MÂY VÀ SÓNG
CỦA RA-BIN-ĐRA-NAT TA-GO
Mẹ ơi, trên mây có người gọi con:
“Bọn tớ chơi từ khi thức dậy cho đến lúc chiều tà. Bọn tớ
chơi với bình minh vàng, bọn tớ chơi với vầng trăng bạc”.
Con hỏi: “Nhưng làm thế nào mình lên đó được?”.
Họ đáp: “Hãy đến nơi tận cùng trái đất, đưa tay lên trời,
cậu sẽ được nhấc bổng lên tận tầng mây”.
“Mẹ mình đang đợi ở nhà-con bảo-Làm
sao có thể rời mẹ mà đến được?”.
Thế là họ mỉm cười bay đi.
Nhưng con biết có trò chơi thú vị hơn, mẹ ạ.
Con là mây và mẹ sẽ là trăng.
Hai bàn tay con ôm lấy mẹ, và mái nhà ta sẽ là bầu trời
xanh thẳm.
Trong sóng có người gọi con:
“Bọn tớ ca hát từ sáng sớm cho đến hoàng hôn. Bọn tớ ngao
du nơi này nơi nọ mà không biết từng đến nơi nao”.
Con hỏi: “Nhưng làm thế nào mà mình ra ngoài đó được?”
Họ nói: “Hãy đến rìa biển cả, nhắm nghiền mắt lại, cậu sẽ
được làn sóng nâng đi”.
Con bảo: Buổi chiều mẹ luôn muốn mình ở nhà, làm sao có
thể rời mẹ mà đi được?”.
Thế là họ mỉm cười, nhảy múa lướt qua.
Nhưng con biết trò chơi khác hay hơn.
Con là sóng và mẹ sẽ là bến bờ kỳ lạ,
Con lăn, lăn, lăn mãi rồi sẽ cười vang vỡ tan vào lòng mẹ.
Và không ai trong thế gian này biết mẹ con ta ở chốn nào.
(Nguyễn Khắc Phi
dịch, có tham khảo bản dịch của Đào xuân Quý)
Trước hết, phải nói ngay rằng, Ấn Độ
chính là quê hương của những tác phẩm sử thi vĩ đại, có ảnh hưởng rộng rãi trên
toàn thế giới, đặc biệt là các dân tộc thuộc vùng Đông Nam châu Á. Sử thi Ấn Độ
cổ đại, lớn về dung lượng, giá trị nghệ thuật lại cao siêu, lấp lánh hào quang,
mang tầm vóc vũ trụ.
Ta-go (1861-1941) là người con sinh ra
từ đất nước có nền văn hoá sâu rộng và rực rỡ như vậy, chắc chắn, ông đã từng uống
dòng sữa ngọt ngào mê hoặc của sử thi dân tộc mình, văn hoá dân tộc mình mà lớn
lên, trở thành một nhà thơ lớn, tầm cỡ nhân loại. Năm 1913, ông là nhà văn châu
Á đầu tiên đoạt giải Nô-ben văn chương, với tập “Thơ Dâng” đặc sắc.
Những bài thơ hay nhất của Ta-go, theo
tôi, đều thấp thoáng bóng dáng của thi pháp sử thi Ấn Độ cổ đại, đặc biệt là
thiên nhiên, nghệ thuật miêu tả thiên nhiên, làm “dung môi” cho tâm trạng con
người.
Bài thơ tình nổi tiếng “Nói với
chim” của Ta-go và đây nữa, “Mây và Sóng”… có thể xem là những ví dụ
tiêu biểu cho thi pháp vận dụng truyền thống trong sáng tạo nghệ thuật thơ ca của
ông.
“Mây và Sóng” là một bài thơ văn
xuôi, cấu trúc như hai phần khác nhau. Cấu trúc mỗi phần lại tương tự như nhau,
và thống nhất trong một chỉnh thể nghệ thuật. Có yếu tố kỳ ảo. Có yếu tố tự sự,
đan xen hoà quyện, tự nhiên và hấp dẫn, sống động vô cùng.
Bài thơ thể hiện lời kể của một em bé,
với người mẹ thân yêu của mình, cho dù chỉ là một người mẹ trong tâm tưởng, dường
như đang im lặng lắng nghe, về những chuyện vừa hiện ra lãng đãng ở trong mây,
trong sóng, cũng do chính em bé tưởng tượng ra.
Mở đầu là cảnh trên mây. Những người ở
trên mây, có lẽ là những Tiên Đồng, những Ngọc Nữ đang bay lượn nhởn nhơ vui chơi,
rủ rê em bé bằng những lời có cánh sau đây: “Bọn tớ chơi đùa từ khi thức dậy
cho đến lúc chiều tà. Bọn tớ chơi với bình minh vàng, bọn tớ chơi với vầng trăng
bạc”… Quả là một cuộc chơi kỳ thú, thoả thích bay nhảy tự do, vô tư trong
trẻo. Một cuộc chơi vui vẻ, bất chấp thời gian, chẳng hề có ai ngăn cản, “từ
khi thức dậy, đến tận lúc chiều tà…”. Mà hơn thế, “chúng tớ” lại chơi
với “bình minh vàng và vầng trăng bạc” nữa kia! Quả là những mời gọi hấp
dẫn, dường như khó có thể chối từ! Thế thì thích quá còn gì! Em bé của chúng ta
không thể không vân vi, không thể không nghĩ ngợi: “Nhưng làm thế nào mà mình
lên đó được?”! Lại có cả chỉ dẫn rạch ròi, nếu như bé thích, sẽ được người
ta “nhấc bổng lên tận tầng mây”…
Vẫn chỉ là một thoáng vân vi, một chút đê mê,
rồi chợt tỉnh. Bé bảo: “Mẹ mình đang đợi ở nhà. Làm sao có thể rời mẹ mà lên
đó được”! Thế rồi những người trên mây đành thông cảm, “mỉm cười rồi bay
đi”…
Tưởng
như thế giới kỳ ảo ở trên mây đã hút hồn em bé, nhưng cái gì đã giữ chân bé lại
mà không bay lên trời vui chơi với những người trên mây? Đó chính là người mẹ của
bé! Người mẹ gần gũi với tình yêu bao la của mẹ đã khiến bé không thể rời xa mẹ.
Rồi bé đã tưởng tượng ra một cuộc chơi thú vị hơn: Bé làm “mây” còn người
mẹ quý yêu của bé sẽ là “trăng”. Và “hai bàn tay con sẽ ôm lấy mẹ”,
“và mái nhà ta sẽ là bầu trời xanh thẳm”… Một tưởng tượng hợp lý, không
xa những trò chơi hấp dẫn, kỳ ảo ở trên trời, phù hợp với tâm lý trẻ thơ. Một
ngôi nhà hạnh phúc của tình mẫu tử, không thể có gì đẹp hơn.
Phần đầu, có thể xem như một chiến thắng
của bé, chiến thắng chính mình. Cánh diều tưởng tượng của bé vẫn bay và sợi dây
diều không đứt. Đó cũng là chiến thắng của tình mẹ con, còn mạnh hơn cả sức mạnh
thánh thần, ma mị…
Phần hai, lại là một thử thách khác,
không phải ở trên cao rực rỡ sắc màu, mê hoặc, mà là một sự mời gọi ở bề xa, với
những âm thanh và hình ảnh lạ lùng, tươi vui, nơi sóng biển điệp trùng. Hãy
nghe những người trong sóng mời gọi bé: “Bọn tớ ca hát từ sáng sớm cho đến
hoàng hôn/ Bọn tớ ngao du nơi này nơi nọ mà không biết từng đến nơi nao”!...
Thế thì thích quá còn gì! Chắc là bé nghĩ vậy. Trong trí tưởng tượng hồn nhiên
của bé, cuộc chơi với sóng sẽ vô cùng thú vị. Biển cả mênh mông tràn ngập tiếng
cười vui vẻ. Ở đó, có lẽ còn có cả những nàng tiên cá xinh đẹp, có cái đuôi yểu
điệu như một vờ vĩnh, còn khuôn mặt nàng tiên cá thì… phải đẹp như tiên trên trời…
Cơ hội hiếm có như thế này, sao có thể bỏ qua cho được! Lại cũng chỉ cần bé “hãy
đến bên bờ biển cả, nhắm nghiền mắt lại, sẽ được sóng nâng đi”.
Nhưng mà bé lại phân vân, và cuối cùng,
bé trả lời dứt khoát: “Buổi chiều mẹ luôn muốn mình ở nhà/ làm sao có thể rời
mẹ mà đi được?” Rủ rê mãi không xong, cuối cùng, những người trong sóng lại
“mỉm cười” rồi “nhảy múa lướt qua”…
Tiếc thật đấy, nhưng bé thì lại nghĩ
ra một trò chơi khác, có thể còn hay hơn nữa kia. Bé sẽ làm “sóng” còn mẹ
của bé sẽ làm “bờ’, “một bến bờ kỳ lạ”. Mẹ con ta sẽ vui chơi thoả
thích. “Con lăn, lăn, lăn mãi rồi sẽ cười vang vỡ tan vào lòng mẹ”. Và rồi
không ai trên thế gian này biết mẹ con ta ở chốn nào”… Hình ảnh con (Sóng)
cứ vô tư vui vẻ mà “lăn, lăn, lăn mãi rồi sung sướng cười vang, vỡ oà vào bến
(mẹ), vào lòng mẹ bao dung. Và còn hơn thế nữa, tình cảm mẹ con ta sẽ hoà quyện
vào nhau, bay lên tận trời xanh, hoá thành mênh mông bất tận, “không ai có
thể biết mẹ con ta đang ở chốn nào”… Thật là một câu thơ tuyệt hảo. Hình ảnh
thăng hoa thành biểu tượng, sinh động, lan toả điệp trùng, ngân nga không dứt.
Như thế là phần hai tiếp nối và bổ
sung cho phần một, hoà âm hoà sắc với nhau, cùng tôn vinh một tứ thơ không lạ,
nhưng đặc sắc ở nghệ thuật tạo dựng những hình ảnh mang ý nghĩa tượng trưng kỳ
vĩ, giàu sức biểu cảm.
Ta-go đã rất thành công trong nghệ thuật
tôn vinh một phẩm chất đẹp đẽ và thiêng liêng của con người, đó chính là tình mẫu
tử, như một vẻ đẹp nhân văn vĩnh cửu của loài người. Hầu như bất cứ người làm
thơ nào trên trái đất cũng một đôi lần viết về tình mẫu tử. Tuy nhiên, cũng chỉ
mới thấy ở Ta-go, một hồn thơ khoáng đạt, mang tầm vóc của trời đất, đã sáng tạo
được bài thơ đẹp như một tiếng cười trong trẻo của trẻ thơ, lại sâu sắc như một
hiền triết phương đông.
“Mây và Sóng” không chỉ có thế.
Nó còn lung linh huyền ảo những triết lý sâu xa mà gần gũi, rằng hạnh phúc chẳng
ở đâu xa, nó ở ngay đây, quanh đây, dưới mái nhà này, sao phải nhọc công tìm kiếm.
Rằng, ở trên cõi đời này, chỉ có tình mẫu tử là cao đẹp nhất, trong sáng nhất,
phải biết nâng niu, gìn giữ.
Một bài thơ viết nhẹ như một áng mây
bay, như một tiếng cười trong veo con trẻ, mà sao nặng trĩu nội hàm tư tưởng?
Người mẹ lặng im không nói gì, chỉ có Thơ là nói rất nhiều, còn mây và sóng thì
hát ca không nghỉ…
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét