Thứ Tư, 6 tháng 11, 2013

SỐ: 254 - tác giả NGUYỄN THANH DU




VĂN HỌC DÂN GIAN NHÌN TỪ GÓC ĐỘ THỂ LOẠI


Giảng văn trong trường phổ thông là một bộ môn quen thuộc xưa nay. Phần lớn giáo viên khi phân tích tác phẩm ít chú ý tới đặc trưng thể loại. Chính vì không xuất phát từ đặc trưng thể loại nên nhiều khi giảng sai thể loại mà vẫn cho là đúng. Ví như giảng kịch giáo viên không nắm được đặc trưng cơ bản của kịch là mâu thuẫn xung đột có sự thắt, mở, cao trào, đỉnh điểm. Hay khi giảng thể loại thơ là sự rung động thẩm mỹ, sự nhiệt hứng của tâm hồn con người trước cảnh đẹp thiên nhiên. Giảng truyện, tiểu thuyết phải xuất phát từ hình tượng nhân vật… Đó là những tác phẩm thuộc văn học viết còn văn học dân gian việc phân tích tác phẩm có nhiều cách như: Phân tích theo thể loại, phân tích theo loại hình, phân tích theo type và motype, nhưng trong phạm vi bài viết này, chúng tôi chỉ bàn tới phân tích tác phẩm xuất phát từ đặc trưng thể loại.
Trước hết chúng ta phải xác định đặc trưng thể loại văn học dân gian có những điểm nào cần lưu ý, văn học dân gian và văn học viết có điểm nào giống và khác nhau.
1. Sự giống nhau
Văn học dân gian cũng như văn học viết đều lấy ngôn từ làm chất liệu sáng tác, đều là nghệ thuật ngôn từ. Ví dụ như ca dao dân ca, văn xuôi, sân khấu, đồng giao... Văn học viết: Thơ ca, văn xuôi. Ngay trong văn xuôi, sân khấu, đồng giao thì ngôn từ vẫn đóng vai trò quan trọng.
2. Sự khác nhau
Văn học dân gian và văn học viết không chỉ khác nhau về mặt kỹ thuật mà còn khác cả về nguyên tắc tư tưởng thẩm mỹ. Nên nhà nghiên cứu văn học dân gian Nga La.Prôp có nhận xét “Sự khác biệt giữa folklor và văn học rõ ràng đến nỗi phương pháp nghiên cứu văn học không đủ sức giải quyết được tất cả những vấn đề liên quan đến folklor. Đặc biệt, nó không có hiệu lực gì trong việc giải thích các hiện tượng và quy luật folklor”.
Qua sự so sánh để nhận dạng sự giống và khác nhau của hai thể loại văn học, khi giảng dạy văn học dân gian cần phải chú ý xuất phát từ đặc trưng thể loại, tránh sự áp đặt tư duy bác học vào phân tích tác phẩm. Ví dụ như trong truyện Tấm Cám, kết thúc tác phẩm là Tấm đổ nước sôi vào người Cám, rồi chặt đầu làm mắm gửi về cho dì ghẻ ăn và cuối cùng mụ ta lăn ra chết. Nếu chúng ta lấy chuẩn mực tâm lý đạo đức của người hiện đại (tư duy suy luận logic ngày nay) vào để đánh giá phần kết thúc hẳn nhiên sẽ gây nhiều tranh cãi. Thực tế vấn đề này đã có nhiều nhà nghiên cứu và đi đến nhiều kết luận khác nhau. Có nhà nghiên cứu cho rằng sự trừng phạt đó gây cho người đọc sự ghê sợ, rùng rợn. Trong xã hội ngày nay motype này nó phản cảm trái với chủ nghĩa nhân văn của con người. Mất chủ nghĩa nhân đạo trong cuộc đời vì sự trừng phạt ghê sợ quá. Nhưng có nhà nghiên cứu cho rằng cái chết của mụ dì ghẻ, của Cám mang tính triết lý nhân gian thiện thắng ác. Nhưng thực tế vấn đề không đơn giản như vậy: Muốn hiểu đúng motype này cần phải hiểu tư duy suy luận của dân gian. Đặc biệt, phải nắm đề tài của truyện cổ tích thần kỳ luôn hướng tới vấn đề quan trọng: Những vấn đề sinh hoạt xã hội, những tập tục dân tộc học cổ xưa chỉ có phương pháp nghiên cứu văn học dân gian mới giúp ta giải quyết vấn đề này một cách thấu thị. Tấm dội nước sôi nó liên quan đến hiện tượng dân tộc học, đó là “nghi lễ trưởng thành” tồn tại ở nhiều dân tộc trên thế giới. Khi trưởng thành người ta phải trải qua một nghi lễ mang tính huyền thoại, con người chết đi và sống lại, sự sống lại được coi là sự tái sinh, sống một cuộc đời khác hạnh phúc hơn, tốt đẹp hơn. Tấm qua những lần chết đi, sống lại, lần cuối cùng khi thử thách kết thúc thì cô hiện ra trước cuộc đời với một con người hoàn toàn mới, với hạnh phúc mới, được sống cuộc đời hạnh phúc vĩnh hằng nơi nhân thế. Còn Cám tại sao lại chết? Nó liên quan đến một motype khác, đó là sự bắt chước không thành công (Cám bắt chước Tấm). Còn motype mẹ ăn thịt con nó liên quan đến tập tục cổ xưa của người nguyên thủy liên quan đến quan niệm của người xưa về dì ghẻ - phù thủy. Ngày xưa –  thời quần hôn, con cô, con cậu lấy lẫn nhau – những người cùng huyết thống lấy nhau nên họ không phân biệt giữa người mẹ kế và người mẹ đẻ, trong gia đình không có sự mâu thuẫn xung đột giữa con riêng và con chung. Nhưng khi chế độ này tan rã, việc hôn nhân này không còn tồn tại thì người ta nhìn người mẹ kế với một ánh mắt khác và đặc biệt với người mẹ kế cũng có những hành động đối với con chồng khác đi. Do đó, mới sinh ra câu nói “Mấy đời bánh đúc có xương, mấy đời dì ghẻ lại thương con chồng”. Như vậy, đứa con riêng trở thành một cái gai trước mắt người dì ghẻ và đứa con chồng coi người dì ghẻ như người của bộ lạc khác, như một kẻ thù luôn rình rập và ăn thịt chính nó. Motype mẹ ăn nhầm thịt con rất phổ biến trong truyện dân gian thế giới.
Những hiện tượng dân tộc học giúp cho chúng ta đọc được các motype trả thù, với chức năng này mục đích là cái ác được trừng trị và motype này có từ rất cổ xưa gắn liền với văn học dân gian. Qua từng thời kỳ, các tập tục đó được biến đổi thành những motype của cổ tích, những hoạt động của nghi lễ đã trở thành những hoạt động của nhân vật cổ tích.
3. Như vậy, muốn giảng đúng thể loại cổ tích, giáo viên chỉ còn cách xuất phát từ đặc trưng thể loại. Song, truyện cổ tích nói riêng và tác phẩm văn học dân gian nói chung còn quan hệ với nền văn hóa dân tộc, quan hệ với thời điểm lịch sử - xã hội mà nó hình thành. Vì thế có thể nói văn học dân gian là một hiện tượng văn hóa có tính nguyên hợp, có nhiều mối quan hệ văn hóa chằng chịt như dân tộc học, phong tục tập quán, lễ hội, văn hóa ẩm thực, âm nhạc, trò chơi... Như vậy, nếu tiếp cận văn học dân gian từ góc độ thẩm mỹ, yếu tố thì chưa đủ để giải thích nhiều hiện tượng có trong văn học dân gian, mà chúng ta phải mở rộng nó trong hướng tiếp cận văn hóa học, nhân học văn hóa để phát hiện ra giá trị văn hóa, biểu tượng văn hóa, phong cách văn hóa trong văn học dân gian. Ta có thể nói dạy văn học dân gian là dạy văn hóa dân gian. Khi giảng câu ca dao luôn phải chú ý tới hoàn cảnh ra đời đồng thời phải đẩy tới biểu tượng văn hóa, phải nhìn thấy đời sống văn hóa chứa đựng trong nó. Ví như khi giảng bài ca dao “Tát nước đầu đình”, ở bài này chứa đựng nhiều biểu tượng văn hóa như: Mái đình, cây đa, cành sen, trầu cau... Mỗi biểu tượng văn hóa chứa đựng trong nó nhiều ý nghĩa, nhiều lớp nghĩa. Giáo viên có thể dùng tranh ảnh để giảng hoặc phân tích kỹ các hình tượng trong tác phẩm để làm rõ tại sao dân gian lại dùng hình tượng như vậy. Khi giảng bài này tránh suy luận theo lối tư duy của người hiện đại. Nếu tư duy theo thời đại ngày nay thì sẽ dẫn tới có những biểu tượng văn hóa mà giáo viên không giải thích được.
Khi giảng tác phẩm văn học dân gian, giáo viên cần phải sưu tầm nguồn tư liệu phong phú, đầy đủ ngay cả những bức tranh có liên quan đến tác phẩm cũng được huy động để minh họa cho bài học thêm sinh động. Nhưng phải chú ý khi sưu tầm các tư liệu liên quan tới tác phẩm, cần phải có sự lựa chọn khách quan, không chủ quan, tùy tiện.
Dó đặc thù của văn học dân gian là tính lặp lại, cho nên khi giảng dạy một tác phẩm cần phải có sự giới hạn phạm vi tư liệu, nhưng phải đảm bảo đủ để phân tích và quan sát đối tượng. Nên khi nói về tính lặp lại trong văn học dân gian nhà nghiên cứu văn học dân gian Nga N.B.Puchilop có phát biểu như sau: “Tính lặp lại của văn học dân gian là cái thực ra không biết đến biên giới không gian và thời gian, dân tộc và lịch sử”. Vì thế, văn học dân gian là một hiện tượng có tính quốc tế và nó có rất nhiều yếu tố cổ xưa, nhiều tầng văn hóa. Vì vậy, giảng một tác phẩm văn học dân gian đặc biệt là các thể loại tự sự, thần thoại, cổ tích không nên giới hạn phạm vi ở một dân tộc, cần phải mở rộng phạm vi ra nhiều dân tộc. Nhận dạng, so sánh, giải thích đúng các motype trong văn học dân gian. Hình tượng văn học dân gian nào càng có tính phổ biến nhân loại thì càng có tính chất cổ xưa của nó. Vì thế trong văn học dân gian thường có sự giống nhau về motype, giáo viên đứng lớp cần phải giải thích hiện tượng này cho học sinh. Thực ra sự giống nhau giữa các motype ở các dân tộc, các quốc gia là có chung nguồn gốc về nhân chủng. Giữa các dân tộc có sự giao lưu văn hóa, sự giao lưu này không chỉ diễn ra nhiều lần, không chỉ theo một chiều mà luôn có sự tác động qua lại. Nhưng có những dân tộc hoàn toàn không có có hai nguyên nhân trên, nhưng giống nhau là do các dân tộc đều trải qua các hình thái kinh tế - lịch sử giống nhau. Đó là đều có những hình thức tư duy giống nhau và tạo nên những motype giống nhau.
Logo Giới thiệu, phê bình, nghiên cứu


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét