Chủ Nhật, 10 tháng 11, 2013

SỐ: 254 - tác giả INRASARA





THƠ ĐƯƠNG ĐẠI VÀ HÀNH TRÌNH
TÌM THỦ PHÁP MỚI


1. Có một nhà thơ kiêm nhà phê bình đã phát biểu rất vô tư và ngây thơ rằng: “Theo quan điểm của tôi, người ta chỉ tìm tòi khi người ta tập viết, mà tập viết thì chưa thành nhà văn được (...), viết văn mà còn phải tìm tòi, còn phải tập, phê bình mà còn phải theo phương pháp này phương pháp khác thì là chưa tới. Đừng để quần chúng phải thưởng thức những tác phẩm còn “ương”, chưa tới ấy”.
Tìm tòi và thể nghiệm, thử nghiệm và khai phá vùng đất mới, đề tài mới và lối viết mới là hành động tất yếu của mọi nghệ sĩ chân chính. Chối từ mọi lặp lại, chối từ ăn theo hay ăn mòn vào thành tựu của người khác và của chính mình. Ngay khởi đầu cuộc viết hay khi dở chừng bế tắc sáng tạo. Chính hành động “tìm tòi và thể nghiệm” ấy đã tạo nên bước ngoặt mới cho một đời sáng tác, thay đổi dòng chảy của một trào lưu văn chương, hay làm nên cuộc cách mạng với một nền văn học, làm cho văn học phong phú, đa dạng và lí thú hơn.
Hành trình sáng tạo là hành trình của tiếp nhận, chối bỏ, tìm tòi và thể nghiệm. Thơ Mới chối bỏ thơ Đường luật và hát nói, tiếp nhận thơ Pháp, tìm tòi và thể nghiệm thủ pháp lãng mạn và tượng trưng để làm nên “một thời đại trong thi ca” Việt. Thơ Sáng tạo chối bỏ Thơ Mới, thơ hậu hiện đại chối bỏ thơ Sáng tạo… Cứ thế. Chối bỏ ở đây không phải là “chôn”, “đưa tang” hay vứt đi tất cả mà là, tiếp nhận, tìm tòi và sáng tạo. Hành trình này xảy ra giữa các thế hệ, trong một thời kì, thậm chí nơi mỗi nghệ sĩ sáng tạo. Có nhà thơ chẳng những thay đổi phong cách tác phẩm mà còn thay đổi cả hệ mĩ học sáng tác. Thay đổi hệ mĩ học sáng tác là khó, nhưng không phải không thể. Việt Nam đã có nhiều tác giả làm được như vậy. Chế Lan Viên đi từ tượng trưng (Điêu tàn) sang hiện thực xã hội chủ nghĩa (Ánh sáng và phù sa). Hàn Mặc Tử chuyển từ cổ điển (Thơ Đường luật) sang lãng mạn (Gái quê) qua một phần tượng trưng và siêu thực (Thơ điên, Thượng thanh khí…) chỉ trong thời gian ngắn. Hàn Mặc Tử như một Picasso trong hội họa. Liên tục tìm tòi, chinh phục và chối bỏ thành tựu của chính mình, để còn tìm tòi và chinh phục nữa.

“Trong lịch sử hội họa, Picasso là người gây ra nhiều lời mỉa mai cay độc nhất và cũng được ca ngợi nhất. Toàn bộ nền hội họa thế kỉ XX chịu sự chi phối của tác phẩm của ông, mà tác phẩm của ông thì thay đổi đến mức mỗi một thời kì (sáng tác) của ông cũng đủ cung cấp toàn bộ tác phẩm cho một họa sĩ khác” (J. Charpier & P. Séghers).
Cézanne trong mĩ thuật là tên tuổi lớn và dũng mãnh khác. Ảnh hưởng Pissarro, sau thành công ở vẽ theo ấn tượng thời kì đầu, không hài lòng với lối thể hiện của hệ mĩ học này, ông thách thức chính không gian của các nhà ấn tượng và chuyển hẳn sang trường phái tân ấn tượng. Để tạo nên bước chuyển quyết định đó, ông phải “tập” – rất nhiều. Núi Sainte-Victoire được vẽ đi vẽ lại nhiều lần từ năm 1885 đến 1906 là những bài “tập” bất hủ. Qua đó Cézanne “đã khai mào cho một cuộc cách mạng về hình thể dẫn tới nghệ thuật hiện đại” (Wendy Beckett).

2. Khác với tham vọng của chủ nghĩa tiền phong đòi cắt đứt mọi quan hệ, qua đó tạo ra một phong cách đặc thù đẫm tính cá nhân, một phong cách khép kín đầy ngạo mạn, chủ nghĩa hậu hiện đại muốn khôi phục lại sự liên hệ với tất cả cái gì thuộc về quá khứ. Hầu hết mọi thủ pháp hậu hiện đại đều đã được nhà hiện đại hay hiện đại hậu kì biết đến. Sự nhấn mạnh tính chủ quan trong văn bản, sáng tác thuộc dòng ý thức, biên giới mờ giữa các thể loại, hình thức phân mảnh và sự không liên tục của ý tưởng, chối bỏ thứ trau chuốt mang tính tu từ, khước từ phân biệt hình thức cao/ thấp, trí thức/ bình dân của nghệ thuật,… được chủ nghĩa hiện đại khai phá và đã có các thành tựu lớn, giai đoạn qua.
Nhiều đặc điểm ở hậu hiện đại đã có mặt ở các sáng tác hiện đại chủ nghĩa – không sai! Nhưng điều quyết định xẻ ranh khu biệt hậu hiện đại với cái khác nó, là: Nền tảng triết học và thái độ. Thái độ, đó là trong lúc nhà văn hiện đại mô tả đầy chủ ý sự thể như nỗi bi thảm, và khóc than cho chúng trong nỗ lực gắn kết, tìm sự thống nhất một cách tuyệt vọng, thì nhà văn hậu hiện đại không những từ chối tham dự để dàn xếp, đưa chúng vào trật tự mà còn chấp nhận chúng, tán dương chúng, nhập cuộc chơi với chúng – khoái hoạt!

Thử điểm qua vài thủ pháp “mới lạ” được các nhà thơ đương đại quen dùng.
Đây là thời văn chương [của sự] cạn kiệt the literature of exhaustion, John Barth tuyên bố. Nhưng mươi năm sau thôi, ông nghĩ khác: Đây là thời văn chương [của sự] phong dật the literature of replenishment (John Barth, 1980). Khi khám phá ra rằng mỗi văn bản là một liên văn bản, mặc cảm đụng hàng không còn nữa. Phỏng nhại là sáng tạo, cắt dán là sáng tạo.
Rất nhiều nhà thơ lẩy ra các thành ngữ, tục ngữ hay ca dao có nội dung gần nhau, sắp đặt chúng theo hàng dọc, hàng ngang để tạo thành bài thơ; không ít người viết còn lượm nhặt các khẩu hiệu, các bảng cấm hay khuyến dùng để làm ra bài thơ nữa. Nhà thơ cũng có thể sử dụng tin từ tờ báo giấy hay thông tin trên mạng để làm thứ chất liệu cho bài thơ, như từ, cụm từ, hay cái gì nữa bất kì sẵn có; họ chế biến tùy ý, thêm vài nhận định chủ quan để làm ra bài thơ. Có bài thơ bắt đầu bằng thông tin dự báo thời tiết, rất đỗi bình thường:
Tin 12 giờ trưa:
gió cấp sáu cấp bảy, giật cấp tám cấp chín
lũ sông Cái trên báo động hai 0,4 mét
trời vừa quang nhưng đang chuyển, vài vùng còn mưa…
Tin 7 giờ chiều:
mưa kéo dài ba giờ liền trên diện rộng
đỉnh lũ trên báo động ba 0,3 mét, 0,5 mét, không phẩy…
Rồi là thông tin cắt ra từ báo, gần như không dính dáng gì đến “thơ” như ta từng quan niệm.
Những con số trêu ngươi
những con số thống kê vô hồn
1.137 căn nhà dân bị ngập sâu trong nước,
56 nhà bị sập hoàn toàn…
có kể luôn nhà cái Tem không?
                  (Kiều Maily, “Có nhà cái Tem không?”, Giữa hai khoảng trống, 2013)
Thông tin gần như in ra từ nguyên văn. Nhà thơ khiến người đọc cứ muốn đặt câu hỏi: Ủa, cái gì đây? Thơ đâu rồi? Nhưng bất ngờ, cái câu: “có kể luôn nhà cái Tem không?” thay đổi tất cả. Một câu quyết định chuyển thông tin mang tính thông tấn vào tình cảm thật sâu đậm. Đó chính là thơ.

Thế nhưng, không phải vì thế mà thơ đương đại không có sự sáng tạo các thủ pháp đặc thù của nó. Khi thức nhận rằng lịch sử [hay tiểu sử cá nhân] không phải là quá khứ mà là câu chuyện về quá khứ do một cá nhân hay cộng đồng kể lại. Nó chỉ là một trong những diễn ngôn discourse, nhà thơ không e ngại nặn ra hàng loạt thông tin sai lệch, dư thừa và không cần thiết về một cá nhân, rồi nhét bừa vào bài thơ. Đó chính là thủ pháp siêu hư cấu sử kí historiographic metafiction, một lối viết không những làm méo mó lịch sử một cách có chủ ý, hòa lẫn lịch sử và giả tưởng, xáo trộn trật tự thời gian quá khứ nhằm phá vỡ tính mạch lạc của lối kể truyền thống.

Thể hiện tinh thần độc sáng, hầu hết các nhà thơ hiện đại chọn thơ tự do không vần trong các sáng tác, tránh tối đa các thể thơ truyền thống. Nhà thơ hậu hiện đại đối xử vô phân biệt truyền thống hay hiện đại. Họ xài đủ thể thơ có trong tay: lục bát, thơ tám chữ, thậm chí thơ Đường luật. Đó là cách làm của phong trào thơ tân hình thức, chủ trương "sử dụng thi pháp đời thường thay thế thi pháp cảm tính". Xưa, người Chăm cũng đã biết đến vắt dòng:
Patri tangi thei jwak drơh takai
Pathang kuw bhian nau mai, Dewa Mưno nan nhu hia
Nàng hỏi ai đi tựa tiếng bước chân
Chồng ta đi lại thường ngày, Dewa Mưno bật khóc
                        (sử thi Akayet Dewa Mưno)
Kĩ thuật vắt dòng từng được các nhà thơ hiện đại dùng khá phổ biến:
Xin chào nhau giữa lúc này
Có ngàn năm đứng ngó cây cối và
Có trời mây xuống lân la
Bên bờ nước có bóng ta bên người
                        (Bùi Giáng, Mưa nguồn)
Chỉ một ngày nữa thôi. Em sẽ
Trở về. Nắng sớm cũng mong. Cây
Cũng ngóng. Ngõ cũng chờ. Và bướm
Cũng thay màu đôi cánh đang bay.
                        (Chế Lan Viên, “Tập qua hàng”)
Nhưng chính Tân hình thức mới vận dụng triệt để nó, và nâng nó lên thành một trong vài thủ pháp chính của phong trào:
Con mèo đen có linh hồn và chiếc
xương sườn của tôi, mỗi buổi sáng thức
dậy không bao giờ rửa mặt, mỗi buổi
sáng thức dậy không bao giờ đánh răng;

con mèo đen có đôi mắt bằng đất
sét, mở ra và nhắm lại, hay cứ
mở ra và không bao giờ nhắm lại,
trong lúc lên thang xuống thang, mang theo

linh hồn và chiếc xương sườn của tôi,
mà quên rằng, tôi đã sống những ngày
hôn ám biết bao, tự thuở nào và
tại sao thì tôi đành chôn kín, trong…
                     (Khế Iêm, “Con mèo đen”)
Khác với thơ truyền thống chỉ nhấn vào vần và nguyên âm, nhà thơ đương đại chế tạo ra loại thơ phụ âm rất đặc thù. Cách làm này nhà thơ cổ điển cũng đã thử (hay nhẫu nhiên), như Tố Hữu: “Mà mưa xối xả trắng trời Thừa Thiên”; Đặng Thân đẩy nó đến cùng bằng vận dụng nó triệt để trong các bài thơ của mình.
Thơ graphic sử dụng phần mềm graphic của thời vi tính để sáng tạo tác phẩm mới lạ mang nội dung của thời đại để tạo một cảm xúc đặc biệt. Dấn thêm một bước, Nguyễn Hoàng Nam còn chế tạo ra loại thơ phân thân chưa từng có tiền lệ. “Một bàn chưn” tự tách ra khỏi chủ thể con người để làm cuộc hành trình độc lập với cả chuỗi hành động qua cuộc phiêu lưu riêng lẻ, không liên quan đến con người từng “sở hữu” nó.
Nguyễn Tôn Hiệt với thơ động tác. “Trăm năm trong cõi/ người ta” là bài thơ gồm toàn danh từ hay danh từ kèm động từ; chủ từ hoàn toàn vắng mặt, tính từ và trợ động từ càng không. Nhà thơ không áp đặt một chiều ý tưởng bài thơ lên trên tâm hồn người đọc mà, kêu gọi họ đồng sáng tạo. Hơn thế nữa, anh/ chị ta phó mặc người đọc với trò ráp nối và diễn dịch chủ quan trong một hoàn cảnh, tâm trạng nhất định của họ.
Trăm năm trong cõi
Ải. Ấp. Bãi biển. Bãi tha ma. Bè. Bến. Bến đò. Bến phà. Bến tàu. Bến xe. Bệnh viện. Biệt thự. Bờ. Bờ biển. Bờ sông. Buồng. Buồng giam. Buồng giam chung. Buồng hợp cẩn. Buồng tra tấn. Cầu tiêu. Chánh điện. Chợ. Chợ chồm hổm. Chợ phiên. Chốn. Chõng. Chùa. Chuồng cọp. Công viên. Cống. Dinh thự. Doanh trại. Đất nước. Địa chỉ. Địa điểm. Địa phương. Đình. Đô thị. Đồi. Đồn. Đường. Ga. Gác xép...
Người ta
Á hậu. Bí thư. Bí thư chi bộ. Bí thư chi uỷ. Bí thư tỉnh uỷ. Bộ trưởng. Binh nhì. Ca sĩ. Cảnh sát. Chị gánh nước. Chủ tịch… Dân biểu. Dân đen. Đại biểu quốc hội. Đại tá. Đại tướng. Đại uý. Đầy tớ. Điêu khắc gia. Đội hành quyết. Đội tra tấn. Em bé. Gác dan. Gái bán trinh. Gái điếm. Gái nhảy. Giám đốc. Giám mục. Gián điệp. Giáo sư. Hạ sĩ. Hành khất...
                     (Nguyễn Tôn Hiệt, “Trăm năm trong cõi/ Người ta”)

Thơ thị giác visual poetry của Nguyễn Hoàng Tranh, thơ cụ thể concrete poetry của Lê Văn Tài, thơ photo của Đỗ Kh. kết hợp ngôn ngữ và hình ảnh; cả hai yếu tố này bổ trợ cho nhau tạo nên hiệu ứng thơ đặc biệt. Nhà thơ hôm nay không từ chối hay chống lại mà tận dụng mọi lợi thế của khoa học kĩ thuật, để làm thơ.

Không ít nhà thơ viết truyện rất ngắn nhưng vẫn cứ xếp nó vào mục thơ, có kẻ viết thơ như là viết tiểu luận ngôn ngữ. Quan điểm của chủ nghĩa hiện đại trong xáo trộn thể loại để làm ra một tác phẩm độc sáng, ngược lại hậu hiện đại: Giải khu biệt hóa và phi tâm hóa ngay trong các thể loại. Kết hợp và trộn lẫn các thể loại, bên cạnh nhằm mục đích tạo nên một thể loại văn chương khác, mới, họ còn muốn nhấn vào tính liên văn bản của tác phẩm văn chương. Khi họ muốn gọi nó là bài thơ thì đó chính là bài thơ.
Cuối cùng, sáng tác hiện đại rất ý thức về tác giả, về bản quyền tác giả trên tác phẩm mình. Bởi họ tìm tòi và độc sáng. Nhiều nhà thơ đương đại nghĩ ngược lại: Chẳng có gì là độc sáng cả. Mỗi sáng tạo là một vi phạm bản quyền, nhiều hay ít, ẩn hay hiện, lộ liễu hay kín đáo, nên họ không kiêng nể sử dụng ngay tác phẩm có sẵn và chế tác trên nó.
Chắc chắn sẽ có phản ứng: Thơ như thế mà “khó” gì, cứ kí sinh trên tác phẩm của người khác, cứ xáo bừa mọi hình ảnh/ ngôn từ/ ý tưởng như nhà cái bầu tôm xóc dĩa làm thì cũng xong cái bài thơ. Và thơ để làm gì, nếu không sáng tạo được thêm thủ pháp mới, phương cách mới để khám phá hiện thực, nói lên tiếng nói sâu sắc, mới lạ để làm rung động lòng người?

Tất cả thủ pháp trên nói lên điều gì không, hay nó chỉ thuần là trò chơi kĩ thuật thời trang rẻ tiền? Nhớ rằng Cảm thức chủ yếu của hậu hiện đại là lối cảm nhận về thế giới như là một hỗn độn, con người bất tín nhận thức từ đó dẫn đến sự khủng hoảng niềm tin vào đại tự sự; Hành động cốt tủy của hậu hiện đại là giải trung tâm; Lối viết đặc trưng là giễu nhại; và cuối cùng Tinh thần văn phong của nó là tính phi nghiêm cẩn. Qua bốn đặc điểm vừa nêu, hậu hiện đại không là chủ nghĩa nghệ thuật thuần túy [như tượng trưng hay siêu thực chẳng hạn] mà là trào lưu văn hóa mang tính toàn cầu, tác động rộng lớn đến nhiều khía cạnh xã hội. Là chủ nghĩa thuần túy, người viết có thể muốn hay không vận dụng thủ pháp của nó vào sáng tác; còn hậu hiện đại, phải mang đầy đủ cảm thức hậu hiện đại, bạn mới hi vọng có sáng tác hậu hiện đại đúng nghĩa.
Các trào lưu và chủ nghĩa trong văn học nghệ thuật cùng với các thủ pháp đặc thù của chúng không bao giờ gọi là lỗi thời. Không thể nói hậu hiện đại thì tiến bộ hơn hiện đại, tượng trưng thì lạc hậu so với cái gì đó. Ai dám bảo việc khám phá hoạt động vô thức của Freud và chủ nghĩa siêu thực thoát thai từ triết học đó là lạc hậu? Mỗi triết học đều giúp con người phương cách mới để khám phá hiện thực, mỗi trường phái văn nghệ đều có thể hiến tặng cho nghệ sĩ một cách biểu hiện khác trong nghệ thuật. Chúng góp nhiều chiều nhìn để làm phong phú cuộc sống tinh thần của nhân loại. Chỉ khi nào một nhà thơ đương thời lại lạm dụng quá nhiều các thủ pháp của các trào lưu nghệ thuật cũ, khi đó anh/ chị ta mới tỏ ra lạc hậu và chịu rớt lại với văn chương của người cùng thời.
Riêng thái độ cản trở sự hình thành và phát triển cái mới, là lạc hậu địch thị!
Thời đại khác, thơ cũng phải khác. Khác từ cảm thức cho đến cách viết, khác đến cả cách tiếp nhận. Thế hệ (không phải chuyện tuổi tác) khác, lối viết khác; và lối viết đó cũng đòi hỏi một bộ phận độc giả khác. Chính những “khác” này kích thích kẻ sáng tạo tìm tòi khai phá, thúc đẩy sự tiến bộ của tinh thần nhân loại.





Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét