Thứ Năm, 29 tháng 8, 2013

SỐ: 252 - tác giả NGUYỄN THỊ BÍCH THIÊM


 Tác giả NGUYỄN THỊ BÍCH THIÊM 

CỦ SẮN QUÊ TÔI

Ký của NGUIYỄN THỊ BÍCH THIÊM


Tôi sinh tại vùng quê trung du nghèo của Bắc Bộ, nơi có những con đường đất đỏ mịn màng lượn quanh những  đồi cọ  hiền hoà. Người dân quê tôi hiền lành thuần phác, sống với nhau trọn nghĩa vẹn tình.
Như đa phần các làng trung du khác, quê tôi diện tích trồng lúa nước chỉ chiếm khoảng 60%, còn lại toàn là đồi – thứ đất đỏ thích hợp với cây sắn. Có thể nói, lũ chúng tôi lớn lên là nhờ  củ sắn của quê hương… Ngay từ khi còn nhỏ, tôi đã biết phân biệt các giống sắn: giống thân cao, màu xanh, cuống lá màu vàng, củ không to lắm, vỏ  màu trắng, khi luộc chín có màu vàng, ăn dẻo chứ không bở là sắn nghệ; còn giống cây cao, cuống lá màu đỏ, củ thường mập, thuôn ở đầu, vỏ có màu đỏ sậm, khi luộc chín có màu trắng, bở tơi là sắn chuối; thứ gần giống như sắn chuối, nhưng vỏ củ có màu trắng, là sắn nếp; rồi một giống cây thấp, lá xẻ nhiều thùy, thân cây nhiều mắt hơn, rất sai củ, nhưng củ không nhiều bột bằng mấy loại sắn kia và lại rất đắng, rất độc nếu chưa ngâm hay chế biến, loại này gọi là sắn dù…
Củ sắn ngày ấy là lương thực chính của dân quê tôi. Sắn đào về (quê tôi gọi là “dỡ”) bóc bỏ vỏ, rửa sạch, cắt khúc ngắn, có thể chẻ đôi, nếu củ lớn, để khi nồi cơm đã sột sệt gần cạn là bỏ vào hấp. Cơm cạn, ủ thêm mươi, mười lăm phút nữa là chín tới. Bữa cơm dọn ra, người ngồi ngoài cùng (gọi là ngồi đầu nồi) thường là mẹ hay cô gái lớn trong nhà, sẽ ý tứ bới những chén cơm trắng dành cho người già, trẻ nhỏ, người đang cần nhiều dinh dưỡng… Còn lại, xới đều cho mọi người. Chén cơm ngày ấy, một khúc sắn cõng ít hạt cơm, ăn cùng đọt sắn muối chua nấu cùng cá cờ, cá mài mại mẹ bắt được ở mương nước nơi cánh đồng xa. Đơn sơ, đạm bạc nhưng cũng giúp quên đi cái đói trong những lúc tháng ba ngày tám.
Sắn tươi có thể bào mỏng, đồ như đồ xôi cùng với đậu đen hoặc loáng thoáng vài hạt gạo nếp, chấm với muối lạc giã nhỏ cũng có một mùi vị riêng. Hoặc sắn luộc chín, rồi giã trong cối đá, nặn tròn và quệt ít mỡ lợn ở ngoài, thế là thành bánh dầy sắn, ấm bụng lúc sáng sớm hay nửa chừng buổi làm.
Ngoài ra, sắn cũng có thể làm bột lọc, củ sắn mài (hay giã) nhỏ, ngâm,  lọc chắt nhiều lần cho thật trắng và hết nồng, sau đó đem ra phơi, khi bột khô cất trong chum sành hay lọ để dùng dần. Mấy đứa trẻ trai nghịch ngợm  nhón lấy một cục gói trong lá chuối, dúi vào trong bếp tro nóng. Sau ít phút sẽ có một gói bột trong trong, dai dai, từa tựa như bánh bột lọc của miền Trung vậy… và với cái dạ dày đang đói thì cũng là món ăn hấp dẫn, nhất là khi chấm với nước mắm ớt cay chua.
Nhưng có lẽ ngon  nhất là ăn sắn nướng. Tụi trẻ, vốn tinh nghịch, luôn “phát kiến” ra những kiểu nướng khác nhau. Thông dụng nhất là khi chăn trâu trên núi, cả tụi đuổi trâu lên núi cho ăn cỏ, rồi xúm vào nhổ (hay moi) trộm sắn ở nương nhà ai đó. Tụi con gái đi vơ củi, lá cây. Lửa nhóm lên cháy bùng bùng. Rồi vùi củ sắn vào đống tro đó. Cả lũ chạy đi tìm quả rừng ăn, ít phút sau quay lại, bới ra. Gạt bớt lớp vỏ cháy đen bên ngoài, củ sắn đã chín, vỏ nứt vài đường, lộ phần tinh bột trắng tinh, bở tơi, thơm lừng. Cắn một miếng sắn bùi béo, nóng bỏng môi, quệt mũi cười mà không để ý rằng đã quệt nhọ lên mặt. Nếu ở nhà, lịch sự và đỡ sợ nhọ mặt hơn là cách bọc khúc sắn bằng nhiều lớp giấy, vùi vào cạnh bếp tro lúc nấu cơm. Khi nào áng chừng lớp giấy đó cháy gần hết thì lấy ra. Sau lớp giấy đó là màu vàng ươm của sắn, ăn vào bở tơi, nghẹn tắc ở cổ, phải chiêu ngay vài ngụm nước mới khỏi.
Sắn thường thu hoạch vào khoảng tháng 10, tháng 11 âm lịch, nhưng đôi khi mới tháng 8, người dân đói kém đã phải nhổ sắn non lên để ăn. Sắn non thường ít tinh bột hơn và năng suất thấp do chưa phát triển hết. Khi đã đủ tháng, nhổ sắn về, người ta thường thái lát phơi khô để làm lương thực dự trữ cho người và vật nuôi; khi nào muốn sử dụng thì phải nghiền nhỏ và chế biến tiếp thành những món ăn. Món bánh sắn là món hay gặp hơn cả. Để đổi món cho đỡ chán, người mẹ đã khéo léo nhào bột cùng với chuối ngốp chín (loại chuối quả to, gần giống chuối mốc ở miền Trung) nặn quanh một chiếc đũa, khi rút ra sẽ thành chiếc bánh rỗng ở giữa, gọi là bánh tu hú. Cũng có khi bố hay anh trai chặt được một tổ kiến ngạt (loại kiến khá to, mình đen, thường làm tổ bằng cỡ trái bưởi to hay chiếc mũ bảo hiểm trên ngọn cây nhãn) giũ ra những ấu trùng kiến trắng ngần. Ấu trùng đó xào qua rồi cho vào làm nhân bánh. Khi đồ xong, lấy bánh ra, ăn có vị bùi, béo ngậy và ngọt của ấu trùng kiến, ăn một lần rồi nhớ mãi không quên.
Sắn, dù ăn khô hay tươi đều dễ gây cảm giác nóng cổ, và nếu không cẩn thận sẽ bị ngộ độc (mà người già thường nói nôm na là “say sắn”). Khi đó, người ta cho bệnh nhân ăn mật mía hoặc uống nước đường thì sẽ khỏi. Trẻ con vùng sắn đều được người lớn nhắc để biết rằng những cây sắn nào bón bằng phân gà hay mọc gần rễ cây xoan sẽ có củ đắng và ăn sẽ say, nên nhà nào có điều kiện, mẹ cũng để sẵn một chén nhỏ mật mía để các con chấm khi ăn.
Cây sắn quê tôi âm thầm chắt chiu chất mùn từ những triền đồi đá sỏi để cho đời những củ sắn làm no lòng người những lúc đói bụng, gian nan. Và người quê tôi cũng đáp lại sắn bằng tình thương mến, quý trọng; người với người đối đãi với nhau bằng sự mộc mạc chân chất như hạt lúa củ sắn quê mình. Một nhà có việc dù vui hay buồn đều được mọi người xung quanh đến an ủi sẻ chia. Ngày đó nhà cửa còn thưa thớt, một quả gò có khi chỉ có vài nhà ở, vậy nên tình làng nghĩa xóm càng chan hoà thân thiết. Tôi nhớ cứ Tết đến là mấy nhà chung nhau (mà quê tôi gọi là “đụng”) mổ một con lợn, lúc cánh đàn ông bận mổ, thì cánh đàn bà chỉ phụ đun nước luộc hay nhặt rau thơm, giã lạc… để lát nữa các ông đánh tiết canh, làm dồi. Con lợn phanh ra, chia theo mức độ mỗi nhà định mua. Một đùi (là một phần tư) hay nửa đùi (một phần tám) của con lợn. Lúc bà vợ te tái bê thịt về nhà chuẩn bị sơ chế cho ngày Tết thì các ông khề khà bên mâm rượu với tiết canh, lòng lợn. Còn bọn trẻ đang nghếch mắt lên dõi theo quả bóng bay thổi bằng bong bóng lợn (bàng quang) đã được chà xát bằng tro bếp đến khi móng tang và thổi to như quả bóng bay bây giờ. Tụi nó mải nhìn, ngay cả thằng cu Tèo nhà ông Kí, bị mẹ bắt ăn cái “ấy” lợn nướng cho khỏi nghiến răng cũng vừa ăn vừa nghếch mặt lên, chả biết mình vừa ăn  gì nữa.
Trung du quê tôi giờ đã đổi khác nhiều. Nhà máy, công trình công cộng… mọc lên san sát. Nhà nọ cách nhà kia không phải hàng rào cúc tần vấn vít tơ hồng, mà là bờ tường xây kiên cố. Nhìn đó mà lòng thoáng vui buồn đan xen. Con đường đất đỏ mịn màng năm xưa nhon nhón bước chân trần đón anh một chiều nắng muộn giờ đã bê tông hoá khiến tôi tần ngần thẩn thơ khi dạo qua trước những căn nhà kề sát nhau, tưởng như đang lạc đến chốn thành đô nào và lòng rưng rức nhớ anh. Cây sắn cùng các loại “sản phẩm” của nó giờ cũng ít đi. Nó hoàn toàn không xuất hiện trong nồi cơm trong các gia đình ở quê tôi nữa. Người ta chỉ còn thấy thỉnh thoảng một mẹ già ngồi bán rổ sắn luộc và rất ít người mua. Hàng quà bánh nhiều  nên mẹ ngồi đó mà chả bán được là bao. Người phụ nữ lấy chồng xa quê mới về, vừa nếm một miếng sắn mới mua, chị nói: “Bủ ơi! Sắn quê mình ngon quá!” Mẹ cười móm mém mà rằng: “Chị vẫn nói giọng quê nhỉ? Có thấy ngon thật không đới?” Chị cười mà nước mắt rưng rưng. Bà cụ tóc bạc phơ, môi cắn chỉ quết trầu và nét mặt phúc hậu với dáng người nhỏ bé khiến chị như thấy mẹ mình năm xưa vậy.
Củ sắn còn có ở nhiều nơi. Một sáng trong cái nắng vàng sóng sánh của cao nguyên này, tôi chợt thấy một bà mẹ và em bé ngồi bán mấy củ sắn ở góc chợ nhỏ. Tự nhiên buồn lòng với ý nghĩ không biết nồi cơm nhà mẹ có còn phải độn sắn hay không. Và cũng đọc đâu đó những phiên chợ vùng cao ngưòi ta mời nhau bát rượu sắn. Cây sắn gắn bó với nhà nông. Cây sắn chân chất mộc mạc, hồn nhiên giúp nhà nông “đỡ khi đói lòng” ngày nay vẫn đang được triển khai, mở rộng diện tích trồng để cung cấp nguyên liệu cho các nhà máy chế biến thức ăn và một số ngành công nghiệp khác; cây sắn giờ đã dần dần nhường chỗ cho lúa. Nhưng nó vẫn còn cần cho cuộc sống của người nông dân và mỗi chúng ta.
Củ sắn – củ khoai mì – quê tôi. Đó cũng chính là hình bóng quê nhà với những kỉ niệm về con người, cảnh sắc quê hương… Nó đã lưu giữ và giúp làm giàu thêm những tình cảm tốt đẹp cho tâm hồn của mỗi con người, giúp ta thêm trân trọng những ngày ấm no, hạnh phúc hôm nay mà không quên những năm tháng gian khó của một thời chưa xa.






Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét