Thứ Sáu, 11 tháng 4, 2014

SÔ: 259 - tác giả TRƯƠNG BI


 Nhà nghiên cứu VHDG Trương Bi
     
MÙA XUÂN-MÙA LỄ HỘI
CỦA CÁC DÂN TỘC TÂY NGUYÊN



Hết lạnh rồi
Lúa đã tuốt xong
Ta về đây bên ché rượu cần
Rộn rã tiếng chiêng
Đón mừng năm mới đến.
Đó là câu dân ca của đồng bào Êđê nói riêng và đồng bào Tây Nguyên nói chung, thể hiện không khí đón năm mới của các dân tộc trên núi rừng Tây Nguyên hùng vĩ. Theo phong tục của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên, hàng năm vào dịp kết thúc một mùa rẫy là đồng bào các dân tộc nơi đây tổ chức các lễ hội đón năm mới (gọi là mùa ăn năm uống tháng).Thời gian tổ chức các lễ hội bắt đầu từ đầu tháng 12 năm cũ đến hết tháng 3 dương lịch của năm mới.
Sau mùa gặt hái, không khí hướng về lễ hội, đón năm mới của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên sôi động hẳn lên. Mọi gia đình đều khẩn trương đưa lúa về chòi và rước thần lúa về bồ lúa nhà mình, đồng thời tổ chức lễ ăn cơm mới để tạ ơn trời đất, tạ ơn thần lúa, tổ tiên ông bà đã cho con cháu một mùa lúa bội thu và cầu mong một mùa lúa mới đạt nhiều lúa bắp hơn nữa.
Sau lễ ăn cơm mới, các buôn làng tổ chức lễ cúng bến nước để cầu mong mùa rẫy mới mưa thuận, gió hòa, nguồn nước ở bến nước trong sạch, dồi dào không bao giờ cạn; cầu các thần đuổi cái xấu đi xa, giữ cái thiện, cái lành ở lại với buôn làng; giúp cho mọi người mạnh khỏe, nhà nhà no ấm. Đây là một lễ lớn của mọi buôn làng, với ý nghĩa giáo dục con cháu gìn giữ bản sắc văn hóa, bảo vệ rừng, đất đai, nguồn nước của cộng đồng, đó là tài sản quý giá nhất từ bao đời của ông bà để lại.
Không khí lễ hội khắp mọi buôn làng các dân tộc Tây Nguyên lúc này càng rộn ràng, náo nhiệt; tiếng cồng, tiếng chiêng, tiếng trống, tiếng hát, lời ca cứ vang mãi khắp núi rừng làng buôn. Trong mùa ăn năm uống tháng đón năm mới này, mọi buôn làng còn làm lễ bỏ mả cho người quá cố (người Êđê, Gia Rai gọi là lễ Lui Msat; người Ba Na, Sê Đăng gọi là lễ Pơ Thi…). Đây là một lễ hội lớn trong lễ hội vòng đời người, nên hầu hết các dân tộc đều tổ chức rất chu đáo. Trong lễ này, các dân tộc đều thực hiện nghi lễ hiến trâu cúng thần linh (còn gọi là Bơng kơ bao). Trong lễ bỏ mả, ấn tượng để lại cho mọi người hơn cả là nhà mồ, đây là một công trình kiến trúc nghệ thuật độc đáo. Ngôi nhà được làm cầu kỳ, công phu, với một quần thể tượng gỗ đủ các loại: tượng chim, tượng thú, tượng người, trong đó hình tượng phồn thực luôn luôn được nổi bật hơn cả, nhằm hướng đến sự sinh sôi phát triển của con người. Bên cạnh các nghi lễ của lễ hội bỏ mả, còn có các hình thức sinh hoạt văn hóa cộng đồng, như múa chim G’rứ, diễn tấu kèn đing năm, đing tut, kể sử thi, múa trống và hát chóc kết hợp với đánh cồng chiêng đi xung quang nhà mồ (ngược chiều kim đồng hồ), tạo nên không khí hội trong những ngày diễn ra lễ bỏ mả.
Trong những ngày đầu xuân, các buôn làng càng còn tổ chức lễ kết nghĩa anh em, lễ cúng sức khỏe, lễ trưởng thành… Đặc biệt trong lễ cưới của các dân tộc Tây Nguyên, chúng ta lại có dịp tìm hiểu bó củi cầu hôn của các cô gái Jẻ Triêng (ở Kon Tum); chiếc vòng cầu hôn của các cô gái Sê Đăng(ở Gia Lai); tục gái hỏi  chồng của dân tộc Êđê (ở Đắk Lắk, Phú Yên), tất cả còn mang đậm tính mẫu hệ.
Cũng trong mùa lễ hội đón năm mới, đồng bào M’nông thường tổ chức lễ Tâm Nghết (ăn trâu mừng được mùa). Trong lễ này,chủ buôn mời các buôn làng gần xa đến dự. Cứ thế, lễ đón bạn, lễ cúng hồn lúa, lễ khóc trâu, lễ hiến trâu, lễ uống rượu cần đón năm mới, lễ cúng sức khỏe… cứ lần lượt diễn ra trong suốt bảy ngày đêm. Không khí hội ở đây khá đậm nét, các dàn chiêng thi nhau diễn xướng; các cô gái - chàng trai cứ say sưa múa điệu mừng mùa như không bao giờ biết mệt; nghi thức mời rượu giữa chủ và khách cứ liên tục diễn ra không bao giờ ngừng. Để rồi đọng lại trong lòng mọi người là bản sắc văn hóa, là tính nhân văn, là tình đoàn kết cộng đồng.
Cuối cùng, khi mùa lễ hội sắp kết thúc, đồng bào làm lễ cúng cầu mưa, cúng thần gió, cầu một năm mới mưa thuận, gió hòa, rẫy nương được mùa, nhà nhà no ấm.
Lễ hội đón năm mới của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên đã thể hiện khá sinh động hai hệ thống nghi lễ chính (lễ hội vòng đời người và lễ hội nông nghiệp). Ở đây văn hóa lễ hội, văn hóa cồng chiêng, văn hóa kể sử thi, văn hóa trang phục, văn hóa ẩm thực, văn hóa giao tiếp và các trò chơi dân gian được cộng đồng các dân tộc Tây Nguyên thể hiện vô cùng độc đáo, giàu bản sắc. Đây chính là “mùa ăn năm, uống tháng”, mùa sinh hoạt văn hóa cộng đồng, mùa giao lưu văn hóa, mùa tìm bạn đời của những chàng trai, cô gái. Mùa mà cả cộng đồng nghỉ ngơi, vui chơi thỏa thích; đồng thời cũng là mùa mà người già thông qua lễ hội để giáo dục con cháu biết yêu quý, gìn giữ các giá trị văn hóa của dân tộc mình, biết yêu quý núi rừng, buôn làng, với mong ước trở thành những con người tài giỏi như Dam San, Dam Di, Khinh Jú… để bảo vệ và xây dựng buôn làng ngày càng giàu đẹp.





1 nhận xét: