Chủ Nhật, 27 tháng 4, 2014

SỐ 260 - tác giả NGUYỄN VĂN THANH





ĐỀN HÙNG - ĐẤT CỘI NGUỒN CỦA DÂN TỘC



Vào dịp giỗ Tổ Hùng Vương ngày 10-3 âm lịch năm Kỷ Dậu (1969), giữa những năm kháng chiến chống Mỹ ác liệt, trong bài đăng trên báo Nhân dân nhan đề “Nhân ngày giỗ Tổ Hùng Vương”, Thủ tướng Phạm Văn Đồng viết: “Dân tộc Việt Nam ta luôn giữ vững một truyền thống có ý nghĩa hay và đẹp vô cùng; tưởng nhớ tổ tiên, tưởng nhớ những người đã có công lớn trong việc xây dựng nước và giữ nước, vua Hùng là tổ tiên của dân tộc Việt Nam ta, lúc dân tộc ta trở thành một nước, và từ đó là nước Văn Lang. Chính vì vậy, đã trải qua mấy nghìn năm, biết bao thế hệ, biết bao biến đổi mà người Việt Nam ta vẫn tưởng nhớ Vua Hùng với tất cả tình yêu và lòng tin. Đến ngày nay, tình yêu và lòng tin đó lại ngày càng sâu sắc và đẹp đẽ”.
Vào năm 40, khi dấy nghĩa binh để đánh đuổi Thái thú Tô Định nhà Hán nhằm giành lại độc lập của dân tộc, Hai Bà Trưng đã lên đàn làm lễ tế trời khấn rằng: Một xin rửa sạch nước thù/ Hai xin nối lại nghiệp xưa họ Hùng.
Vào năm Hồng Đức thứ nhất (1470), Ngọc Phả của triều đình Lê Thánh Tôn có ghi chép: “Từ nhà Đinh, nhà Lê, nhà Lý, nhà Trần đến triều đình ta bây giờ là Hồng Đức Hậu Lê vẫn cúng hương khói ở Đền Hùng. Những ruộng đất từ xưa dùng vào việc cúng tế vẫn không thay đổi. Nhân dân toàn quốc đến lễ bái ở Đền Hùng để tưởng nhớ công ơn xây dựng nước nhà của các Thánh Tổ ngày xưa”.
Trước kia, các nhà nước phong kiến tiến hành lễ tế ở Đền Hùng (Phú Thọ) vào ngày 12 tháng 3 âm lịch là ngày giỗ Tổ của Vua Hùng thứ nhất (Kinh Dương Vương).
Sau khi triều đình tiến hành Quốc lễ, đến lượt các làng xã chung quanh Đền Hùng tế lễ tại những nơi thờ vua Hùng và vợ con các vua.
Kể từ năm 1922, Đền Hùng được xây dựng như quy mô hiện có. Nhà Nguyễn quyết định lấy 10 tháng 3 âm lịch hằng năm làm ngày triều đình tế lễ các vua Hùng. Cũng chính vì thế, dân gian nước ta mới có câu:
Dù ai đi ngược về xuôi
Nhớ ngày giỗ tổ mồng mười tháng ba.
Sau khi Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, ngày 10 tháng 3 âm lịch năm Bính Tuất (1946) là ngày giỗ Tổ đầu tiên dưới chính quyền cách mạng. Trong ngày đó, cụ Huỳnh Thúc Kháng được Chính phủ cử chủ trì lễ dâng hương tại đền Hùng, Cụ mặc áo the, đội khăn xếp, khấn vái theo phong tục lễ cổ truyền.
Cũng vào dịp này, cụ Huỳnh còn dâng lên bàn thờ Tổ tấm bản đồ Việt Nam, và thanh kiếm, là hai vật báu, thể hiện ý chí bảo vệ đất nước của Chính phủ và nhân dân ta trước họa ngoại xâm đang đe dọa.
Trong những năm kháng chiến chống Pháp, mặc dù có chiến tranh, cứ đến ngày 10 tháng 3 âm lịch hằng năm, nhân dân địa phương chung quanh đền Hùng vẫn thắp hương tưởng nhớ công ơn các vua Hùng.
Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, Hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết, miền Bắc hoàn toàn được giải phóng, một đơn vị bộ đội thuộc “Đại đoàn quân tiên phong” trên đường về tiếp quản thủ đô Hà Nội được gặp Bác Hồ chính ngay tại đền Hùng.
Trong câu chuyện thân mật với bộ đội tại Đền Hùng, Bác nói: “Các chú có biết đây là nơi nào không? Đây chính là đền thờ vua Hùng, tổ tiên của chúng ta. Bác cháu ta gặp nhau ở đây tuy tình cờ nhưng rất có ý nghĩa. Ngày xưa các vua Hùng đã có công dựng nước, bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước. Trải qua bao nhiêu thời đại đấu tranh, ông cha ta mới giữ được Thủ đô. Tám chín năm nay do quân dân ta kiên quyết kháng chiến mới có thắng lợi trở về Hà Nội. Vì thế các cháu  được Trung ương và Chính phủ giao cho nhiệm vụ tiếp quản Thủ đô là được nhận một vinh dự lớn…”
 Hằng năm cứ đến ngày 10 tháng 3 âm lịch, mỗi người Việt Nam đều xúc động hướng về đất Tổ, hướng về cội nguồn thấm đượm hồn thiêng sông núi, nghe thấy tiếng vọng ngày xưa, như thấy tổ tiên Lạc Hồng vẫn đang hiển hiện, đúng như câu đối ở đền Hùng:
Lăng tẩm tự năm nao, núi Tản, sông Đà, non nước vẫn quay về đất Tổ.
Văn minh đương buổi mới, con Hồng cháu Lạc, giống nòi còn biết nhớ mồ ông.
Với ý nghĩa nhân văn sâu sắc đó, ngày 6/12/2012, tại kỳ họp lần thứ 7 Ủy ban liên chính phủ về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể diễn ra ở Paris (Pháp), Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) đã chính thức thông qua quyết định công nhận Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ, Việt Nam là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Năm 2013 Giỗ Tổ Hùng Vương đặc biệt gắn với việc tổ chức lễ đón nhận bằng của UNESCO công nhận "Tín ngưỡng Hùng Vương ở Phú Thọ" là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Đất nước ngày càng được xây dựng đàng hoàng hơn to đẹp hơn, sự tưởng nhớ các vua Hùng càng trở nên sâu sắc, mãnh liệt, đã trở thành niềm tự hào của dân tộc. Phát biểu tối 13-4 (tức 4-3 năm Quý Tỵ) đón bằng UNESCO công nhận “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ” là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại và khai mạc Lễ hội Đền Hùng năm Quý Tỵ - 2013, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã nhấn mạnh: “Tín ngưỡng thờ cúng các Vua Hùng trở thành bản sắc văn hóa, đạo lý truyền thống của người Việt Nam ta, thể hiện lòng biết ơn của các thế hệ cháu con với công đức của Tổ tiên trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước. Dù làm gì, ở đâu, mỗi người con đất Việt đều hướng về cội nguồn, hướng về tổ tiên với tấm lòng thành kính, tri ân. Thờ cúng các Vua Hùng không chỉ là hoạt động tâm linh cầu mong Quốc Tổ phù hộ cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, đất nước yên vui, thịnh vượng mà còn có ý nghĩa sâu xa nhắc nhở, kết nối, củng cố tình đoàn kết, thương yêu, đùm bọc lẫn nhau của cộng đồng dân tộc Việt Nam, những người cùng chung một cội nguồn. Trải qua biết bao thăng trầm của lịch sử, tín ngưỡng thờ cúng các Vua Hùng vẫn bền bỉ trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, góp phần hun đúc tâm hồn, tình cảm và ý chí của cả dân tộc. Từ hàng nghìn năm nay, đồng bào các dân tộc trên vùng đất Phú Thọ đã có những cống hiến, đóng góp to lớn để cùng với nhân dân cả nước gìn giữ, bảo tồn, phát huy giá trị của di sản văn hóa thiêng liêng này của đất nước ta, dân tộc ta”.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét