Thứ Hai, 21 tháng 4, 2014

SỐ: 259 - tác giả INRASARA

Tác giả INRASARA



GIỮA HAI DÒNG CẢM XÚC –
GIỮA HAI DÒNG THƠ
(Nhận định về 2 tập thơ đoạt Giải thưởng Hội Văn học - Nghệ thuật
các Dân tộc thiểu số Việt Nam 2013)



Cuối mỗi năm, độc giả văn chương luôn hồi hộp theo dõi và bình luận kết quả xét giải thưởng văn học các loại. Trước hay sau công bố. Riêng Giải thưởng Hội Văn học - Nghệ thuật các Dân tộc thiểu số Việt Nam luôn yên ắng. Dư luận dị nghị hay phê phán, không; tụng ca càng không. Văn học các dân tộc thiểu số như thể bị bỏ quên, dù ở đó không ít tác phẩm giá trị. Năm 2013 cả thảy 60 giải các loại được trao, trong đó văn học chiếm đến 19 giải: 9 văn xuôi, 8 thơ và 2 lí luận phê bình. Riêng thơ, không có giải A mà chỉ có 2 giải B. Ngoài Hoàng Thanh Hương là khuôn mặt quen thuộc qua tập thơ Lời cầu hôn của rừng đoạt giải này năm 2008, năm nay nhận giải C với tập thơ mới; một khuôn mặt thơ nữ trẻ mới tinh người dân tộc Chăm: Kiều Maily đoạt giải B qua tập thơ đầu tay Giữa hai khoảng trống (NXB Thanh niên, 2013), bên cạnh nhà thơ gạo cội: Mai Liễu với Núi vẫn còn mưa (NXB Văn hóa Dân tộc, 2013).
Đây được xem là sự kiện nhỏ.
Sự kiện được dự báo từ trước đó. Báo Tiền phong cho rằng: “Thơ Kiều Maily phảng phất bóng dáng tư duy của dân tộc cô… ở đó xuất hiện nhiều câu thơ độc đáo và xuất thần”. Còn tạp chí Sông Hương không ngần ngại nhận định: “Đây là cây bút nữ có những câu thơ được cho là rất dân tộc mà không thiếu hiện đại.” Mai Liễu thì khác. Nhà thơ này tìm thấy giọng riêng ngay từ khi xuất hiện, và anh điềm tĩnh khẳng định tên tuổi mình từ tập này đến tập khác.
Đặt hai khuôn mặt này cạnh nhau để làm cuộc đối sánh, là điều thú vị.

Tha hương và trôi giạt gần như là định phận chung của nghệ sĩ thời hiện đại. Thi sĩ người dân tộc thiểu số hôm nay thì càng. Mai Liễu tha hương: Tam Đảo, Hà Nội, sông Cầu, Ba Bể, Thác Đray Nur, Cà Mau, sông Công, Pleiku, Kon Tum, tháp Nhạn…
Bao năm xa quê đi biệt
Qua sông, tắm biển những đẩu đâu
Rồi những bữa ăn đặc sản Tây, Tầu
                          (Rau dớn tháng ba)
Dẫu tha hương tới đâu, anh vẫn nặng lòng với quê hương. Ai mà chẳng thế! Nhưng sự nặng lòng ấy ở người thơ dân tộc Tày khác xa vực thẳm với nữ thi sĩ trẻ “đứa con của Đất” Chăm. Ở Mai Liễu, vẫn còn đó sự hoài cổ, từ tâm trạng cho đến giọng thơ. Nó man mác buồn mà vẫn chắc nịch cái biết về nỗi hoài nhớ kia của mình.
Như con tàu ra khơi còn nhớ bến
Sông xuôi biền biệt vẫn vọng nguồn
Xa quê - qua mấy ngàn dặm thẳm
Góc rừng, bến nước trĩu lòng ta.
                            (Vọng nguồn)
Kiều Maily thì khác. Nó mơ hồ và lửng lơ khó nắm bắt, nó da diết như thể xảy đến đột ngột nên rất dễ vỡ. Nỗi nhớ mang ở tự thân nguy cơ làm vong thân, bật gốc.
Khúc dân ca đầu hôm ai bỏ dở nửa chừng
âm vang lửng lơ trong gió
làm thức giấc mơ hoang
… Gác trọ Sài Gòn ai hát khúc Thei mai
hồn người như mộng vỡ.
                  (Khúc Thei mai giữa Sài Gòn)
Rồi khi trở về trong vòng tay quê hương, vẫn tâm cảm đó có mặt. Về quê mà như chưa về, như thể đó không phải quê hương thực của ta như ta từng biết. Quê hương làm hoang mang và xa lạ, qua đó người thơ cảm nhận những biến động vi tế nhất của đất trời từng nuôi nấng tuổi thơ mình:
Con chó nhà láng giềng không buồn sủa
dòng mương như chậm hơn
đựng lũ trâu nằm lì dầm nước
bên bờ loài hoa nở muộn mới ra ràng chợt úa
rũ mình trong trưa
… Tiếng reo mừng người về từ nhà xa vang lại
xé một vệt không gian im
rồi vắng lặng
(Palei ngày về)
Trong lúc đó, Mai Liễu về là nhận ra ngay đó là quê mình với khoảng trời yêu thương cùng sự vật quen thuộc. Một quê nhà đậm đà, đượm tình và thân thiết. Cảnh vật có thể đổi thay nhưng tâm cảm con người không thay đổi, thì nó vẫn như xưa cũ:
Hôm nay
Giữa quê nhà
Chợt nhận ra
Dòng suối cong để bền sức chảy
Tìm ra sông về biển hiến mình
Búp rau dớn cong đậm đà hương vị
Bữa cơm thường nồng đượm tình quê!
                         (Rau dớn tháng ba)
Đó có lẽ do khác biệt thế hệ, về cảm thức thời đại. Mai Liễu đã là nhà thơ, khi đất nước đã mười năm mở cửa; còn Kiều Maily thuộc thế hệ hậu @. Nhưng cái làm nên khác biệt lớn, đó chính là lối tư duy truyền thống dân tộc. Ở đây, tư duy Chăm và tư duy Tày. Mai Liễu là cái gì đó đơn tuyến, cụ thể; người đọc có thể tiếp nhận ngay ý tưởng của nhà thơ muốn thể hiện:
Đời người dài như con suối
Đời người ngắn như cọng rau
Sao chẳng có lúc nên cong?
như rau dớn tháng ba,
như suối chảy...
(Rau dớn tháng ba)
Kiều Maily phức hợp và đa tầng, đòi hỏi ở người đọc nhiều liên tưởng hơn.
Mương Cái xuôi về palei em
Mương Đực đổ qua làng anh
cả hai chảy tan vào biển

Tìm nhau
dòng nước phải ngược lên nguồn suối

Anh dám mang phần số loài cá hồi không?
cùng em, ngược về nguồn cội
tìm nhau

Vượt ngàn dòng dữ hay lách trăm vách đá ngầm
ta cùng ngược
cho ngày mai con cháu ta băng băng biển lớn
vẫn còn nhớ về nguồi suối
tìm nhau…
      (Mương Đực - Mương Cái)
Ở đây, vẫn có “suối”, “mương”, “biển”… nhưng chúng bắt nguồn từ một truyền thuyết xa xưa của dân tộc Chăm được thi sĩ kéo về thời hiện tại phục vụ cho tứ thơ. Người Chăm vốn theo chế độ gia đình mẫu hệ. Thế kỉ thứ XII, cánh đàn ông nổi loạn muốn lật đổ nó, thay bằng chế độ phụ hệ nam quyền. Tình thế cấp bách buộc vua Pô Klong Girai bày ra kế đào mương. Đàn ông mương nam, phụ nữ mương phía bắc. Cánh đàn ông chẳng những bỏ bê công việc mình, mà còn sang bên nớ đào phụ với chị em. Đến hẹn, Mương Cái đã xong trong khi Mương Đực dang dở. Chế độ gia đình mẫu hệ Chăm phục hồi trở lại.
Anh dám mang phần số loài cá hồi không? - Kiều Maily đặt câu cho người tình như thế, khi cuộc tình đang ở tình trạng lửng lơ. Chẳng khác gì thuở Pô Klong xa xôi ấy. Em đã dám, còn anh thì sao? Ở bài cuối cùng của tập thơ, nữ thi sĩ này đẩy câu hỏi tới cùng hơn nữa:
Giữa anh và em là vực thẳm
mấy lần số cát bãi Nam Kương kia không thể lấp đầy

giữa đôi mắt chúng ta là vực thẳm
đắm đuối đến đâu cũng không thể đầy

giữa thân thể chúng ta là vực thẳm
ngàn nụ hôn cũng không thể làm đầy

anh có muốn nhảy không?
Anh có muốn nhảy không?” hay, “Anh dám mang phần số loài cá hồi không?” là câu hỏi mang ở tự thân tinh thần nữ quyền trong thời đại toàn cầu hóa. Đó chính là sự khác biệt. Mà giá trị nghệ thuật là gì, nếu không phải tạo nên mấy khác biệt? Giữa các nền văn hóa, giữa thế hệ, và gần hơn - giữa mỗi nghệ sĩ…
Thơ dân tộc thiểu số đã có những tên tuổi sáng giá: Lò Ngân Sủn, Y Phương, Pờ Sào Mìn, Dương Thuấn, Mai Liễu… nay có thêm khuôn mặt mới: Tuệ Nguyên, Hoàng Thanh Hương, Kiều Maily… để làm nên một nền thơ đầy bản sắc trong vườn thơ Việt Nam hôm nay.

TFN, 1-1-2014



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét