng là tất cả những gì hư vô cần và một chút sạch sẽ và trật tự. Một số người sống trong sự rỗng không và không hề cảm thấy nó, nhưng ông ấy thì biết nó là không có gì và không có gì và không có gì (2). Hư không của chúng ta ở trong hư không, hư không là tên ngươi hư không, vương quốc ngươi hư không ngươi sẽ là hư không trong hư không, vì hư không thì ở trong hư không. Cho chúng tôi hư không này hư, không hàng ngày của chúng tôi và hư không chúng tôi không vào trong hư không mà giải thoát chúng tôi khỏi hư không; vì hư không. Chào mừng hư không đầy hư không, hư không cùng với ngươi (3). Anh cười và đứng trước một quầy bar có máy pha cà phê áp suất hơi nước sáng loáng.
“Anh uống gì?”, người pha rượu hỏi.
“Nada - Hư không”.
“Lại một thằng khùng”, người pha rượu nói rồi quay đi.
“Một ly nhỏ”, người phục vụ nói.
Người pha rượu rót cho anh ta.
“Ánh sáng rất tốt và dễ chịu nhưng quán bar thì không sạch bóng”, người phục vụ nói.
Người pha rượu nhìn anh ta nhưng không trả lời. Đã quá khuya để trò chuyện.
“Một ly nhỏ nữa không?”, người pha rượu hỏi.
“Không, cám ơn”, người phục vụ nói và đi ra. Anh không thích những quán bar và quán rượu. Một quán cà phê sáng sủa và sạch sẽ thì lại là chuyện rất khác. Lúc này, không nghĩ gì thêm nữa, anh sẽ về nhà và vào phòng. Anh sẽ nằm trên giường và cuối cùng, trong ánh nắng ngày, anh sẽ ngủ. Sau cùng, anh thầm nói, có thể chỉ là chứng mất ngủ. Chắc nhiều người mắc chứng này.
                                                                        VÕ HOÀNG MINH dịch
     
(1) peseta: đồng pezơta Tây Ban Nha.
(2) nada y pues nada y nada y pues nada : shmoop.com dịch là “nothing and nothing and nothing – không có gì và không có gì và không có gì”, không có gì cũng có thể hiểu là hư không.
(3) nguyên văn đoạn “hư không” này là : “Our nada who art in nada, nada be thy name thy kingdom nada thy will be nada in nada as it is in nada. Give us this nada our daily nada and nada us our nada as we nada our nadas and nada us not into nada but deliver us from nada; pues nada. Hail nothing full of nothing, nothing is with thee”. Đọc lên nghe như một câu thần chú hay như một câu kinh.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét