Chủ Nhật, 20 tháng 4, 2014

SỐ: 259 - tác giả NGUYỄN KHƯƠNG TRUNG

        


BÔNG CẨM CHƯỚNG DỰNG NGHIÊNG
                                                                         
Truyện ngắn
        

Nàng ở lại đây là một sự tình cờ trên đường trốn chạy. Người đàn bà tốt bụng, chung chuyến xe khách năm ấy thương cảm trước nỗi bất hạnh đã khuyên giải, đưa nàng về đây. Rồi thuê nhà trọ, tìm công việc cho nàng. Cả những ngày nàng sinh nở, tấm lòng bao dung ấy đã cưu mang, che chở nàng. Ân nhân của nàng thì giàu có, quyền thế gì! Con người ấy chỉ giầu lòng nhân ái. Nhưng. Đời thì có cả thánh thần lẫn ma quỷ. Hắn đã hại đời nàng và vẫn chưa chịu buông tha cho nàng. Hắn đã tìm đến! Hắn đang đe doạ lấy đi niềm yêu thương nhất đời nàng – Bé Hoa! Hắn khơi tung nỗi nhục nhã, rêu rao đủ mọi thứ xấu xa về nàng, đe doạ cả đến cuộc sống thường nhật của mẹ con nàng. Nàng đang đứng trước nguy cơ phải trốn chạy một lần nữa. Lẽ nào lại thế? Không. Không thể dễ dàng dời bỏ đất này mà đi như thế được. Có lẽ vì lòng tự trọng, cả tự ái nữa. Hắn đã đểu giả vượt quá sức chịu đựng của nàng. Vả lại nếu phải đi, nàng cũng chẳng biết đi đâu. Dù nơi đây có là đất khách quê người. Dù phải sống trong cảnh tứ cố vô thân. Nhưng, quen rồi! Giọng ma quỷ vẫn rầm rì từ góc phòng, vẫn tiếp tục làm nàng tan nát.
           -  Nếu không chịu nghe tôi, cô chỉ có nước bán xới khỏi cái đất này. Khi đó, tôi lại mất thêm công tìm kiếm. Còn cứ quanh quẩn ở đây…  coi như cô hết đường làm ăn – Hắn nhếch mép, cười đểu.
         Sao lại thế? Hắn có quyền gì mà được phép đóng cái ách vào cổ nàng. Phá hoại cuộc sống tự do, tự tại của nàng. Hắn chẳng có quyền gì! Nhưng, nàng cũng chưa biết làm thế nào để thoát ra khỏi sự truy bức đó. Cái lý do duy nhất, nghiệt ngã nhất khiến nàng chưa thể thoát khỏi hắn là đứa con. Hắn đòi con! Sự đểu giả có lý của một thằng đàn ông táng tận lương tâm. Một lý do quá “tử tế” khiến nàng không thể có cơ sở loại bỏ. Đã bao lần nàng úp mặt vào lòng ân nhân của mình nức nở, nhưng tấm lòng nhân ái kia cũng không thể làm gì khác ngoài nguồn thương cảm và an ủi. Đây là chuyện đời tư của nàng. Nàng phải tự giải quyết. Đểu giả! Dù có là con khốn nạn, nàng vẫn hơn cái mặt giả nhân giả nghĩa kia. Niềm kiêu hãnh chợt đến. Nàng vươn cao cổ, kiêu hãnh, khốc liệt nhìn hắn như thách thức. Thằng đàn ông chợt thấy sự khác lạ, quyết liệt ở người đàn bà đang nước mắt ngắn dài. Nó giật mình, lùi lại. Đây là lần thứ tư, hắn lần ra nơi ở của mẹ con nàng ở chốn này. Mỗi lần hắn đến rồi đi, nàng lại bế con chạy trốn, thuê phòng trọ khác. Có lẽ cũng đã vượt quá sức kiên nhẫn trong việc thực hiện mưu đồ, hay không thể chịu đựng nổi nỗi thèm khát trước nàng. Hắn đã lộ bộ mặt thật. Hắn đểu cáng nói thẳng ra rằng không cần con bé, chỉ cần được ngủ với nàng thêm một lần nữa thì hắn “tha”. Nàng quát vào mặt hắn: “Đồ khốn nạn”.
          Thực ra đã có nhiều lúc hắn có cái ý nghĩ “tha”cho nàng, nhưng lại thấy tiếc cái nhan sắc ấy. Bản năng nhục dục đang không tha cho hắn. Khi lân la được tin nàng sinh con gái và đang sống ở đây. Hắn tìm đến với ý nghĩ ban đầu là cứ thử đến đó xem sao. Vả lại từ ngày xẩy chuyện với nàng, con vợ không biết điều chả mấy khi để hắn được yên. Nó luôn mồm đay nghiến, luôn tìm cớ sinh sự và bao giờ cũng kết cái câu – “Ông đi tìm mà ở với con đĩ ấy! Hai đứa con tôi, tôi nuôi”. Hắn uất lắm. Nhưng vẫn phải im thin thít và tự an ủi rằng: “Chả riêng gì mình, thằng đàn ông nào “ăn vụng” khi bị vợ phát hiện chả phải câm như hến”. Khi nàng vác cái bụng bầu bỏ đi, sau trận đánh ghen của vợ hắn, hắn thấy là may cho hắn quá. Nếu nàng cứ ở đây, rồi sinh nở…  hắn không biết rồi những chuyện gì sẽ xẩy ra? Hắn rùng mình. Thế mà khi nàng bỏ đi, hắn đã tạm được yên thì lại đi kiếm nàng sinh sự. Kể cũng ngược đời! Thông thường thì những gã họ Sở khi đã được thoả mãn thường tìm cách phủi tay, lẩn trốn, rất sợ người đàn bà bị mình lừa gạt làm to chuyện. Hắn lại đang làm ngược lại. Tìm nàng, sinh sự… Hắn ngu chắc! Chả phải. Hắn đã nghĩ kỹ rồi. Nếu nàng không bỏ đi, dứt khoát hắn sẽ cư xử đúng với “phẩm chất” của những gã họ Sở. Đằng này nàng lại im lặng, bỏ đi xa cả trăm cây số, lặng lẽ nuôi con một mình. Vậy thì ngu gì, hắn không lợi dụng cái khoảng cách kia. Thực ra cái ý nghĩ này chỉ xuất hiện từ ngày hắn gặp lại nàng. Hắn không “cầm lòng” được! Nàng đẹp quá. Đúng là gái một con! Trong mắt hắn, nàng đẹp hơn nhiều so vơi thời thiếu nữ. Thời thiếu nữ nàng đã tuyệt thế! Bây giờ mà được… hắn nhắm mắt, tưởng tượng trong nỗi đê mê. Vẻ chừng mực, vừa phải của thiếu phụ sớm bị bất hạnh khiến ánh mắt nàng trở nên diệu vợi, như gần, như xa, như thôi thúc những cuồng vọng của đàn ông. Nàng đằm thắm, duyên dáng đến lạ lùng. Hắn không đủ sức thờ ơ trước nàng. Đây có phải là một trong những nguyên nhân, gây nên nỗi đa truân của kiếp hồng nhan? Thế là cái cớ đòi con, để được chiếm đoạt nàng thêm một lần nữa bùng lên trong hắn. Hắn đang làm cái việc của kẻ “cố đấm ăn xôi”.
- Mẹ con tôi cứ ở đây! Anh định làm gì? Nàng uất ức.
           Hắn vẫn lùi, gặp ghế thì ngồi xuống, rồi tiện tay với bông cẩm chướng dựa tường, dựng nghiêng nơi góc bàn gần cửa sổ.
        - Bỏ bông hoa xuống! Nàng hực lên.
          Hắn luống cuống. Rời tay khỏi bông cẩm chướng. Lạ lẫm – Làm gì mà dữ thế?
       - Cút ngay khỏi đây! Anh không được phép động vào bông hoa ấy. Cút!
          Hắn chợt nhớ tới vị trí này của những bông cẩm chướng ở ba căn phòng nàng đã từng thuê, rồi bế con bỏ chạy khi hắn xuất hiện. Không phải cẩm chướng cắm trong chiếc lọ xinh xinh. Hắn chợt hiểu!
          Ngày ấy, chính hắn là người thay những bông cẩm chướng trong chiếc lọ xinh xinh của nàng, mỗi khi hoa héo. Hắn đã lịch lãm làm vừa lòng cô tiếp thị của xí nghiệp dược phẩm Bảo Long, đặt văn phòng đại diện trên thị xã. Cô gái yêu hoa cẩm chướng dần dà yêu hắn. Yêu đến độ mang bầu. Yêu đến tận cái ngày vợ hắn xồng xộc vào phòng nàng túm tóc đánh ghen, nàng mới biết mình bị lừa gạt. Hắn lặn mất tăm. Nàng đau đớn, sợ hãi không dám về nhà vì sợ làm tổn thương đến danh dự gia đình. Và, cũng chẳng thể nào ở lại cái văn phòng đại diện này nữa.
                   
                 *
         
             Từ khi có nàng, nơi góc cái bàn duy nhất của thất trà này xuất hiện một bông cẩm chướng. Vẫn là bông cẩm chướng dựng nghiêng, dựa tường. Đã hai lần, hai bông cẩm chướng như vô tình bị người chủ thất dọn khỏi cái chỗ hình như là không dành cho nó. Nàng đến, không nói gì mà chỉ lẳng lặng dựng nghiêng một bông khác thế vào. Vẫn là nó, một bông cẩm chướng trắng, điểm tím. Nàng buồn buồn!
           Khách ra vào nơi đây không nhiều. Có thể đó là ý của ông chủ thất. Mà cũng có thể đây là cái địa chỉ chả có gì hấp dẫn với đa số người. Rất nhiều người tới đây có lẽ chỉ vì sự hiếu kỳ nhất thời, chẳng bao giờ thấy họ quay lại. Chốn lao xao bao giờ cũng có sức mời gọi hơn. Một không gian tĩnh, đọc sách, nghe nhạc cổ điển và uống trà mạn hảo bằng chén hạt mít màu gan gà ở thời này nghe ra lạc lõng quá. Vì vậy trụ được ở chốn này, quanh đi quẩn lại có lẽ chỉ còn mấy gã “dở hơi”. Không gian tĩnh, sách và nhạc cổ điển thì tất nhiên do ông chủ thất tạo dựng. Còn trà thì đầu tiên không nhất thiết cứ phải là mạn hảo, nó chỉ “cứ phải” từ khi xuất hiện cái lão nhà văn lèng phèng. Ông chủ thất hình như cũng khoái cái lão “mạn hảo” dở người này, nên chấp nhận sự cung cấp và độc quyền cái loại trà lão tự chế, và cứ khăng khăng là mạn hảo cho thất mình. Công bằng mà nói thì cái mạn hảo tự sao của lão cũng không đến nỗi nào. Hương vị trà cũng lao xao như tính khí lão. Dùng nó đâm nghiện nó! Hay ngồi với nhau trong chốn này còn có thêm một ông thầy chùa và ông giáo. Ông thầy chùa thì có vẻ tâm đắc với ý tưởng của ông chủ thất. Ông cho rằng một công chức cỡ sếp trong thời buổi này, mà có tâm tạo dựng một không gian thế này là đáng trọng. Ông giáo thường là người lặng lẽ nhất. Ông thích đọc sách hơn là nghe nhạc và uống trà.
           Nàng trở thành trà nhân nơi đây là từ lão nhà văn. Vài cái truyện ngắn in trên báo đã khiến nàng đến với lão. Rồi đến với thất trà. Có điều nàng đến rồi không bỏ đi, như những lời dự đoán ban đầu của ông giáo và ông thầy chùa – “ Ngữ người thế kia thì chả chịu vào đây đến lần thứ hai”. Ông thầy chùa và ông giáo, đều rủ rỉ nói vào tai lão nhà văn như thế. Lão chỉ hề hề cười. Nàng giữ lửa, pha trà rất bài bản. Nàng cho rằng mình đã cảm nhận được năm mươi phần trăm của thú uống trà trong lúc pha. Và cũng không quên lời cảm ơn với lão nhà văn – thầy nàng. Đặc biệt là lúc nàng mời trà. Sự khuôn phép, vẻ diệu vợi của mỹ nhân hầu trà khiến cho mặt các trà nhân trở dạng ngây ngây. Mà lạ lắm! Mỗi lần dâng trà, nàng lại ban tặng cho trà nhân một cảm giác mới lạ, khiến kẻ nhận trà lòng dạ cứ lâng lâng. Chén trà trở nên vô giá! Lão nhà văn cứ xuýt xoa vậy. Lão còn nói thêm rằng: “Nghệ thuật mời trà là sáng tạo của nàng. Tôi chịu!” Còn ông chủ thất thì bảo: “ Từ khi có nàng, tôi mới tin những điều người ta viết trong sách về thú uống trà là có thật. Các cụ ta ngày xưa thật lịch lãm, sung sướng quá”. Ông giáo thì vẫn im lặng, chăm chỉ đọc sách.
- Nàng là một thách thức với đời!
- A di đà phật! Ông lại nói theo cái lối văn chương của ông rồi.
         - Văn chương cái nỗi gì! Lão nhà văn cãi – Thầy có thấy bông cẩm chướng dựng nghiêng ở góc bàn kia không? Ngẫm nghĩ một chút, rồi thầy sẽ thấy tôi nói không sai.
           Đúng, sai, thách thức thế nào của mấy cái lão “dở người” này, cũng chẳng biết lối nào mà lần. Có điều nàng đang tươi tắn, đang rất đẹp và có rất nhiều người biết đến nàng. Kể thì một cô gái như nàng, được người ta biết tới cũng là lẽ thường tình. Gái đẹp đã là nguyên nhân của sự dòm ngó, nhắm nhe. Nàng lại đang nuôi con một mình. Đây mới là điều đáng bàn! Xưa nay đàn bà nuôi con một mình chả mấy khi được yên, đức hạnh, khôn ngoan đến mấy cũng khó tránh khỏi điều ong tiếng ve. Những tai tiếng với đời nhiều lúc cứ vô tình đến như cái sự tình cờ. Loại người này nhà thường đông khách. Lẽ thường khách đến, chủ nhà dù muốn hay không cũng vẫn phải tiếp. Mà, hầu hết những anh lớ xớ đến chốn này đều có chung cái dụng tâm đi tìm “ của lạ”. Chưa tới nhà người ta mà bụng dạ đã mang dụng ý rồi! Xơ múi được đôi chút thì chẳng nói làm gì, bởi, điều đó đã cho  đời hiểu là người đàn bà kia cũng chả oan. Nhưng, có những trường hợp chẳng “nước non” mẹ gì, còn bị người ta làm cho bẽ mặt. Gặp kẻ trơ tráo, táng tận thì rất có thể nó sẽ cay cú dựng lên những chuyện “ động giời” về tư cách người ta. Oan uổng lắm! Thiệt cho người ta lắm! Đấy là chưa kể những chuyện ghen tuông vô lối, chuyện tầm phào của các bà vợ có chồng chuộng “của lạ” trước cái “gai” kia.  Rồi cả cái sự sầm xì, nhiều khi đầy ác ý của thiên hạ nữa chứ… Nói chung, búa rìu dư luận luôn sẵn sàng thường trực quanh những người đàn bà “đặc biệt” này. Rõ là đời đa sự, cứ như thể vô tình làm rối tung cuộc sống của người ta. Đàn bà phải nuôi con một mình cay cực lắm thay! Cái lão nhà văn kia đang bảo nàng là một thách thức với đời đấy. Đã nhiễu sự chưa! Kể ra lão cũng là người thẳng thắn. Một lần rút cuốn “Ông già và biển cả” trên giá sách dày dặn của nàng. Lão nghiêm trang.
-     Sách em chỉ để khoe chứ không đọc!
        -     Anh nói đúng đấy! Nàng cười tươi tắn – Mà anh thấy có gì sai trái à?
-     Không thể đúng được đâu! Lão có vẻ khổ sở.
              Nàng nhỏ nhẹ. Với lão bao giờ nàng cũng nhỏ nhẹ, cử chỉ thì cứ như là kẻ đang chịu ơn.
         - Sách với em không phải để đọc! Em cần ở nó cái khác. Anh sẽ nghĩ gì, khi bước vào căn phòng có giá sách này? Nghĩ gì về chủ nhân của nó? Nếu em không lầm thì đã có một thời gian dài, anh coi em như một “của hiếm” thời nay vì còn biết trân trọng sách…  nàng cười! Tất nhiên em cũng phải tìm cách biết chút ít những điều trong sách. Điều này thì không khó. Chỉ cần để tâm nghe người ta nói về một cuốn nào đó, em có thể góp chuyện về cuốn sách ấy vào những cơ hội khác. Anh đừng nghĩ rằng mấy cái truyện ngắn in báo của anh, em đã đọc rồi nhé. Vậy mà em đã từng nói về nó cho anh nghe. Đúng không? Một nghệ thuật chấm phá tinh tế đấy! Chỉ những cô gái thông minh mới có khả năng làm được. Và nó sẽ đặc biệt thành công, khi cô ấy đẹp. Nàng tủm tỉm – Cả cuốn “Ông già và biển cả” kia nữa, anh có muốn nghe không? Mặc dù em chưa hề đọc.
           -   Giỏi! - Lão gật gù.
           -  Anh viết văn mà ngu ngơ thế. Viết gì! Em không thèm lấy tiền của bố con Hoa để nuôi nó. Nhưng, em không xấu hổ khi tìm cách moi những đồng tiền từ túi bọn người tương tự như bố nó. Đấy cũng là một cách đấu tranh đòi lẽ công bằng. Anh đã bao giờ so sánh nhân cách giữa loại người bị đời gọi là con đĩ, với loại cậy quyền chức, chuyên đục khoét công quỹ, tiêu tiền “chùa” chưa? Anh đã thấy chúng nó rửng mỡ trong phòng mát xa, trong phòng karaokê bao giờ chưa? Cả những bữa nhậu coi tiền như rác nữa… chúng tiêu những đồng tiền ăn cắp tởm lắm. Anh đừng thấy vẻ đạo mạo bề ngoài, mà nghĩ chúng cao sang. Theo em, những kẻ đó nhân cách chẳng thể so với hạng đĩ điếm mà xưa nay đời vẫn khinh bỉ. Bởi từ trong tâm, kẻ làm đĩ còn biết xấu hổ về nhân cách của mình. Còn loại người kia, trơ trẽn tới mức không có cả điều ấy. Nàng hậm hực - Kẻ chưa bị lột mặt đục khoét vẫn được xã hội nể trọng, anh thấy đã vô lý chưa? Thật không thể chịu nổi, khi kẻ nhơ nhuốc hơn lại được đời trọng hơn. Công lý còn đâu! Chính chúng nó đang góp phần làm tăng số lượng những con đĩ đấy. Chính chúng là một trong những nguyên nhân biến con gái người ta thành đĩ điếm...
              Nàng nói một thôi một hồi, như trút sự uất ức vào lão nhà văn.
         -   Bây giờ thì chắc anh hiểu vì sao em không đọc, mà chỉ cần có sách để trưng rồi chứ! Cũng phải “trí thức” chứ! “Một đồng một cốt” cả thôi! Nàng cười mai mỉa – Bẩn thỉu, rỗng tuếch thì phải kiếm cách mà phủ đi chứ.
  -    Thế em quen anh để làm gì? Lão nhà văn có vẻ ấm ớ.
          -    Anh á! Nàng cười khanh khách – Anh thì chả có gì ngoài cái danh hão. Nhưng không phải là cái “ hão” của lũ kia đâu nhé. Hai cái “hão” ấy không thể bị đánh đồng. Ấy nhưng cái hão của anh lại cần cho lũ kia. Em đã nói chúng nó bẩn thỉu, thì phải tìm cái gì sạch sẽ mà phủ lên mà. Bạn của ông nhà văn chả là “oách” lắm sao? Còn em thì qua anh, cũng trở thành “bạn” của khối thằng như thế. Em cần ở anh điều ấy đấy! Ngưng một lát, nàng tiếp:
           -  Anh viết lách cũng nên biết điều này, đàn bà là chiếc chìa khoá vạn năng! Nó sẽ mở được tất cả các cửa, nếu muốn, kể cả cửa lên thiên đường hay xuống địa ngục. Nàng nhỏ nhẹ lại – Điều em cảm ơn nhất là nhờ anh, em có được cảm giác yên ổn, mỗi khi ngồi bên chén trà trong thất. Nhờ anh mà em cảm nhận được cái thú khi pha trà. Em tìm vào cõi ấy để mình được lắng xuống, được ngẫm nghĩ, ru mình về trạng thái cân bằng. Điều đó với em quý giá lắm! Anh hiểu không? Em chỉ buồn vì sự có mặt của em, đã khiến ông thầy chùa không còn đến thất nữa. Nhưng kệ! Hạnh phúc ở đời chẳng là sự co kéo thì là gì!
  -    Sống thế có bền được không? Lão nhà văn lẩm bẩm.
           -  Bé Hoa sẽ là phiên bản của em! Nhưng là một phiên bản tuyệt vời. Em sẽ làm tất cả vì điều đó. Rồi anh sẽ thấy! Còn bền ư? Bền chứ! Đã qua rồi thời kỳ nhiều lần em phải đi bán máu, để lấy tiền nuôi con. Anh không thấy em là một thợ thêu giỏi à. Người ta đang khen em đã thể hiện đúng thần thái cặp mắt người đàn bà, trong bức kiệt tác “ Người đàn bà xa lạ” của Ivan Kramxkôi đấy. Cả bức tranh đám cưới chuột kia nữa. Trong vẻ khúm núm của con chuột có nhiệm vụ đút lót cho sự bình yên của đám cưới, còn le lói được lòng hận thù truyền kiếp của dòng giống nó với mèo. Người ta bảo đấy là nét sáng tạo của em đấy! Thế thì phải bền chứ! Em đủ sức tạo dựng một cuộc đời đẹp đẽ cho bé Hoa trong mọi hoàn cảnh. Nàng bỗng hạ giọng, thủ thỉ như nói với chính mình – “Em giờ đây thì còn ra cái gì! Còn gì  nữa ngoài bé Hoa!” Ngừng một lát, bỗng  nàng  nói như reo:
          - Đúng rồi! Thế này thì thằng đểu kia từ nay đừng hòng đe doạ được mẹ con em.
   Lão nhà văn ngẩn ra, chả còn hiểu ra làm sao.   
            Và cũng chẳng lâu sau, ngay trong căn phòng này lão được thấy tận mắt thằng Kháng “cá”, nện thằng kia một trận nhừ tử, quát lớn:
- Cút mẹ mày đi! Từ nay còn bén bảng đến đây thì biết tay ông.










Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét