Thứ Bảy, 31 tháng 8, 2013

SỐ: 252 - tác giả NGUYỄN HƯNG HẢI





Trái mùa




Chả hiểu ra làm sao cây khế ở sau nhà
lại có thể ra hoa vào mùa đông rét mướt
lại có thể ra hoa vào đêm con mèo mướp
khản tiếng gọi tình trên cây khế mùa đông

Cây khế ra hoa, con mèo mướp tìm chồng
trong rét mướt đến cả trời nhỏ lệ
trong rét mướt mèo có thành mèo mẹ
hoa khế liệu có thành quả khế chua không?

Trên cây khế cấu cào con mèo mướp mùa đông
khản tiếng tìm chồng đã làm rơi hoa khế
hoa khế rụng lên mèo, mèo rũ rơi vào bể
bể nổi toàn hoa khế tiếng mèo kêu

Không ai có thể ngờ sự thật trớ trêu
cây khế lại ra hoa vào mùa đông rét mướt
con mèo mướp lại có thể gọi tình ở nơi con đại bàng đã bỏ đi
  từ mấy nghìn năm trước
kêu làm rơi hoa khế những con mèo

sự thật sờ sờ còn đó tiếng meo meo
như không phải con mèo cũng không là hoa khế
một tiếng gọi tình tênh hênh thảm thiết mong làm mẹ
làm mùa đông rét mướt cũng trổ hoa…




Thứ Sáu, 30 tháng 8, 2013

SỐ: 252 - tác giả VŨ THỊ HUYỀN TRANG





GÓC TRỜI THƠ ẤU…
Tản văn



Bạn tôi học nhiếp ảnh, ra trường vì kiếm cơm mà nhận làm đủ thứ việc từ chụp ảnh cộng tác các tạp chí đến chụp ảnh đám cưới, đám ma... Thế mà mấy năm không gặp nhau, một hôm nhận được giấy mời đến xem triển lãm ảnh của bạn khiến tôi không khỏi bất ngờ. Bước vào phòng trưng bày, tôi được chìm đắm trong không gian của làng quê lấp lánh sắc màu tuổi ấu thơ. Tôi gặp lại những ánh mắt trẻ thơ trong trẻo, con nghé ọ bằng lá mít, từng cánh diều bay chấp chới giữa bầu trời mùa hạ, cảnh bắt cá rô đồng trong cơn mưa. Bạn cười hạnh phúc, nói đây là món quà mà bạn muốn tặng tôi, tặng cho những tháng năm khờ khạo đầy tươi đẹp. Thế mới biết, đâu chỉ có mình tôi mới cất giấu trong mình một góc trời thơ ấu, nơi chúng tôi từng nằm xuống vệ cỏ ven đường khúc khích kể về cô bạn gái bé tí xíu có mái tóc xoăn vàng và hay khóc thút thít nhà bên…
Thỉnh thoảng tôi trở về làng thì nghe tin bạn vừa mới đi xong, cũng có hôm bạn điện rủ tôi về cùng thì công việc lại ngập đầu ngập cổ. Hiếm hoi lắm mới có dịp gặp nhau, lại quần đùi cởi trần vác súng sang rừng tràm bắn cò, tối về dắt theo chai cuốc lủi. Hôm thì rủ nhau đi bắt ốc, gặp trời mưa nửa đêm gọi nhau đi soi ếch. Dường như không khi nào trở về quê mà thiếu những trò vui, cái mùi lấm lem bùn đất trong chúng tôi vẫn chưa hề đánh mất. Sang nhà bạn chơi vào mùa na, thục tay vào đống rơm ngoài cổng là thể nào cũng kiếm được vài ba quả chín. Thấy ngoài vườn có đống khói thơm là chắc mẩm sẽ được thưởng thức món sắn lùi hay ngô khoai nướng. Bạn bảo đấy là đặc sản quê hương, trên đời chẳng có thứ gì bùi ngùi như hương vị của thời mắt biếc. Chúng tôi vẫn chẳng khác đứa trẻ lên mười, dù đi xa khắp nơi nhưng vẫn tìm niềm vui nơi bờ đồng gốc rạ.
Vài năm nay làng quê bỗng chốc đổi thay nhiều. Khu rừng nơi ngày bé chúng tôi luồn lách đi tìm hạt dẻ và hái sim mua giờ biến thành nhà máy chế biến chè. Cánh đồng trước nhà giờ mọc lên nhà máy xi măng, ống khói cao chọc trời, thỉnh thoảng lại ầm ầm tiếng khai thác đá trên núi cao. Ngay cả đất thổ cư cũng bị lấn làm quốc lộ cho xe công ten nơ chạy. Bà con nông dân không còn đất cấy lúa phải xoay xở đủ đường, người già mở hàng quán bán cho công nhân, người trẻ nộp đơn xin vào nhà máy. Trẻ con hụt hẫng vì mất chỗ chơi, trâu không còn chỗ thả, rồi vắng mùa mót lạc, mùa bắt cua tát tép. Bạn về quê nhìn lũ trẻ vùi đầu trong các quán net chơi điện tử mà lắc đầu buồn. Đâu rồi que mốt que mai, nu na nu nống, bịt mắt bắt dê… Cỏ gà cũng không tìm thấy để chọi nhau, không còn dế để hun, không còn bầy chim non và cánh đồng đầy cào cào châu chấu. Tôi thấy bạn thảng thốt buồn mà không khỏi xót xa. Một góc trời ấu thơ của chúng tôi chỉ còn trong kí ức…
Rồi thì bạn ít về quê hơn nên chúng tôi càng chẳng mấy khi có dịp ngồi bên nhau nói chuyện tào lao và ôn kỉ niệm. Bạn lại mải mê rong ruổi đi tìm những khoảnh khắc đẹp ở một vùng quê nào đó. Tôi cũng mong bạn sẽ tìm thấy chốn bình yên để nương nhờ, neo đậu tâm hồn những khi lòng mệt mỏi. Còn tôi, mỗi khi nhìn lũ trẻ không có chỗ chơi thì thương khúc đồng dao vỡ òa trong tiếng máy móc, xe cộ ầm ầm sáng tối. Lũ trẻ bây giờ thiếu vắng thảm cỏ xanh để cùng nhau nằm ngửa mặt lên trời thủ thỉ về những ước mơ diệu vợi. Tiếng ru con à ơi cũng va vào nhà cửa quán xá san sát mà vỡ vụn. Ừ thì ngay cả lời ru cũng không đủ rộng dài, thương thân phận con cò trong câu ca dao đang hát ru giữa chừng thì tắt lịm. Mà kể cũng lạ, lũ trẻ dần quen với cuộc sống của nền công nghiệp hóa nên không còn thấy thiệt thòi thì cớ sao tôi lại luôn lo chúng thiếu thốn để rồi thương. Bạn cười bảo:
- Sau này con chúng mình về quê nội không nhẽ chỉ để chơi điện tử và ngắm bê tông?
Tôi cũng giật mình:
- Ừ nhỉ…


























Thứ Năm, 29 tháng 8, 2013

SỐ: 252 - tác giả NGUYỄN THỊ BÍCH THIÊM


 Tác giả NGUYỄN THỊ BÍCH THIÊM 

CỦ SẮN QUÊ TÔI

Ký của NGUIYỄN THỊ BÍCH THIÊM


Tôi sinh tại vùng quê trung du nghèo của Bắc Bộ, nơi có những con đường đất đỏ mịn màng lượn quanh những  đồi cọ  hiền hoà. Người dân quê tôi hiền lành thuần phác, sống với nhau trọn nghĩa vẹn tình.
Như đa phần các làng trung du khác, quê tôi diện tích trồng lúa nước chỉ chiếm khoảng 60%, còn lại toàn là đồi – thứ đất đỏ thích hợp với cây sắn. Có thể nói, lũ chúng tôi lớn lên là nhờ  củ sắn của quê hương… Ngay từ khi còn nhỏ, tôi đã biết phân biệt các giống sắn: giống thân cao, màu xanh, cuống lá màu vàng, củ không to lắm, vỏ  màu trắng, khi luộc chín có màu vàng, ăn dẻo chứ không bở là sắn nghệ; còn giống cây cao, cuống lá màu đỏ, củ thường mập, thuôn ở đầu, vỏ có màu đỏ sậm, khi luộc chín có màu trắng, bở tơi là sắn chuối; thứ gần giống như sắn chuối, nhưng vỏ củ có màu trắng, là sắn nếp; rồi một giống cây thấp, lá xẻ nhiều thùy, thân cây nhiều mắt hơn, rất sai củ, nhưng củ không nhiều bột bằng mấy loại sắn kia và lại rất đắng, rất độc nếu chưa ngâm hay chế biến, loại này gọi là sắn dù…
Củ sắn ngày ấy là lương thực chính của dân quê tôi. Sắn đào về (quê tôi gọi là “dỡ”) bóc bỏ vỏ, rửa sạch, cắt khúc ngắn, có thể chẻ đôi, nếu củ lớn, để khi nồi cơm đã sột sệt gần cạn là bỏ vào hấp. Cơm cạn, ủ thêm mươi, mười lăm phút nữa là chín tới. Bữa cơm dọn ra, người ngồi ngoài cùng (gọi là ngồi đầu nồi) thường là mẹ hay cô gái lớn trong nhà, sẽ ý tứ bới những chén cơm trắng dành cho người già, trẻ nhỏ, người đang cần nhiều dinh dưỡng… Còn lại, xới đều cho mọi người. Chén cơm ngày ấy, một khúc sắn cõng ít hạt cơm, ăn cùng đọt sắn muối chua nấu cùng cá cờ, cá mài mại mẹ bắt được ở mương nước nơi cánh đồng xa. Đơn sơ, đạm bạc nhưng cũng giúp quên đi cái đói trong những lúc tháng ba ngày tám.
Sắn tươi có thể bào mỏng, đồ như đồ xôi cùng với đậu đen hoặc loáng thoáng vài hạt gạo nếp, chấm với muối lạc giã nhỏ cũng có một mùi vị riêng. Hoặc sắn luộc chín, rồi giã trong cối đá, nặn tròn và quệt ít mỡ lợn ở ngoài, thế là thành bánh dầy sắn, ấm bụng lúc sáng sớm hay nửa chừng buổi làm.
Ngoài ra, sắn cũng có thể làm bột lọc, củ sắn mài (hay giã) nhỏ, ngâm,  lọc chắt nhiều lần cho thật trắng và hết nồng, sau đó đem ra phơi, khi bột khô cất trong chum sành hay lọ để dùng dần. Mấy đứa trẻ trai nghịch ngợm  nhón lấy một cục gói trong lá chuối, dúi vào trong bếp tro nóng. Sau ít phút sẽ có một gói bột trong trong, dai dai, từa tựa như bánh bột lọc của miền Trung vậy… và với cái dạ dày đang đói thì cũng là món ăn hấp dẫn, nhất là khi chấm với nước mắm ớt cay chua.
Nhưng có lẽ ngon  nhất là ăn sắn nướng. Tụi trẻ, vốn tinh nghịch, luôn “phát kiến” ra những kiểu nướng khác nhau. Thông dụng nhất là khi chăn trâu trên núi, cả tụi đuổi trâu lên núi cho ăn cỏ, rồi xúm vào nhổ (hay moi) trộm sắn ở nương nhà ai đó. Tụi con gái đi vơ củi, lá cây. Lửa nhóm lên cháy bùng bùng. Rồi vùi củ sắn vào đống tro đó. Cả lũ chạy đi tìm quả rừng ăn, ít phút sau quay lại, bới ra. Gạt bớt lớp vỏ cháy đen bên ngoài, củ sắn đã chín, vỏ nứt vài đường, lộ phần tinh bột trắng tinh, bở tơi, thơm lừng. Cắn một miếng sắn bùi béo, nóng bỏng môi, quệt mũi cười mà không để ý rằng đã quệt nhọ lên mặt. Nếu ở nhà, lịch sự và đỡ sợ nhọ mặt hơn là cách bọc khúc sắn bằng nhiều lớp giấy, vùi vào cạnh bếp tro lúc nấu cơm. Khi nào áng chừng lớp giấy đó cháy gần hết thì lấy ra. Sau lớp giấy đó là màu vàng ươm của sắn, ăn vào bở tơi, nghẹn tắc ở cổ, phải chiêu ngay vài ngụm nước mới khỏi.
Sắn thường thu hoạch vào khoảng tháng 10, tháng 11 âm lịch, nhưng đôi khi mới tháng 8, người dân đói kém đã phải nhổ sắn non lên để ăn. Sắn non thường ít tinh bột hơn và năng suất thấp do chưa phát triển hết. Khi đã đủ tháng, nhổ sắn về, người ta thường thái lát phơi khô để làm lương thực dự trữ cho người và vật nuôi; khi nào muốn sử dụng thì phải nghiền nhỏ và chế biến tiếp thành những món ăn. Món bánh sắn là món hay gặp hơn cả. Để đổi món cho đỡ chán, người mẹ đã khéo léo nhào bột cùng với chuối ngốp chín (loại chuối quả to, gần giống chuối mốc ở miền Trung) nặn quanh một chiếc đũa, khi rút ra sẽ thành chiếc bánh rỗng ở giữa, gọi là bánh tu hú. Cũng có khi bố hay anh trai chặt được một tổ kiến ngạt (loại kiến khá to, mình đen, thường làm tổ bằng cỡ trái bưởi to hay chiếc mũ bảo hiểm trên ngọn cây nhãn) giũ ra những ấu trùng kiến trắng ngần. Ấu trùng đó xào qua rồi cho vào làm nhân bánh. Khi đồ xong, lấy bánh ra, ăn có vị bùi, béo ngậy và ngọt của ấu trùng kiến, ăn một lần rồi nhớ mãi không quên.
Sắn, dù ăn khô hay tươi đều dễ gây cảm giác nóng cổ, và nếu không cẩn thận sẽ bị ngộ độc (mà người già thường nói nôm na là “say sắn”). Khi đó, người ta cho bệnh nhân ăn mật mía hoặc uống nước đường thì sẽ khỏi. Trẻ con vùng sắn đều được người lớn nhắc để biết rằng những cây sắn nào bón bằng phân gà hay mọc gần rễ cây xoan sẽ có củ đắng và ăn sẽ say, nên nhà nào có điều kiện, mẹ cũng để sẵn một chén nhỏ mật mía để các con chấm khi ăn.
Cây sắn quê tôi âm thầm chắt chiu chất mùn từ những triền đồi đá sỏi để cho đời những củ sắn làm no lòng người những lúc đói bụng, gian nan. Và người quê tôi cũng đáp lại sắn bằng tình thương mến, quý trọng; người với người đối đãi với nhau bằng sự mộc mạc chân chất như hạt lúa củ sắn quê mình. Một nhà có việc dù vui hay buồn đều được mọi người xung quanh đến an ủi sẻ chia. Ngày đó nhà cửa còn thưa thớt, một quả gò có khi chỉ có vài nhà ở, vậy nên tình làng nghĩa xóm càng chan hoà thân thiết. Tôi nhớ cứ Tết đến là mấy nhà chung nhau (mà quê tôi gọi là “đụng”) mổ một con lợn, lúc cánh đàn ông bận mổ, thì cánh đàn bà chỉ phụ đun nước luộc hay nhặt rau thơm, giã lạc… để lát nữa các ông đánh tiết canh, làm dồi. Con lợn phanh ra, chia theo mức độ mỗi nhà định mua. Một đùi (là một phần tư) hay nửa đùi (một phần tám) của con lợn. Lúc bà vợ te tái bê thịt về nhà chuẩn bị sơ chế cho ngày Tết thì các ông khề khà bên mâm rượu với tiết canh, lòng lợn. Còn bọn trẻ đang nghếch mắt lên dõi theo quả bóng bay thổi bằng bong bóng lợn (bàng quang) đã được chà xát bằng tro bếp đến khi móng tang và thổi to như quả bóng bay bây giờ. Tụi nó mải nhìn, ngay cả thằng cu Tèo nhà ông Kí, bị mẹ bắt ăn cái “ấy” lợn nướng cho khỏi nghiến răng cũng vừa ăn vừa nghếch mặt lên, chả biết mình vừa ăn  gì nữa.
Trung du quê tôi giờ đã đổi khác nhiều. Nhà máy, công trình công cộng… mọc lên san sát. Nhà nọ cách nhà kia không phải hàng rào cúc tần vấn vít tơ hồng, mà là bờ tường xây kiên cố. Nhìn đó mà lòng thoáng vui buồn đan xen. Con đường đất đỏ mịn màng năm xưa nhon nhón bước chân trần đón anh một chiều nắng muộn giờ đã bê tông hoá khiến tôi tần ngần thẩn thơ khi dạo qua trước những căn nhà kề sát nhau, tưởng như đang lạc đến chốn thành đô nào và lòng rưng rức nhớ anh. Cây sắn cùng các loại “sản phẩm” của nó giờ cũng ít đi. Nó hoàn toàn không xuất hiện trong nồi cơm trong các gia đình ở quê tôi nữa. Người ta chỉ còn thấy thỉnh thoảng một mẹ già ngồi bán rổ sắn luộc và rất ít người mua. Hàng quà bánh nhiều  nên mẹ ngồi đó mà chả bán được là bao. Người phụ nữ lấy chồng xa quê mới về, vừa nếm một miếng sắn mới mua, chị nói: “Bủ ơi! Sắn quê mình ngon quá!” Mẹ cười móm mém mà rằng: “Chị vẫn nói giọng quê nhỉ? Có thấy ngon thật không đới?” Chị cười mà nước mắt rưng rưng. Bà cụ tóc bạc phơ, môi cắn chỉ quết trầu và nét mặt phúc hậu với dáng người nhỏ bé khiến chị như thấy mẹ mình năm xưa vậy.
Củ sắn còn có ở nhiều nơi. Một sáng trong cái nắng vàng sóng sánh của cao nguyên này, tôi chợt thấy một bà mẹ và em bé ngồi bán mấy củ sắn ở góc chợ nhỏ. Tự nhiên buồn lòng với ý nghĩ không biết nồi cơm nhà mẹ có còn phải độn sắn hay không. Và cũng đọc đâu đó những phiên chợ vùng cao ngưòi ta mời nhau bát rượu sắn. Cây sắn gắn bó với nhà nông. Cây sắn chân chất mộc mạc, hồn nhiên giúp nhà nông “đỡ khi đói lòng” ngày nay vẫn đang được triển khai, mở rộng diện tích trồng để cung cấp nguyên liệu cho các nhà máy chế biến thức ăn và một số ngành công nghiệp khác; cây sắn giờ đã dần dần nhường chỗ cho lúa. Nhưng nó vẫn còn cần cho cuộc sống của người nông dân và mỗi chúng ta.
Củ sắn – củ khoai mì – quê tôi. Đó cũng chính là hình bóng quê nhà với những kỉ niệm về con người, cảnh sắc quê hương… Nó đã lưu giữ và giúp làm giàu thêm những tình cảm tốt đẹp cho tâm hồn của mỗi con người, giúp ta thêm trân trọng những ngày ấm no, hạnh phúc hôm nay mà không quên những năm tháng gian khó của một thời chưa xa.






SỐ: 252 - tác giả VŨ DY





Điện Bàn



Rớt khuya
mưa biến thiên ngoài
nằm trong mai phục
chờ coi cuộc về

Mênh mông
mang mang
mê mê
đêm mù xứ
Điện Bàn về
dầm mưa

Lôi thôi
lếch thếch
lưa thưa
bê thui Cầu Mống
cứ vừa vừa say

Cởi áo
hứng một đêm đầy
mưa gió đổ bộ
loay hoay nẻo về.

21.3.2013



Thứ Tư, 28 tháng 8, 2013

SỐ: 252 - tác giả CÔNG NAM






Lời ru còn lại
Kính tặng các tu nữ từng là TNXP


Thu còn qua khung cửa nhà em
Chiều cô đơn mút mùa heo hút gió
Thu còn không trên từng lối ngõ
Đón xanh xưa gõ nhịp đi – về

Sóng ồn ào nhạt dấu chân đê
Đêm trăng vỡ nửa thì con gái
Chiến tranh xa lời ru còn lại
“Đông Trường Sơn nhớ Tây Trường Sơn…”

Vẫn còn kia đường cũ mòn trơn
Bức ký họa binh đoàn dép lốp
Thanh niên xung phong câu hò nối bước
Em vô tư cười, anh hành quân xa…

Hơn hai mươi năm câu hát ngủ trong ta
Chợt thức dậy tóc rựng bời hương sả
Hai mươi năm còn trong vội vã
Huân huy chương ai ít ai nhiều?

Xuân em tình chưa dịp để yêu
Đêm khắc khoải thắp nén nhang đồng đội
Có nhỡ gặp xin thu đừng bối rối
Ngõ chùa khuya tịnh… một bóng thiền

Nâu sồng…
em gói lại niềm riêng!


SỐ: 252 - tác giả PHẠM THỊ NGỌC THANH




NỤ TÌNH KHÔ
TRÊN NHỮNG NHÁNH HAO GẦY
Tản văn


Người con gái ấy mỏng manh như một nhánh tình khô trên cây mùa Đông. Một chút gió khẽ rung cũng làm lay động sóng lòng. Người con gái ấy thật hư ảo ảnh. Muốn níu lại mà dường như mông lung...
Những cơn gió đi qua hoang hoải miền tình, có nắng, có hương phấn hoa và những giấc ngủ hiền ngoan như ngọc. Rồi em đi qua tôi, gieo đê mê vào trong giấc mộng. Một nụ tình khô trên những nhánh hao gầy...
Ai hỏi Sài Gòn có mùa Đông không? Người con gái ấy lắc đầu và thì thầm Sài Gòn không có mùa Đông nhưng vẫn có heo may tê tái môi hôn, khi xa cách trong lòng đầy bão tố. Những nụ tình vì thế cứ héo dần rồi khô lại trên những nhánh cây ngoài khung cửa sổ, trên những nốt lặng buồn xao xác đợi trông.
Người về ép nụ hoa tình vào ký ức giùm tôi không? Người chắt những giọt nước mắt tinh khôi vào chiếc ly của cô gái tóc dài ngoan đạo. Trong ly nước có một miền tình với những sợi tơ hồng giăng giăng nỗi nhớ, những cuộc tình ngang qua cuộc đời rồi khe khẽ giá băng, rồi khe khẽ an yên vào mộng mị. 
Có người đàn ông lảo đảo cơn say ngước lên nhìn những nhánh tình khô rồi cười bí hiểm. Có người đàn bà bước qua bao nhiêu mùa Đông đến gầy héo từng sợi tóc, đôi mắt vẫn ánh lên niềm hi vọng khôn nguôi. Bao giờ trời mưa để những nụ tình khô hồi sinh rồi hé nở. Bao giờ cô đơn không phủ xuống bờ vai gầy em nhỏ. Để chiều nay tôi không chơi vơi...
Có tiếng hát của ai khắc khoải ru đời vào lãng quên. Những nụ tình theo cơn gió ngoài hiên chấp chới. Những nhánh khô gầy như con tim của người con gái gặp nhiều ngang trái. Sao đời không để nắng vàng nhè nhẹ chạm vai em...
Em đã ép vào tim mình bao nhiêu nụ tình khô mà tôi thấy lòng em chẳng còn bình yên. Em đã góp gom được bao nhiêu nước mắt cho những lần chia ly khắc khoải. Hai mươi năm, ba mươi năm và hơn thế nữa. Tôi vẫn mong vầng sáng hồi sinh gieo hạt xuống đời em...

Những nụ tình cũng giống những bó hoa khô, chúng sẽ tồn tại vĩnh cửu phải không em. Một cánh hoa rơi trên bàn điểm tô cho thời gian thêm vệt nhớ. Những cơn gió đi hoang ghé về thăm em một ngày yên bão tố. Xin để tôi mở cửa giùm em, xin để tôi mở cánh cửa trái tim, xin để những hạt mưa xanh về bên nhành cỏ úa. Rồi sớm mai thức giấc sầu đau theo cánh bướm tha hương trở về ngủ trong  kén tằm. Chỉ còn lại trong quá khứ xanh rêu một nụ tình khô trên những tháng năm gầy hao ký ức...

SỐ: 252 - tác giả HOÀNG BÍCH HÀ





KÝ ỨC MÙA THU
Tản văn



Thoáng chút ngỡ ngàng và rộn ràng khi mùa thu về. Tháng Tám, mùa thu có cái gì đó dịu dàng man mác nhưng lại vương vấn chút gì non tơ. Thu chín vàng trên màu lá, trên hương của loài hoa sữa, trên vị ngọt ngào của hương đồng cỏ nội.
Không hiểu sao những ngày đầu thu tháng 8 vòm trời cao xanh. Cái cảm giác giao mùa thường tạo ra cho ta những chống chếnh bất ngờ. Mùa thu cũng như một đời người qua cái tuổi nồng nhiệt của mùa hạ đến sự điềm tĩnh tự biết của lứa tuổi trung niên, khi mà tầm nhìn, tầm nghĩ được đúc kết, được thanh lọc thành những kinh nghiệm sống. Mùa thu sáng nay có gì khác lạ, muôn màu hoa khoe sắc như dồn hết sự căng nhựa nồng nàn tích lũy, chắt lọc qua nắng gió của mùa hạ để có dịp dâng hiến hết mình tỏa hương, tỏa sắc. Cùng với bao nhiêu loài quả ríu rít mời gọi chim về. Mùa thu cứ đến lặng lẽ mà ân nghĩa biết bao khi đất nước Việt Nam ta có riêng một Mùa thu Cách mạng Tháng Tám. "Mây của ta trời thắm của ta/ Nước Việt nam dân chủ cộng hòa”. Cách đây 68 năm Cách mạng Tháng Tám như một thiên anh hùng ca sáng ngời trong lịch sử. Nhân dân khắp nơi nô nức vùng dậy cướp chính quyền với những vũ khí thô sơ, nhưng đoàn kết đồng lòng tạo thành một làn sóng như triều dâng, bão nổi. Con thuyền cách mạng dưới sự chèo lái của vị thuyền trưởng tài ba: Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta đã xây dựng nhà nước công nông đầu tiên “Nước Việt Nam dân chủ cộng hòa” (nay là “Nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”) lần đầu tiên có tên trên bản đồ thế giới. Âm vang của bản Tuyên ngôn độc lập đã 68 năm vẫn còn vang vọng mãi đến muôn đời. Lớp người ngày ấy nay đã thành ông, thành bà, vậy mà mỗi khi mùa thu về trong lòng họ ai cũng có niềm hạnh phúc xốn xang nhớ về những năm tháng lịch sử hào hùng ấy. Lớp cháu con kế tiếp sự nghiệp hôm nay với những tư duy thần thái mới trong công cuộc xây dựng đất nước. Đại lộ của tương lai đã được mở ra bắt đầu từ những vệt đường mòn thuở ấy. Có lẽ, trong mỗi chúng ta dường như ai cũng cảm thấy tự hào hạnh phúc. Bởi mùa thu không những là mùa của Cách mạng Tháng Tám mà còn là mùa khai trường của thế hệ tuổi thơ, trong mỗi chúng ta không ai quên được dấu ấn đầu đời khi được cắp sách tới trường. Cái cảm giác nôn nao đến khó tả, bâng khuâng đến xao xuyến và đã trở thành kỷ niệm khó phai trong ký ức của mỗi chúng ta. Tiếng trống khai trường như một thông điệp báo cho thế hệ học sinh một năm học mới bắt đầu. Đó cũng chính là niềm mơ ước, lòng hân hoan bước sáng một chương mới của tuổi học trò. Khắp đường làng ngõ phố sắc áo tươi mới nhuộm trắng cả con đường. Tiếng râm ran chuyện trò líu lo như bầy chim vào mùa gặt mới. Mới ngày nào đó các em còn là những búp măng non mới nhú, vậy mà hôm nay các em đã và đang tiếp nhận những kiến thức của nhân loại để hoàn thiện mình và trở thành một công dân gương mẫu tương lai của đất nước. Một mùa thu nữa lại đến ngoài niềm vui, sự hân hoan của các em thì những người thầy người cô lại thêm một trách nhiệm mới. Ngoài thiên chức của một nhà giáo dạy chữ, dạy kiến thức, các thầy cô, còn phải kiêm luôn trách nhiệm truyền đạt kỹ năng sống cho các em, rèn luyện các em thành những con người vừa có tài lại vừa có đức “Vừa hồng, vừa chuyên”. Để làm tốt trách nhiệm của một nhà giáo trong thời đại mới, trước hết tự bản thân của những người làm nghề giáo cần phải tự tu dưỡng chính bản thân mình để làm tấm gướng sáng cho các em noi theo và xã hội kính trọng. Phải xây dựng nhà trường thành “Môi trường thân thiện” giữa thầy cô và học trò. Không có bệnh thành tích trong kiến thức, học đường. Có như vậy các em mới đặt niềm tin tuyệt đối vào tương lai của chính mình.
Mùa thu về mang theo bao niềm tin, khát vọng cho mỗi con người và là nơi bắt đầu để tuổi thơ hành trình vào thế giới kiến thức trí tuệ của nhân loại. Âm vang của mùa thu mãi mãi còn đọng lại trong mỗi trái tim người dân Việt Nam về một nhân cách Hồ Chí Minh “Tôi nói đồng bào nghe rõ không?”.


Thứ Ba, 27 tháng 8, 2013

SỐ: 252 - tác giả DU AN






Tóc dài vẫn bạc chị ơi




Tóc dài vẫn bạc chị ơi
Xanh xanh… sắp trọn một đời vọng phu
Tiễn ngày nước mắt vào mưa
Nụ hôn đã trải… mà chưa có gì

Cánh đồng con gái cất đi
Chiều cong đòn gánh oằn về với anh
Cào cào châu chấu quây quanh
Bỏ khăn bịt mặt là thành người ta!

Ruộng lầy chẳng muốn chân sa
Lọ lem đêm vẫn nõn nà cả đêm
Ngọn đèn hạt đỗ ngủ quên
Ri ri giun dế ở bên cạnh giường

Bom rung hai nửa chiến trường
Vòng tay đi hết nỗi buồn… lại không
Chị qua mấy chục mùa đông
Chị qua nghìn vạn bão giông khát thèm

Sợi đen ngày rối lược đêm
Bao nhiêu là trắng đi trên cầu vồng
Hi sinh. Nhất định là không!
Tóc dài chị vẫn bạc lòng chờ anh.






SỐ: 252 - tác giả TRẦN CHI

MỘT CÁN BỘ LÃO THÀNH TIÊU BIỂU Ông Đinh Văn Ruyến sinh năm 1935, quê ở Thái Bình, hiện trú tại tổ dân phố 3, thị trấn Krông Năng. Ông được nhân dân buôn Wiao, buôn Ur hết mực quý trọng, thương yêu và được xem như một người con của buôn làng. 77 tuổi đời, 55 tuổi Đảng nhưng đến nay ông vẫn hết mình với công tác xã hội. Trong suốt thời gian cống hiến cho sự nghiệp cách mạng thì đã có đến 40 năm ông gắn bó với công tác xây dựng Đảng ở các vùng đồng bào dân tộc bản địa. Đưa tôi về thăm ngôi nhà tại tổ dân phố 3, thị trấn Krông Năng, căn nhà khang trang nằm nép mình bên dòng suối được ông xây cất cách đây hơn 15 năm, con đường vào nhà nếu đi không cẩn thận sẽ va đầu vào những trái sầu riêng đang độ chín… Ông cho biết: gia đình có diện tích vườn gần 6 sào, trong đó có 3 ao cá khoảng 1.000 m2, còn lại 5 sào ông trồng cà phê xen tiêu và cây ăn quả (chủ yếu là sầu riêng). Kinh tế vườn hằng năm cho thu nhập trên 50 triệu đồng, phần lớn là do công của vợ. Ông tươi cười, chỉ vào người vợ đang pha trà cho chúng tôi và cho biết thêm: Ngoài công việc thường ngày chăm sóc vườn cây, ao cá và lo sinh hoạt cho hai vợ chồng, bà còn tranh thủ trồng rau xanh quanh các ao cá, nuôi gà… Các khoản ấy không những đủ cho 2 vợ chồng già cải thiện bữa ăn hàng ngày mà thỉnh thoảng còn có thêm thu nhập mua quà cho con cho cháu. Trong khi đi dạo thăm vườn tược của gia đình, tôi hỏi đùa: Bác có lương hưu gần 4 triệu đồng mỗi tháng cộng thêm thu nhập từ vườn, ao, chuồng, như vậy bình quân mỗi năm gia đình thu nhập từ 150 đến gần 200 triệu đồng thì cần gì phải đi làm thêm? Ông cười rồi nói: Lương của đội công tác mỗi tháng có 600 ngìn, không đủ tiền mua xăng! Tôi đi làm công tác xã hội quen rồi - ông chỉ tay sang bà vợ đang hái rau và nói: Trước đây bà nhà tôi cũng là giáo viên cấp 1, do chồng và các con đều đi học, đi làm xa, gia đình neo đơn không có người chăm nom nên bà phải xin thôi việc để chăm sóc gia đình. Ông cho biết thêm: Tháng 3 năm 1976 ông được điều động vào công tác ở Tây Nguyên, vừa chân ướt chân ráo đến huyện Krông Buk (nay là thị xã Buôn Hồ) thì được cử làm Chủ tịch UBND xã Ea Drông, một điểm nóng có nhiều Fulrô hoạt động lúc bấy giờ. Ông bám trụ ở đó cho đến năm 1987 khi thành lập huyện Krông Năng, ông được cấp trên điều động vào làm bí thư xã Huệ An (nay là thị trấn Krông Năng); rồi làm Trưởng ban Kinh tế mới; chủ tịch Hội Nông dân huyện… đến năm 1999 thì nghỉ hưu. Tiếng là nghỉ hưu, nhưng mới được vài tháng chi bộ tổ dân phố lại tín nhiệm bầu ông làm bí thư, rồi huyện ủy lại cử ông tham gia đội công tác của huyện ủy, phụ trách 3 buôn trắng (chưa có đảng viên)… Ông tâm sự tiếp: Khi được huyện ủy tín nhiệm, điều động bổ sung vào đội công tác phát động quần chúng tại thị trấn Krông Năng, thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ là phải dựa vào quần chúng, lấy sức mạnh của quần chúng mà vượt qua khó khăn, quần chúng tự giúp đỡ quần chúng… cùng với suy nghĩ phải làm sao đưa mức sống của đồng bào bản địa lên ngang bằng mức sống chung của toàn xã hội là một thách thức không nhỏ đối với một bí thư chi bộ vùng đồng bào bản địa lúc bấy giờ. Nhờ gắn bó với đồng bào bản địa nhiều năm, lại khá thông thạo tiếng nói của họ, ông nhanh chóng tiếp cận đời sống, sinh hoạt và hòa nhập với buôn làng để xây dựng cơ sở ngày một vững mạnh. Sau hơn 10 năm tích cực hoạt động trong công tác xây dựng Đảng, 3 buôn trắng đảng viên gồm buôn Wiao A, buôn Wiao B và buôn Ur đã thành lập được 3 chi bộ, xóa được buôn trắng, đạt chỉ tiêu kế hoạch mà huyện ủy Krông Năng đã đề ra. Bản thân ông trong hơn 10 năm đã giới thiệu cho Đảng bộ thị trấn Krông Năng kết nạp 19 đảng viên mới là người dân tộc bản địa; chi bộ buôn Wiao A hiện do ông phụ trách đã có 16 đảng viên, trong đó có 14 đảng viên là người Ê đê. 7 năm liền chi bộ buôn Wiao A được công nhận là chi bộ trong sạch vững mạnh, 5 đảng viên trưởng thành tại chi bộ đã được giới thiệu đảm nhận nhiệm vụ công tác tại cơ quan Huyện ủy và Đảng ủy thị trấn. Liên tục trong nhiều năm nay, nắng cũng như mưa, ngoài những công việc cần làm của một người bí thư thì mỗi sáng ông đều ghé qua buôn 1 lần để xem có gì biến động, mọi diễn biến hàng ngày trong buôn, kể cả có người đau ốm, người chết đột xuất ông đều nắm chắc và xử lý kịp thời.Trong những năm qua, Cuộc vận động “ Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” do Đảng ta phát động đã góp phần xây dựng và chỉnh đốn Đảng, xây dựng chính quyền trong sạch vững mạnh có hiệu quả… Theo đó đã xuất hiện ngày càng nhiều tấm gương điển hình tiêu biểu học tập và làm theo lới Bác. Ông Đinh Văn Ruyến, một cựu chiến binh, cán bộ hưu trí ở huyện Krông Năng là một trong những tấm gương như thế!

SỐ: 252 - THÁNG 8 NĂM 2013






Tạp chí Văn Nghệ CHƯ YANG SIN
Xuất bản hàng tháng

Số: 252

Tháng 8/2013


                                   Tòa soạn:                    
172 Điện Biên Phủ - TP.Buôn Ma Thuột - Đắk Lắk
ĐT :  0500.3840 276
Email: cuyangsindaklak@gmail.com
                                              
Quyền Tổng biên tập:
LÊ KHÔI NGUYÊN

Phó Tổng biên tập thường trực:
 HỒNG CHIẾN

Phó Tổng biên tập:
 ĐẶNG BÁ TIẾN

Thư ký tòa soạn
AN QUỐC BÌNH

Ban biên tập:
NGUYỄN VĂN THIỆN
PHẠM HUỲNH
AN QUỐC BÌNH
HUỲNH NGỌC LA SƠN

Trình bày:

Y KUAN NY NIÊ


Thiết kế mỹ thuật:
AN QUỐC BÌNH

Trong số này


 VĂN:
      l Một cán bộ lão thành tiêu biểu (ghi chép) – TRẦN CHI
l      Ký ức mùa thu (tản văn) – HOÀNG BÍCH HÀ
l      Nụ tình khô trên những nhánh hao gầy (tản văn) PHẠM THỊ NGỌC THANH
l  Củ sắn quê tôi (tản văn) – NGUYỄN THỊ BÍCH THIÊM 
l      Góc trời thơ ấu (tản văn) – VŨ THỊ HUYỀN TRANG
l      Nhánh huệ nước trời (truyện ngắn) – MỘC ANH
l Bóng (truyện ngắn) HỒNG PHÚC
l Ký ức vườn xưa (truyện ngắn) TAM ANH
l Tha lỗi cho con (truyện ngắn) NGUYỄN THỊ HUỲNH OANH
l Me... eo (Truyện ngắn nước ngoài) VÕ HOÀNG MINH (dịch)




THƠ của các tác giả:
DU AN – CÔNG NAM – VŨ DY – NGUYỄN HƯNG HẢI – TRẦN SANG – ĐẶNG BÁ TIẾN – TỪ DẠ LINH – LÊ VĨNH TÀI – TIẾN THẢO – HUỆ NGUYÊN – PHẠM THỊ NGỌC THANH – ĐỖ TOÀN DIỆN – PHÚC TOẢN – NGUYỄN TRỌNG ĐỒNG – NGUYỄN VĂN CHINH – PHAN HOÀI THỦY – VÕ THỊ HỒNG TƠ – NGUYỄN VIẾT LỢI – DUY ĐẮC – H’XÍU HMOK – PHAN NGỌC HẢI – NGUYỄN LOAN – PHẠM ÁNH – LÊ THỊ MINH NGHIỆM – BÙI CÔNG TIẾN – VƯƠNG TRỌNG – HỒ HỒNG LĨNH – NGUYỄN QUỲNH THI – VƯƠNG VĂN BẠNG

Nghiên cứu giới thiệu – phê bình:

l                       Quê hương trong các bài thơ... -  PHẠM TUẤN VŨ
l                       Âm vang biển đảo...      –  INRASARA
l                       Vài suy nghĩ về truyện ngắn...   – HỒNG CHIẾN
l                       Cây hoa sữa xanh tươi     – BÙI MINH VŨ
                                     



NHẠC

Hướng về đảo xa  Nhạc và lời MẠNH TRÍ

Trăng soi cội nguồn    Nhạc và lời MẠNH TRÍ

Đêm Ban Mê   Nhạc và lời HỒ TUẤN


     Lá thư văn nghệ


TINH THẦN THÁNG TÁM


Thắng lợi vĩ đại của Cách mạng Tháng Tám, đập tan chế độ thực dân, phong kiến, lập nên nước Việt Nam dân chủ cộng hòa; đưa nước ta, từ một xứ thuộc địa trở thành quốc gia độc lập, tự chủ; nhân dân ta từ thân phận nô lệ, trở thành người làm chủ đất nước, làm chủ xã hội; đất nước ta bước vào kỷ nguyên độc lập, dân tộc và đi lên chủ nghĩa xã hội.
68 năm đã trôi qua, kể từ Cách mạng Tháng Tám đến nay. Đã có nhiều công trình nghiên cứu của các học giả trong và ngoài nước về cuộc cách mạng này; và hầu hết các công trình có chung một đúc kết: Thắng lợi vĩ đại của Cách mạng Tháng Tám là thắng lợi của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, được phát huy mạnh mẽ dưới sự lãnh đạo sáng suốt, tài tình của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại; là biểu tượng rực rỡ của tinh thần yêu nước nồng nàn, ý chí quật cường không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ; là thắng lợi của chủ nghĩa Mác- Lê-nin được Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh vận dụng một cách sáng tạo, phù hợp với hoàn cảnh nước ta, đề ra đường lối cách mạng đúng đắn là giương cao ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại. Đảng ta với tầm nhìn xa, trông rộng đã dự báo chính xác thời cơ cách mạng; và khi thời cơ chín muồi đã kịp thời phát động toàn dân, vùng lên lật đổ chế độ thực dân phong kiến, áp bức, bóc lột.
Những bài học lịch sử quý báu của Cách mạng Tháng Tám là hành trang, động lực tinh thần mạnh mẽ, thôi thúc toàn dân ta tiếp tục vùng lên đánh thắng các thế lực ngoại xâm hung bạo nhất của thời đại, lập nên những chiến công chói lọi mà đỉnh cao là Chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954 và Đại thắng Mùa Xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc.
Ngày nay tinh thần và ý chí quật cường của Cách mạng Tháng Tám vẫn tiếp tục là Ngọn - đuốc - thiêng soi đường, cổ vũ nhân dân ta, dưới sự lãnh đạo của Đảng, vượt qua khó khăn thử thách để xây dựng đất nước hùng cường. Văn nghệ sĩ – người chiến sĩ của Đảng trên mặt trận tư tưởng văn hóa – phải là người có trách nhiệm tiếp nhiên liệu cho Ngọn – đuốc – thiêng đó sáng mãi trên con đường đi lên của Dân tộc bằng chính những tác phẩm gan ruột của đời mình!

CHƯYANGSIN




Thứ Hai, 26 tháng 8, 2013

SỐ: 251 - TIN HOẠT ĐỘNG VĂN HỌC NGHỆ THUẬT



* Nhân dịp kỷ niệm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21.6) Ban tổ chức Cuộc vận động sáng tác và quảng bá tác phẩm văn học, nghệ thuật và báo chí theo chủ đề “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh của Tỉnh ủy Đắk Lắk đã tiến hành trao giải thưởng cho các tác phẩm xuất sắc theo chủ đề này.
Riêng lĩnh vực văn học, giải A được trao cho các tác giả Hữu Chỉnh với tác phẩm Vĩ nhân bình dị (thơ), tác giả Đặng Bá Tiến với tác phẩm Người chỉ huy thao lược trên thương trường (ký); giải B được trao cho các tác phẩm ký của các tác giả Hồng Chiến, Nguyễn Liên; giải C được trao cho các tác phẩm ký của các tác giả Hồng Chiến, Trọng Đồng.
* Sau 23 năm thành lập, lần đầu tiên Hội Văn học Nghệ thuật Đắk Lắk tổ chức trại sáng tác riêng cho chuyên ngành Mỹ thuật, tại huyện Krông Ana, từ ngày 10.6 đến ngày 16.6.2013. Tham dự có 17 trại viên. Ngoài những trại viên là hội viên của Hội VHNT Đắk Lắk còn có các trại viên được mời từ các tỉnh Thanh Hóa, Thừa thiên – Huế, Đắk Nông, TP. Hồ Chí Minh. Trong 7 ngày tham dự trại, các họa sĩ đã sáng tác được 34 tác phẩm với nhiều phong cách thể hiện, đa dạng về chất liệu, phong phú về đề tài.
Tới dự Lễ bế mạc Trại có đồng chí Trần Ngọc Quế - Phó trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, đồng chí Trần Hữu Thọ - Phó chủ tịch huyên Krông Ana, đồng chí Trần Thanh Đạt – Trưởng phòng VHTT huyện Krông Ana... Các đồng chí đã đánh giá cao về sự thành công của Trại sáng tác mỹ thuật 2013 do Hội tổ chức.
* Thực hiện kế hoạch năm 2013, nhằm khơi gợi năng lực hoạt động sáng tạo văn học nghệ thuật của hội viên, Hội VHNT Đắk Lắk đã tổ chức chuyến đi thực tế các tỉnh Tây Bắc cho 11 hội viên thuộc Chi hội Văn học và Chi hội VHNT các huyện phía Đông Đắk Lắk, từ ngày 19.6 đến ngày 28.6.2013. Đoàn đi thực tế đã được giao lưu với các Hội VHNT Ninh Bình, Sơn La, Điện Biên, Hòa Bình và được các đơn vị bạn tổ chức hướng dẫn thăm các danh lam tháng cảnh, các di tích lịch sử của địa phương.
Sự đón tiếp chu đáo, nhiệt tình của các Hội bạn đã tạo được nhiều ấn tượng tốt đẹp cho các thành viên trong đoàn. Ngay trong thời gian đi thực tế, đã có nhiều tác phẩm được sáng tác ngợi ca về con người và quê hương xứ bạn.
* Để chuẩn bị cho kỳ họp Ban Chấp hành Hội VHNT Đắk Lắk (khóa V) lần thứ 8, các Chi hội đã tiến hành sinh hoạt định kỳ để đánh giá tình hình hoạt động 6 tháng đầu năm và xây dựng kế hoạch hoạt động 6 tháng cuối năm 2013. Sau buổi sinh hoạt, các chi hội đã lập báo cáo gửi về văn phòng Hội để tổng hợp, trình tại cuộc họp BCH Hội.
* Ngày 01.7.2013, huyện Cư Mgar đã tổ chức khai mạc Trại sáng tác thơ văn Núi Hoa 17 cho thiếu niên của huyện. Tham dự Trại có 31 em thuộc các dân tộc: Êđê, Tày, Kinh. Ngoài những buổi lên lớp để nghe các nhà văn, nhà thơ thuộc Hội VHNT Đắk Lắk trao đổi kinh nghiệm sáng tác, các em còn được tổ chức đi thực tế trải nghiệm sinh hoạt văn hóa nhà dài của người Êđê và đi thực tế tại tỉnh Quảng Ngãi. 

Phải khẳng định rằng, Cư Mgar là huyện duy nhất trong cả nước đã duy trì được 17 năm liền tổ chức các trại sáng tác thơ văn cho thiếu niên.

SỐ: 251 - tác giả NGUYỄN TRƯỜNG THỌ



Mắt bão cuối hè

Bình yên bóng lá đang rơi
Cánh hoa khô sắc đang phơi cuối Hè
Mùa vừa đóng lại tiếng ve
Phượng vừa khép tán để che tuổi mình

Khoảng chiều xanh đến lung linh
Sông trong vắt gọi bình minh sớm về
Nõn mây khoe áo lắng nghe
Nồm trưa nắng đậu bờ tre yên bình…

Bỗng đâu từ phía vô hình
Bao nhiêu mắt bão vô tình xoáy sang…







Chủ Nhật, 25 tháng 8, 2013

SỐ: 251 - tác giả NGUYỄN HUY LỘC





MÊNH MANG VỚI TRƯỜNG CA RỪNG CỔ TÍCH CỦA NHÀ THƠ ĐẶNG BÁ TIẾN



“Tôi viết trường ca Rừng cổ tích như một hoài niệm, một giấc mơ của riêng mình về vùng đất thân thương. Nếu những cảm xúc của tôi gợi được một chút gì về tình cảm của bạn, để từ đó chúng ta cùng yêu thêm mảnh đất này và cùng chung tay làm được một việc có ích – dẫu chỉ nhỏ nhoi thôi – nhằm góp phần bảo vệ những gì tốt đẹp hiện còn cứu vãn được những gì quý giá đã bị đánh rơi/đánh cắp, thì đấy là niềm vui, niềm hạnh phúc của tôi”.
Đó là một ý niệm hiện sinh của chính tác giả với vùng đất Bản Đôn của những ngày đã cũ. Nhưng dường như trong anh, đó không chỉ là Bản Đôn, không chỉ là Buôn Ma Thuột mà đó là cả đại ngàn của Tây Nguyên nắng gió.
Rừng cổ tích của anh chính là rừng cổ tích của tôi, của mọi người và của cả vùng đất bazan huyền thoại.
Rừng cổ tích với mười khúc ca bi tráng, mỗi khúc ca của anh là một dấu lặng của thời gian, một dấu lặng cho sự chuyển động, biến thiên của cỏ cây, vạn vật.
Anh thả lòng với những hoài niệm của buôn làng, của lời khan, của nhịp chiêng vang vọng, của những vòng xoang túy lúy trong lễ hội vào mùa.
Rừng cổ tích của anh ngày qua đi với những thiếu nữ Êđê trong vắt, với tiếng trầm hùng của thác ghềnh, với tiếng hươu nai gọi đàn bên suối, với tiếng chày thong thả của làng buôn, với những khóm dã quỳ rực vàng bên triền dốc. Tất cả hòa quyện trong tình yêu của anh thành một bản hùng ca đầy kỷ niệm.
Rừng của anh ngày đi qua là thế, hùng vĩ, dịu dàng, hoang sơ nhưng thấm đẫm tình yêu.
Rừng của anh ngày trở lại vẫn còn nguyên những thác ghềnh, những đêm lễ hội, những ngày tìm ong, và những ché rượu cần mềm môi bên bếp lửa. Tất cả đã trói buộc trái tim của kẻ vân hồ bên mái đình cây đa Bắc bộ. Trái tim ấy đã thuộc về làng buôn, thuộc về những cánh rừng trùng điệp mênh mang tiếng tù và.
Ngày trở lại của anh cháy bỏng niềm đam mê dành cho một ánh mắt long lanh của tình yêu chung thủy. Tình yêu cũng lớn dần theo thời gian, anh ngụp lặn, anh say, anh hạnh phúc với một niềm tin vô bờ.
Rồi tình yêu và niềm tin của anh bất chợt vỡ tan như thủy tinh. Anh cố gắng níu giữ, anh đau đớn, anh ngả nghiêng và anh bất lực. Anh đã không thể gìn giữ được tình yêu của mình, anh bơ vơ lạc lõng trong cái nắng cháy da, anh ngẩn ngơ trước những cơn cuồng loạn của núi đồi và anh mỏi mòn tàn úa bên ché rượu cần vụn vỡ. Tất cả trong anh thế là hết, tất cả trong anh chỉ còn là hoài niệm, tất cả trong anh chỉ còn là tình yêu… Tình yêu cổ tích.
Rồi một ngày tắt nắng, tình yêu của anh đã hồi sinh. Tình yêu của anh đã hé chồi non xanh biếc bên dòng nước mát tuôn trào. Anh cười, anh hát, anh reo, anh thả tiếng chiêng ngân xa lắc. Anh mời bốn phương về dự hội, anh thắp những ngọn đuốc pơ lang cháy rực, anh đắm say trong câu hát đại ngàn.

Đó là niềm tin. Là ngày trở lại, là đam mê, là gìn giữ. Đó là hồi sinh, là khúc vĩ thanh réo rắt, là Rừng cổ tích… Cổ tích của những ngày nắng lên.

SỐ: 251 - tác giả THANH TRẮC NGUYỄN VĂN



Mùa thu quan họ

Nửa đêm thức giấc đi tìm
Mùa thu Quan họ mắt lim dim chờ
Ơ kìa chàng nhện giăng tơ
Một bầy con xít lờ đờ qua sông
Nợ duyên hẹn khách má hồng
Đung đưa tay vỗ bềnh bồng trống cơm
Nắm xôi đem đổi thằng Bờm
Quạt mo ta quạt khói rơm lên trời
Chị Hằng tỉnh giấc xuống chơi
Nghe câu “bèo dạt mây trôi” nao lòng
Hẹn cùng chú Tễu chơi ngông
Rủ làng rối nước rắn rồng lên mây…

Thu này trầu vẫn chưa cay
Lời ca Quan họ lại say nồng nàn
Yêu nhau cởi áo cho nàng
Qua cầu gió thổi bàng hoàng nhớ thương
Cây đa ở cuối con đường
Trèo lên Quán Dốc vấn vương tơ tình
Cọ vai yếm thắm rập rình
Giọt mưa tháng tám lung linh câu thề
“Người ơi người ở đừng về”
Vầng trăng nghe hát cũng mê mẩn sầu!
Cuối thu dẫu bạc mái đầu
Câu ca Quan họ, miếng trầu vẫn trao.