Chủ Nhật, 17 tháng 11, 2013

SỐ: 254 - tác giả KHÔI NGUYÊN






35 NĂM GỌI ĐẤT

Bút ký



35 năm, khoảng thời gian đủ cho những cỗ máy xúc, máy ủi ngày nào theo chuyến tàu Thống Nhất từ Hà Nội đến nằm hứng nắng gió mặn mòi ở Nha Trang cả tuần để chờ lệnh vượt núi đèo lên Đắk Lắk đã trở thành phế liệu; khoảng thời gian để những chàng trai Thái Bình, Hà Sơn Bình, Hưng Yên, Hà Nam Ninh, Thanh Hóa… của ngày ấy đã thành ông nội ông ngoại, có người đã về với tổ tiên, có người đã nghỉ  ngơi tĩnh dưỡng và an lòng với chế độ lương hưu; cũng là khoảng thời gian để cho hàng ngàn héc ta đất vùng đất hoang hóa ngủ vùi hàng triệu năm bỗng nhiên thức dậy góp phần cho cuộc sống nảy nở, sinh sôi; rồi những con đường được mở để những vùng sâu vùng xa có điều kiện phát triển kinh tế và văn hóa, những hệ thống kênh mương thủy lợi làm nên những mùa vàng của cánh đồng lúa, sự trĩu cành của rẫy cà phê, những dòng vàng trắng tuôn trào của những đồi cao su…
35 năm có mồ hôi, nước mắt, thậm chí cả máu chắt ra từ những tâm hồn và trí tuệ của những con người đi đánh thức đất, gọi đất dậy phục vụ cuộc sống. Những kỷ niệm xưa cũ về một thời gian khó cứ ùa về trong lúc trà dư tửu hậu hoặc bất chợt có ai đó khơi lên khiến người nghe xúc động dâng tràn. Có thể là việc đồng chí Bí thư chi bộ đạp xe từ Thái Bình về Thanh Hóa trong những ngày giông bão để điều tra lý lịch phục vụ công tác phát triển Đảng, chuẩn bị lực lượng nòng cốt của Công ty sắp được thành lập. Có thể là chuyện về chàng công nhân trẻ hồi tháng 9 năm 1978, lần đầu tiên đi tàu đến Nha Trang bị kẻ cắp lấy mất túi hành lý, anh em đã nhường cơm sẻ áo với tinh thần đùm bọc sẻ chia lá rách ít với lá rách nhiều. Có thể là chuyện của những năm đầu mới thành lập, những chuyến đi công tác bị Fulro phục kích khiến có đồng chí hy sinh hoặc bị thương, tài sản bị hủy hoại; và ngay tại trụ sở cơ quan bây giờ, hồi ấy vách lán phải chèn lớp ngói giữa hai lớp tôn để tránh nạn Fulro tập kích. Có thể là chuyện về những cơn sốt rét rừng, những ốm đau bệnh tật xảy ra. Rồi cả chuyện chống lại lệnh cấp trên, bởi thấy nhiệm vụ được giao thiếu cơ sở khoa học, kỷ niệm về những lần dời lán chuyển quân sau khi hoàn thành công việc để đi đến nơi đất đang chờ đánh thức, kỷ niệm về những lần độ chế để bắt máy cũ thành máy có công năng mới phục vụ cho công việc được tốt hơn… Chuyện cũ không phải để ôn nghèo kể khổ mà là sự nhắc nhớ về gian khó đã vượt qua để có được hôm nay.
Từ cái tên ban đầu là Công ty Khai hoang cơ giới 4 với nhiệm vụ chủ yếu là khai hoang trong cơ chế bao cấp, Công ty là một trong những đơn vị doanh nghiệp Nhà nước đầu tiên ở Đắk Lắk cổ phần hóa doanh nghiệp, chuyển đổi thành Công ty cổ phần thi công cơ giới Đồng Tâm độc lập hạch toán kinh doanh độc lập, tự chủ trong công việc, đứng vững trên những ngành nghề mới trong xây dựng cơ bản. Từ hoạt động chủ yếu trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk, mở rộng ra địa bàn khu vực Tây Nguyên, cho đến nay, Công ty đã và đang hoạt động trên đất bạn Lào và Campuchia. Những địa danh Atopư, Champasak, Salavan, Sekong, Mondunkiri, Natarakiri… đã trở nên quen thuộc, là chốn đi về của những người mở đất.        
Nếu em tìm địa chỉ của chúng tôi, hỏi bánh xe lăn lăn khắp bao núi đồi. Chúng tôi đến khi núi rừng hoang vắng, chúng tôi đi khi đường rừng quang đãng…” (Nếu em tìm địa chỉ của chúng tôi - nhạc và lời: Tân Huyền) cứ hào sảng vang lên mọi nơi mọi lúc. Có thể là hòa trong tiếng máy nơi công trình trên những vùng núi đồi hoang hóa hoặc những cung đường đang mở, những kênh mương đang khơi, những đập hồ chứa nước đang đắp; cũng có thể là tại những cuộc vui liên hoan của Công ty tổ chức, những cuộc vui mừng do anh em trong cơ quan có sự kiện trọng đại của gia đình: đám cưới, mừng nhà mới, con vào đại học… và trong những lán trại vào những buổi mưa dầm hoặc những đêm nhớ nhà của những người công nhân… Rồi cứ thế, gần 50 ca khúc về Công ty, về những người đi mở đất, lại thêm nữa những bài hát về quê hương nơi chôn nhau cắt rốn của mỗi người công nhân cũng được cất lên, nối tiếp nhau như dòng suối chảy tưởng như bất tận. Đắk Lắk đã trở thành quê chung, Công ty đã là mái nhà chung của những người đã và đang làm việc tại Công ty khai hoang cơ giới Đồng Tâm.
Từ Chi bộ với 20 đảng viên ban đầu, trong 35 năm với 13 kỳ Đại hội, nay Công ty đã thành Đảng bộ với 10 Chi bộ trực thuộc. Đảng viên gương mẫu đi đầu trong khó khăn gian khổ để hoàn thành nhiệm vụ, đoàn kết một lòng, thống nhất ý chí lãnh đạo Công ty thực hiện nhiệm vụ kế hoạch được Nhà nước giao, đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng được thông suốt từ Công ty đến các Chi bộ và từng đảng viên, mỗi quần chúng thấm nhuần tư tưởng giai cấp công nhân.
Từ Công đoàn bộ phận đến Công đoàn Công ty chủ động lồng ghép trong sinh hoạt chuyên môn để tuyên truyền những chủ trương đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước, những vấn đề có liên quan đến quyền lợi, chế độ đối với người lao động, đặc biệt là những định hướng, định mức quy định hàng năm của Công ty để người lao động hiểu rõ cả những thuận lợi và khó khăn từ đó cùng nhau chia sẻ, cảm thông, đoàn kết một lòng hăng hái thi đua nâng cao năng xuất lao động, thực hiện tiết kiệm, xây dựng Công ty ngày càng vững mạnh để đời sống ngày càng được cải thiện.   
Với phương châm “phát triển tại chỗ, lấy nguồn từ dưới đi lên, đào tạo tại chức”, công tác quy hoạch, đào tạo, rèn luyện, bổ nhiệm, bố trí cán bộ lãnh đạo, quản lý, chỉ huy các cấp của Công ty đã đáp ứng nhiệm vụ được giao, đảm bảo sự phát triển Công ty, tạo được sự đồng thuận để “trên tin dưới, dưới tin trên” phát huy tốt tinh thần đoàn kết, làm chủ tập thể của mỗi thành viên trong đơn vị.
Ngay từ ngày đầu thành lập, Công ty đã có phong trào xây dựng nếp sống văn hóa: “sáng thể dục thường xuyên, chiều luyện tập bóng chuyền, báo tường ra hàng tháng”, cho đến nay phong trào đó vẫn được duy trì. Dù các đội thi công công trình ở những vùng sâu xa trên địa hình phức tạp, thời gian ở cũng chỉ là tạm bợ một hai năm hay vài tháng, thì nơi dựng lán trại vẫn có sân bóng chuyền đảm bảo tiêu chuần về diện tích, bên trong lán là tivi, internet, báo chí các loại nhưng vẫn không thiếu báo tường do anh em sáng tác. Mỗi khi đến kỷ niệm ngày thành lập Công ty, những bài viết ấy được các đơn vị tuyển chọn, trình bày để dự thi báo tường của Công ty. Lao động sản xuất nhằm mục đích kinh doanh phục vụ cuộc sống; văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao cũng nhằm phục vụ cuộc sống. Các thế hệ lãnh đạo Công ty đã biết tổ chức hài hòa giữa các hoạt động kinh doanh với các hoạt động văn hóa làm nên văn hóa doanh nghiệp để phục vụ cuộc sống.
35 năm qua, đến với Tây Nguyên, ta bắt gặp những rẫy cà phê trái trĩu cành ngút hương, những cánh rừng cao su ngút tầm con mắt tràn trề dòng nhựa trắng, những cánh đồng bát ngát hứa hẹn mùa vàng, những con đường đi đến vùng xa xôi hẻo lánh, những công trình thủy lợi cho dòng điện sáng và tưới tiêu cho những vùng đất vốn cằn cỗi, hoang vu… sẽ có thể ai đó thầm ca ngợi những người đi đánh thức đất, gọi đất dậy để đất biết yêu và được yêu đời.      













Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét