Thứ Tư, 20 tháng 11, 2013

SỐ: 255 - tác giả LÊ ĐÌNH LIỆU






NGƯỜI ĐI TÌM ĐẤT TRỒNG RỪNG

Hòn ngọc viễn đông” nơi người ở khắp Bắc - Trung - Nam, miền xuôi, miền ngược đua nhau tìm đến bon chen, mua bán, phô bày mọi tính cách, mọi tài năng để kiếm tiền sống qua ngày hoặc làm giàu, trở nên ông này bà nọ… nhưng đối với Bùi Khánh Mậu lại không như vậy. Tìm đến phường Bình Trị Đông, quận Bình Tân, thành phố Hồ Chí Minh hỏi thăm cựu chiến binh Bùi Khánh Mậu dân phố biết ngay là “Người đi tìm đất trồng rừng”.
Nhập ngũ năm 1967, Bùi Khánh Mậu được huấn luyện và chiến đấu qua nhiều chiến trường. 24 năm quân ngũ anh hiểu rất rõ sự khắc nghiệt của đạn bom chiến tranh và sức hủy diệt của chất độc hóa học mà đế quốc Mỹ trút xuống núi rừng và làng quê Việt Nam. Mới hôm nào rừng cây còn trải màu xanh biếc “rừng che bộ đội rừng vây quân thù” hùng vĩ, điệp trùng, bóng rợp một vùng nhưng bom đạn dội lên, chất độc hóa học tưới xuống, rừng trở thành trơ trụi, không lá, không cành, chỉ còn cái gốc khô cháy, nám đen, đầy vết sẹo. Hình ảnh đó cứ ám ảnh Bùi Khánh Mậu theo anh cho đến tận bây giờ.
Năm 1991, thiếu tá Bùi Khánh Mậu nghỉ hưu, về vùng đất Sài Gòn, nơi phồn hoa tráng lệ. Cuộc sống đô thành với nhiều điều kiện thuận lợi để anh cùng vợ là chị Nguyễn Thị Dung làm nên một “Thương hiệu” nào đó tại thành phố có số dân đông nhất cả nước. Năm tháng trôi đi, ký ức về chiến tranh về những cánh rừng bị tàn phá lại lần lượt hiện về trong anh. Cuộc sống nơi đô thành ồn ào, náo nhiệt trong nhịp bước chuyển mình thời công nghiệp hiện đại không níu kéo được anh khi mà cả trong giấc ngủ cứ đau đáu những nghĩ suy về việc đi tìm đất trồng rừng. Thế rồi sau một năm kỷ niệm ngày rời quân ngũ, năm 1993 anh bắt đầu lên đường đi tìm “Thương hiệu” của mình nơi rừng hoang đất trống. Bùi Khánh Mậu đi về vùng đất “Chiến khu D” Lộc Ninh, Tây Ninh, Tân Uyên, Bình Phước - mảnh đất hứng chịu dày đặc bom mìn, nơi đồng đội anh đổ máu xương quá nhiều trong cuộc trường chinh chống Mỹ. Tuy rằng mình là người đến sau, nhưng Bùi Khánh Mậu cũng kịp trồng xuống mảnh đất chiến trường xưa 10 hécta cao su để cùng góp sức trả màu xanh cho quê hương xóa đi những vết tích bom cày, đạn xéo. Không dừng lại ở đó, anh lại tiếp tục đi tìm…
Tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, anh lập chòi lật đất tại xã Tóc Tiên, một xã vùng sâu của huyện Tân Thành. Vì chỉ nơi này còn đất cho anh trồng rừng. 12 hécta đất trống phải sang nhượng với dân, anh đầu tư vào đây bước đầu 5 lượng vàng tương đương 23.250.000 đồng (năm 1993). Những tháng ngày lăn lộn nơi đất trống, mệt mỏi toan tính với vùng đất chưa quen thổ nhưỡng cùng với số tiền bỏ ra không nhỏ của người lính vừa hạ ba lô. Anh tìm đến các trang trại, đến các chủ nhân trồng rừng và rồi mang mẫu đất đến Viện Nông - Lâm nhờ phân tích kiểm nghiệm để đi đến kết luận: Chất đất phù hợp với cây keo và bạch đàn. Từ đó, màu xanh cứ thế vươn lên, làng quê Tóc Tiên ngày một khởi sắc. Người dân tìm đến Bùi Khánh Mậu để học tập một hướng đi thoát nghèo và làm giàu từ cách “trồng cây gì? nuôi con gì?” mà cựu chiến binh Bùi Khánh Mậu đã dày công tìm kiếm. 19 năm, rừng keo và bạch đàn của anh với diện tích 12 hécta, trong đó có 3,5 hécta muồng thuộc loại cây lấy gỗ nhóm I đã qua các kỳ khai thác. Rừng của anh, của dân cứ thi nhau mọc, xã vùng ven thực sự trở thành “quê hương xanh” giữa dải đất miền Đông nắng gió. Đêm đêm thao thức nghe vùng biển Bà Rịa - Vũng Tàu dội sóng. Tiếng sóng như thúc giục anh nghĩ suy về một hướng đi tiếp. 12 hécta ở xã Tóc Tiên này mới chỉ là góp với rừng chút xíu. Anh lặn lội lên đến Tây Nguyên, đến với cánh rừng phía đông Đắk Lắk, một thời nơi đây là vòng tuyến vây quân thù để làm nên chiến thắng giải phóng Buôn Ma Thuột mùng 10 tháng 3 năm 1975 tạo thời cơ quan trọng cho chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng.
Tháng 4 năm 2004, Bùi Khánh Mậu ký hợp đồng trồng rừng với Công ty Lâm nghiệp Phước An thuộc huyện Krông Pắc, tỉnh Đắk Lắk. Đây có thể coi là cuộc đọ sức quyết liệt giữa một bên là cựu chiến binh Bùi Khánh Mậu và một bên là 36 hécta đất trống bạc màu, hoang hóa từ nhiều năm trên địa bàn xã Vụ Bổn không mấy ai mặn mà nhòm ngó. Sự xuất hiện của Bùi Khánh Mậu gây sự chú ý cho cả Công ty Lâm nghiệp Phước An, bởi lẽ đã qua nhiều đợt giao đất trồng rừng cho cán bộ công nhân viên mà chẳng có ai dám nhận. Cả xã Vụ Bổn xôn xao bàn tán về cái “gan to” của ông chủ đất mới “từ trên trời rơi xuống”. Riêng Bùi Khánh Mậu vẫn lặng lẽ tìm cách làm. Anh tự nhủ: “Có như thế mình mới còn phần”. Mất mấy tháng trời nằm võng ở rừng, Bùi Khánh Mậu đã đánh thức 36 hécta bật dậy bằng tiếng máy ủi, máy múc, máy cày. Nơi hoang vu của hàng ngàn bụi le, ụ mối, của lớp lớp gốc cây chết vùi dưới đất, của chằng chịt dây leo… Con suối Krông Pắc chảy qua, mùa khô thì hiền như già làng, bến nước; mùa mưa thì hung dữ dâng nước ngập hết đường đi, đôi khi cô lập toàn thôn Thanh Sơn, nơi có 36 hécta đất của Bùi Khánh Mậu với trung tâm xã Vụ Bổn.
Để có được 22 hécta trồng keo và bạch đàn xanh tốt (14 hécta đang tiếp tục cải tạo), Bùi Khánh Mậu đã đầu tư cho mỗi hécta tới 25 triệu đồng. Diện tích 36 hécta đã ngốn hết 900 triệu đồng của anh. Qua 9 năm lật đất trồng rừng. 22 hécta đã chuẩn bị vào đợt khai thác lần thứ hai. Gần 2000 Ste gỗ keo và bạch đàn sẽ được ký hợp đồng bán cho cơ sở chế biến bột giấy xuất khẩu, anh sẽ thu về số lượng tiền không hề nhỏ.
Con đường làm nên thương hiệu “Tìm đất trồng rừng” nét đơn của cựu chiến binh Bùi Khánh Mậu trải qua bao gian nan vất vả, bao nỗi thăng trầm ở chốn rừng xanh. Anh đã góp cho Tây Nguyên màu xanh quê hương trên vùng đất trống. Anh cũng đã xây dựng cho nơi đây một hồ nước gần 3 hécta. Hồ Krông Búk Hạ ra đời - một đập nước được xây dựng kiên cố, trấn giữ không cho nước lũ tràn về chia cách làng quê, luôn luôn đầy nước phục vụ tưới tiêu cho bạt ngàn cây công nghiệp và nông nghiệp mà ngàn đời chưa có. Bùi Khánh Mậu để lại cho Tây Nguyên hình ảnh cựu chiến binh dám nghĩ dám làm. Có lẽ không xa nữa hồ Krông Búk Hạ sẽ là khu du lịch vui chơi giải trí cho khách gần xa tìm về tận hưởng môi trường xanh - sạch - đẹp.
Cựu chiến binh Bùi Khánh Mậu đã chiến thắng, bởi vì anh đã mang cái tâm của mình đến với rừng: “Nó không chết. Chất độc hóa học đã rứt hết hoa lá nó. Bom đạn đã phạt hết nhánh nó. Nhưng rễ nó, rễ nó cuồn cuộn như con rồng trườn trên mặt đất. Rễ nó cũng to lớn, hùng vĩ như cành nó. Rễ nó ăn sâu tận đất đen, rồi mưa xuống, nó lấy sức từ lòng đất vọt lên khi nó gặp những con người có tâm với nó.” 19 năm gắn bó với rừng. Rừng vẫn bên anh. Mỗi năm 2 lần từ thành phố Hồ Chí Minh, anh cùng vợ con đi “du lịch” về rừng, thăm rừng và đưa ra các phương án để người trông coi rừng giúp anh ở các trang trại triển khai kế hoạch chăm sóc và bảo vệ rừng. Mỗi chuyến đi là những nụ cười rạng rỡ của vợ chồng anh, của các con anh khi các con đang cần thu thập thêm nhiều tư liệu ở anh để những trang văn, trang thơ, những chương hồi ký về “Người đi tìm đất trồng rừng” tham gia bảo vệ môi trường theo thời gian xanh mãi.





Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét