Thứ Bảy, 23 tháng 11, 2013

SỐ: 255 - tác giả HỮU CHỈNH

Chú thích ảnh: Những người già không quản đường sá xa xôi vẫn cùng con cháu đến viếng Đại Tướng

KÝ ỨC MỘT LẦN ĐƯỢC GẶP
ĐẠI TƯỚNG VÕ NGUYÊN GIÁP




Năm 1999, tôi theo đoàn văn nghệ, báo chí từ Đắk Lắk làm cuộc hành hương về Bắc. Lịch trình đã vạch sẵn, nhưng được tin Đại tướng Võ Nguyên Giáp sẽ lên Điện Biên dự lễ kỷ niệm 45 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (lúc đó còn thuộc tỉnh Lai Châu) nên chúng tôi đã thay đổi lịch trình để ngày 6 tháng 5 tới được Điện Biên, ngày 7 tháng 5 sẽ nhìn thấy Đại tướng, dù biết phải đứng xa cũng hạnh phúc lắm rồi.
Trằn trọc suốt đêm, mong trời sáng để ra sân vận động Điện Biên, cố len vào chỗ thuận tiện để dễ nhìn ngắm. Vị tướng huyền thoại, anh hùng dân tộc, thắng mấy đời đế quốc đã ăn sâu trong tâm trí tôi, nên náo nức chờ mong là lẽ đương nhiên. Tôi lạc giữa rừng người, muôn sắc màu Tây Bắc sống động như quây quần, như dồn tụ. Lấp lánh khăn piêu, phấp phới bao lưng reo cùng nắng sớm, lòng người cũng hát ca cùng “Hò kéo pháo” trầm hùng, của “Giải phóng Điện Biên” náo nức.
Rồi có tin Đại tướng không lên được. Tôi cũng như mọi người cảm thấy hụt hẫng, chơi vơi.
Phạm Doanh đi cùng đoàn có bàn: “Lễ hội thì nơi nào chả có, ta đi Mường Phăng xem Sở chỉ huy mặt trận coi như gặp Đại tướng”. Hầm của Đại tướng có đường hào thông với hầm của Tướng Hoàng Văn Thái và hầm của Tướng Lê Liêm. Phòng họp vẫn còn, tưởng như thấy nếp nhăn suy tư trên mặt các tướng lĩnh đang cúi xuống bản đồ lòng chảo Mường Thanh khi Đại tướng ra quyết định lịch sử, từ phương án đánh nhanh thắng nhanh sang đánh chắc thắng chắc. Đây là quyết định xuất thần của thiên tài, giàu tính nhân văn bởi đỡ tổn hao xương máu.
May mắn cho tôi, năm 2000 được về dự Hội nghị văn nghệ toàn quốc. Khi nghe giáo sư, tiến sĩ Tô Ngọc Thanh giới thiệu có Đại tướng Võ Nguyên Giáp đến dự, cả hội trường vỡ òa, đứng dậy, vỗ tay chào mừng Đại tướng. Tôi ngồi hàng ghế thứ ba hơi chếch một chút so với hàng ghế đầu, mải mê ngắm nhìn Đại tướng mà quên mất những gì đang diễn ra trong hội nghị.
Đến giờ nghỉ, mọi người ào ra, tôi cũng len theo. Bên cạnh Đại tướng là nhà thơ Tố Hữu mà tôi đã gặp đôi lần. Tiếp cận với Đại tướng vào tuổi 90 vẫn minh mẫn, tươi cười, đôn hậu. Tôi mạnh dạn thưa với Đại tướng:
- Thưa bác, cháu từ Đắk Lắk về Hà Nội, được gặp bác là niềm vinh hạnh và may mắn cho cháu.
Đại tướng hiền từ nói:
- Thế là ở Tây Nguyên rồi. Đồng bào và chiến sĩ Tây Nguyên trong hai cuộc kháng chiến gian khổ lắm, anh dũng lắm, thương lắm.
Chỉ một câu ngắn vậy thôi mà tôi thấy chan chứa ân tình.
Tấm ảnh được chụp chung với Đại tướng tôi coi như báu vật, được treo nơi trang trọng.
Vẫn biết là quy luật, nhưng hay tin Đại tướng đã về cõi vĩnh hằng, tôi vẫn lặng đi. Mấy ngày không cầm nổi bút, chỉ ngồi thẫn thờ mà hồi tưởng lại lần duy nhất trong đời được gặp Đại tướng kính yêu.
Đại tướng đi gặp Bác Hồ và các bậc tiền bối cách mạng cùng các bậc tiên hiền từ thuở Hùng Vương dựng nước. Đất nước ghi công, dân tộc nhớ ơn muôn năm vị Đại tướng - nhân văn, Đại tướng – người hiền.


Ngày 8.10.2013


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét