Tác giả HỒNG CHIẾN
NGÀY THƠ VIỆT NAM LẦN THỨ 12
Ở TỈNH TA
2014 là năm kỷ niệm 110 năm (1904 – 2014) TP Buôn Ma Thuột hình
thành và phát triển, vì vậy lãnh đạo Hội VHNT tỉnh quyết định tổ chức Ngày thơ
Việt Nam lần thứ 12 quy mô hơn, nhằm thu hút không những các tác giả làm thơ mà
hướng đến đông đảo công chúng yêu thơ trên địa bàn tỉnh nhà đến với ngày hội
tôn vinh Thơ.
Lần đầu tiên, sau 11 lần tổ chức Ngày Thơ Việt Nam tại Đắk Lắk,
Ban tổ chức gửi giấy mời đến tất cả các CLB Thơ trên địa bàn toàn tỉnh, các
trường đại học, cao đẳng, PTTH đóng trên địa bàn TP Buôn Ma Thuột về dự. Trong
không khí vui vẻ đầu xuân, tại hội trường lớn của Trung tâm Công tác tuyên giáo Tỉnh ủy, lễ kỷ
niệm Ngày thơ Việt Nam
lần thứ 12 diễn ra trang trọng và vui vẻ với hai phần chính lễ và hội.
Phần lễ với bài phát biểu khai mạc của nhà văn Lê Khôi Nguyên –
Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Hội, Quyền TBT Tạp chí Chư Yang Sin nhắc lại truyền
thống Thơ ca nước Việt và ảnh hưởng của Thơ ca đối với đời sống xã hội, đặc
biệt là vai trò quan trọng trong xây dựng đời sống mới hiện nay. Tiếp theo
chương trình, ông Trần Ngọc Quế - Phó trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy thay mặt
lãnh đạo Ban, có lời chia vui và chúc mừng đến các nhà thơ, những người yêu thơ
đã khởi xướng và phát huy thành một truyền thống văn hóa tốt đẹp của đất nước.
Khép lại phần lễ, nhà thơ Đặng Bá Tiến – Phó bí thư Đảng đoàn, Phó tổng biên
tập Tạp chí Chư Yang Sin phát biểu nhận định về phong trào Thơ hiện nay của Đăk
Lắk nói chung và Thơ trên Tạp chí Chư Yang Sin nói riêng, những điều được và
những vấn đề còn băn khoăn trăn trở: “Với người
biên tập thơ của Tạp chí Chư Yang Sin cũng vậy. Những khát vọng đặt ra từ đầu năm
cho trang thơ của Tạp chí và những gì đã làm được vẫn còn khoảng cách… khá xa.
Dĩ nhiên, không vì thế mà buồn. Ta vẫn có quyền vui và không chỉ vui mà còn có
quyền tự hào; bởi trong điều kiện kinh phí dành cho Tạp chí của chúng ta “eo
hẹp” vào hàng bậc nhất trong cả nước, nhưng Chư Yang Sin, trong đó có phần thơ
vẫn tiến bộ so với năm trước, được nhiều bạn bè xa gần có lời chúc
tụng…”
Qua phần Hội, với sự hoạt ngôn của nhà thơ Lê Vĩnh Tài – hội viên
Hội VHNT Đắk Lắk, không khí sôi nổi hẳn lên với những lời tâm sự của các cây
bút cao niên như: Hà Thị Sơn Thúy, Văn Thảnh, Đỗ Văn Tiến… đến các đại diện CLB
Thơ ở các huyện như CLB Thơ huyện Krông Pắc, CLB Thơ liên xã Ea Kmút – Cư Huê,
huyện Ea Kar, CLB Thơ Đam San TP Buôn Ma Thuột, CLB Thơ Thị xã Buôn Hồ… hay
giảng viên và sinh viên các Trường Đại học Tây Nguyên, Cao đẳng Sư phạm Đắk
Lắk… với những lời tâm sự chân thành về Thơ và tình cảm của những người yêu thơ
đối với thơ tỉnh nhà…
Có lẽ là thiếu sót nếu không nhắc đến các nhạc sĩ, ca sĩ, những
người góp phần không nhỏ cho buổi lễ thành công, đó là tiếng sáo của Đỗ Văn
Tiến, Nguyễn Đức, tiếng hát và tiếng đàn ghi ta say đắm lòng người của nhạc sĩ
Lê Nhật Thanh và giọng ngâm mượt mà tươi trẻ của Tôn Nữ Ngọc Hoa, Thanh Thanh
Hồng…
Nếu Ngày Thơ Việt Nam lần thứ 12 ở cấp tỉnh được tổ chức vào ngày
15 tháng Giêng năm Giáp Ngọ tại Buôn Ma Thuột, quy tụ được nhiều tầng lớp tham
gia, đặc biệt là lực lượng giảng viên, sinh viên, thì ngày hôm sau, 16 tháng
Giêng, được sự bảo trợ của Hội VHNT Đắk Lắk, Chi hội VHNT huyện Krông Pắc phối
hợp với CLB Thơ huyện Krông Pắk lại là nơi họp mặt của đông đảo những người yêu
thơ đến từ CLB Thơ Thị xã Buôn Hồ, CLB Thơ liên xã Ea Kmút - Cư Huê, huyện Ea Kar; CLB Bốn mùa Thơ và CLB
Thơ Đam San tới từ thành phố Buôn Ma Thuột… Tại hội trường của Khối các đoàn
thể huyện Krông Pắk, người đọc thơ, người bình thơ và cả những người ngâm thơ
đã tạo nên không khí một ngày Hội Thơ hết sức sôi nổi, hào hứng đến quên cả
thời gian. Các đại biểu đại diện cho lãnh đạo chính quyền địa phương tới dự cũng
say với không khí Thơ, hòa cùng tâm trạng với mọi người và hình như thời gian
trôi đi quá nhanh dù buổi sinh hoạt đã kéo dài tới gần 12 giờ. Chương trình kết
thúc rồi mà cả diễn giả lẫn thính giả không ai muốn về, vẫn nán lại để bình
thơ, trao đổi thêm về thơ mà họ vừa được nghe.
Qua việc tổ chức thành công Ngày Thơ Viêt Nam ở Đắk Lắk lần này
càng khẳng định chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước ta quyết định tổ chức
Ngày Thơ Việt Nam để tôn vinh Thơ và từ đó khẳng định nét đẹp của truyền thống
văn hóa Việt Nam ta; đây cũng chính là hoạt động hết sức thiết thực thực hiện
công cuộc vận động xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở.
Tuy nhiên, bên cạnh cái được, cái vui, vẫn còn đó nỗi băn khoăn
về sự quan tâm của các cấp, các ngành đối Ngày Thơ Việt Nam . Cơ quan có
trách nhiệm phối hợp với hội VHNT tỉnh để tổ chức Ngày Thơ là Sở Văn hóa, Thể
thao và Du lịch. Từ đầu tháng 12 năm 2013, đích thân nhà văn Lê Khôi Nguyên –
Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Hội đã liên hệ với lãnh đạo của Sở, bàn về việc tổ
chức Ngày Thơ Việt Nam lần thứ 12; qua đầu tháng 1 năm 2014 lại điện nhắc lại
và nhận được công văn trả lời đã có công văn chỉ đạo Nhà Văn hóa trung tâm tỉnh
thực hiện. Làm việc với Lãnh đạo Nhà Văn hóa trung tâm tỉnh thì được trả lời:
Chưa nhận được công văn chỉ đạo của Sở (?) Vậy là từ Sở đến Nhà Văn hóa Trung
tâm chỉ 500m mà công văn thất lạc, nên không thể tổ chức Ngày Thơ theo tinh
thần chung của cả nước được… Buồn thay
(!)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét