Thứ Năm, 24 tháng 4, 2014

SỐ 259 - tác giả MAI THỊ VUI



SỰ BIỂU ĐẠT BẰNG NGÔN NGỮ
TÍN HIỆU SỐ “MỘT” TRONG THƠ NGUYỄN BÍNH


Trong ca dao, dân ca, thơ ca trung đại, hiện đại… các con số rất hay được đề cập đến. Đã có một số bài viết thú vị về nội dung, ý nghĩa biểu đạt của những con số trong thơ. Chỉ là những con số nhưng cũng đã nói lên nhiều điều về văn hóa, phong tục, tôn giáo, tín ngưỡng, tâm hồn con người. Trong bài viết này, người viết chỉ mạn bàn về số “một” dưới góc độ là một tín hiệu thẩm mĩ được thể hiện trong thơ Nguyễn Bính, nhằm góp phần đưa ra một cách tiếp cận các hình tượng văn học từ hiểu biết về tín hiệu thẩm mĩ.
1. Từ một tín hiệu ngôn ngữ thông thường, khi đi vào thế giới của thơ ca, số “một” được chuyển hóa thành một tín hiệu thẩm mĩ, một tín hiệu nghệ thuật (tín hiệu văn chương).
Tín hiệu thẩm mĩ nói chung, tín hiệu văn chương nói riêng là “tín hiệu thuộc hệ thống các phương tiện biểu đạt của các ngành nghệ thuật bao gồm toàn bộ những yếu tố của hiện thực, của tâm trạng, được lựa chọn và sáng tạo nghệ thuật, để thực hiện chức năng thẩm mĩ: Xây dựng hình tượng trong tác phẩm nghệ thuật. Vậy, một tín hiệu ngôn ngữ phải có đủ bốn nhân tố: Cái biểu đạt, cái được biểu đạt; chủ thể sáng tạo; thuộc về một hệ thống tín hiệu nhất định.
Về cấu trúc, tín hiệu thẩm mĩ được biểu hiện trên bình diện trừu tượng và cụ thể. Trên bình diện trừu tượng, nó là những bản thể (nguyên mẫu) có tính cố định, bất biến còn trên bình diện cụ thể là những biến thể của tín hiệu thẩm mĩ trong mỗi lần xuất hiện mang tính cụ thể, sinh động. Vậy, việc nghiên cứu tín hiệu thẩm mĩ thực chất là nghiên cứu những biến thể của nó qua mỗi lần xuất hiện, việc nghiên cứu hệ thống tín hiệu thẩm mĩ cũng là nghiên cứu cấu trúc hình tượng mang tính hiện hữu, cụ thể của tác phẩm nghệ thuật. Và nghiên cứu các tín hiệu văn chương là nghiên cứu các yếu tố ngôn ngữ giúp biểu hiện nó. Bởi vậy, trong bài viết này, nói nghiên cứu tín hiệu thẩm mĩ số “một” nghĩa là nghiên cứu các yếu tố ngôn ngữ - từ ngữ có số “một”.
2. Theo cách tiếp cận trên, người viết tiến hành xem xét tín hiệu thẩm mĩ số “một” trong thơ Nguyễn Bính trong tương quan với việc tìm hiểu các hình thức ngôn ngữ biểu đạt tín hiệu văn chương số “một”; dựa vào các hình thức ấy, khái quát để rút ra các ý nghĩa thẩm mĩ của số “một”.
2.1.Cái biểu hiện của số “một” trước hết thể hiện ra bằng ngôn ngữ “một”, là một danh từ trong hệ thống ngôn ngữ, là sự cụ thể hóa về mặt hình thức của tín hiệu thẩm mĩ số “một” trong thơ Nguyễn Bính. Nó là dạng bản thể, nguyên mẫu mang tính trừu tượng, là cơ sở cho các biến thể. Cái được biểu hiện của số “một” là các ý nghĩa thẩm mĩ được rút ra từ các ý nghĩa mang tính bản thể, ý nghĩa cá biệt, cụ thể, độc đáo của tín hiệu trong mỗi lần xuất hiện. Cái được biểu hiện mang tính bản thể của số “một” là chỉ  số đầu tiên trong dãy số tự nhiên nên có ý nghĩa là điểm xuất phát, cái duy nhất. Đây là nét nghĩa thông dụng, phổ quát của số “một”, là cơ sở ngữ nghĩa để Nguyễn Bính đề cập đến số “một”.
Theo số liệu khảo sát 60 bài thơ của Nguyễn Bính trước Cách mạng Tháng Tám trong Tuyển tập Nguyễn Bính của Nhà xuất bản Văn học năm 1986, số “một” xuất hiện 132 lần, một tần số xuất hiện cao nhất trong những con số xuất hiện trong thơ Nguyễn Bính: Một thân bé nhỏ, một đời gió sương (Thư gửi thày mẹ); Từ đấy in thêm bóng một người (Lá thư về Bắc); Hôm nay có một người du khách/ Ở Ngự Viên mà nhớ Ngự Viên (Xóm Ngự Viên)…
2.2. Tiếp theo, người viết xem xét các biến thể khác nhau của số “một” được thể hiện trong thơ Nguyễn Bính, có nghĩa là xét các cụm từ, các câu, các quan hệ với các tín hiệu khác có số “một”… Số “một” trong thơ Nguyễn Bính có sự kết hợp mới lạ, độc đáo, thường được sắp xếp: Một mối tình, một dải đê, một người, một mình, một thân bé nhỏ, một giấc mơ, một cố rượu, một cánh hoa, một đêm đông, một tờ thư rộng, một phù kiều, một màu xanh, một quãng đồng, một trời xuân sắc… Số “một” thường xuất hiện trong cụm danh từ và làm định ngữ phụ trước cho các danh từ trung tâm.
2.3. Về các ý nghĩa thẩm mĩ của tín hiệu số “một” trong thơ Nguyễn Bính rất đa dạng và phong phú với nhiều nét biểu trưng, mang tính biến thể, mới lạ, độc đáo và tập trung những ý nghĩa sau:
Trước hết, số “một” biểu hiện số ít.  Số “một” với nét nghĩa này xuất hiện 26 lần, chiếm 20% các ngữ liệu đã khảo sát: Một gian nhà nhỏ đi về có nhau; Một quan là sáu trăm đồng (Thời trước); Thôn Đoài cách có một thôi đê (Mưa xuân); Chị đi một bước trăm đường xót xa (Lỡ bước sang ngang)…
Thứ hai, số “một” biểu trưng cho sự cô độc, lẻ loi, nét nghĩa này xuất hiện 20 lần, chiếm 15%. Tuy xuất hiện ít nhưng đây là nét nghĩa đánh dấu cái tôi trong thơ trữ tình Nguyễn Bính. Nét nghĩa này xuất hiện trong thơ ông là sự ý thức một cách chủ động, đi sâu tìm kiếm, khám phá bản thể. Hình tượng lặp lại khá nhiều lần là một con người trên hành trình cô độc, có lúc lang thang “thơ thẩn”, có lúc “hững hờ” vô định: Thơ thẩn đường chiều một khách thơ/ Say nhìn xa rặng núi xanh lơ (Cô hái mơ); Có lần tôi thấy một người đi/ Chẳng biết về đâu nghĩ ngợi gì/ Chân bước hững hờ theo bóng lẻ/ Một mình làm cả cuộc phân li (Những bóng người trên sân ga). Tín hiệu số “một” gắn với ngữ cảnh của nhân vật trữ tình, gắn với trường nghĩa chỉ sự cô độc, khắc họa thành công tâm trạng người lữ thứ “nhỏ nhoi”, “mong manh” trước sương gió cuộc đời: Một thân bé bỏng, nửa đời gió sương (Thư gửi thày mẹ). Có lúc là sự heo hắt, héo tàn: Hôm nay là xuân mai còn xuân/ Một cánh đào rơi nhớ cố nhân. Có lúc là sự tiếc nuối, hụt hẫng: Thế là tàn một giấc mơ/ Thế là cả một bài thơ não nùng. Và khi tín hiệu số “một” gắn với tâm trạng nhân vật trữ tình trong những ngữ cảnh cụ thể được Nguyễn Bính sử dụng rất hay. Tâm trạng cô gái đang yêu trong thi phẩm Mưa xuân được thể hiện sinh động qua con số “một”: Khi thì háo hức đi gặp người yêu “ Lòng thấy giăng tơ một mối tình”; khi nghĩ đến người yêu thì con đường dẫn đến nơi hò hẹn chỉ gang tấc “Thôn Đoài cách có một thôi đê”  nhưng cùng con đường ấy khi không còn gì để chờ đợi, ngóng trông thì con đường trở nên dài vô tận “ Có ngắn gì đâu một dải đê”.
Thứ ba, số “một” đánh dấu cho một thời điểm, một ngữ cảnh cụ thể (xuất hiện 40 lần, chiếm 30 %): Một buổi sớm mai đến Sài Gòn/ Thân em chẳng khác con chim non (Lá thư về Bắc); Đức vua một sớm đầu xuân ấy (Xóm Ngự Viên); Một tối nhà Nhi có giỗ thầy (Hoa với rượu); Những lời tâm sự một đêm đông (Xuân tha hương).
Thứ tư, số “một” biểu thị cho sự tập hợp, thống nhất, hoàn chỉnh. Với nét nghĩa này, số “một” xuất hiện 46 lần, chiếm 35 %: Đôi ta cùng ở một làng/ Cùng đi một ngõ vội vàng chi anh (Chờ nhau); Chung lưng làm một chuyến đi đày? (Giời mưa ở Huế); Mỗi ngày phiên chợ một thêm đông (Xuân tha hương).
2.4.Tín hiệu thẩm mĩ số “một” không chỉ xuất hiện trong thơ Nguyễn Bính mà còn xuất hiện khá nhiều trong sáng tác của các nhà Thơ Mới. Huy Cận trước cảnh trời rộng, sông dài u sầu, cô lẻ đã sử dụng số “một” để diễn tả tâm trạng: Củi một cành khô lạc mấy dòng; Mênh mông không một chuyến đò ngang (Tràng giang); Xuân Diệu cô đơn đến nỗi chỉ biết mình là một, một mình đối diện với chính mình: Ta là Một, là Riêng, là thứ nhất/ Không có chi bạn bè nổi cùng ta
3. Trong hệ thống tín hiệu thẩm mĩ của thơ Nguyễn Bính, chỉ nói riêng về tín hiệu thẩm mĩ chỉ con số, chúng ta thấy rằng tín hiệu số “một”  được nói đến khá dày, sự miêu tả, cụ thể hóa, các ý nghĩa thẩm mĩ của nó khá đa dạng và phong phú. Tần số xuất hiện cao của tín hiệu có mối quan hệ chặt chẽ với nghĩa biểu vật và nghĩa biểu niệm (nghĩa cơ sở của cái biểu hiện) của tín hiệu ấy. Những nghĩa cơ sở của tín hiệu càng nằm trong nhiều trường nghĩa, nhiều ngữ cảnh thì càng làm cho tín hiệu có nhiều biến thể, nhiều lần xuất hiện. Tuy nhiên sự xuất hiện của các tín hiệu thẩm mĩ với tần số cao hay thấp còn tùy vào sự chi phối, sự quyết định của tâm lí thời đại, của cách thức tư duy nghệ thuật, của cảm quan nghệ thuật chủ thể sáng tạo.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét