MỘT GIỜ HỌC ẤN TƯỢNG
Truyện ngắn
Năm nay nó
lên lớp 8. Nó tự hào mấy năm qua vẫn được ở tốp đầu của lớp. Tuy thế, từ lớp dưới
nó chỉ thích mấy môn tự nhiên, thậm ghét những môn xã hội, nhất là môn Văn. Vì
theo nó, môn Văn vừa dài, vừa phải suy nghĩ, liên tưởng, làm bài lại khó. Và một
lí do hơi chủ quan là chưa có giáo viên nào dạy hay khiến nó thấy thích. Năm
nay, lớp nó được một giáo viên dạy Văn mới. Một cô giáo đã nhiều năm trong nghề,
và nổi tiếng là khó. Nhưng cô cũng là người có bề dày thành tích và có
nhiều học sinh giỏi các cấp. Cô thường đến lớp với tà áo dài truyền thống. Cô gây
ấn tượng với người đối diện bằng cặp mắt sáng và đôi môi cong vẻ hờn dỗi. Cô không
đẹp cuốn hút, lộng lẫy cũng không quá lạnh lùng, xa cách nhưng có điều gì đó làm
người đối diện phải e dè. Cô tên Thu Nguyên - nghe nói vì sinh ở Tây Nguyên lại
vào mùa thu nên ba mẹ cô đặt cái tên này chứ quê cô ở tận miền Bắc xa lắc. Lớp
nó đứa thì mừng, đứa thì lo. Riêng nó - một cảm giác không rõ, không hẳn sợ, cũng
không mừng. Vì với nó không thích môn này thì ai dạy mà chẳng vậy!
Mấy tuần học
đầu trôi qua nhẹ nhàng. Cách giảng của cô khác với những giáo viên năm trước.
Nhiệt tình, lôi cuốn, luôn bắt học sinh phải làm việc. Vì vậy, lớp nó nổi tiếng
là “buôn chuyện” nhất khối thì vào tiết học của cô cũng không có thời gian rảnh
nữa. Cách kiểm tra bài cũ của cô cũng khác, không phải tiết học nào cũng bắt học
sinh lên bảng đọc thuộc lòng mà cô thường lồng vào bài mới, tích hợp kiến thức
cũ thậm chí kiến thức từ lớp dưới nên nó thấy là mình bị hổng nhiều. Trong giờ
học, cô gọi nhiều bạn trong lớp, đặc biệt những bạn rụt rè luôn được cô động viên
khích lệ. Lớp nó tới hai phần ba số học sinh là người dân tộc Eâđe,â nên những
năm trước việc phát biểu ý kiến xây dựng bài quả là hiếm. Năm nay đã tiến bộ hơn.
Còn bài viết cô chấm kĩ. Từng lỗi chính tả, cách dùng từ, đặt câu cho tới bố cục,
trình bày, cách diễn đạt thế nào cho có chất văn… đều được cô phê trong từng bài
kiểm tra. Vì thế, tâm trạng chán nản, lo sợ của một số bạn được thay thế bằng
việc háo hức chờ đón mỗi khi có tiết học. Còn những “cây văn” của lớp thì khỏi
nói: Cứ gọi là “say tít”. Với nó, hình như cũng có gì đó khang khác khi học văn.
Nó chăm chỉ hơn, chú ý nghe cô giảng và cũng hay phát biểu ý kiến xây dựng bài
hơn. Nó ngờ ngợ cách mọi người đánh giá về cô “khó”, có thể hiểu là cô muốn học
sinh học tốt chứ không phải khó khăn theo nghĩa khác. Nhưng ấn tượng nhất với nó
là tiết học Tiếng Việt tuần trước - khi cô thông báo với lớp cô sẽ thao giảng
chào mừng năm học mới.
Hôm đó là
thứ 3. Tiết Văn là tiết đầu.
Sáng thu ở
Tây nguyên trời se lạnh. Sương mù như những dải lụa trắng mỏng còn vương trên rừng
cao su sau trường. Đằng đông, mặt trời từ từ nhô lên, hắt những tia nắng vàng
như mật xuống khắp không gian. Những hạt sương như những hạt kim cương lóng lánh
còn đọng trên những bồn hoa, thảm cỏ ở sân trường. Trường nó đẹp thật! Ngôi trường
này đã gắn bó với nó mấy năm nay và gắn với bao kỉ niệm buồn vui… Hôm nay nó đến
sớm hơn thường ngày bởi phiên trực nhật. Làm xong mọi việc thật nhanh vì những
việc này nó đã quen làm ở nhà. Mẹ tuy rất chiều nhưng vẫn dạy nó phải làm mọi
việc vì mẹ thường nói:
- Thương
con là phải dạy con biết suy nghĩ, biết làm việc.
Trống trường
đã điểm. Sinh hoạt 15 phút đầu giờ xong lớp nó nhanh chóng tới học ở phòng máy
chiếu vì giờ trước cô đã dặn. Trường nó ở vùng sâu của huyện nên cuối năm vừa rồi
nhà trường mới mua máy chiếu và lấy một phòng học để dạy. Các lớp khác đã được
học vài tiết, nghe chúng kể lại thật thích. Nó cũng muốn lắm nhưng chưa được học.
Thật may, hôm nay giờ Văn cô giáo dạy máy chiếu. Đứa nào lớp nó cũng háo hức,
không hình dung tiết học sẽ như thế nào! Liệu có dễ hiểu hơn dạy bình thường không?
Cả lớp nó tranh cãi, đứa nói sẽ hay hơn, đứa nói chưa chắc. Cái Oanh “ tồ” nói:
- Chúng
bay việc gì phải đoán già đoán non, lát nữa sẽ biết ngay thôi mà.
Lớp nó
nhanh chóng ổn định chỗ ngồi. Cô giáo duyên dáng hơn trong tà áo dài màu thiên
thanh và mái tóc bồng bềnh thả ngang lưng. Cô giới thiệu các giáo viên đến dự
giờ với lớp. Và lớp trưởng báo cáo sĩ số. Vẫn là giọng trầm ấm, cuốn hút, cô mở
đầu tiết học:
- Trước
khi học bài mới, cô sẽ kiểm tra kiến thức cũ. Các em nhìn trên màn hình.
Hình nền màu
xanh nước biển, nổi bật những câu hỏi màu trắng, điểm xuyết vài hình con vật ngộ
nghĩnh. Đứa ồ, đứa xuýt xoa nhưng ngưng lại ngay vì chợt nhớ là có giáo viên dự
giờ. Một số câu hỏi về kiến thức của bài cũ dưới hình thức trắc nghiệm và bài tập
vận dụng khiến tụi nó khắc sâu bài học hơn. Cô khen lớp học bài cũ tốt và chuyển
sang bài mới. Chỉ cần một cái nhấp chuột là những dòng chữ mới hiện ra với đủ hình
dáng, màu sắc. Thật đẹp, thật nhanh. Nó nghĩ: “Đúng là thời đại khoa học phát triển
có khác. Học thế này khác gì đi xem phim ở rạp mà có lần nó lên nhà bác ở thành
phố được anh con bác đưa đi xem.”
Bài học hôm
đó là Từ tượng hình, từ tượng thanh. Thật nhanh, lớp nó ai cũng nắm được
đặc điểm và công dụng thông qua các ví dụ ở sách giáo khoa và những ví dụ cô đưa
ra. Ở mỗi đơn vị kiến thức cô đều liên hệ với cuộc sống và tích hợp giáo dục kĩ
năng sống. Bài học trở nên đơn giản, dễ hiểu. Ai cũng hăng hái phát biểu. Chẳng
đứa nào có thời gian tranh thủ “buôn” và để ý đến lũ chim sâu đang cãi nhau chí
chóe trên cây bàng trước cửa lớp học. Đến bài tập nhanh, trên màn hình hiện ra
một số hình ảnh thật sinh động. Nào là thác nước đổ tung bọt trắng xóa, nào là
trận mưa rào ở một làng quê, rồi con thuyền bồng bềnh trên sóng biển; những thiếu
nữ với tà áo dài thướt tha trong gió... Cô cho một số từ tượng hình tượng
thanh, yêu cầu lớp thảo luận nhóm 4 phút: Tìm từ miêu tả đúng trong hình và đặt câu.
Tụi nó thảo luận sôi nổi và nhanh chóng giơ tay xung phong trả lời. Đa số các
nhóm tìm từ đúng nhưng đặt câu chưa hay. Cô chỉnh sửa để tụi nó lần sau đặt câu
hay, có ý nghĩa hơn. Sang phần luyện tập, các bài tương đối dễ. Nhưng vui nhất
là đến bài tập đặt câu với từ tượng hình, tượng thanh cho sẵn. Lớp nó hôm ấy học
rất sôi nổi. Đến cả một số bạn như Y Toang, Y Kê, Y Kim mọi ngày chỉ ngồi phá
hoặc ngủ mà hôm nay cũng giơ tay. Đúng là chuyện lạ. Đến từ “ồm ồm”. Cô hỏi:
- Đây là từ
tượng thanh, mô phỏng âm thanh gì?
- Thưa cô!
Giọng nói của người ạ. Đó là câu trả lời của Hương “lùn”.
- Vậy bạn
nào đặt câu có từ “ồm ồm”?
Y Bé giơ
tay:
- Thưa cô,
lớp em có bạn giọng ồm ồm, em đặt câu: Bạn Tiến lớp em kêu ồm ồm.
Tiếng cười
vỡ òa. Cả cô và những giáo viên dự giờ cũng không nín được. Nhưng cô đã nhanh
chóng lấy lại bình tĩnh. Ổn định lớp xong, cô nói:
- Em đặt câu
như vậy là đúng nhưng em dùng từ chưa chuẩn. Con người không thể dùng từ “kêu”
mà phải dùng từ “nói”. Còn bạn Tiến đừng buồn, nhiều ca sĩ có giọng khàn, ồm mà
vẫn nổi tiếng như thường.
Kết thúc tiết học sau khi được xem sơ
đồ tư duy cô vẽ trên máy. Màu sắc đẹp, các đơn vị kiến thức cô đọng, rõ ràng. Cô
dặn dò chúng tôi về học bài, làm bài tập và soạn bài mới. Bất ngờ cái Thanh “
thi sĩ bất đắc dĩ” của lớp:
- Thưa cô! Em có ý kiến.
- Cô mời
em.
- Dạ, em
muốn tặng thầy cô và các bạn một “thi phẩm” em vừa nghĩ ra được không ạ?
Lại chuyện
thú vị gì nữa đây! Cô gật đầu:
- Thế thì
hay quá, em đọc đi.
Nó e hèm lấy
giọng và bắt đầu véo von:
-Thưa cô và
các bạn, tựa đề của bài là Ngẫu hứng.
Hôm nay học
tiết Ngữ văn
Là bài tiếng
Việt - Tượng thanh, tượng hình.
Bao nhiêu
gương mặt xinh xinh
Bấy nhiêu
giọng nói ân tình thiết tha.
Kiến thức ở
sách giáo khoa
Ở trong cuộc
sống khéo hòa với nhau
Thời gian
nhanh chóng trôi mau.
Lớp, trường,
thầy, bạn - khắc sâu suốt đời.
Nó vừa dứt
lời, một tràng pháo tay giòn giã vang lên cũng là lúc tiếng trống báo hiệu hết
giờ.
Một tiết học
thật ấn tượng. Trên đường về lớp, đứa nào cũng tranh nói. Nó và cả lớp đều mong
có nhiều tiết học như thế. Chắc chắn từ nay nó sẽ nghĩ khác về môn Văn. Phải chăng
nó đã bắt đầu thích môn học này? Từ cô giáo? Từ phương pháp dạy hay từ việc áp
dụng công nghệ thông tin vào dạy học?... Nó không biết nữa. Nhưng nó quyết tâm
sẽ học thật tốt - đặc biệt là môn Văn.
Làn gió nhẹ
mơn man vuốt ve khuôn mặt nó. Những tán lá xanh um ở rặng cây trên sân trường cũng
vẫy vẫy như cổ vũ nó hãy cố lên. Và nó vào lớp với một tâm trạng háo hức cho tiết
học tiếp theo...
Cuor Đăng
tháng 10/2013
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét