NHỮNG KỶ NIỆM VỀ Y WƠN
NHÀ SƯU TẦM, BIÊN DỊCH
VĂN HÓA DÂN GIAN ÊĐÊ
Khi nhận được thông
tin Y Wơn mất, tôi không thể nào tin được. Vì trước đó một tuần, Y Wơn có điện cho tôi để hỏi về kết quả tác
phẩm: Lễ bỏ mả của người Êđê M’Dhur (do Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam tài
Trợ trong dịp dự trại sáng tác năm 2012) mà Y Wơn mới hoàn thành bản thảo nộp về
Hội vào đầu tháng 3 năm nay. Tôi trả lời: Tác phẩm này được GS Tô Ngọc Thanh,
Chủ tịch Hội Văn Nghệ Dân gian Việt Nam đánh giá cao, và được chọn đưa vào kế
hoạch xuất bản trong năm 2013. Nếu năm nay, Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam tiếp
tục mở trại sáng tác, chúng tôi sẽ mời Y Wơn tham gia nữa đấy nhé. Y Wơn cười
vui vẻ, và nói: Năm nay được dự trại, mình sẽ biên dịch tập truyện cổ Êdê
M’Dhur, có được không? Ừ, tốt lắm (tôi trả lời).
Thế rồi, 17 giờ 30
phút, ngày 27-6-2013, vợ Y Wơn điện cho tôi: Anh Y Wơn bị tai biến, đưa lên bệnh
viện tỉnh cấp cứu, nay đã mất rồi. Nhận được tin ấy, tôi vô cùng bàng hoàng,
nghẹn ngào không sao nói được thành lời. Một lúc sau tôi mới trấn tĩnh lại rồi điện
thoại để chia buồn và động viên vợ con anh Y Wơn cố gắng vượt qua nỗi mất mát lớn
lao này để lo đám tang cho anh. Sau đó, tôi điện thoại báo tin cho các đồng
nghiệp, để mọi người biết và chia buồn với gia đình anh.
Sau hơn 30 năm làm công tác sưu tầm, nghiên cứu văn hóa dân
gian các dân tộc bản địa Đắk Lắk, tôi với anh Y Wơn có rất nhiểu kỷ niệm. Tôi còn
nhớ, tháng 9-1987, khi mới chuyển về công tác tại Sở Văn hóa-Thông tin Đắk Lắk
(nay là Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch) tôi được sở giao nhiệm vụ dẫn đoàn cán
bộ của Viện Nghiên cứu Văn hóa Dân gian Việt Nam (nay là Viện Nghiên cứu Văn hóa
Việt Nam) đi thực tế ở huyện M’Đrắk. Y Wơn lúc ấy là Phó phòng Văn hóa Thông
tin của huyện, đã tiếp đón chúng tôi chu đáo và hăng hái dẫn chúng tôi đến các buôn làng để điều tra, sưu tầm, nghiên cứu,
văn hóa dân gian của người Êđê M’Dhur. Sau gần hai tuần đi điền dã, chúng tôi đã
sưu tầm được một bản danh mục gồm 30 tên tác phẩm sử thi, và 120 tên tác phẩm
truyện cổ khác nhau cùng nhiều tư liệu quý giá về phong tục, tập quán của người
Êđê M’Dhur.
Sau chuyến đi điền dã này, chúng tôi lên kế hoạch để tiến
hành sưu tầm kho tàng sử thi, truyện cổ của người Êđê M’Dhur ở M’Drắk. Nhờ sự
giúp đỡ nhiệt tình của anh Y Wơn, chúng tôi đã đi đến từng buôn làng gặp các
nghệ nhân để ghi âm các sử thi, truyện cổ. Có những nghệ nhân ở trong rẫy xa tận
xã ÊTrang, chúng tôi nhờ Y Wơn dẫn đến để nghe hát kể sử thi và ghi âm cho bằng
được. Lúc bấy giờ phương tiện đi lại vô cùng khó khăn, đời sống còn nghèo chưa
sắm nổi chiếc hon đa, tôi với Y Wơn phải đèo nhau bằng chiếc xe đạp cà tàng từ
thị trấn M’Drắk đến các buôn làng trong huyện, có buôn làng ở xa đến 70- 80 km.
Nhưng với lòng yêu quý văn hóa của dân tộc mình, Y Wơn đã đưa chúng tôi đến tận
các buôn làng gặp từng nghệ nhân để ghi âm và tìm hiểu vốn văn hóa truyền thống
của đồng bào nơi đây. Tôi còn nhớ, vào khoảng tháng 7 năm 1989, Y Wơn và tôi đã
vượt qua một quãng đường dài hơn 70 km, đến tận rẫy của nghệ nhân Aê H’Lai ở buôn
U, xã ÊTrang để ghi âm tác phẩm sử thi Dăm Tiông. Đến nơi trời đã gần
chiều,thấy chòi vắng vẻ. Nhìn bếp lửa còn chút khói, tôi nói với Y Wơn: Có lẽ
nghệ nhân Aê H’Lai mới đi đâu đó gần đây thôi, ta cố gắng đi ra rẫy tìm xem. Thế
rồi, hai anh em chúng tôi cùng đi ra rẫy. Một lúc sau Y Wơn mới thấy gần bờ suối,
nghệ nhân Âe H’Lai đang vật lộn với một con mang to gần bằng con bò mẹ đang bị
trúng bẫy. Tuy con mang đang mắc bẫy, nhưng nó còn sống, nên Aê H’Lai không làm
sao trói được hai cặp chân của nó. Nhờ sự giúp sức của hai anh em chúng tôi, một
lúc sau con mang đã được trói gọn bốn chân và khiêng về chòi. Aê H’Lai mời chúng
tôi lên chòi uống nước, rồi ông đi gọi thêm ba người làm rẫy gần đó đến giúp việc
làm thịt con mang. Thế là tối hôm đó chúng tôi được một bữa thịt mang ngon lành.
Chúng tôi vừa ăn vừa nghe nghệ nhân Aê H’Lai kể về thú vui làm rẫy ở trong rừng
sâu, thỉnh thoảng câu được cá, bẫy được thú rừng để cải thiện thêm bữa ăn, lại
còn mang thịt về cho gia đình và bà con trong buôn cùng hưởng. Ăn uống xong trời
đã về khuya, Y Wơn nói với nghệ nhân Aê H’Lai: Chúng tôi là cán bộ văn hóa từ
trên tỉnh và huyện về đây để nghe nghệ nhân hát khan (sử thi) Dăm Tiông.
Nghe Y Wơn nói vậy, nghệ nhân Aê H’Lai
như được khơi lại mạch nguồn mà bấy lâu nay đã nằm im trong ký ức. Ông cười hiền
từ, rồi nói: Được thôi, mình sẽ hát cho mọi người nghe. Thế là, nghệ nhân Aê
H’Lai lấy tẩu thuốc châm lửa hít một hơi dài rồi bắt đầu hát ghan Dăm Tiông.
Giọng nghệ nhân trầm ấm, lúc ngân nga bay bổng, lúc nhẹ nhàng khoan thai vang
khắp rẫy nương, sông suối, núi rừng. Chúng tôi dùng hai máy thay nhau ghi âm.
Những người làm rẫy gần đó cũng tụ tập đến nghe kể khan say sưa. Đến khoảng
canh ba, khi con gà bên chòi rẫy gáy vang, nghệ nhân Aê H’Lai dừng lại và nói: Thôi mình nghỉ hát ở đây, để sáng mai còn đi làm rẫy, tối
mai sẽ hát tiếp. Sáng hôm sau chúng tôi lót dạ mỗi người một trái bắp nướng rồi
lên rẫy thu hoạch bắp cùng với nghệ nhân Aê H’Lai. Cứ thế sau gần mười đêm liên
tục, chúng tôi đã ghi âm trọn bộ sử thi Dăm Tiông, gồm 15 băng cattses,
loại 90 phút/băng. Ngày chia tay, nghệ nhân Aê H’Lai cho chúng tôi khoảng một
kg thịt mang khô và một bao tải bắp trái. Chúng tôi chân thành cảm ơn nghệ nhân
Aê H’Lai, rồi xin gửi lại món quà quý giá đó và hẹn tuần sau sẽ quay trở lại để
được nghe nghệ nhân kể tiếp khan Dăm Trao-Dăm Rao.
Từ kết quả sưu tầm đó, Y Wơn và tôi đã lần lượt sưu tầm
tiếp các sử thi: Dăm Trao-Dăm Rao, H’Bia Pleo, Dăm Tek Mlan, Dăm Tak-Dăm Tô,
H’Bia Tô Ngô, H’Bia Jak Yong… và các tập truyện cổ: Sự tích hạt gạo,
Quả bầu vàng, sự tích cây Kơ nia, Bác thợ săn lạc trong rừng, Sự tích núi
mẹ bồng con, Sự tích núi con mắt, Sự
tích con voi trắng, Sự tích đoàn kết các dân tộc… Lờicúng thần
trong nghi lễ vòng đời người và nghi lễ nông nghiệp của người Êđê, Văn hóa lễ hội
của dân tộc Êđê, Vận dụng luật tục Êđê vào việc xây dựng gia đình, buôn thôn văn
hóa… (những tác phẩm này đều được các nhà xuất bản của Trung ương xuất bản
trong những năm qua). Đặc biệt, Y Wơn đã góp phần không nhỏ vào sự thành công của dự án: Điều tra, sưu
tầm, bảo quản và biên dịch, xuất bản kho tàng sử thi Tây Nguyên, do Viện khoa học
xã hội Việt Nam phối hợp với các tỉnh Tây Nguyên thực hiện (từ năm 2001 đến năm
2007). Riêng Y Wơn đã trực tiếp sưu tầm và biên dịch các Sử thi: Dam San,
M’Drông Dăm, Dăm Ji, Sing Nhã, Dăm Ji đi săn, Dăm Tek Mlan… trung bình
mỗi tác phẩm sử thi trên dịch song ngữ Êđê - Việt Từ 700 đến 2000 trang giấy khổ
A4. Những tác phẩm do anh dịch khá chất lượng, được các nhà nghiên cứu đánh giá
cao. Y Wơn còn tham gia các cuộc hội thảo khoa học về văn hóa Tây Nguyên
do Trung ương và địa phương tổ chức; đồng
thời giúp các nhóm nghiên cứu văn hóa của Viện Nghiên cứu Văn hóa Việt Nam phục
dựng thành công một số cuộc sinh hoạt văn hóa kể sử thi của đồng bào Êđê huyện
Krông Pắc, Cư M’Gar, Buôn Đôn, M’Đrắk, và Tp Buôn Ma Thuột.
Những năm gần đây Y Won đã giúp tôi biên dịch các tác phẩm:
Ca dao, dân ca về tình cảm của đồng bào Êđê với Bác Hồ kính yêu; Những
mẩu chuyện về lòng dân Tây Nguyên với Bác Hồ, để tham gia cuộc vận động
sáng tác, quảng bá tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí về chủ đề học tập và làm
theo tấm gương, đạo đức Hồ Chí Minh (những tác phẩm này đều đạt giải của Trung ương
và địa phương). Qua đây, càng khẳng định công sức làm việc của Y Wơn quá lớn. Một
người bình thường không thể làm được một khối lượng văn hóa dân gian khổng lồ
như trên. Chỉ có tâm đức và lòng yêu quý, hiểu biết văn hóa của dân tộc mình đã
tạo cho Y Wơn có nghị lực và trí tuệ để làm nên công việc đầy ý nghĩa này.
Y Wơn ra đi khi công việc sưu tầm,biên dịch văn hóa dân
gian của dân tộc mình còn còn dang dở. Một số sử thi, truyện cổ Êđê mới sưu tầm,
chưa dịch xong. Anh hứa sẻ giúp tôi một số tư liệu để hoàn thành các cuốn sách:
Văn hóa mẫu hệ Êđê, Bảo tồn văn hóa truyền thống dân tộc Êđê, M’nông ở
Dak Lak trong thời kỳ hội nhập, Văn hóa nhà dài Êđê… Ôi, những ý tưởng
này sẽ khó mà thực hiện được khi không còn anh. Tuy chưa kịp tham gia Hội Văn
nghệ Dân gian Việt Nam, Hội Văn học Nghệ thuật Đắk Lắk, nhưng anh vẫn xứng đáng
với danh hiệu: Nhà sưu tầm, biên dịch kho tàng văn hóa dân gian của dân tộc Êđê
trên cao nguyên Đắk Lắk hùng vĩ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét