Thứ Hai, 7 tháng 4, 2014

SỐ: 259 - tác giả ĐẶNG BÁ TIẾN

Tác giả ĐẶNG BÁ TIẾN


THƠ ĐẮK LẮK ĐANG Ở ĐÂU?
(Vài suy nghĩ nhân Ngày thơ Việt Nam lần thứ 12)
    



Có lẽ người làm thơ cũng như người hành nghề ở bất cứ lĩnh vực nào khác, muốn phát triển phải luôn luôn quan tâm đến việc tự kiểm điểm, tự nhìn nhận mình, để thấy mình đang ở tầm mức nào so với những người làm thơ trong huyện, trong tỉnh và cả nước. Với những người đang công tác ở Hội VHNT Đắk Lắk thì ngoài việc phải nhìn nhận, đánh giá bản thân, còn phải có trách nhiệm nhìn nhận, so sánh để thấy thơ Đắk Lắk chúng ta hiện đang ở đâu so với khu vực Tây Nguyên, khu vực miền Trung, rộng hơn là cả nước; để từ đó suy nghĩ, bàn thảo, đề ra các biện pháp tổ chức, động viên, khuyến khích phong trào thơ của tỉnh nhà phát triển, sánh mặt với bạn bè gần xa. Không có sự tự nhìn nhận khách quan, công tâm, trên cơ sở phải đọc nhiều, tìm hiểu nhiều để có lưng vốn hiểu biết về tình hình chung của thơ tỉnh nhà, thơ trong khu vực và cả nước, thì chúng ta sẽ không biết mình đang ở đâu trong dòng chảy chung của thơ ca cả nước; do vậy, chúng ta cũng sẽ khó lòng vượt thoát ra khỏi những yếu kém, lạc hậu.
Và vì thế theo tôi Hội cần có những hội thảo nghiêm túc để bàn về vấn đề này. Bước đầu, với tư cách cá nhân, tôi xin đưa ra một vài nhận định về thơ Đắk Lắk gần 10 năm qua (từ năm 2005 trở lại đây). Đây là khoảng thời gian mà theo tôi đang có nhiều thay đổi trong cách nhìn nhận, đánh giá về thơ, đang tồn tại nhiều dòng thơ khác nhau… Trong tình hình đó, thơ Đắk Lắk đang ở đâu?
++
Sau sự thành công của các cây bút thơ Phạm Doanh, Văn Thảnh, bằng sự khẳng định tài năng của mình qua các tác phẩm Ấy là ta, Bài ca đỉnh núi, Trước ô cửa nhà dài… và được kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam, thì các cây bút thơ như Lê Vĩnh Tài, Đinh Thị Như Thúy và một số cây bút khác cũng đã từng bước vươn lên khẳng định tên tuổi của mình trên thi đàn cả nước. Lê Vĩnh Tài đã liên tiếp cho ra đời 4 tập thơ và trường ca, anh đã đoạt giải nhất giải Chư Yang Sin lần thứ nhất (tập Vỡ ra mưa ấm), là một trong 2 tác giả vào vòng cuối cùng của giải thơ Bách Việt (tập Mưa và những khúc rời của Vũ). Lê Vĩnh Tài là một trong những cây bút tiên phong không chỉ ở Đắk Lắk mà còn của cả nước trong việc đổi mới thi pháp, tạo ra sự mới lạ trong thơ. Vì thế năm 2011 đã có nhà nghiên cứu văn học đánh giá Lê Vĩnh Tài là hiện tượng của thơ Việt. Và Lê Vĩnh Tài đã được nhiều cơ quan văn học, nghệ thuật mời tham dự hội thảo, trả lời phỏng vấn về những vấn đề mới trong thơ hiện nay. Một cây bút thơ khác là Đinh Thị Như Thúy cũng gây được sự chú ý lớn trên thi đàn cả nước với lối viết hiện đại, câu thơ dài, không vần, nhưng miên man cảm xúc, dùng chữ tinh tế. Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều (Phó chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam) từng khen một số nhà thơ trong đó có Đinh Thị Như Thúy trên báo Thể thao - Văn hóa số Tất niên 2010: “Mai Văn Phấn, Trần Tiến Dũng, Đinh Thị Như Thúy, tôi ấn tượng với ba tác giả này, vì họ thực sự tạo nên một thế giới thi ca mà có những điều cá nhân tôi không làm được”. Đây rõ ràng là một sự đánh giá rất cao đổi với Đinh Thị Như Thúy. Cùng năm 2010 Đinh Thị Như Thúy đã giành được giải nhì trong cuộc thi thơ toàn quốc mang tên Lá Trầu (tập thơ Phía bên kia cây cầu). Năm 2012 Đinh Thị Như Thúy đã đoạt giải thưởng thơ của Hội Nhà văn Việt Nam (tập thơ Ngày linh hương nở sáng). Đây là giải thưởng lớn nhất của quốc gia về thơ mà bất cứ người làm thơ nào cũng mơ ước. Ở Tây Nguyên chúng ta từ trước tới nay chưa ai có vinh dự được nhận giải thưởng này. Sau đó Đinh Thị Như Thúy còn đoạt giải nhất cuộc thi thơ mang tên Làng chùa – một cuộc thi tầm quốc gia viết về đề tài làng quê Việt Nam.
Sau lớp Lê Vĩnh Tài, Đinh Thị Như Thúy chúng ta tiếp tục có một số cây bút thơ bước đầu tên tuổi của họ đã được bạn yêu thơ cả nước biết đến. Có thể kể tới cây bút nữ H’Trem Knul (dân tộc Ê Đê) với tập thơ Tiếng chiêng dài trong đó có những câu thế này: “Gió cuốn đi/ Những tiếng chiêng không lạc nhau/ Kết khối âm thanh… Tiếng chiêng nhẹ hơn gió/ Nên gió thổi đi/ Tiếng chiêng mạnh hơn mưa/ Nên mưa không thể xóa mờ”. Đã rất nhiều người viết về chiêng, nhưng viết ra được những nét riêng về chiêng như H’Trem Knul thật không dễ. Vì thế cách đây khoảng bảy, tám năm về trước H’Trem Knul đã được nhiều nhà thơ, nhà phê bình khen ngợi, rằng đây đích thị là thơ Tây Nguyên, bởi nó không “giả cầy”, nó được viết ra từ một tâm hồn hết sức trong sáng, dung dị, với một lối viết chân thật nhưng rất độc đáo. H’Trem Knul được xem như một phát hiện của Hội VHNT Đắk Lắk ở thời kỳ ấy. Đáng tiếc là ba, bốn năm trở lại đây, không hiểu vì sao cây bút này lại im hơi lặng tiếng?
Gần đây một cây bút thơ khác, mặc dù anh bị bệnh tật dày vò, mọi sinh hoạt cá nhân đều ở trên chiếc giường rộng vài ba mét vuông. Nhưng tâm hồn và ý chí của anh thì rất đặc biệt, vừa thơ mộng, vừa mạnh mẽ. Và vì thế anh đã vượt thoát ra ngoài không gian của chiếc giường nhỏ bé để làm nên nhiều bài thơ gây được ấn tượng với người đọc. Đó là Nguyễn Văn Hợp bút danh Huệ Nguyên, ở huyện Lắk. Đây là một cây bút mà tôi rất cảm phục, vừa cảm phục ở ý chí sống, vượt lên mọi nỗi đau của thể xác và tinh thần để sống có ý nghĩa, vừa cảm phục ở ý thức sáng tạo. Đọc thơ Huệ Nguyên ta thấy anh có rất nhiều sáng tạo trong lối nói, cách nói, trong tìm thi tứ, thi ảnh. Ví dụ trong bài Sải vó anh viết: Có những hôm bầy ngựa gió đi hoang/ chạy tướp ngày tháng chạp, hoặc Xỏ đôi giày cô đơn lang thang/ dắt chiều qua khoảng gió, hoặc trong bài Mùa bụi: Gió xé toạc cánh đồng lấm tấm mạ non/ chảy trong mắt ngày lời bụi/ ngủ thiếp trên râu tóc/ hạt ba zan mặn mòi… Nhờ những sáng tạo ấy mà năm 2012 Huệ Nguyên đã được Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam tặng giải tác giả trẻ (cho tập thơ Mùa gọi) và trước đó đã 2 lần Huệ Nguyên được tặng giải thưởng hàng năm của Hội VHNT tỉnh ta. Bên cạnh đó một vài cây bút khác như Vũ Dy, Hoàng Thiên Nga… cũng đã có nhiều tác phẩm được giới thiệu trên các báo chí trung ương và các tỉnh bạn, có tác phẩm được Nhà xuất bản Hội Nhà văn chọn và giới thiệu dự giải thưởng hàng năm của Hội Nhà văn Việt Nam, bước đầu đã gây được những chú ý nhất định với bạn thơ cả nước.
Từ các các cây bút tiêu biểu nói trên, có thể nói: Thơ Đắk Lắk chúng ta 10 năm trở lại đây vẫn đang có một số cây bút tiêu biểu hòa nhập được với dòng chảy của thơ cả nước; vẫn có những những gương mặt thơ để khi nhắc đến họ là người ta nhớ đến địa danh Đắk Lắk, hoặc ngược lại nhắc đến Đắk Lắk thì người trong làng thơ liền nhớ đến những gương mặt, những tên tuổi thơ nói trên. Chúng ta tự hào có những cây bút đang được xếp vào hàng ngũ tiên phong của cả nước dám thể nghiệm, dám tiếp nhận những trào lưu văn học mới, những trường phái lý thuyết mới, ví như văn học mạng, chủ nghĩa hiện thực huyền ảo, lý thuyết văn học nữ quyền , giải cấu trúc, giải trung tâm…Họ đang dám đặt công việc sáng tạo của mình trong nền tảng văn học mới…
++
Thế nhưng chúng ta cũng phải thẳng thắn thừa nhận rằng: Sau những cây bút thơ nói trên, chưa thấy ló dạng một cây bút trẻ nào khả dĩ có thể trở thành cây bút thơ chủ lực của tỉnh nhà trong thời gian tới (?). Bản thân các cây bút tiêu biểu nói trên cũng đã bắt đầu có sự chững lại và ly tán: Đinh Thị Như Thúy đã rời Đắk Lắk về Đà Nẵng, Lê Vĩnh Tài đang có biểu hiện chững lại, hoặc có thể đang loay hoay trong các thể nghiệm. Huệ Nguyên sức khỏe quá yếu, thật khó có điều kiện để vươn lên tầm cao hơn. Đa số hội viên thơ của tỉnh ta đã trên 65 tuổi, sức sáng tạo bắt đầu cạn, duy trì sự sáng tác bình thường đã khó, nói chi đến việc bứt phá, trở thành cây bút tiêu biểu, được bạn thơ cả nước biết đến. Vì thế đây thực sự là một vấn đề đáng lo lắng cho những ai có trách nhiệm với sự phát triển của thơ ca Đắk Lắk.
Phải chăng vì gần chục năm qua chúng ta chưa tổ chức được những lớp bồi dưỡng các cây bút thơ nói riêng và văn học nói chung đúng nghĩa. Các trại hè bồi dưỡng sáng tác văn thơ cho thiếu nhi còn à uôm, thiếu sự chọn lọc từ học viên đến giáo viên và cả nội dung bồi dưỡng. Chúng ta đã không tổ chức được một trại sáng tác văn học nghệ thuật nào có chất lượng (hội viên dự trại có đề cương, có thầy giỏi là các nhà thơ, nhà phê bình tên tuổi từ trung ương về đọc và hướng dẫn, phân tích tác phẩm, rút kinh nghiệm cụ thể cho từng tác giả, tác phẩm; đa số cây bút thơ hiện nay chủ yếu viết theo bản năng). Chúng ta cũng không tổ chức được một cuộc thi thơ văn nào để phát hiện các tài năng văn học trẻ. Và vì thế theo tôi, muốn có lực lượng trẻ bổ sung cho đội ngũ thơ hiện nay hầu hết đã đeo kính lão, thì trong thời gian tới bắt buộc Hội phải làm tốt công tác tham mưu cho lãnh đạo tỉnh, để có kinh phí tổ chức các trại sáng tác văn học, nghệ thuật và các cuộc thi một cách bài bản như nhiều tỉnh đã làm. Không tổ chức được các trại sáng tác văn học nghệ thuật đúng nghĩa cho hội viên, không tổ chức được các cuộc thi văn học nghệ thuật hàng năm thì việc mong đợi có lực lượng sáng tác trẻ chẳng khác gì Đại Lãn chờ sung!





1 nhận xét:

  1. Đắc Lắc, một miền quê đầy nắng , gió,hoa thơm cây trái bốn mùa .Phong cảnh hữu tình, núi non hùng vĩ .có những giọt đắng cà phê say mê lòng người ,có những đàn ong ,tháng ba cho ta những giọt mật thơm lừng.khí hậu trong lành tươi mát quanh năm .Con người Đắc Lắc chịu thương chịu khó ,nét đẹp văn hóa là những bản trường ca bất hũ ,là những nhịp cồng chiêng ,những nhạc cụ độc đáo ,đàn Tơ Nưng , đàn đá...vv..Là những mùa lễ hội , là phong cách trong nét ẩm thực riêng biệt.thời đại mới thời đại công nghệ , trên mọi lĩnh vực .Con người Đắc Lắc cũng không kém cạnh một nơi nào trong cả nước .Đó là những chủ đề cho những vần thơ hay, lôi cuốn bạn đọc, chỉ còn thiếu người sáng tác ư?...

    Cao nguyên Đắc Lắc tuyệt vời
    cái nắng , cái gió,xinh tươi bốn mùa
    tiếng cồng gõ nhịp xa đưa
    dội vào vách núi thác leo lên trời
    vượn thẹn kéo lá che người
    con voi quỳ gối xin mời khách lên
    róc rách tiếng suối reo êm
    du lịch thắng cảnh một miền quê hương
    xin mời cây bút văn chương
    vẽ con đường lớn bốn phương khách vào...

    Trả lờiXóa