Thứ Tư, 30 tháng 4, 2014

SỐ 260 - tác giả LÊ VĨNH TÀI






MƯA, NGÔI NHÀ VÀ NỖI BUỒN…

Truyện ngắn


Bạn xoắn một sợi tóc trong ngón tay, cắn môi dưới của mình để che giấu cảm xúc. Bên ngoài hình như trời vẫn đang mưa, bạn nghe có tiếng sấm. Bạn kéo váy cao lên, chạy đến cuối khu vườn. Bạn nghe cây xoài đang lắc lư trong gió, vẫy tay chào những tia chớp trên bầu trời. Có lúc bạn đứng lại, nhắm mắt, nhìn về phía đám mây. Ngón tay của bạn giữ hờ mép váy vẫn rũ rượi, cho đến khi nó bay lên, dang rộng ra vì một cơn gió. Bạn là người yêu thiên nhiên và anh yêu bạn. Anh luôn lo âu cho bạn, ngay cả khi bạn cảm thấy hạnh phúc nhất. Anh nói: “Chúng ta nhiều khi bị muộn.”
Một lần bạn và anh ngồi trên bãi cỏ, xung quanh là vẻ đẹp bất tận của ánh mặt trời. Anh thầm thì: "Tôi đã kể câu chuyện về bạn và mưa chưa nhỉ?" Bạn cười khúc khích: "Nhưng em muốn nghe lại.” Và anh bắt đầu câu chuyện mà bạn đã nghe hơn một trăm lần: "Bạn chỉ mới chín tháng tuổi, với những ngôi sao trong đôi mắt của mình. Một ngày, tôi đã bế bạn từ bên ngoài cánh cửa đang khép hờ. Có lẽ bạn nghe mưa bên ngoài và chui ra, trước khi mẹ lên cơn đau khoảng mười lăm phút, và tôi nhìn thấy bạn.” Anh cười: “Bạn có tin không, suýt nữa tôi đã gọi cảnh sát khi nhìn thấy bạn ngoài cánh cửa, ngồi bên cây xoài, và cứ cười khúc khích trong mưa. Từ đó tôi không bao giờ dám để ngỏ cánh cửa thêm lần nào nữa." Rồi anh trìu mến: "Ôi, cơn mưa của tôi." 

Anh không biết rằng, chính anh mới là cơn mưa của bạn. 

Bên ngoài, mưa nặng hạt hơn. Sau này bạn biết những giọt mưa không chỉ lạnh buốt, nhiều khi nó nóng bỏng như những giọt nước mắt vẫn rơi trên má. Anh nói với bạn nước mắt là dấu hiệu của sự yếu đuối. "Đừng bao giờ để cho ai biết bạn khóc." Bạn lắc đầu: "Nhưng ai cũng phải khóc một lần nào đó trong đời chứ?". Anh mỉm cười, chạm vào chóp mũi của bạn. Anh chỉ giả vờ vì anh thừa biết bạn là cơn mưa thân yêu nhất đời anh, chỉ cần bạn chạy ra đâu đó bên cây xoài là anh ngời ngời hạnh phúc.
Tâm trí trẻ con của bạn không biết rằng "luôn luôn" không phải là một từ có nghĩa là "mãi mãi".
Bạn nhìn cây xoài không biết bao nhiêu lần. Nó đã ở trong vườn lâu hơn mức bạn có thể tưởng tượng. Anh từng nói với bạn rằng mẹ đã trồng nó. Bạn cũng yêu mẹ rất nhiều, nhưng bạn không thể so sánh tình yêu của mẹ với anh. Mẹ đã rơi xuống, như một quả xoài chín trong một ngày nào đó, lúc nước mắt bạn rơi với tốc độ của mưa.
Bạn biết, cái chết là món quà khủng khiếp của cuộc sống. Nó làm mất đi khoảnh khắc quý giá mà bạn không còn thời gian để chia sẻ. Bạn nhìn thấy tương lai, nhưng đó là tương lai bạn không thể có, vì thời gian sắp hết. Bạn không dám khóc vì tiếng thổn thức sẽ làm ai đó thức giấc, bạn nghe tiếng bước chân nhưng không quay lại. Anh lau nước mắt đứng bên cạnh bạn. Bạn nhìn anh, một lần cuối, rưng rưng lệ. Nhiều khi bạn thấy anh với bạn như cha với con gái.
Anh nói: "Bạn đã quyết định đi đến với cơn mưa? Tại sao mưa không đưa tôi đến với bạn?". Bạn ngồi ngay cạnh anh nhưng anh không nhìn thấy. Anh không thể nhìn thấy bạn khóc như điên dại như bây giờ như ngày xưa như ngày nào… Bạn muốn anh biết rằng bạn vui vì mình không phải là người chỉ dùng để khóc cho anh. Nó có vẻ ích kỷ nhưng bạn biết, nếu không dựa vào anh trong những chuyến đi xa, gia đình bạn có thể sụp đổ.
Nhưng quá muộn cho tất cả những điều này. Vì thế bạn biến mất trong tầm nhìn của anh. Có một khoảnh khắc riêng tư cùng nhau. Trong nước mắt lúc bạn thức dậy, bạn vỗ nhẹ đầu vì cảm thấy hơi nhức. Và mặc dù bạn biết bây giờ anh không còn nhìn thấy nhưng vẫn có thể cảm thấy bạn. Biết rằng đây là lần yêu thương cuối cùng mà bạn có thể có, bạn chạy về phía cây xoài trong mưa cho đến khi cuối cùng bạn với mưa là một. 
Sau đó, anh ra đi và bạn biết mình là cơn mưa. Mặt trời lên, chiếu sáng rực rỡ, như thể anh chưa bao giờ tồn tại. Nhưng từ xa, trong ngôi nhà của bạn, nỗi buồn vẫn tiếp tục, như mưa...



Thứ Ba, 29 tháng 4, 2014

SỐ 260 - tác giả NGUYỄN HƯNG HẢI





Ngủ ở Đền Hùng



Đêm nay tôi ngủ ở Đền Hùng
Nghe rõ lắm Đền Hùng không như tưởng
Trong tầm tã gió sương đang trút xuống
Sao nặng lòng tiếng lá đập vào nhau

Nỗi hai nàng công chúa sắp làm dâu
Nỗi Trọng Thủy quỳ tâu không phải thế
Nỗi cột đá câu thề nên đạo lý
Nỗi Lang Liêu lặng lẽ trước Vua Cha

Bao nỗi niềm lắng lại tỏa lan ra
Nghe rõ lắm từng bước chân qua lại
Nghe thương lắm bao điều nhắn gửi
Những vui buồn khôn dại, những bao dung

Ngủ ở Đền Hùng tôi thức với cha ông
Thức trong nỗi nghìn năm từng không ngủ
Thức để nhớ khói hương nơi mộ Tổ
Ngủ chỉ là cách nói để đừng quên

Nghe từ trong sâu thẳm nghìn đêm
Không như tưởng Đền Hùng thao thức lắm
Nơi văng vẳng từng lời cha ông dặn
Có đêm nay lắng lại những câu thề

Có đêm nay nghìn năm trước hiện về
Nghìn năm nữa đâu chỉ là sương gió
Trong lành lại nghĩ suy, từng hơi thở
Mai biết còn không ngủ nỗi đêm nay…


SỐ 260 - tác giả TRẦN HƯƠNG GIANG




TÌNH CA CỦA NÚI RỪNG

Tạp bút


Em đã từng say câu hát của người Êđê trên đồi cao mỗi lần chiều về, ngơ ngẩn ngắm những bước chân trần băng qua rừng, qua núi, qua suối ngàn róc rách chảy phía xa xa đâu đó. Em vui và hát với người Êđê bên bếp lửa ngày mùa, nồng nàn yêu thương, thơm hương mùi hoa trái của đất trời. Em đã hát, em đã bắt nhịp bằng điệu nhảy, bằng ánh mắt đầy đắm mê những đồng vọng từ đâu đó nơi đại ngàn. Em lắng nghe, lắng nghe tất thảy những thanh âm reo vui trong tiếng lửa reo tí tách, trong tiếng gió vừa chạm nhẹ vào mái tóc. Tiếng đàn anh, nhịp cao, nhịp thấp. Tiếng đàn anh, tiếng trầm tiếng bổng. Tiếng đàn anh đều tay ru giấc ngủ cho đứa bé con vừa mới chào đời.
Tình ca một đoản khúc ngân vang như tình yêu đang đọng lại trên mắt, trên môi. Lời của núi, lời của rừng sâu, lời của ngàn xưa đang réo gọi về với thuở hoang sơ. Và, lời của những yêu thương bây giờ trên bờ môi hoang hoải một giấc mơ. Em vẫn hát, em vẫn đều tay gõ nhịp cùng tiếng khe, tiếng thác nước ào ào mạnh mẽ đổ xuống từ cao của đại ngàn. Anh buông thêm tiếng đàn, để ru vỗ tình ca bằng những âm hưởng riêng không lời, chất chứa niềm yêu thương không có tuổi.
Một ngày khác, em thức dậy, buổi sáng nơi đây không có rừng, không có núi, không thác reo, không có tiếng suối, và không cả ánh mặt trời chiếu rọi. Em không nhìn thấy nữa dấu chân của những đứa trẻ chạy nhảy trên đồi cao, băng xuống thung lũng sâu í ới gọi nhau.
Một ngày khác, em thức dậy, buổi sáng nơi đây, không có lời của đại ngàn hát ca vang trong những đêm lửa trại cháy bập bùng ngày hội mùa. Em đang mang một nửa quả tim khao khát và đam mê, chưa bao giờ có giới hạn của người con gái Êđê. Và, rồi em đánh mất nó trong một buổi chiều hoang dại, khi đuổi theo một tiếng gọi của đất trời, của những cánh đồng dài như một giấc mơ ngày xưa còn thơ bé. Tình ca ơi, em đã đi mất rồi.
Một ngày khác và một ngày khác nữa, em vẫn lặng yên thức dậy bên ô cửa sổ trên tầng cao. Gió chẳng còn lồng lộng thổi vào tai em câu hát Êđê nữa. Gió thét gào bằng những vuốt ve, dịu êm trong lồng ngực của một người đàn bà đã qua tuổi ba mươi. Một ngày khác, khi em ngồi bệt xuống giữa phố thành đông đúc xa lạ, bỗng ao ước đến cháy bỏng câu tình ca của núi rừng, chỉ muốn khóc òa rưng rức, cho thỏa nỗi lòng nhớ mong những bước chân trần tự do ngày xưa em đã từng phiêu bạt với nắng mưa.
Tình ca ơi, phải chăng chỉ là một giấc mơ em đang hát trong kí ức chiều trôi, trong những thổn thức đã xa xôi mất rồi.
Tình ca ơi, xin đừng ru nữa câu hát của người miền núi, đừng cuộn cào thành nỗi xót đau những miền du mục đang nửa thực nửa ảo, nửa gào thét nhớ mong, nửa kìm chế trong lòng đứa con gái Êđê trong em, quen nhịp bước đi hoang, chưa hề nghĩ đến ngày trở về. 
Tình ca ơi, người miền núi ơi, câu hát Êđê ơi, đợi em với, đợi thêm tí nữa thôi, để đón em trong những tiềm thức đêm đêm, để đôi chân em được vui nhịp xoang bên ánh lửa hoang sơ, để âm hưởng của rừng sâu mỗi lần nắng xuống, lửa cháy bùng lên trong đêm hội ngày mùa tháng ba. Em bỗng thương tiếng chiêng, tiếng trống vọng vang từ thuở nào đó xa xăm. Em bỗng thương mình, tuổi xuân chưa hết, đã thấy màu xanh chuyển thành màu lá úa tàn phai trên má hồng.
Tình ca ơi, phải đâu chỉ có niềm vui, phải đâu chỉ là những câu hát rộn rã căng tràn sức sống bên đời. Tình ca ơi, ngủ ngoan thật ngoan nhé, khi có ai đó vừa cất cao tiếng ru bằng giọng trầm của người miền núi để tiễn đưa bà ngoại em vừa mới về với đất, với trời hôm qua.
Bỗng một ngày khác, em nghe thấy: Tình ca thở than, ơ hờ của kẻ vừa lướt qua mặt trời, để lại dấu chân làm rừng sâu nóng bừng lửa đỏ. Tình ca phải chăng chỉ của ngày xưa, có đâu bây giờ?
Em đi tìm, tìm mãi…
Một khúc tình ca không phải chỉ để làm của riêng mình.
Đi qua phố núi, thấy đôi mắt người Êđê ngồi bên vạt gùi rau củ quả, tay đếm từng đồng tiền lẻ. Tình ca bất giác len lỏi trong cát bụi xa mờ của xứ sở Tây Nguyên…



Thứ Hai, 28 tháng 4, 2014

SỐ 260 - tác giả LÊ LÂN





Gặp bạn ở Trường Sơn
(Nhớ liệt sĩ V.V.T)


Bạn nằm đây mà tôi mải tìm
Một góc khuất nghĩa trang
Mây trắng trời Quảng Trị

Bạn nằm đây mưa nắng đại ngàn
Bát hương gầy vắng chân nhang…

Ngày cả nước tri ân
Trời cho nhau gặp lại
Giữa điệp trùng đồng đội
Tôi đã tìm được bạn, bạn ơi!


Ngày 27.7.2009

Chủ Nhật, 27 tháng 4, 2014

SỐ 260 - tác giả ĐỖ ANH MỸ




THÁNG BA BUÔN MA THUỘT
Bút ký


Tôi đã ba lần đến Đà Lạt và một lần đi dọc Tây Nguyên, nhưng lần đầu tiên đến Đắc Lắk, đến thành phố Buôn Ma Thuột bằng máy bay, ngay sau hai cơn bão (số 13, 14) liên tiếp đổ bộ vào Miền Trung, gây lũ lụt, sạt lở đường hiếm thấy trong lịch sử, khiến tôi nhiều tâm trạng. Nhưng điều khiến tôi lâng lâng nhất, tôi từ chiến khu Việt Bắc năm xưa, nơi có cây đa Tân Trào, đã diễn ra Lễ xuất phát của đoàn quân Nam tiến theo lệnh Tổng khởi nghĩa về giải phóng Thủ đô, hôm 17.8.1945, đến với Tây Nguyên, đến với thành phố Buôn Ma Thuột, nơi đã diễn ra trận đánh mở màn cho Chiến dịch Hồ Chí Minh, giải phóng hoàn toàn miền Nam, tháng 3.1975, đi tìm lời giải cho những tâm tư.
Mười ba giờ ba mươi phút, máy bay tiếp đất, đem đến cho tôi sự hồi hộp. Tôi đã đặt chân lên Buôn Ma Thuột, cách trung tâm thành phố 9 km. Cách đây non nửa thế kỷ, nơi này mang cái tên "Sân bay Hòa Bình", nhưng lại là nơi người Mỹ cùng Ngụy quyền bán nước sử dụng làm nơi xuất phát của các cuộc đổ bộ, ném bom đẫm máu tiêu diệt cộng sản, nơi các nhà quân sự Mỹ lợi dụng độ cao chế ngự chiến trường miền Nam và các nước Đông Dương.
Một xe tắc xi chở sáu anh chị em Việt Bắc đến từ Hà Giang, Tuyên Quang, Lạng Sơn về khách sạn Biệt Điện. Biệt Điện, ngày xưa là một biệt thự cổ kính, nay vẫn giữ dáng vẻ lộng lẫy, sầm uất ẩn mình dưới những hàng cây cao trầm mặc bên Quảng trường 10.3, quảng trường lấy ngày tiến công giải phóng thành phố Buôn Ma Thuột làm tên gọi. 
Buôn Ma Thuột là trung tâm chính trị của Đắk Lắk, là trung tâm kinh tế, trung tâm chiến lược của Tây Nguyên, có hai con đường chiến lược đi qua: Đường số 14 chia Tây Nguyên làm hai nửa Đông - Tây, và Đường 21 (nay là 26) từ Buôn Ma Thuột, ví như cánh tay nối dài của chàng trai Cao nguyên ra biển. Để bảo vệ Bắc Tây Nguyên, Ngụy quyền Sài gòn cài cắm Sư đoàn 23, sư đoàn được tổng thống Nguyễn Văn Thiệu thêu dệt cho cái tên: "Bình Nam, tiến Bắc, trấn Cao nguyên" cùng với lực lượng bảo an, dân vệ lên tới chục ngàn quân. Riêng Trung đoàn 53, trung đoàn tinh nhuệ của Sư đoàn 23 đóng tại Căn cứ 53, sát sân bay Hòa Bình, còn có quân lính doanh bộ Trung đoàn 44, Sở chỉ huy Sư đoàn 23. Tất cả đặt dưới sự chỉ huy của tướng Phạm Văn Phú, tư lệnh vùng 2 chiến thuật. Vậy mà, chỉ sau ba mươi giờ đồng hồ bị tiến công, thành phố Buôn Ma Thuột thất thủ. Chưa đầy 9 ngày thất thế chống đỡ, căn cứ 53, căn cứ của trung đoàn bảo vệ Đắk Lắk, căn cứ quân sự cuối cùng ở Buôn Ma Thuột bị diệt. Cùng ngày khai mồ Trung đoàn 53, ngày 18.3 năm 1975, sau bốn trận liên tiếp trong một tuần bị đánh tơi bời trên đoạn đường dài 50 Km, Đường 21, Sư đoàn kiêu binh "Bình Nam, tiến Bắc, trấn Cao nguyên" cũng bị xóa sổ, ngay trên quê hương mà nó sinh ra.
Tờ báo Pháp "Thế giới" ngày 21.3.1975, 10 ngày sau thất thủ Buôn Ma Thuột viết: "Trong vài ngày, bản đồ quân sự miền Nam Việt Nam đã bị đảo lộn. Chỉ có trận Buôn Ma Thuột mà khiến cho từng mảng cấu trúc do chế độ Thiệu dựng lên bị sụp đổ. Hóa ra, Buôn Ma Thuột mang cái đà của một bước ngoặt trong cuộc xung đột ...".  
Hiếu kỳ, tôi tìm đến Bảo tàng Đắk Lắk xem sa bàn trận đánh Buôn Ma Thuột, tìm đến các địa danh nơi chiến sự ác liệt đã xảy ra, sưu tầm tư liệu và gặp nhân chứng lịch sử, mới biết, mấy ai học được chữ ngờ!
Thầy tớ Nguyễn Văn Thiệu đã mắc chữ ngờ thứ nhất, suốt cả năm 1974, bộ đội giải phóng chia nhau quần đảo dưới đồng bằng, cốt căng địch ra, không để chúng đưa quân tăng viện lên Tây Nguyên, thì chúng nhận định, cộng sản không có khả năng đánh lớn.
Chữ ngờ thứ hai, khi bộ đội đánh chia cắt con đường 14 trên phía Plei ku, chúng ngờ rằng, quân ta sẽ đánh vào Kon Tum, nên đã không đưa Sư đoàn 23 về phòng ngự Buôn Ma Thuột, điều mà các nhà chiến lược của ta không mong muốn nhất.
Chữ ngờ thứ ba, đại quân của ta lại có thể di chuyển qua dòng sông chảy ngược Srêpôk không mấy hiền hòa kia ngay trong đêm nổ súng tiến công Buôn Ma Thuột, với lực lượng: Một sư đoàn bộ binh, một trung đoàn xe tăng thiết giáp, một trung đoàn pháo binh cơ giới, một trung đoàn pháo cao xạ và nhiều binh chủng hiệp đồng; để rồi, khoảng 2 giờ sáng 10.3.1975, khi các lực lượng đặc công nổ súng đánh chiếm sân bay Hòa bình, sân bay trực thăng và khu kho quân sự Mai Hắc Đế, thì mờ sáng ngày 10.3, khi trời chưa tan sương, xe tăng bộ đội chủ lực của ta đã lăn xích vào Ngã 6 đánh chiếm dinh tỉnh trưởng, Sở chỉ huy Sư đoàn 23 và một loạt các căn cứ quân sự quan trọng khác.
Chữ ngờ thứ tư, mới năm nào chống thực dân pháp, Hồ Chủ tịch ra lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến: "Ai có súng, dùng súng, ai có gươm, dùng gươm...!" mà sau hai cuộc kháng chiến trường kỳ, kéo dài 30 năm (1945-1975) Bộ tư lệnh chiến dịch ta đã huy động một lực lượng áp đảo quân địch: Về bộ binh, địch có 4 tiểu đoàn, ta huy động 18 tiểu đoàn; xe tăng thiết giáp, địch có 18 chiếc, ta huy động 64 xe tăng; địch có 16 khẩu pháo, ta huy động 78 khẩu. Riêng cụm quân trên hướng tiến công Buôn Ma Thuột, đã huy động: Sư đoàn 316, Trung đoàn 95B, Trung đoàn 24, Trung đoàn đặc công 198, Tiểu đoàn đặc công 27, Trung đoàn thiết giáp 273, Trung đoàn pháo 40,  Trung đoàn pháo 675, Trung đoàn pháo cao xạ 232 Trung đoàn cao xạ 234; hai trung đoàn công binh; ngoài ra, chưa kể lực lượng vũ trang nhân dân tỉnh Đắk Lắk.
Chữ ngờ thứ năm, chiến thuật nghi binh qua làn sóng điện của Bộ chỉ huy chiến dịch khi di chuyển thần tốc Sư đoàn 316 từ Nghệ An về ém sát biên giới Căm-pu-chia; Sư đoàn 10 từ Bắc Kon Tum về Nam Tây Nguyên đánh Đức Lập, Sư đoàn 320 từ Tây Plei Ku về Ea H'leo chia cắt đường 14 và đưa Sư đoàn 968 từ Nam Lào về thế vị trí các Sư đoàn 10 và 320 ở Kon Tum và Tây Plei Ku đã khiến cả thầy Mỹ lẫn tớ ngụy bị động chiến lược, trở tay không kịp.  
Hôm nay, đi qua nhiều góc phố, nhiều đoạn đường trên đường số 14, đường 21, những chiến địa trên hướng Tây Bắc thành phố Ban Mê, tôi vẫn cảm nhận được hơi thở của các chàng trai Tuyên Quang đi trong đoàn quân Trung đoàn 148, Sư 316, trung đoàn sinh ra và lớn lên ở đất Tuyên Quang. Dấu chân của các anh in trên Ngã 6, in trên Tiểu khu tiến công tiêu diệt dinh tỉnh trưởng, in trên Khu liên hợp pháo binh - thiết giáp và điểm cao Chư Ea Bua. Cảm nhận được những khó khăn gian khổ đầy hy sinh của Trung đoàn 149 Sư 316 gặp phải trong đêm nổ súng tiến công đã phải vượt qua một chặng đường dài, trống trải từ bờ tây sông Srêpôk; những khó khăn khi vượt qua suối Ea Tam và những trận chiến đấu ác liệt, đầy hy sinh khi tiến đánh quân địch tử thủ ở Căn cứ 53. Rồi những ngày Sư 316 cùng quân và dân tỉnh Đắk Lắk tổ chức phòng thủ chống địch tập kích, bảo vệ Buôn Ma Thuột.
Giờ đây, trận đánh Buôn Ma Thuột đã đi vào lịch sử. Cao nguyên đã hồi sinh, đang trên đà phát triển. Giữa trung tâm Ngã Sáu, một chiếc xe tăng đứng kiêu hãnh trước tượng đài chiến thắng Buôn Ma Thuột. Sở chỉ huy của Sư đoàn 23 kiêu binh ngụy năm xưa, giờ là bản doanh của Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Đắk Lắk. Khu kho quân sự Mai Hắc Đế xưa tiềm tàng, reo rắc chiến tranh, giờ nhường chỗ cho khu dân cư thương mại sầm uất. Bên sân bay trực thăng, sân bay chiến lược ngụy, mọc lên "Làng cà phê Trung Nguyên", được xây lên bằng những hình thể khối đá theo lối kiến trúc hoang sơ độc đáo. Ngày ngày, du khách trong và ngoài nước đến thưởng thức hương vị theo nhiều cách pha của cà phê Trung Nguyên. Sân bay Hòa Bình, nơi các chiến sỹ tiểu đoàn đặc công nhận sứ mệnh phát hỏa cho trận đánh mở màn giải phóng Buôn Ma Thuột đêm 10.3.1975, giờ đây nối cánh bay đến mọi miền đất nước, đưa đón du khách về với Tây Nguyên. Bến xe Buôn Ma Thuột mỗi ngày có hàng trăm chuyến xe đi, xe về, đón khách đến thăm Cao Nguyên, đưa đón lao động khắp nơi đến giúp Tây Nguyên thu hái cà phê, cạo mủ cao su, thu hoạch nông sản đỗ, lạc.
Lại hiếu kỳ, tôi đến Bản Đôn, nơi rạng sáng hôm 10.3.1975, những đoàn quân của ta rùng rùng vượt sông Srêpôk vào giải phóng Buôn Ma Thuột. Bản Đôn hôm nay mọc lên khu du lịch sinh thái. Những gốc cây si mọc đan chen nhau thành một quần thể, rễ dài qua hàng thế kỷ, quấn quít tạo nên một rừng si phủ trên mặt sông. Ai khéo bắc những cây cầu treo bồng bềnh qua những gốc cây, đón khách về ngồi giữa rừng si trên mặt sông, uống rượu cần, rượu Ama Kông, ăn cá nướng bắt dưới sông Srêpôk, thưởng thức món rau rừng bộ đội Trường Sơn ngày xưa thường ăn cầm hơi đi đánh giặc. Bản Đôn có nghề săn voi. Dũng sỹ nào bắt được nhiều voi, được suy tôn là Gru. Các Gru qua đời, được vinh danh chôn cất trong nghĩa trang riêng, dành cho các dũng sỹ bắt được trăm voi. Đến Bản Đôn, tôi nghe chuyện kể, khi đoàn trinh sát của ta bí mật đi khảo sát mở đường đưa xe tăng qua sông, bất ngờ gặp hai cha con ông già cưỡi voi đi về phía bờ sông. Không còn đường tránh nào khác, trưởng đoàn của ta phải ra đề nghị ông già giữ bí mật chuyện này. Ông già đưa tính mạng con trai mình đang ngồi trên bành voi ra thề, sẽ không bao giờ tiết lộ điều gì. Rồi chuyện, bà con đi núi, vào rừng cạo mủ cao su gặp công binh của ta đang cưa những gốc cây (cắt 2/3 gốc cho sắp đổ, rồi ngụy trang lại) để khi xe tăng qua, húc đổ thành đường, tiến vào thành phố, nhưng không ai về báo cho địch. Mới biết, đồng bào Tây Nguyên yêu hòa bình, yêu độc lập tự do, mong đợi các anh bộ đội Cụ Hồ về giải phóng từ lâu rồi! Nhớ xưa, Đắk Lắk là quê hương người anh hùng N'Trang Lơng hai mươi bốn năm kiên cường dựng cờ đánh thực dân Pháp. Rồi những năm kháng chiến, hình ảnh bà mẹ Tây Nguyên địu con trước ngực, gùi đạn sau lưng, những em bé lưng trần, những cụ già chống gậy theo đoàn dân công đi tải đạn còn in đậm trong tâm trí mỗi người. Nhiều người ngưỡng mộ tới thăm mộ của các Gru săn voi ở Bản Đôn, viếng mộ Vua voi Y Thu Knul, còn có tên Lào là Khun Sau Nop, viếng mộ vua bắt voi Ama Kông; tới thăm nhà vua voi Ama Kông, một ngôi nhà sàn hai mái truyền thống của người Lào, thưởng thức và mua rượu thuốc Ama Kông do tay con gái vua voi bốc. Khách đến Bản Đôn sẽ được cưỡi voi du lịch.
Đến Đắk Lắk, không thể không đến chiêm ngưỡng cảnh đẹp thác Đray Sáp, nghe câu chuyện huyền thoại kể về truyện tình của hai thế hệ mẫu tử khiến đời sau, các đôi trai gái Tây Nguyên tin rằng, họ yêu nhau, dắt nhau đến tắm một lần ở dòng thác Đray Sáp, tình yêu của họ sẽ bất diệt. 
Đến Ban Mê, tôi gặp giọng hát của hai chàng trai K'Ho: Krajan Đick, Krajan Plin, và chàng trai Êđê: Ksor Y Thư, khiến tôi nhớ giọng hát của nàng Siu Black. Sao trùng lặp đến thế?! Giọng hát của các chàng trai, cô gái Cao nguyên luôn cất lên từ lồng ngực căng phồng, tràn đầy khí núi. Những lời ca nấc lên từ con tim khát vọng, cháy bỏng tình yêu. Họ hát bằng cả ánh mắt trong sáng, bằng cả cơ thể và cánh tay vạm vỡ, bật lên những nốt nhạc âm vang. Giọng hát hòa theo gió núi, quyện vào tiếng cồng chiêng làm thổn thức tim người.
Đến Ban Mê, tôi gặp họa sỹ Trần Hồng Lâm, người con gái Khơme họ Trần, nói giọng Bắc. Thì ra, cha Hồng Lâm gốc Căm-pu-chia, theo cách mạng ra Bắc tập kết. Lâm chào đời ở Hà Nội, học Cao đẳng Mỹ thuật Việt Bắc, tốt nghiệp ra trường, theo cha vào Đắk Lắk xây dựng quê hương, làm nghề dạy học. Hồng Lâm từ chối về quê cha, ở lại đất mẹ, từng sống và dạy học ở Đà Nẵng, nhưng lại yêu Cao Nguyên hơn cả bản thân mình. Người con gái Khơme thông thạo tiếng mẹ đẻ, thạo ngôn ngữ, chữ viết Tây Nguyên, miệt mài vẽ về tập quán, tín ngưỡng, lễ hội Chăm, văn hóa Khơme, về những con người lao động trên Cao nguyên. Hồng Lâm còn biết làm cả gò hàn, tiện nguội cơ khí, tự tay họa sỹ trang trí nội thất cho nhà mình. Như mỗi phụ nữ Cao Nguyên, Hồng Lâm lăn mình vào công việc, hết mình vì bạn bè, yêu mỹ thuật, yêu cuộc sống, chăm lo cho lớp lớp học trò thân yêu bằng cả trái tim đầy nhiệt huyết.
Nếu biết thêm đôi điều về người phụ nữ Êđê, cô chủ khách sạn Yang Sing, buôn Akô Đhông, một buôn cổ nằm sát trung tâm thành phố, khiến ta dễ hiểu hơn về tình yêu và trái tim Cao Nguyên. Nàng có cái tên Êđê cũng đẹp như khuôn mặt và dáng người của mình: H' Linh. Nhưng trái tim nàng còn đẹp hơn những gì người ta thấy. Nàng bị một người đàn ông phản bội, đi theo một người con gái khác trẻ trung khát tình, khát ..., khi hai đứa con nàng có đứa còn nằm nôi. Tình yêu mà H' Linh dành cho con: chúng nó thiếu tình cảm của cha, nhưng không thể trở thành đứa trẻ nghèo, khiến nàng lao vào thương trường, cho dù sứt trán, mẻ đầu. Giờ đây, các con nàng đã ăn học thành người. Nàng là chủ biệt thự Yang Sing, kinh doanh đúp Hotel, Restaurant, lại vừa khánh thành thêm ngôi Nhà sàn Yang Sing ở buôn làng Akô Đhông, cây cột nhà một người ôm chặt, phục vụ du khách muốn tìm hiểu về ngôi nhà dài truyền thống Êđê, hoặc thưởng thức đêm lửa uống rượu cần với tiếng cồng chiêng Tây Nguyên êm dịu. Trong câu chuyện buổi tối cuối cùng, tập trung ngay tại phòng trà Restaurant, H' Linh lưu luyến trước cuộc chia tay ngày mai, tâm sự với giọng ấm áp nửa miền Trung, nửa Êđê. Nàng nói, nàng không cho phép các con nàng dám coi thường bố. Chúng vừa tán mẹ tài trợ, mua cho bố một xe ô tô, để bố đi chữa bệnh cho đỡ nhọc. Nàng vẫn nghĩ, một ngày nào đó, chồng nàng không còn kiếm được nhiều tiền, sức ông không phục vụ người phụ nữ khát tình kia, ông sẽ quay về, và nàng sẽ phải đón ông về với các con, bằng trái tim yêu thương. Giữa câu chuyện, nhà văn dân tộc Tày Lương Định, sống ở thành phố Hồ Chí Minh tò mò hỏi: "Thế H' Linh sẽ làm gì với đứa con của người phụ nữ thắng cuộc kia?" Vẫn giọng nói ấm áp, H' Linh bảo: "Nếu cô ấy không nuôi dạy được cho nó thành người - H' Linh nhấn mạnh hai chữ "thành người" - thì H' Linh sẽ phải chăm lo cho nó, vì nó cũng là con của chồng em mà!"
… Tạm biệt Ban Mê, tạm biệt những cánh rừng cao su bạt ngàn năm xưa từng che chở cho bộ đội xe tăng tiến về giải phóng quê hương, tạm biệt những cánh rừng cà phê hoa trắng ngần, thơm ngào ngạt, những cánh rừng nông sản xanh đến tận lưng trời đang hàng ngày làm giàu cho Tây Nguyên, tạm biệt những con người cần cù, yêu hòa bình, tự do, yêu cuộc sống bằng trái tim nóng bỏng, đầy nhiệt huyết, bằng tình yêu đối với Cao Nguyên cao hơn cả những ngọn núi cao nhất đại ngàn!



SỐ 260 - tác gỉa TRẦN THU HÀ





Người đàn bà đi qua chiến tranh



Tiếng súng đã ngưng
Người đàn bà đi qua chiến tranh
Ngực căng - mắt cóng
Mòn tiếng ru - lưu đày giấc mơ làm mẹ - khứa vào lòng cay xé

Người đàn bà đi qua chiến tranh
Náu mình đếm niềm vui chờ tiếng kêu gọi mẹ
Những đứa bé…
Như giọt mưa axit lăn vào khóe mắt, chị nuốt đêm thoi thóp đợi
Đời người vỡ giấc chiêm bao

Người đàn bà đi qua chiến tranh
Tháng năm chị giặt là phơi khô tấm áo nhân duyên chưa kịp mặc
Thời gian phừng phừng lửa cháy
Người đàn bà khỏa trăng tiếng rơi không chạm đáy
Đêm đêm tự vỗ sóng lòng

Người đàn bà đi qua chiến tranh
Rùng mình
Tẩy chay ngàn ngàn con người lân tinh
Tự pha cho mình ly nước

Đêm nay
Nhìn mảnh trăng treo làm trĩu ngực cánh đồng thiếu phụ
Chị cố nhớ khu rừng có nhiều hoa dại
Khi
Bóng tối đè lên
Ướt cả tiếng chim.



SỐ 260 - tác giả NGUYỄN VĂN THANH





ĐỀN HÙNG - ĐẤT CỘI NGUỒN CỦA DÂN TỘC



Vào dịp giỗ Tổ Hùng Vương ngày 10-3 âm lịch năm Kỷ Dậu (1969), giữa những năm kháng chiến chống Mỹ ác liệt, trong bài đăng trên báo Nhân dân nhan đề “Nhân ngày giỗ Tổ Hùng Vương”, Thủ tướng Phạm Văn Đồng viết: “Dân tộc Việt Nam ta luôn giữ vững một truyền thống có ý nghĩa hay và đẹp vô cùng; tưởng nhớ tổ tiên, tưởng nhớ những người đã có công lớn trong việc xây dựng nước và giữ nước, vua Hùng là tổ tiên của dân tộc Việt Nam ta, lúc dân tộc ta trở thành một nước, và từ đó là nước Văn Lang. Chính vì vậy, đã trải qua mấy nghìn năm, biết bao thế hệ, biết bao biến đổi mà người Việt Nam ta vẫn tưởng nhớ Vua Hùng với tất cả tình yêu và lòng tin. Đến ngày nay, tình yêu và lòng tin đó lại ngày càng sâu sắc và đẹp đẽ”.
Vào năm 40, khi dấy nghĩa binh để đánh đuổi Thái thú Tô Định nhà Hán nhằm giành lại độc lập của dân tộc, Hai Bà Trưng đã lên đàn làm lễ tế trời khấn rằng: Một xin rửa sạch nước thù/ Hai xin nối lại nghiệp xưa họ Hùng.
Vào năm Hồng Đức thứ nhất (1470), Ngọc Phả của triều đình Lê Thánh Tôn có ghi chép: “Từ nhà Đinh, nhà Lê, nhà Lý, nhà Trần đến triều đình ta bây giờ là Hồng Đức Hậu Lê vẫn cúng hương khói ở Đền Hùng. Những ruộng đất từ xưa dùng vào việc cúng tế vẫn không thay đổi. Nhân dân toàn quốc đến lễ bái ở Đền Hùng để tưởng nhớ công ơn xây dựng nước nhà của các Thánh Tổ ngày xưa”.
Trước kia, các nhà nước phong kiến tiến hành lễ tế ở Đền Hùng (Phú Thọ) vào ngày 12 tháng 3 âm lịch là ngày giỗ Tổ của Vua Hùng thứ nhất (Kinh Dương Vương).
Sau khi triều đình tiến hành Quốc lễ, đến lượt các làng xã chung quanh Đền Hùng tế lễ tại những nơi thờ vua Hùng và vợ con các vua.
Kể từ năm 1922, Đền Hùng được xây dựng như quy mô hiện có. Nhà Nguyễn quyết định lấy 10 tháng 3 âm lịch hằng năm làm ngày triều đình tế lễ các vua Hùng. Cũng chính vì thế, dân gian nước ta mới có câu:
Dù ai đi ngược về xuôi
Nhớ ngày giỗ tổ mồng mười tháng ba.
Sau khi Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, ngày 10 tháng 3 âm lịch năm Bính Tuất (1946) là ngày giỗ Tổ đầu tiên dưới chính quyền cách mạng. Trong ngày đó, cụ Huỳnh Thúc Kháng được Chính phủ cử chủ trì lễ dâng hương tại đền Hùng, Cụ mặc áo the, đội khăn xếp, khấn vái theo phong tục lễ cổ truyền.
Cũng vào dịp này, cụ Huỳnh còn dâng lên bàn thờ Tổ tấm bản đồ Việt Nam, và thanh kiếm, là hai vật báu, thể hiện ý chí bảo vệ đất nước của Chính phủ và nhân dân ta trước họa ngoại xâm đang đe dọa.
Trong những năm kháng chiến chống Pháp, mặc dù có chiến tranh, cứ đến ngày 10 tháng 3 âm lịch hằng năm, nhân dân địa phương chung quanh đền Hùng vẫn thắp hương tưởng nhớ công ơn các vua Hùng.
Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, Hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết, miền Bắc hoàn toàn được giải phóng, một đơn vị bộ đội thuộc “Đại đoàn quân tiên phong” trên đường về tiếp quản thủ đô Hà Nội được gặp Bác Hồ chính ngay tại đền Hùng.
Trong câu chuyện thân mật với bộ đội tại Đền Hùng, Bác nói: “Các chú có biết đây là nơi nào không? Đây chính là đền thờ vua Hùng, tổ tiên của chúng ta. Bác cháu ta gặp nhau ở đây tuy tình cờ nhưng rất có ý nghĩa. Ngày xưa các vua Hùng đã có công dựng nước, bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước. Trải qua bao nhiêu thời đại đấu tranh, ông cha ta mới giữ được Thủ đô. Tám chín năm nay do quân dân ta kiên quyết kháng chiến mới có thắng lợi trở về Hà Nội. Vì thế các cháu  được Trung ương và Chính phủ giao cho nhiệm vụ tiếp quản Thủ đô là được nhận một vinh dự lớn…”
 Hằng năm cứ đến ngày 10 tháng 3 âm lịch, mỗi người Việt Nam đều xúc động hướng về đất Tổ, hướng về cội nguồn thấm đượm hồn thiêng sông núi, nghe thấy tiếng vọng ngày xưa, như thấy tổ tiên Lạc Hồng vẫn đang hiển hiện, đúng như câu đối ở đền Hùng:
Lăng tẩm tự năm nao, núi Tản, sông Đà, non nước vẫn quay về đất Tổ.
Văn minh đương buổi mới, con Hồng cháu Lạc, giống nòi còn biết nhớ mồ ông.
Với ý nghĩa nhân văn sâu sắc đó, ngày 6/12/2012, tại kỳ họp lần thứ 7 Ủy ban liên chính phủ về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể diễn ra ở Paris (Pháp), Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) đã chính thức thông qua quyết định công nhận Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ, Việt Nam là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Năm 2013 Giỗ Tổ Hùng Vương đặc biệt gắn với việc tổ chức lễ đón nhận bằng của UNESCO công nhận "Tín ngưỡng Hùng Vương ở Phú Thọ" là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Đất nước ngày càng được xây dựng đàng hoàng hơn to đẹp hơn, sự tưởng nhớ các vua Hùng càng trở nên sâu sắc, mãnh liệt, đã trở thành niềm tự hào của dân tộc. Phát biểu tối 13-4 (tức 4-3 năm Quý Tỵ) đón bằng UNESCO công nhận “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ” là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại và khai mạc Lễ hội Đền Hùng năm Quý Tỵ - 2013, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã nhấn mạnh: “Tín ngưỡng thờ cúng các Vua Hùng trở thành bản sắc văn hóa, đạo lý truyền thống của người Việt Nam ta, thể hiện lòng biết ơn của các thế hệ cháu con với công đức của Tổ tiên trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước. Dù làm gì, ở đâu, mỗi người con đất Việt đều hướng về cội nguồn, hướng về tổ tiên với tấm lòng thành kính, tri ân. Thờ cúng các Vua Hùng không chỉ là hoạt động tâm linh cầu mong Quốc Tổ phù hộ cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, đất nước yên vui, thịnh vượng mà còn có ý nghĩa sâu xa nhắc nhở, kết nối, củng cố tình đoàn kết, thương yêu, đùm bọc lẫn nhau của cộng đồng dân tộc Việt Nam, những người cùng chung một cội nguồn. Trải qua biết bao thăng trầm của lịch sử, tín ngưỡng thờ cúng các Vua Hùng vẫn bền bỉ trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, góp phần hun đúc tâm hồn, tình cảm và ý chí của cả dân tộc. Từ hàng nghìn năm nay, đồng bào các dân tộc trên vùng đất Phú Thọ đã có những cống hiến, đóng góp to lớn để cùng với nhân dân cả nước gìn giữ, bảo tồn, phát huy giá trị của di sản văn hóa thiêng liêng này của đất nước ta, dân tộc ta”.



Thứ Bảy, 26 tháng 4, 2014

SỐ 260 - tác giả NGUYỄN TƯỜNG THUẬT






Hành khúc tháng Tư




Lại hát bài Hành khúc tháng Tư
Một thuở hành quân không thể nào quên được
Hàng chục sư đoàn trùng trùng tiến bước
Đà Nẵng, Phan Rang… nhằm hướng Sài Gòn

Hành khúc tháng Tư giai điệu trầm hùng
Náo nức Ban Mê niềm vui giải phóng
Buôn làng Gia Rai, Êđê… cờ bay trong gió lộng
Trai gái S’tiêng, Ba Na vui nhịp chiêng cồng

Như trăm suối nguồn hợp lại thành sông
Đường ra trận dòng-sông-người cuộn sóng
Đại bác gầm vang, xe tăng xông trận
Chân dép lốp băng rừng vang tiếng thét xung phong!

Xuân Lộc tan hoang-tấm lá chắn cuối cùng
Đồn giặc tả tơi xích xe tăng nghiền nát
Trong đoàn quân bỗng vang lên lời hát:
“… Tiến về Sài Gòn giải phóng thành đô…”

Hành khúc tháng Tư ngân mãi đến bây giờ
Khi mỗi mùa xuân rực màu cờ đỏ
Ba mươi chín năm rồi lòng người người vẫn nhớ
Giai điệu hào hùng Hành khúc tháng Tư.




SỐ 260 - tác giả LÂM MÃ




ÂM MƯU “DIỄN BIẾN HÒA BÌNH”
VÀ VĂN NGHỆ SỸ


 Tỉnh Đắk Lắk có vị trí chiến lược quan trọng, là vùng đất được mệnh danh thủ phủ Tây Nguyên. Các nhà quân sự thế giới từng nhận định: Làm chủ được Tây Nguyên là làm  chủ được Đông Dương. Trong thực tế đã chứng minh: Làm chủ Buôn Ma Thuột là làm chủ được Tây Nguyên. Vì thế 39 năm trước Đảng ta đã chọn Buôn Ma Thuột để tổ chức trận đánh mở màn chiến dịch Tây Nguyên, tạo tiền đề chiến lược để tổng tấn công giành Đại thắng mùa xuân 1975, quét sạch bè lũ cướp nước và bán nước, đưa non sông về một mối.
Sau 39 năm được giải phóng, Đắk Lắk phát triển vượt bậc về kinh tế, văn hóa, xã hội… Dân số tính đến năm 2013 có trên 1,8 triệu người, gồm 47 dân tộc anh em cùng sinh sống. Đội ngũ văn nghệ sĩ hiện có 210 người sinh hoạt ở 7 chuyên ngành: Âm nhạc, Nhiếp ảnh, Nghệ thuật Biểu diễn, Mỹ thuật, Văn học, Kiến trúc, Văn nghệ Dân gian. Trong 5 năm gần đây, nhiều văn nghệ sĩ đoạt được nhiều giải cao trong nước và quốc tế; có ảnh hưởng sâu rộng đến mọi tầng lớp nhân dân trên địa bàn tỉnh nhà.
Kẻ thù tuy thất bại trong các cuộc chiến tranh xâm lược trước đây, nhưng chưa bao giờ chúng từ bỏ âm mưu phục thù, luôn tìm trăm mưu ngàn kế phá hoại cuộc sống thanh bình của người dân cả nước nói chung, Đắk Lắk nói riêng; vì thế chúng vạch ra chiến lược “Diễn biến hòa bình” nhằm lật đổ chế độ ta, chủ yếu bằng biện pháp phi quân sự. Trong chiến lược này của các thế lực thù địch, đối tượng quan trọng hàng đầu của chúng chính là tầng lớp văn nghệ sĩ, trí thức và báo giới. Giới văn nghệ sĩ được đặc biệt chú ý vì các tác phẩm của họ có sức lan tỏa mạnh tác động sâu sắc đến toàn bộ xã hội.
   Đối với Việt Nam, mục tiêu của chúng trong chiến lược “Diễn biến hòa bình” là tuyên truyền xuyên tạc nhằm loại bỏ chủ nghĩa Mác – Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh,  xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, tiến tới xóa bỏ chế độ xã hội chủ nghĩa, đưa Việt Nam vào quỹ đạo của chủ nghĩa tư bản. Những năm gần đây, các thế lực thù địch luôn tìm cách chống phá sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân ta; đặc biệt, bọn phản động lưu vong sống ở nước ngoài cấu kết với phần tử phản quốc, bất mãn chế độ trong nước, được sự hậu thuẫn của đế quốc, chúng lợi dụng chiêu bài tự do, dân chủ, đội lốt tôn giáo… hòng chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, gây mất an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.
“Diễn biến hòa bình”, dẫn đến bạo loạn lật đổ không chỉ là nguy cơ mà đang trở thành thách thức to lớn; là tình huống chiến lược đe dọa đến sự mất còn của chế độ và sự toàn vẹn lãnh thổ của đất nước ta ở thời kỳ mới. Phòng chống “Diễn biến hòa bình”, là nhiệm vụ cấp bách thường xuyên, lâu dài trong sự nghiệp quốc phòng - an ninh của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta, của cả hệ thống chính trị. Vì vậy văn nghệ sĩ phải thường xuyên học tập, trau dồi tư tưởng, đạo đức, lối sống lành mạnh, giữ vững và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc thể hiện qua các tác phẩm của mình phải bảo vệ được quan điểm đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước trong công cuộc đổi mới đất nước. Biết tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại để bảo tồn và phát huy hơn nữa bản sắc dân tộc, góp phần cùng toàn Đảng, toàn dân và toàn quân thực hiện thắng lợi sự nghiệp đổi mới toàn diện đất nước, vì mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”. Đồng thơiøi phải thấy rõ âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch trong chiến lược “Diễn biến hòa bình” đối với nước ta, văn nghệ sĩ phải nâng cao nhận thức, trách nhiệm bản thân qua các tác phẩm của mình, vạch trần các thủ đoạn của kẻ thù nhằm “bôi đen, hạ bệ thần tượng lịch sử dân tộc”, vu cáo, nói xấu cán bộ, bôi nhọ chế độ… dẫn đến mất đoàn kết nội bộ làm suy giảm lòng tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước.
Để hoàn thành sứ mạng người chiến sĩ tiên phong trên mặt trận tư tưởng, văn hóa của Đảng văn nghệ sĩ phải đi sâu, đi sát phong trào, kịp thời biểu dương những việc làm tốt, phê phán những hiện tượng tiêu cực làm ảnh hưởng đến phong trào chung. Phải khẳng định tiêu cực chỉ là hiện tượng cá biệt, không phải bản chất của xã hội.
Trong thời gian qua xuất hiện một số trang mạng của bọn phản động đang ra sức xuyên tạc công cuộc đổi mới của Đảng và Nhà nước ta; nguy hiểm hơn thế lực thù địch kết hợp với bọn phản động lưu vong đang tìm mọi cách hạ bệ thần tượng, đánh đồng hai cuộc kháng chiến chính nghĩa của nhân dân ta với cuộc chiến tranh phi nghĩa, của bọn cướp nước và bán nước.
Trong tình hình, công tác lý luận, bảo vệ nền tảng tư tưởng, đường lối của Đảng, bảo vệ, củng cố vai trò chủ đạo của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh cần được thường xuyên quán triệt trên đến mỗi công dân. Chú trọng giáo dục truyền thống yêu nước, niềm tự hào và tinh thần tự cường dân tộc, truyền thống dựng nước và giữ nước đối với thế hệ trẻ. Bên cạnh đó, chúng ta phải kiên quyết đấu tranh ngăn chặn có hiệu quả khuynh hướng tư tưởng tư sản, các luận điệu tuyên truyền vu cáo chủ nghĩa xã hội, bôi nhọ, xuyên tạc, phủ nhận chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, phủ nhận đường lối quan điểm của Đảng, phủ nhận lịch sử… kịp thời ngăn chặn quan điểm lệch lạc… trong lĩnh vực tư tưởng, văn hóa – văn nghệ.

Vì thế chúng ta phải xây dựng, phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Đấy là tài sản chung của toàn thể các dân tộc Việt Nam đã qua bao đời xây dựng nên; là tài sản tinh thần, là động lực phát triển của xã hội. Để làm được điều đó, văn nghệ sĩ phải khai thác những điểm sáng, những tấm gương điển hình trong công cuộc đổi mới đất nước do Đảng ta đề xướng và lãnh đạo, từ đó nhân rộng điển hình giống như thắp lên nhiều ngọn lửa xua dần đi bóng tối.
Hiện nay một số chủ trương chính sách biện pháp quản lý của Đảng và Nhà nước chưa theo kịp với sự phát triển của tin học như việc quản lý các trang mạng xã hội hay các blog của các tổ chức, cá nhân; vì thế một số người trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đăng tải lại các bài viết của bọn phản động nước ngoài trên các trang mạng là vô tình tuyên truyền không công cho chiến dịch “Diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch. Luật pháp quy định nước ta không có báo tư nhân; vì thế văn nghệ sĩ cần đi đầu trong các biện pháp ngăn ngừa các trang mạng “đen” mang nội dung chống phá Đảng và Nhà nước ta như: Không đọc, không tải lại các bài viết và tích cực có những bài viết phản bác lại luận điệu của kẻ thù.

Tháng tư, tháng đầu tiên của của mùa hè lại về làm chúng ta nhớ lại: Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, nhân dân ta đã lập nên những chiến thắng lẫy lừng trong cuộc kháng chiến chống quân cướp nước và bán nước, thống nhất non sông, đất nước liền một dải vào mùa hè 1975. Và hôm nay Tổ quốc ta đang là niềm tự hào của bè bạn quốc tế về một mô hình ổn định về chính trị để phát triển kinh tế, xây dựng đất nước theo con đường Xã hội chủ nghĩa. Chúng ta tin chắc rằng: Dù kẻ thù có thâm độc, xảo quyệt đến đâu cũng không thể làm lung lay ý chí của toàn dân vẫn một lòng tin và đi theo Đảng để xây dựng đất nước ta ngày càng đàng hoàng hơn, to đẹp hơn.

Thứ Năm, 24 tháng 4, 2014

SỐ 259 - tác giả LÊ HÒA



Lục bát mùa thu


Sụt sùi nắng, quặn quài mưa
Bên kia hoa cúc vẫn chưa sang mùa
Ô kìa sung chát, khế chua
Bao nhiêu đắng đót cũng vừa lòng ta

Dập dìu nỗi nhớ bay xa
Bên này phượng tím hồn ta phạc phờ
Sương giăng trắng cả giấc mơ
Tôi đi tìm nắng gặp bờ cỏ may

Giật mình đương giấc ngủ say
Phố phường vuốt mặt xè cay mắt buồn
Thinh không loang một tiếng chuông
Ô kìa thu đã ngập đường… Chiều rơi.

                                                                   
                                                                                                Đà Lạt, 8/2012



SỐ 259 - tác giả KIỀU THÀNH




Có những chiều


Có những chiều ngồi ngắm mưa rơi
Từng giọt nước thấm vào lòng tê tái
Đếm thời gian đã bao mùa qua lại
Con đường xưa, chưa quay đến một lần.

Có những chiều nâng chén rượu đầy vơi
Cùng thù tạc nhưng mấy người đồng cảm
Kiếp phù sinh quay cuồng nơi cõi tạm
Danh vọng, tiền tài, cuộc sống truân chuyên.

Có những chiều ngẫm nghĩ sự bon chen
Được hay mất cũng xuôi tay nhắm mắt
Chính trị gia, tỉ phu… về theo đất
Tiếng dơ, hay để lại mãi muôn đời.





SỐ 259 - tác giả MAI THỊ VUI



SỰ BIỂU ĐẠT BẰNG NGÔN NGỮ
TÍN HIỆU SỐ “MỘT” TRONG THƠ NGUYỄN BÍNH


Trong ca dao, dân ca, thơ ca trung đại, hiện đại… các con số rất hay được đề cập đến. Đã có một số bài viết thú vị về nội dung, ý nghĩa biểu đạt của những con số trong thơ. Chỉ là những con số nhưng cũng đã nói lên nhiều điều về văn hóa, phong tục, tôn giáo, tín ngưỡng, tâm hồn con người. Trong bài viết này, người viết chỉ mạn bàn về số “một” dưới góc độ là một tín hiệu thẩm mĩ được thể hiện trong thơ Nguyễn Bính, nhằm góp phần đưa ra một cách tiếp cận các hình tượng văn học từ hiểu biết về tín hiệu thẩm mĩ.
1. Từ một tín hiệu ngôn ngữ thông thường, khi đi vào thế giới của thơ ca, số “một” được chuyển hóa thành một tín hiệu thẩm mĩ, một tín hiệu nghệ thuật (tín hiệu văn chương).
Tín hiệu thẩm mĩ nói chung, tín hiệu văn chương nói riêng là “tín hiệu thuộc hệ thống các phương tiện biểu đạt của các ngành nghệ thuật bao gồm toàn bộ những yếu tố của hiện thực, của tâm trạng, được lựa chọn và sáng tạo nghệ thuật, để thực hiện chức năng thẩm mĩ: Xây dựng hình tượng trong tác phẩm nghệ thuật. Vậy, một tín hiệu ngôn ngữ phải có đủ bốn nhân tố: Cái biểu đạt, cái được biểu đạt; chủ thể sáng tạo; thuộc về một hệ thống tín hiệu nhất định.
Về cấu trúc, tín hiệu thẩm mĩ được biểu hiện trên bình diện trừu tượng và cụ thể. Trên bình diện trừu tượng, nó là những bản thể (nguyên mẫu) có tính cố định, bất biến còn trên bình diện cụ thể là những biến thể của tín hiệu thẩm mĩ trong mỗi lần xuất hiện mang tính cụ thể, sinh động. Vậy, việc nghiên cứu tín hiệu thẩm mĩ thực chất là nghiên cứu những biến thể của nó qua mỗi lần xuất hiện, việc nghiên cứu hệ thống tín hiệu thẩm mĩ cũng là nghiên cứu cấu trúc hình tượng mang tính hiện hữu, cụ thể của tác phẩm nghệ thuật. Và nghiên cứu các tín hiệu văn chương là nghiên cứu các yếu tố ngôn ngữ giúp biểu hiện nó. Bởi vậy, trong bài viết này, nói nghiên cứu tín hiệu thẩm mĩ số “một” nghĩa là nghiên cứu các yếu tố ngôn ngữ - từ ngữ có số “một”.
2. Theo cách tiếp cận trên, người viết tiến hành xem xét tín hiệu thẩm mĩ số “một” trong thơ Nguyễn Bính trong tương quan với việc tìm hiểu các hình thức ngôn ngữ biểu đạt tín hiệu văn chương số “một”; dựa vào các hình thức ấy, khái quát để rút ra các ý nghĩa thẩm mĩ của số “một”.
2.1.Cái biểu hiện của số “một” trước hết thể hiện ra bằng ngôn ngữ “một”, là một danh từ trong hệ thống ngôn ngữ, là sự cụ thể hóa về mặt hình thức của tín hiệu thẩm mĩ số “một” trong thơ Nguyễn Bính. Nó là dạng bản thể, nguyên mẫu mang tính trừu tượng, là cơ sở cho các biến thể. Cái được biểu hiện của số “một” là các ý nghĩa thẩm mĩ được rút ra từ các ý nghĩa mang tính bản thể, ý nghĩa cá biệt, cụ thể, độc đáo của tín hiệu trong mỗi lần xuất hiện. Cái được biểu hiện mang tính bản thể của số “một” là chỉ  số đầu tiên trong dãy số tự nhiên nên có ý nghĩa là điểm xuất phát, cái duy nhất. Đây là nét nghĩa thông dụng, phổ quát của số “một”, là cơ sở ngữ nghĩa để Nguyễn Bính đề cập đến số “một”.
Theo số liệu khảo sát 60 bài thơ của Nguyễn Bính trước Cách mạng Tháng Tám trong Tuyển tập Nguyễn Bính của Nhà xuất bản Văn học năm 1986, số “một” xuất hiện 132 lần, một tần số xuất hiện cao nhất trong những con số xuất hiện trong thơ Nguyễn Bính: Một thân bé nhỏ, một đời gió sương (Thư gửi thày mẹ); Từ đấy in thêm bóng một người (Lá thư về Bắc); Hôm nay có một người du khách/ Ở Ngự Viên mà nhớ Ngự Viên (Xóm Ngự Viên)…
2.2. Tiếp theo, người viết xem xét các biến thể khác nhau của số “một” được thể hiện trong thơ Nguyễn Bính, có nghĩa là xét các cụm từ, các câu, các quan hệ với các tín hiệu khác có số “một”… Số “một” trong thơ Nguyễn Bính có sự kết hợp mới lạ, độc đáo, thường được sắp xếp: Một mối tình, một dải đê, một người, một mình, một thân bé nhỏ, một giấc mơ, một cố rượu, một cánh hoa, một đêm đông, một tờ thư rộng, một phù kiều, một màu xanh, một quãng đồng, một trời xuân sắc… Số “một” thường xuất hiện trong cụm danh từ và làm định ngữ phụ trước cho các danh từ trung tâm.
2.3. Về các ý nghĩa thẩm mĩ của tín hiệu số “một” trong thơ Nguyễn Bính rất đa dạng và phong phú với nhiều nét biểu trưng, mang tính biến thể, mới lạ, độc đáo và tập trung những ý nghĩa sau:
Trước hết, số “một” biểu hiện số ít.  Số “một” với nét nghĩa này xuất hiện 26 lần, chiếm 20% các ngữ liệu đã khảo sát: Một gian nhà nhỏ đi về có nhau; Một quan là sáu trăm đồng (Thời trước); Thôn Đoài cách có một thôi đê (Mưa xuân); Chị đi một bước trăm đường xót xa (Lỡ bước sang ngang)…
Thứ hai, số “một” biểu trưng cho sự cô độc, lẻ loi, nét nghĩa này xuất hiện 20 lần, chiếm 15%. Tuy xuất hiện ít nhưng đây là nét nghĩa đánh dấu cái tôi trong thơ trữ tình Nguyễn Bính. Nét nghĩa này xuất hiện trong thơ ông là sự ý thức một cách chủ động, đi sâu tìm kiếm, khám phá bản thể. Hình tượng lặp lại khá nhiều lần là một con người trên hành trình cô độc, có lúc lang thang “thơ thẩn”, có lúc “hững hờ” vô định: Thơ thẩn đường chiều một khách thơ/ Say nhìn xa rặng núi xanh lơ (Cô hái mơ); Có lần tôi thấy một người đi/ Chẳng biết về đâu nghĩ ngợi gì/ Chân bước hững hờ theo bóng lẻ/ Một mình làm cả cuộc phân li (Những bóng người trên sân ga). Tín hiệu số “một” gắn với ngữ cảnh của nhân vật trữ tình, gắn với trường nghĩa chỉ sự cô độc, khắc họa thành công tâm trạng người lữ thứ “nhỏ nhoi”, “mong manh” trước sương gió cuộc đời: Một thân bé bỏng, nửa đời gió sương (Thư gửi thày mẹ). Có lúc là sự heo hắt, héo tàn: Hôm nay là xuân mai còn xuân/ Một cánh đào rơi nhớ cố nhân. Có lúc là sự tiếc nuối, hụt hẫng: Thế là tàn một giấc mơ/ Thế là cả một bài thơ não nùng. Và khi tín hiệu số “một” gắn với tâm trạng nhân vật trữ tình trong những ngữ cảnh cụ thể được Nguyễn Bính sử dụng rất hay. Tâm trạng cô gái đang yêu trong thi phẩm Mưa xuân được thể hiện sinh động qua con số “một”: Khi thì háo hức đi gặp người yêu “ Lòng thấy giăng tơ một mối tình”; khi nghĩ đến người yêu thì con đường dẫn đến nơi hò hẹn chỉ gang tấc “Thôn Đoài cách có một thôi đê”  nhưng cùng con đường ấy khi không còn gì để chờ đợi, ngóng trông thì con đường trở nên dài vô tận “ Có ngắn gì đâu một dải đê”.
Thứ ba, số “một” đánh dấu cho một thời điểm, một ngữ cảnh cụ thể (xuất hiện 40 lần, chiếm 30 %): Một buổi sớm mai đến Sài Gòn/ Thân em chẳng khác con chim non (Lá thư về Bắc); Đức vua một sớm đầu xuân ấy (Xóm Ngự Viên); Một tối nhà Nhi có giỗ thầy (Hoa với rượu); Những lời tâm sự một đêm đông (Xuân tha hương).
Thứ tư, số “một” biểu thị cho sự tập hợp, thống nhất, hoàn chỉnh. Với nét nghĩa này, số “một” xuất hiện 46 lần, chiếm 35 %: Đôi ta cùng ở một làng/ Cùng đi một ngõ vội vàng chi anh (Chờ nhau); Chung lưng làm một chuyến đi đày? (Giời mưa ở Huế); Mỗi ngày phiên chợ một thêm đông (Xuân tha hương).
2.4.Tín hiệu thẩm mĩ số “một” không chỉ xuất hiện trong thơ Nguyễn Bính mà còn xuất hiện khá nhiều trong sáng tác của các nhà Thơ Mới. Huy Cận trước cảnh trời rộng, sông dài u sầu, cô lẻ đã sử dụng số “một” để diễn tả tâm trạng: Củi một cành khô lạc mấy dòng; Mênh mông không một chuyến đò ngang (Tràng giang); Xuân Diệu cô đơn đến nỗi chỉ biết mình là một, một mình đối diện với chính mình: Ta là Một, là Riêng, là thứ nhất/ Không có chi bạn bè nổi cùng ta
3. Trong hệ thống tín hiệu thẩm mĩ của thơ Nguyễn Bính, chỉ nói riêng về tín hiệu thẩm mĩ chỉ con số, chúng ta thấy rằng tín hiệu số “một”  được nói đến khá dày, sự miêu tả, cụ thể hóa, các ý nghĩa thẩm mĩ của nó khá đa dạng và phong phú. Tần số xuất hiện cao của tín hiệu có mối quan hệ chặt chẽ với nghĩa biểu vật và nghĩa biểu niệm (nghĩa cơ sở của cái biểu hiện) của tín hiệu ấy. Những nghĩa cơ sở của tín hiệu càng nằm trong nhiều trường nghĩa, nhiều ngữ cảnh thì càng làm cho tín hiệu có nhiều biến thể, nhiều lần xuất hiện. Tuy nhiên sự xuất hiện của các tín hiệu thẩm mĩ với tần số cao hay thấp còn tùy vào sự chi phối, sự quyết định của tâm lí thời đại, của cách thức tư duy nghệ thuật, của cảm quan nghệ thuật chủ thể sáng tạo.