Thứ Sáu, 30 tháng 8, 2013

SỐ: 252 - tác giả VŨ THỊ HUYỀN TRANG





GÓC TRỜI THƠ ẤU…
Tản văn



Bạn tôi học nhiếp ảnh, ra trường vì kiếm cơm mà nhận làm đủ thứ việc từ chụp ảnh cộng tác các tạp chí đến chụp ảnh đám cưới, đám ma... Thế mà mấy năm không gặp nhau, một hôm nhận được giấy mời đến xem triển lãm ảnh của bạn khiến tôi không khỏi bất ngờ. Bước vào phòng trưng bày, tôi được chìm đắm trong không gian của làng quê lấp lánh sắc màu tuổi ấu thơ. Tôi gặp lại những ánh mắt trẻ thơ trong trẻo, con nghé ọ bằng lá mít, từng cánh diều bay chấp chới giữa bầu trời mùa hạ, cảnh bắt cá rô đồng trong cơn mưa. Bạn cười hạnh phúc, nói đây là món quà mà bạn muốn tặng tôi, tặng cho những tháng năm khờ khạo đầy tươi đẹp. Thế mới biết, đâu chỉ có mình tôi mới cất giấu trong mình một góc trời thơ ấu, nơi chúng tôi từng nằm xuống vệ cỏ ven đường khúc khích kể về cô bạn gái bé tí xíu có mái tóc xoăn vàng và hay khóc thút thít nhà bên…
Thỉnh thoảng tôi trở về làng thì nghe tin bạn vừa mới đi xong, cũng có hôm bạn điện rủ tôi về cùng thì công việc lại ngập đầu ngập cổ. Hiếm hoi lắm mới có dịp gặp nhau, lại quần đùi cởi trần vác súng sang rừng tràm bắn cò, tối về dắt theo chai cuốc lủi. Hôm thì rủ nhau đi bắt ốc, gặp trời mưa nửa đêm gọi nhau đi soi ếch. Dường như không khi nào trở về quê mà thiếu những trò vui, cái mùi lấm lem bùn đất trong chúng tôi vẫn chưa hề đánh mất. Sang nhà bạn chơi vào mùa na, thục tay vào đống rơm ngoài cổng là thể nào cũng kiếm được vài ba quả chín. Thấy ngoài vườn có đống khói thơm là chắc mẩm sẽ được thưởng thức món sắn lùi hay ngô khoai nướng. Bạn bảo đấy là đặc sản quê hương, trên đời chẳng có thứ gì bùi ngùi như hương vị của thời mắt biếc. Chúng tôi vẫn chẳng khác đứa trẻ lên mười, dù đi xa khắp nơi nhưng vẫn tìm niềm vui nơi bờ đồng gốc rạ.
Vài năm nay làng quê bỗng chốc đổi thay nhiều. Khu rừng nơi ngày bé chúng tôi luồn lách đi tìm hạt dẻ và hái sim mua giờ biến thành nhà máy chế biến chè. Cánh đồng trước nhà giờ mọc lên nhà máy xi măng, ống khói cao chọc trời, thỉnh thoảng lại ầm ầm tiếng khai thác đá trên núi cao. Ngay cả đất thổ cư cũng bị lấn làm quốc lộ cho xe công ten nơ chạy. Bà con nông dân không còn đất cấy lúa phải xoay xở đủ đường, người già mở hàng quán bán cho công nhân, người trẻ nộp đơn xin vào nhà máy. Trẻ con hụt hẫng vì mất chỗ chơi, trâu không còn chỗ thả, rồi vắng mùa mót lạc, mùa bắt cua tát tép. Bạn về quê nhìn lũ trẻ vùi đầu trong các quán net chơi điện tử mà lắc đầu buồn. Đâu rồi que mốt que mai, nu na nu nống, bịt mắt bắt dê… Cỏ gà cũng không tìm thấy để chọi nhau, không còn dế để hun, không còn bầy chim non và cánh đồng đầy cào cào châu chấu. Tôi thấy bạn thảng thốt buồn mà không khỏi xót xa. Một góc trời ấu thơ của chúng tôi chỉ còn trong kí ức…
Rồi thì bạn ít về quê hơn nên chúng tôi càng chẳng mấy khi có dịp ngồi bên nhau nói chuyện tào lao và ôn kỉ niệm. Bạn lại mải mê rong ruổi đi tìm những khoảnh khắc đẹp ở một vùng quê nào đó. Tôi cũng mong bạn sẽ tìm thấy chốn bình yên để nương nhờ, neo đậu tâm hồn những khi lòng mệt mỏi. Còn tôi, mỗi khi nhìn lũ trẻ không có chỗ chơi thì thương khúc đồng dao vỡ òa trong tiếng máy móc, xe cộ ầm ầm sáng tối. Lũ trẻ bây giờ thiếu vắng thảm cỏ xanh để cùng nhau nằm ngửa mặt lên trời thủ thỉ về những ước mơ diệu vợi. Tiếng ru con à ơi cũng va vào nhà cửa quán xá san sát mà vỡ vụn. Ừ thì ngay cả lời ru cũng không đủ rộng dài, thương thân phận con cò trong câu ca dao đang hát ru giữa chừng thì tắt lịm. Mà kể cũng lạ, lũ trẻ dần quen với cuộc sống của nền công nghiệp hóa nên không còn thấy thiệt thòi thì cớ sao tôi lại luôn lo chúng thiếu thốn để rồi thương. Bạn cười bảo:
- Sau này con chúng mình về quê nội không nhẽ chỉ để chơi điện tử và ngắm bê tông?
Tôi cũng giật mình:
- Ừ nhỉ…


























Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét