TỶ PHÚ NHỜ CÂY DÓ BẦU
Ghi chép
Gần đây ở
huyện Ea Kar, tỉnh Đắk Lắk dư luận bàn tán xôn xao về một người nông dân “bất
ngờ” trở thành tỷ phú, chuyện thật được bao nhiêu chưa rõ, nhưng cũng làm nhiều
người tò mò, trong đó có tôi muốn biết thực hư ra sao nên cất công đi tìm cho
biết. Theo quốc lộ 26A từ thành phố Buôn Ma Thuột xuôi về phía thị xã Ninh Hòa,
tỉnh Khánh Hòa; đến Km 68 rẽ phải theo đường liên xã vào xã Cư Brông. Con đường
nhựa ngày nào, nay chỉ còn lại dấu vết những hố lồi lõm và những rãnh đá sỏi trộn
nhựa gập ghềnh; nhiều nơi đường chỉ còn trơ mặt đất đầy bùn đỏ quạnh. Sau khoảng
6 km đánh vật với quãng đường hư hỏng nặng, tôi cũng hỏi thăm đến được ngôi nhà
mình cần đến.
Trước mắt tôi
một ngôi nhà xây cấp bốn, lợp ngói, ba gian, giống như mọi căn nhà bình thường
khác ở vùng nông thôn đồng bằng Bắc bộ; trước sân dựng chiếc xe máy hãng Honda
màu xanh. Anh Khúc Văn Liệu, chủ nhà tuổi chắc chưa đến bốn chục và người vợ còn
khá trẻ, ra cửa niềm nở mời chúng tôi vào nhà. Trong nhà kê bộ xalon thẻ ở gian
chính giữa, gian bên phải để chiếc giường đôi và tủ đựng chiếc ty vi màu; gian
bên trái dùng làm phòng ngủ cho người mẹ già trên tám chục tuổi. Quả thật, nhìn
cơ ngơi của gia đình tôi nghĩ chắc chỉ ngang tầm như những hộ kinh tế thường thường
bậc trung của vùng này mà thôi.
Qua trao đổi,
tôi biết anh Khúc Văn Liệu là con thứ năm trong một gia đình có sáu anh chị em ở
tỉnh Hải Hưng, năm 1988 theo chủ trương của Nhà nước, gia đình vào huyện Ea Kar
xây dựng kinh tế mới. Cuộc sống lúc ấy vô cùng vất vả; bố mẹ, anh chị em dựng một
“ngôi nhà” tranh vách đất ở tạm. Hàng ngày gia đình vào rừng đốt than, chặt củi
bán mua gạo kiếm sống qua ngày. Cơ cực là thế, nhưng nhờ chăm chỉ làm ăn, cuộc
sống cũng dần dần ổn định; theo dòng thời gian, các anh chị và em gái út lấy vợ,
lấy chồng ra làm ăn riêng; bố mẹ già ở với anh. Khoảng năm 1998 trở về trước, vùng
đất của thôn Quyết Tiến, xã Ea Tyh, thuộc huyện Ea Kar, đa số đất canh tác là cát
hoặc pha cát nên không thể trồng được cà phê như các vùng khác trong huyện mà
chủ yếu trồng khoai, sắn hoặc cây nông sản ngắn ngày. Khi ấy chưa có nhà máy chế
biến sắn như bây giờ nên giá rẻ lắm, trồng một ha chăm sóc cả năm trời, khi thu
hoạch lời lãi chẳng được là bao nên xoay ra trồng các cây nông nghiệp khác, kết
quả cũng chẳng mấy khả quan.
Trong những
ngày mùa khô năm 1992, thấy người dân của tỉnh Phú Yên lên rủ đi tìm trầm, anh
bằng lòng đi theo; phần vì mưu sinh, phần vì tò mò muốn biết mặt mũi cái cây trầm
như thế nào mà quý giá đến thế. Sau mỗi chuyến đi hàng tuần, có khi cả tháng ăn
ngủ trong rừng sâu, núi cao cũng có lúc những người “ngậm ngải tìm trầm” ấy tìm
thấy thứ họ cần tìm. Riêng Khúc Văn Liệu lại tìm thấy một thứ khác: Cây dó bầu.
Việc những người đi tìm trầm, họ thấy cây dó bầu nào to cỡ bắp đùi trở lên đều
hạ xuống để bổ cây ra xem có trầm ở trong đó không; hành động đó đã tàn phá cả
một nguồn tài nguyên rừng quý giá bao đời để lại, làm anh băn khoăn tự hỏi: sao
ta không trồng để khai thác mà cứ phải vào rừng tàn phá? Cây mọc trong rừng có
trầm, sao ta không tự trồng mà lấy? Từ trăn trở ấy, anh về nhà mày mò tìm sách đọc
để hiểu thêm về cây dó bầu và nung nấu một dự định khác người: Trồng cây dó bầu.
Dịp may bất ngờ đến với anh, năm 2001, tại Hội chợ Buôn Ma Thuột, anh đã thấy
người ta giới thiệu và bán cây giống dó bầu. Anh về bàn với bố mẹ và vợ mua 300
cây về trồng thử. Năm sau thấy cây phát triển tốt, anh lại mua thêm 400 cây nữa
về trồng, và năm sau nữa thấy cây lên đẹp quá, anh dốc hết vốn và vay thêm bạn
bè mua thêm 500 cây trồng kín diện tích gần 3 ha. Sau 5 năm đầu cây phát triển
tốt, đến năm thứ sáu bọ rầy và sâu róm ở đâu đổ về ăn trụi hết lá cây, anh lại
phải tìm sách báo đọc rồi mua thuốc về phun, cây xanh tốt trở lại. Trong những
năm đầu, cây còn nhỏ, tranh thủ đất trống trồng thêm đậu, sắn, ngô xen kẽ, lấy
ngắn nuôi dài; khi cây khép tán không trồng được cây nông sản thì nuôi gà, nhờ
vậy trong thời gian ấy cuộc sống gia đình 5 khẩu cũng tạm đủ ăn. Buồn nhất là rất
nhiều người không tin vào cây dó bầu có thể mang lại kinh tế cao, có người độc
miệng bảo: Trồng chỉ để làm... củi; hay: Cây dó bầu phải trên cả trăm tuổi mới
có trầm, chờ đến lúc đó thì... Tuy người ngoài dèm pha nhiều, nhưng trong nhà bố
mẹ và vợ lại rất ủng hộ, gia đình tôn trọng niềm đam mê của anh cũng như tin cây
dó bầu sẽ mang lại kết quả tốt đẹp, nhờ vậy anh an tâm chăm sóc và tìm hiểu thêm
về cách tạo trầm.
Mấy năm gần đây,
công nghệ thông tin phát triển, qua mạng anh liên lạc với một số người cùng sở
thích và được hướng dẫn đặc tính của cấy dó bầu có trầm. Cây dó bầu trong tự
nhiên có trầm là do sâu đục thân, hoặc tác động của tự nhiên làm cây sứt sẹo,
những vết thương ấy được cây tiết ra một loại nhựa để tự chữa, lâu dần thành trầm;
còn cây trồng ta muốn nhanh có trầm phải tạo ra vết thương và hiện đại hơn là cấy
nấm vào trong thân cây để cây hình thành trầm. Từ thông tin quý giá ấy, năm
2011 anh liên hệ với một người bạn ở tỉnh Quảng Nam, nhờ lên tận nơi xem và cấy
thử 50 cây, nhưng thất bại. Không nản chí, đầu năm 2012 cũng qua mạng, anh làm
quen với một người ở thành phố Hồ Chí Minh, được giới thiệu loại nấm mới cấy
cho cây dó bầu sẽ cho trầm chất lượng cao; anh đặt mua và cấy cho 100 cây; sáu
tháng sau thử thấy kết quả tốt nên đã đầu tư cấy toàn bộ số cây còn lại trong vườn.
Theo chân vợ
chồng chủ nhà, chúng tôi ra thăm khu vườn trồng cây dó bầu. Trên diện tích gần
3 ha, cây dó bầu được trồng thẳng hàng như lô cao su, tán lá khép kín, gốc cây
trồng lứa đầu, đường kính phải đến 25cm, cao khoảng chục mét. Quanh gốc cây không
có cỏ, chỉ trơ cát và bầy gà đông đúc đang đào bới tìm mồi. Chỉ những chỗ khoan
vào thân cây để cấy trầm, Khúc Văn Liệu hoan hỷ nói: ‘Trầm phát triển tốt lắm,
hồi tháng ba vừa rồi, có một công ty ở thành phố Nha Trang lên trả giá mua bình
quân mỗi cây hai triệu đồng; vườn có hơn một ngàn cây, tính sơ sơ cũng được trên
hai tỷ; thấy cây đẹp quá, lại chưa cần phải chi lớn nên em không bán. Giá mua của
công ty đó hiện nay là hai lăm đến ba chục triệu một ký trầm; vườn em chăm thêm
vài năm nữa thì chắc thu phải gấp nhiều lần giá họ trả hôm nay”. Cô Nguyễn Thị
Ngát, vợ anh góp lời: “Ông mất năm kia, giờ còn hai vợ chồng, hai con nhỏ và mẹ
già, thu nhập hai cái ao thả cá có diện tích khoảng năm sào, mỗi năm thu hai vụ,
mỗi vụ khoảng tấn rưỡi cá, thế là tạm ổn chi cho các việc lớn; còn sinh hoạt hàng
ngày có thu nhập từ cây nông sản và chăn nuôi rồi”.
Nhìn đôi vợ
chồng trẻ khỏe mạnh, sống trên vùng đất khô cằn, khí hậu khắc nghiệt nhưng dám
nghĩ, dám làm đã xây dựng được cuộc sống không những sung túc mà giờ đây còn có
thể nói đã thực sự trở thành tỷ phú. Họ có tiền tỷ một cách bất ngờ nhất vì không
thể hình dung ra chỉ sau hơn 10 năm, vườn cây đã có giá cao đến như vậy. Người thanh niên quanh năm
lam lũ với đồng ruộng, học vấn chỉ vừa hết trung học cơ sở, không vốn liếng, từ
hai bàn tay trắng đã làm nên sự nghiệp, trở thành tỷ phú. Phải chăng chính lòng
đam mê và kiên trì mang bản chất con người Việt Nam ham học hỏi, cần cù trong
lao động nên đã gặt hái được thành công. Từ mô hình trồng rừng bằng cây dó bầu
của anh Khúc Văn Liệu, chúng ta hy vọng không chỉ ở vùng đất cát xã Ea Tyh mà
nhiều nơi khác có thể học hỏi để tiến tới có nhiều khu rừng dó bầu, một loại
nguyên liệu quý mà thiên nhiên ban tặng cho nước ta sẽ phủ xanh nhiều đồi trọc,
mang lại nguồn lợi lớn cho người dân, góp phần không những xóa đói giảm nghèo mà
còn trở thành giàu có!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét