AMÍ
CÒN YÊU CHỊ LẮM
Truyện ngắn
Ánh mặt trời
buông tà tà sau chân đồi, con chim giật mình cất tiếng kêu lanh lảnh, cắm đầu cắm
cổ bay theo ánh hoàng hôn đang nặng nề lê bước chân đi ngủ. Sâu trong rừng, tiếng
chim kêu đêm nghe rợn tóc gáy...
Khói bếp lờn
vờn trong căn nhà thiếu ánh sáng, vẽ nên những hình thù ma quái, chập chờn. Có
tiếng ai mở cửa, cánh cửa di chuyển kêu ọt ẹt. Cô gái bước vào, đặt những thứ đang
xách trên tay xuống, lại bếp khơi khơi hòn than vùi trong tro ấm, cho thêm vài
nhành củi. Hồi sau, lửa bén, tiếng củi cháy nghe tanh tách.
Mày về rồi
hả?
...
Sao mày không
trả lời, mày ghét tao thế sao...? Thôi, tùy mày, tao không cản nữa... mày muốn đi
thì mày cứ đi, đừng lo cho tao...
Sao amí nói
thế, con không lo thì còn ai lo cho amí đây...
Tao sống một
mình quen rồi, mày đi thì tao cũng không buồn đến chết đâu. Mày cứ đi đi...
...
Amí nói thế
thôi, chứ trong lòng amí đang đau từng khúc ruột. Chị Rem bỏ đi, bỏ amí, bỏ anh
Kry. Amí buồn, anh Kry cũng buồn, chỉ có chị Rem không buồn. Anh Kry thôi không
sang nhà đã ba tuần nay, anh cũng thôi không nhớ chị Rem nữa. Hôm trước anh bảo
buôn bên kia có người sang hỏi, anh sẽ về bên đó, sắp đeo vòng đồng của người
ta rồi. Anh Kry sẽ không sang đây thăm Ry và amí nhiều như trước nữa. Đôi mắt nâu
amí chợt sâu thăm thẳm, tưởng chừng có màn đêm nào lọt vào đọng lại trong đó.
Amí gượng cười, mừng cho anh Kry.
Amí hơn bốn
mươi, bước qua một đời chồng, amí không nối dây mà ở vậy nuôi Rem và Ry. Người
amí cao to, da ngăm ngăm, tóc quăn tít cháy nắng. Amí hay ngậm cái tẩu thuốc, lâu
lâu lại rít rít, khói thuốc bay vòng vèo. Amí ngồi bên bếp lửa, vừa cơi lửa vừa
ngậm tẩu thuốc, Rem và Ry ngồi cạnh. Buổi tối, ba mẹ con cùng ngồi quanh bếp lửa,
nướng ít bắp già hay ngồi rang bắp khô, Rem và Ry ngồi nhai lép nhép. Cái thú của
tụi con nít thưở còn thơ. Ấy vậy mà vui lạ.
Cái thời ấy
qua lâu rồi, chị Rem giờ đã lớn, Ry cũng lớn. Rồi thì mỗi người mỗi cách nghĩ,
hướng đi riêng. Buôn của Ry giờ đông vui nhộn nhịp, đường ngang ngõ dọc chạy thẳng
tắp. Người trên phố hay ghé về, lục tìm thứ gì đó, rồi đi. Họ khác người ở đây,
từ lối ăn nói đến cách ăn mặc. Họ là người thành phố mà.
Hai chị em Rem và Ry mỗi người mỗi nét. Chị Rem mảnh mai, cao dong dỏng, da
ngăm nhưng tươi tắn, nhìn thích mắt. Ry cũng da ngăm, nhưng lùn hơn chị. Ry có
chiếc răng khểnh, đôi mắt sáng. Chị Rem lớn hơn Ry hai tuổi mà ra chiều thiếu nữ
lắm, đám con trai trong buôn cứ đi theo hoài, nhưng mà chị Rem không ưng người
nào. Chị Rem hay ngồi một mình bên bờ suối, suy tư rồi bất chợt cười một mình.
Anh Kry lớn hơn Rem một tuổi. Hồi nhỏ ba anh em hay chơi chung. Anh Kry dạy chị
em Rem thả diều, cưỡi bò và đi tắm suối. Thời đó lông nhông cả ngày, về tới nhà
là trời sẩm tối, amí thường la mắng, sao chúng mày ham chơi không chịu nhìn mặt
trời mà tìm lối về nhà. Sau này cả ba lại đi học chung, chị Rem chỉ cho Ry với
anh Kry cách đọc, cách viết. Chữ anh Kry xấu tệ, nguệch ngoạc như giun bò nên bị
chị Rem chê hoài.
Ba người thân nhau là thế, cứ tưởng rằng chị Rem với anh Kry rồi sẽ thành một
cặp. Nhưng lớn lên rồi, mọi thứ đều khác. Anh Kry có thích chị Rem, chắc là thế.
Đi rừng về, anh hay dành riêng cho chị một nhành lan rừng mọc bám vào thân cây,
anh cưa ngang đoạn cây, giữ gìn cẩn thận sợ làm hoa lan héo. Nhưng chị Rem chẳng
để ý điều đó, hoặc cố tình không để ý. Chị nhận hoa lan của anh với sự thờ ơ, hờ
hững. Chị bảo, hoa đẹp rồi cũng tàn, đẹp chỉ là khi chúng ở trên cành, hoặc là
chúng được chăm sóc nâng niu...
Chị Rem thích xem phim. Nhà ama Yoi có cái ti vi màu cũ chiếu phim vào buổi
tối, tối nào chị cũng đi xem, xem rồi về hay ngồi ngẩn ngơ, cười mỉm. Anh Kry
không thích xem phim lắm, nhưng tối nào cũng qua xem, đi cùng chị Rem, rồi đưa
chị về. Hầu như ngày nào cũng thế, như thể đó là điều hiển nhiên và cũng không
mấy ai bận tâm nhiều, trai gái thanh niên mà, tuổi đó nó vậy.
Rồi một hôm,
có một nhóm làm phim về buôn tìm kiếm diễn viên cho bộ phim mới. Chị Rem đăng ký
đi liền, rồi chị đậu thật, và chị đi, chắc chắn là chị đi. Trước ngày chị đi,
amí hỏi chị có phải con amí không? Chị nhìn amí trân trân, vẻ khó hiểu. Amí nói,
nếu chị là con amí thì hãy ở nhà, đừng đi theo người ta, con gái trong buôn này
chưa ai đi xa cả, amí không muốn chị đi như thế. Rem ngậm ngùi, nước mắt lưng
tròng. Thôi thì, không đi nữa. Rem trở nên ít nói ít cười, cứ ra vào lầm lũi như
cái bóng, chẳng nói chẳng rằng. Một đêm nọ, Rem khóc. Ban đầu chỉ khóc thầm, rồi
trở nên rấm rứt, amí nghe được, hỏi lý do, hỏi hoài chị không nói, amí tức rồi
amí chửi. Chị lặng im, không khóc thêm.
Căn nhà xưa
bỗng vắng tiếng nói cười, Rem không còn bước ra bước vào với những câu hát thầm
lẩm nhẩm trong miệng, đôi mắt trong biết nói không còn mở to ngước nhìn bầu trời
mơ mộng nữa, chị Rem đi thật rồi. Amí lặng câm, ra vào như cái bóng, ngọn khói
tẩu thuốc vẫn trôi vòng vèo trong không khí, có điều, nó bỗng trở nên câm lặng
nhiều hơn. Ry nhìn đôi mắt amí, đôi mắt sâu và đen, một màu tối thăm thẳm, và
buồn. Ry biết, amí thương chị Rem nhiều lắm, nhớ chị Rem nhiều lắm, có điều amí
không nói ra thôi. Dường như mọi sự nhớ thương đều được amí dồn nén vào làn khói
thuốc cả, bởi thế, amí lặng thinh không nói câu nào. Ngày anh Kry làm lễ cưới, đeo
chiếc vòng đồng của chị Nhon ở buôn bên, amí lặng lẽ quay đi, lầm lũi bước vào
chái bếp, cời lại ngọn lửa đã tắt ngúm,
than cũng chẳng còn hồng. Anh Kry làm rể bên đó, ngày ngày cùng vợ lên đồi, hai
vợ chồng xem chừng hạnh phúc, anh Kry cũng hiền lành lại chịu khó, nhưng biết
sao được, anh không có duyên làm rể nhà amí, nên đành thôi.
Một năm trôi
qua mà tóc amí bạc hơn nửa đời người, amí thôi không nhớ thương chị Rem nữa, có
lẽ vậy. Amí vẫn lặng lẽ, ra vào như cái bóng, trong ngôi nhà dài quạnh vắng.
Anh Kry giờ đã có đứa con gái kháu khỉnh, mắt tròn long lanh, mở to chớp chớp hàng
mi cong, nhìn mà yêu lắm. Amí thường nhìn con bé, lại có chút cảm xúc gì đó, bồi
hồi, rưng rưng. Ry cũng lớn rồi, cũng biết cách dệt được cái chăn đẹp, bổ củi,
giã gạo đã thành thạo. Thôi thì cũng đến tuổi rước rể còn gì.
Đêm, bên bếp
lửa. Hai cái bóng đổ dài trên vách nứa, lập lòe lay lay theo ánh lửa trong đêm.
Amí ngồi trầm ngâm, Ry ngồi bên cạnh. Rồi amí hỏi:
Tuổi thì cũng
tới tuổi rồi. Mày có ưng thằng nào chưa?
... Sao amí
lại hỏi chuyện đó?
Ry ngập ngừng,
thẹn thùng đỏ mặt, bất ngờ trước câu hỏi mà amí chưa bao giờ nhắc đến. Từ khi
chị Rem đi, Ry quen dần với việc không có chị và anh Kry bên cạnh cùng chơi đùa,
đổi công hay đi xem phim bên nhà hàng xóm. Ry thường lủi thủi một mình, lâu lâu
cũng đi chơi với mấy cô gái khác cùng tuổi. Nhưng mà đi thế thôi, chứ có bao giờ
để ý chàng trai nào trong buôn đâu, giờ amí hỏi thế, không lẽ nào...
Tao hỏi thế
thôi, mà mày cũng đến tuổi rồi mà, nhà mình không có bóng dáng đàn ông, ra vào
cũng buồn. Mày rước chồng về rồi sinh đứa con cho tao có cháu bế, tao thèm nghe
tiếng con nít cho nhà bớt hiu quạnh... Con Rem nó đi rồi, không biết giờ đang ở
đâu. Tao cũng già rồi, không buồn nhớ nó nữa, nó không còn là con tao nữa rồi.
Giờ mỗi mày là con gái tao, mày không nuôi tao thì tao ở một mình, nhưng dù sao
thì tao cũng phải cưới chồng cho mày chứ.
Vậy... có
ai đánh tiếng rồi hả amí?
Ừ, tao nghe
anh em nhà thằng Y Bap có ướm hỏi rồi, nếu được thì tao bảo cậu mày sắm cái vòng
đồng với con heo nái mang qua đó hỏi chuyện. Tao thấy thằng Bap cũng được, nó
hiền lành, lại có bằng cấp, đi làm cũng được thời gian rồi, nó lại thích mày,
thế thì cũng tốt. Mày thấy thế nào?
Sao nhanh
thế amí, con chưa muốn lấy chồng đâu. Con còn nhỏ mà...
Nhỏ gì nữa,
tao già rồi, hồi bằng tuổi mày đã sinh con Rem đấy, đời người chẳng mấy, đến
khi tao đi gặp ama mày ở buôn atau còn có cái mà kể, chứ mày chưa lấy chồng thì
tao chưa yên tâm được. Nhà mình không nhiều đất rẫy gì, tao cũng chỉ có mình mày,
thôi thì rước chồng cho mày rồi tao chia luôn cho vợ chồng mày mảnh đồi bên
kia, cứ thế mà làm, phần tao thì có vạt đồi cuối buôn là đủ tao tỉa lúa ăn dần...
...
Câu chuyện
của hai mẹ con còn tiếp nữa, dù Ry chưa thực sự ưng, nhưng amí có vẻ đã quyết định
rồi, Ry cũng không muốn làm amí buồn, amí buồn chị Rem là đủ rồi, Ry sẽ nghe
theo amí.
Ngày cưới của
Ry có đông anh em họ hàng đến chúc mừng. Ông aê Bap đứng ra làm chủ hôn, tận
tay đeo nhẫn vào ngón tay cháu dâu, bên này thì ama Ben đại diện nhà gái trao
nhẫn cho chú rể. Họ hàng nhà gái mang quà mừng là vòng đồng đeo vào cổ tay chú
rể, bao nhiêu vòng đồng là bấy nhiêu anh em bên nhà gái. Chiếc chăn thổ cẩm rộng
năm đường khung dệt do Ry tự tay dệt được đem ra làm của sính lễ biếu mẹ chồng.
Năm ché rượu vít cần liên tục, con heo nái nuôi cả năm tuổi dành làm của lễ cho
mẹ chồng được làm thịt ngay hôm đó, còn phần lễ cha chồng thì tính ra tiền mặt.
Mọi người ăn uống vui vẻ mừng hạnh phúc đôi trẻ. Tiệc tan, mọi người ngà ngà
say, hơi men rượu cần thơm thơm đưa theo gió.
***
Cuộc sống cứ
bình lặng trôi đi, buôn Êa Kuôl cũng từng ngày thay đổi, hòa theo nhịp sống hiện
hữu. Buôn Êa Kuôl bây giờ khá giả hơn trước, người dân có thêm tivi, máy cày, bắt
kịp nét hiện đại. Ngôi nhà dài của amí Rem (bây giờ là aduôn Nyna) đón thêm thành
viên mới, bé Nyna ra đời trong sự mừng vui của cả nhà, nhất là bà ngoại. Nụ cười
móm mém của bà lại xuất hiện sau tháng ngày tưởng chừng đã mất đi mãi mãi. Ry
(giờ là amí Nyna) giờ làm cán bộ phụ nữ, cùng chồng làm việc ở xã. Ngày thường
hai vợ chồng đi làm ở xã, lâu lâu thì cùng vác cuốc ra thăm vườn. Hai vợ chồng
hạnh phúc, điều đó cả buôn này ai cũng công nhận.
***
Amí đón nhận
những niềm vui mới ở tuổi xế chiều trong ngôi nhà bi bô tiếng con nít. Một ngày
trời đẹp, nắng tỏa vàng những con đường đất đỏ chạy khắp buôn, chị Rem trở về,
trên chiếc ôtô bốn chỗ đời mới. Mọi người ùa ra xem người cô gái lạ về buôn, mái
tóc vàng, cách ăn mặc sang trọng. Chị Rem giờ đã là người nổi tiếng, chị có mặt
trong nhiều bộ phim truyền hình được chiếu trên tivi, cả buôn này ai cũng biết.
Hôm nay chị về lại buôn mình, về gặp lại amí. Amí đón chị bằng nụ cười vui mừng
và hạnh phúc, nụ cười rạng ngời giữa cái nắng ban trưa. Amí thôi không còn giận
chị Rem nữa, chị vẫn là cô con gái của amí như ngày nào. Amí còn yêu chị lắm.
Người nổi
tiếng về buôn, mà lại là người con trong buôn. Điều này chưa từng có ở buôn Êa
Kuôl, nhưng nó không phải là điều quan trọng, chị Rem đã về đoàn tụ cùng gia đình,
đó là điều hạnh phúc nhất.
Trại sáng tác, Gia Lai, Tháng 6. 2013
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét