Chủ Nhật, 27 tháng 4, 2014

SỐ 260 - tác giả ĐỖ ANH MỸ




THÁNG BA BUÔN MA THUỘT
Bút ký


Tôi đã ba lần đến Đà Lạt và một lần đi dọc Tây Nguyên, nhưng lần đầu tiên đến Đắc Lắk, đến thành phố Buôn Ma Thuột bằng máy bay, ngay sau hai cơn bão (số 13, 14) liên tiếp đổ bộ vào Miền Trung, gây lũ lụt, sạt lở đường hiếm thấy trong lịch sử, khiến tôi nhiều tâm trạng. Nhưng điều khiến tôi lâng lâng nhất, tôi từ chiến khu Việt Bắc năm xưa, nơi có cây đa Tân Trào, đã diễn ra Lễ xuất phát của đoàn quân Nam tiến theo lệnh Tổng khởi nghĩa về giải phóng Thủ đô, hôm 17.8.1945, đến với Tây Nguyên, đến với thành phố Buôn Ma Thuột, nơi đã diễn ra trận đánh mở màn cho Chiến dịch Hồ Chí Minh, giải phóng hoàn toàn miền Nam, tháng 3.1975, đi tìm lời giải cho những tâm tư.
Mười ba giờ ba mươi phút, máy bay tiếp đất, đem đến cho tôi sự hồi hộp. Tôi đã đặt chân lên Buôn Ma Thuột, cách trung tâm thành phố 9 km. Cách đây non nửa thế kỷ, nơi này mang cái tên "Sân bay Hòa Bình", nhưng lại là nơi người Mỹ cùng Ngụy quyền bán nước sử dụng làm nơi xuất phát của các cuộc đổ bộ, ném bom đẫm máu tiêu diệt cộng sản, nơi các nhà quân sự Mỹ lợi dụng độ cao chế ngự chiến trường miền Nam và các nước Đông Dương.
Một xe tắc xi chở sáu anh chị em Việt Bắc đến từ Hà Giang, Tuyên Quang, Lạng Sơn về khách sạn Biệt Điện. Biệt Điện, ngày xưa là một biệt thự cổ kính, nay vẫn giữ dáng vẻ lộng lẫy, sầm uất ẩn mình dưới những hàng cây cao trầm mặc bên Quảng trường 10.3, quảng trường lấy ngày tiến công giải phóng thành phố Buôn Ma Thuột làm tên gọi. 
Buôn Ma Thuột là trung tâm chính trị của Đắk Lắk, là trung tâm kinh tế, trung tâm chiến lược của Tây Nguyên, có hai con đường chiến lược đi qua: Đường số 14 chia Tây Nguyên làm hai nửa Đông - Tây, và Đường 21 (nay là 26) từ Buôn Ma Thuột, ví như cánh tay nối dài của chàng trai Cao nguyên ra biển. Để bảo vệ Bắc Tây Nguyên, Ngụy quyền Sài gòn cài cắm Sư đoàn 23, sư đoàn được tổng thống Nguyễn Văn Thiệu thêu dệt cho cái tên: "Bình Nam, tiến Bắc, trấn Cao nguyên" cùng với lực lượng bảo an, dân vệ lên tới chục ngàn quân. Riêng Trung đoàn 53, trung đoàn tinh nhuệ của Sư đoàn 23 đóng tại Căn cứ 53, sát sân bay Hòa Bình, còn có quân lính doanh bộ Trung đoàn 44, Sở chỉ huy Sư đoàn 23. Tất cả đặt dưới sự chỉ huy của tướng Phạm Văn Phú, tư lệnh vùng 2 chiến thuật. Vậy mà, chỉ sau ba mươi giờ đồng hồ bị tiến công, thành phố Buôn Ma Thuột thất thủ. Chưa đầy 9 ngày thất thế chống đỡ, căn cứ 53, căn cứ của trung đoàn bảo vệ Đắk Lắk, căn cứ quân sự cuối cùng ở Buôn Ma Thuột bị diệt. Cùng ngày khai mồ Trung đoàn 53, ngày 18.3 năm 1975, sau bốn trận liên tiếp trong một tuần bị đánh tơi bời trên đoạn đường dài 50 Km, Đường 21, Sư đoàn kiêu binh "Bình Nam, tiến Bắc, trấn Cao nguyên" cũng bị xóa sổ, ngay trên quê hương mà nó sinh ra.
Tờ báo Pháp "Thế giới" ngày 21.3.1975, 10 ngày sau thất thủ Buôn Ma Thuột viết: "Trong vài ngày, bản đồ quân sự miền Nam Việt Nam đã bị đảo lộn. Chỉ có trận Buôn Ma Thuột mà khiến cho từng mảng cấu trúc do chế độ Thiệu dựng lên bị sụp đổ. Hóa ra, Buôn Ma Thuột mang cái đà của một bước ngoặt trong cuộc xung đột ...".  
Hiếu kỳ, tôi tìm đến Bảo tàng Đắk Lắk xem sa bàn trận đánh Buôn Ma Thuột, tìm đến các địa danh nơi chiến sự ác liệt đã xảy ra, sưu tầm tư liệu và gặp nhân chứng lịch sử, mới biết, mấy ai học được chữ ngờ!
Thầy tớ Nguyễn Văn Thiệu đã mắc chữ ngờ thứ nhất, suốt cả năm 1974, bộ đội giải phóng chia nhau quần đảo dưới đồng bằng, cốt căng địch ra, không để chúng đưa quân tăng viện lên Tây Nguyên, thì chúng nhận định, cộng sản không có khả năng đánh lớn.
Chữ ngờ thứ hai, khi bộ đội đánh chia cắt con đường 14 trên phía Plei ku, chúng ngờ rằng, quân ta sẽ đánh vào Kon Tum, nên đã không đưa Sư đoàn 23 về phòng ngự Buôn Ma Thuột, điều mà các nhà chiến lược của ta không mong muốn nhất.
Chữ ngờ thứ ba, đại quân của ta lại có thể di chuyển qua dòng sông chảy ngược Srêpôk không mấy hiền hòa kia ngay trong đêm nổ súng tiến công Buôn Ma Thuột, với lực lượng: Một sư đoàn bộ binh, một trung đoàn xe tăng thiết giáp, một trung đoàn pháo binh cơ giới, một trung đoàn pháo cao xạ và nhiều binh chủng hiệp đồng; để rồi, khoảng 2 giờ sáng 10.3.1975, khi các lực lượng đặc công nổ súng đánh chiếm sân bay Hòa bình, sân bay trực thăng và khu kho quân sự Mai Hắc Đế, thì mờ sáng ngày 10.3, khi trời chưa tan sương, xe tăng bộ đội chủ lực của ta đã lăn xích vào Ngã 6 đánh chiếm dinh tỉnh trưởng, Sở chỉ huy Sư đoàn 23 và một loạt các căn cứ quân sự quan trọng khác.
Chữ ngờ thứ tư, mới năm nào chống thực dân pháp, Hồ Chủ tịch ra lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến: "Ai có súng, dùng súng, ai có gươm, dùng gươm...!" mà sau hai cuộc kháng chiến trường kỳ, kéo dài 30 năm (1945-1975) Bộ tư lệnh chiến dịch ta đã huy động một lực lượng áp đảo quân địch: Về bộ binh, địch có 4 tiểu đoàn, ta huy động 18 tiểu đoàn; xe tăng thiết giáp, địch có 18 chiếc, ta huy động 64 xe tăng; địch có 16 khẩu pháo, ta huy động 78 khẩu. Riêng cụm quân trên hướng tiến công Buôn Ma Thuột, đã huy động: Sư đoàn 316, Trung đoàn 95B, Trung đoàn 24, Trung đoàn đặc công 198, Tiểu đoàn đặc công 27, Trung đoàn thiết giáp 273, Trung đoàn pháo 40,  Trung đoàn pháo 675, Trung đoàn pháo cao xạ 232 Trung đoàn cao xạ 234; hai trung đoàn công binh; ngoài ra, chưa kể lực lượng vũ trang nhân dân tỉnh Đắk Lắk.
Chữ ngờ thứ năm, chiến thuật nghi binh qua làn sóng điện của Bộ chỉ huy chiến dịch khi di chuyển thần tốc Sư đoàn 316 từ Nghệ An về ém sát biên giới Căm-pu-chia; Sư đoàn 10 từ Bắc Kon Tum về Nam Tây Nguyên đánh Đức Lập, Sư đoàn 320 từ Tây Plei Ku về Ea H'leo chia cắt đường 14 và đưa Sư đoàn 968 từ Nam Lào về thế vị trí các Sư đoàn 10 và 320 ở Kon Tum và Tây Plei Ku đã khiến cả thầy Mỹ lẫn tớ ngụy bị động chiến lược, trở tay không kịp.  
Hôm nay, đi qua nhiều góc phố, nhiều đoạn đường trên đường số 14, đường 21, những chiến địa trên hướng Tây Bắc thành phố Ban Mê, tôi vẫn cảm nhận được hơi thở của các chàng trai Tuyên Quang đi trong đoàn quân Trung đoàn 148, Sư 316, trung đoàn sinh ra và lớn lên ở đất Tuyên Quang. Dấu chân của các anh in trên Ngã 6, in trên Tiểu khu tiến công tiêu diệt dinh tỉnh trưởng, in trên Khu liên hợp pháo binh - thiết giáp và điểm cao Chư Ea Bua. Cảm nhận được những khó khăn gian khổ đầy hy sinh của Trung đoàn 149 Sư 316 gặp phải trong đêm nổ súng tiến công đã phải vượt qua một chặng đường dài, trống trải từ bờ tây sông Srêpôk; những khó khăn khi vượt qua suối Ea Tam và những trận chiến đấu ác liệt, đầy hy sinh khi tiến đánh quân địch tử thủ ở Căn cứ 53. Rồi những ngày Sư 316 cùng quân và dân tỉnh Đắk Lắk tổ chức phòng thủ chống địch tập kích, bảo vệ Buôn Ma Thuột.
Giờ đây, trận đánh Buôn Ma Thuột đã đi vào lịch sử. Cao nguyên đã hồi sinh, đang trên đà phát triển. Giữa trung tâm Ngã Sáu, một chiếc xe tăng đứng kiêu hãnh trước tượng đài chiến thắng Buôn Ma Thuột. Sở chỉ huy của Sư đoàn 23 kiêu binh ngụy năm xưa, giờ là bản doanh của Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Đắk Lắk. Khu kho quân sự Mai Hắc Đế xưa tiềm tàng, reo rắc chiến tranh, giờ nhường chỗ cho khu dân cư thương mại sầm uất. Bên sân bay trực thăng, sân bay chiến lược ngụy, mọc lên "Làng cà phê Trung Nguyên", được xây lên bằng những hình thể khối đá theo lối kiến trúc hoang sơ độc đáo. Ngày ngày, du khách trong và ngoài nước đến thưởng thức hương vị theo nhiều cách pha của cà phê Trung Nguyên. Sân bay Hòa Bình, nơi các chiến sỹ tiểu đoàn đặc công nhận sứ mệnh phát hỏa cho trận đánh mở màn giải phóng Buôn Ma Thuột đêm 10.3.1975, giờ đây nối cánh bay đến mọi miền đất nước, đưa đón du khách về với Tây Nguyên. Bến xe Buôn Ma Thuột mỗi ngày có hàng trăm chuyến xe đi, xe về, đón khách đến thăm Cao Nguyên, đưa đón lao động khắp nơi đến giúp Tây Nguyên thu hái cà phê, cạo mủ cao su, thu hoạch nông sản đỗ, lạc.
Lại hiếu kỳ, tôi đến Bản Đôn, nơi rạng sáng hôm 10.3.1975, những đoàn quân của ta rùng rùng vượt sông Srêpôk vào giải phóng Buôn Ma Thuột. Bản Đôn hôm nay mọc lên khu du lịch sinh thái. Những gốc cây si mọc đan chen nhau thành một quần thể, rễ dài qua hàng thế kỷ, quấn quít tạo nên một rừng si phủ trên mặt sông. Ai khéo bắc những cây cầu treo bồng bềnh qua những gốc cây, đón khách về ngồi giữa rừng si trên mặt sông, uống rượu cần, rượu Ama Kông, ăn cá nướng bắt dưới sông Srêpôk, thưởng thức món rau rừng bộ đội Trường Sơn ngày xưa thường ăn cầm hơi đi đánh giặc. Bản Đôn có nghề săn voi. Dũng sỹ nào bắt được nhiều voi, được suy tôn là Gru. Các Gru qua đời, được vinh danh chôn cất trong nghĩa trang riêng, dành cho các dũng sỹ bắt được trăm voi. Đến Bản Đôn, tôi nghe chuyện kể, khi đoàn trinh sát của ta bí mật đi khảo sát mở đường đưa xe tăng qua sông, bất ngờ gặp hai cha con ông già cưỡi voi đi về phía bờ sông. Không còn đường tránh nào khác, trưởng đoàn của ta phải ra đề nghị ông già giữ bí mật chuyện này. Ông già đưa tính mạng con trai mình đang ngồi trên bành voi ra thề, sẽ không bao giờ tiết lộ điều gì. Rồi chuyện, bà con đi núi, vào rừng cạo mủ cao su gặp công binh của ta đang cưa những gốc cây (cắt 2/3 gốc cho sắp đổ, rồi ngụy trang lại) để khi xe tăng qua, húc đổ thành đường, tiến vào thành phố, nhưng không ai về báo cho địch. Mới biết, đồng bào Tây Nguyên yêu hòa bình, yêu độc lập tự do, mong đợi các anh bộ đội Cụ Hồ về giải phóng từ lâu rồi! Nhớ xưa, Đắk Lắk là quê hương người anh hùng N'Trang Lơng hai mươi bốn năm kiên cường dựng cờ đánh thực dân Pháp. Rồi những năm kháng chiến, hình ảnh bà mẹ Tây Nguyên địu con trước ngực, gùi đạn sau lưng, những em bé lưng trần, những cụ già chống gậy theo đoàn dân công đi tải đạn còn in đậm trong tâm trí mỗi người. Nhiều người ngưỡng mộ tới thăm mộ của các Gru săn voi ở Bản Đôn, viếng mộ Vua voi Y Thu Knul, còn có tên Lào là Khun Sau Nop, viếng mộ vua bắt voi Ama Kông; tới thăm nhà vua voi Ama Kông, một ngôi nhà sàn hai mái truyền thống của người Lào, thưởng thức và mua rượu thuốc Ama Kông do tay con gái vua voi bốc. Khách đến Bản Đôn sẽ được cưỡi voi du lịch.
Đến Đắk Lắk, không thể không đến chiêm ngưỡng cảnh đẹp thác Đray Sáp, nghe câu chuyện huyền thoại kể về truyện tình của hai thế hệ mẫu tử khiến đời sau, các đôi trai gái Tây Nguyên tin rằng, họ yêu nhau, dắt nhau đến tắm một lần ở dòng thác Đray Sáp, tình yêu của họ sẽ bất diệt. 
Đến Ban Mê, tôi gặp giọng hát của hai chàng trai K'Ho: Krajan Đick, Krajan Plin, và chàng trai Êđê: Ksor Y Thư, khiến tôi nhớ giọng hát của nàng Siu Black. Sao trùng lặp đến thế?! Giọng hát của các chàng trai, cô gái Cao nguyên luôn cất lên từ lồng ngực căng phồng, tràn đầy khí núi. Những lời ca nấc lên từ con tim khát vọng, cháy bỏng tình yêu. Họ hát bằng cả ánh mắt trong sáng, bằng cả cơ thể và cánh tay vạm vỡ, bật lên những nốt nhạc âm vang. Giọng hát hòa theo gió núi, quyện vào tiếng cồng chiêng làm thổn thức tim người.
Đến Ban Mê, tôi gặp họa sỹ Trần Hồng Lâm, người con gái Khơme họ Trần, nói giọng Bắc. Thì ra, cha Hồng Lâm gốc Căm-pu-chia, theo cách mạng ra Bắc tập kết. Lâm chào đời ở Hà Nội, học Cao đẳng Mỹ thuật Việt Bắc, tốt nghiệp ra trường, theo cha vào Đắk Lắk xây dựng quê hương, làm nghề dạy học. Hồng Lâm từ chối về quê cha, ở lại đất mẹ, từng sống và dạy học ở Đà Nẵng, nhưng lại yêu Cao Nguyên hơn cả bản thân mình. Người con gái Khơme thông thạo tiếng mẹ đẻ, thạo ngôn ngữ, chữ viết Tây Nguyên, miệt mài vẽ về tập quán, tín ngưỡng, lễ hội Chăm, văn hóa Khơme, về những con người lao động trên Cao nguyên. Hồng Lâm còn biết làm cả gò hàn, tiện nguội cơ khí, tự tay họa sỹ trang trí nội thất cho nhà mình. Như mỗi phụ nữ Cao Nguyên, Hồng Lâm lăn mình vào công việc, hết mình vì bạn bè, yêu mỹ thuật, yêu cuộc sống, chăm lo cho lớp lớp học trò thân yêu bằng cả trái tim đầy nhiệt huyết.
Nếu biết thêm đôi điều về người phụ nữ Êđê, cô chủ khách sạn Yang Sing, buôn Akô Đhông, một buôn cổ nằm sát trung tâm thành phố, khiến ta dễ hiểu hơn về tình yêu và trái tim Cao Nguyên. Nàng có cái tên Êđê cũng đẹp như khuôn mặt và dáng người của mình: H' Linh. Nhưng trái tim nàng còn đẹp hơn những gì người ta thấy. Nàng bị một người đàn ông phản bội, đi theo một người con gái khác trẻ trung khát tình, khát ..., khi hai đứa con nàng có đứa còn nằm nôi. Tình yêu mà H' Linh dành cho con: chúng nó thiếu tình cảm của cha, nhưng không thể trở thành đứa trẻ nghèo, khiến nàng lao vào thương trường, cho dù sứt trán, mẻ đầu. Giờ đây, các con nàng đã ăn học thành người. Nàng là chủ biệt thự Yang Sing, kinh doanh đúp Hotel, Restaurant, lại vừa khánh thành thêm ngôi Nhà sàn Yang Sing ở buôn làng Akô Đhông, cây cột nhà một người ôm chặt, phục vụ du khách muốn tìm hiểu về ngôi nhà dài truyền thống Êđê, hoặc thưởng thức đêm lửa uống rượu cần với tiếng cồng chiêng Tây Nguyên êm dịu. Trong câu chuyện buổi tối cuối cùng, tập trung ngay tại phòng trà Restaurant, H' Linh lưu luyến trước cuộc chia tay ngày mai, tâm sự với giọng ấm áp nửa miền Trung, nửa Êđê. Nàng nói, nàng không cho phép các con nàng dám coi thường bố. Chúng vừa tán mẹ tài trợ, mua cho bố một xe ô tô, để bố đi chữa bệnh cho đỡ nhọc. Nàng vẫn nghĩ, một ngày nào đó, chồng nàng không còn kiếm được nhiều tiền, sức ông không phục vụ người phụ nữ khát tình kia, ông sẽ quay về, và nàng sẽ phải đón ông về với các con, bằng trái tim yêu thương. Giữa câu chuyện, nhà văn dân tộc Tày Lương Định, sống ở thành phố Hồ Chí Minh tò mò hỏi: "Thế H' Linh sẽ làm gì với đứa con của người phụ nữ thắng cuộc kia?" Vẫn giọng nói ấm áp, H' Linh bảo: "Nếu cô ấy không nuôi dạy được cho nó thành người - H' Linh nhấn mạnh hai chữ "thành người" - thì H' Linh sẽ phải chăm lo cho nó, vì nó cũng là con của chồng em mà!"
… Tạm biệt Ban Mê, tạm biệt những cánh rừng cao su bạt ngàn năm xưa từng che chở cho bộ đội xe tăng tiến về giải phóng quê hương, tạm biệt những cánh rừng cà phê hoa trắng ngần, thơm ngào ngạt, những cánh rừng nông sản xanh đến tận lưng trời đang hàng ngày làm giàu cho Tây Nguyên, tạm biệt những con người cần cù, yêu hòa bình, tự do, yêu cuộc sống bằng trái tim nóng bỏng, đầy nhiệt huyết, bằng tình yêu đối với Cao Nguyên cao hơn cả những ngọn núi cao nhất đại ngàn!



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét