Thứ Ba, 27 tháng 8, 2013

SỐ: 252 - tác giả TRẦN CHI

MỘT CÁN BỘ LÃO THÀNH TIÊU BIỂU Ông Đinh Văn Ruyến sinh năm 1935, quê ở Thái Bình, hiện trú tại tổ dân phố 3, thị trấn Krông Năng. Ông được nhân dân buôn Wiao, buôn Ur hết mực quý trọng, thương yêu và được xem như một người con của buôn làng. 77 tuổi đời, 55 tuổi Đảng nhưng đến nay ông vẫn hết mình với công tác xã hội. Trong suốt thời gian cống hiến cho sự nghiệp cách mạng thì đã có đến 40 năm ông gắn bó với công tác xây dựng Đảng ở các vùng đồng bào dân tộc bản địa. Đưa tôi về thăm ngôi nhà tại tổ dân phố 3, thị trấn Krông Năng, căn nhà khang trang nằm nép mình bên dòng suối được ông xây cất cách đây hơn 15 năm, con đường vào nhà nếu đi không cẩn thận sẽ va đầu vào những trái sầu riêng đang độ chín… Ông cho biết: gia đình có diện tích vườn gần 6 sào, trong đó có 3 ao cá khoảng 1.000 m2, còn lại 5 sào ông trồng cà phê xen tiêu và cây ăn quả (chủ yếu là sầu riêng). Kinh tế vườn hằng năm cho thu nhập trên 50 triệu đồng, phần lớn là do công của vợ. Ông tươi cười, chỉ vào người vợ đang pha trà cho chúng tôi và cho biết thêm: Ngoài công việc thường ngày chăm sóc vườn cây, ao cá và lo sinh hoạt cho hai vợ chồng, bà còn tranh thủ trồng rau xanh quanh các ao cá, nuôi gà… Các khoản ấy không những đủ cho 2 vợ chồng già cải thiện bữa ăn hàng ngày mà thỉnh thoảng còn có thêm thu nhập mua quà cho con cho cháu. Trong khi đi dạo thăm vườn tược của gia đình, tôi hỏi đùa: Bác có lương hưu gần 4 triệu đồng mỗi tháng cộng thêm thu nhập từ vườn, ao, chuồng, như vậy bình quân mỗi năm gia đình thu nhập từ 150 đến gần 200 triệu đồng thì cần gì phải đi làm thêm? Ông cười rồi nói: Lương của đội công tác mỗi tháng có 600 ngìn, không đủ tiền mua xăng! Tôi đi làm công tác xã hội quen rồi - ông chỉ tay sang bà vợ đang hái rau và nói: Trước đây bà nhà tôi cũng là giáo viên cấp 1, do chồng và các con đều đi học, đi làm xa, gia đình neo đơn không có người chăm nom nên bà phải xin thôi việc để chăm sóc gia đình. Ông cho biết thêm: Tháng 3 năm 1976 ông được điều động vào công tác ở Tây Nguyên, vừa chân ướt chân ráo đến huyện Krông Buk (nay là thị xã Buôn Hồ) thì được cử làm Chủ tịch UBND xã Ea Drông, một điểm nóng có nhiều Fulrô hoạt động lúc bấy giờ. Ông bám trụ ở đó cho đến năm 1987 khi thành lập huyện Krông Năng, ông được cấp trên điều động vào làm bí thư xã Huệ An (nay là thị trấn Krông Năng); rồi làm Trưởng ban Kinh tế mới; chủ tịch Hội Nông dân huyện… đến năm 1999 thì nghỉ hưu. Tiếng là nghỉ hưu, nhưng mới được vài tháng chi bộ tổ dân phố lại tín nhiệm bầu ông làm bí thư, rồi huyện ủy lại cử ông tham gia đội công tác của huyện ủy, phụ trách 3 buôn trắng (chưa có đảng viên)… Ông tâm sự tiếp: Khi được huyện ủy tín nhiệm, điều động bổ sung vào đội công tác phát động quần chúng tại thị trấn Krông Năng, thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ là phải dựa vào quần chúng, lấy sức mạnh của quần chúng mà vượt qua khó khăn, quần chúng tự giúp đỡ quần chúng… cùng với suy nghĩ phải làm sao đưa mức sống của đồng bào bản địa lên ngang bằng mức sống chung của toàn xã hội là một thách thức không nhỏ đối với một bí thư chi bộ vùng đồng bào bản địa lúc bấy giờ. Nhờ gắn bó với đồng bào bản địa nhiều năm, lại khá thông thạo tiếng nói của họ, ông nhanh chóng tiếp cận đời sống, sinh hoạt và hòa nhập với buôn làng để xây dựng cơ sở ngày một vững mạnh. Sau hơn 10 năm tích cực hoạt động trong công tác xây dựng Đảng, 3 buôn trắng đảng viên gồm buôn Wiao A, buôn Wiao B và buôn Ur đã thành lập được 3 chi bộ, xóa được buôn trắng, đạt chỉ tiêu kế hoạch mà huyện ủy Krông Năng đã đề ra. Bản thân ông trong hơn 10 năm đã giới thiệu cho Đảng bộ thị trấn Krông Năng kết nạp 19 đảng viên mới là người dân tộc bản địa; chi bộ buôn Wiao A hiện do ông phụ trách đã có 16 đảng viên, trong đó có 14 đảng viên là người Ê đê. 7 năm liền chi bộ buôn Wiao A được công nhận là chi bộ trong sạch vững mạnh, 5 đảng viên trưởng thành tại chi bộ đã được giới thiệu đảm nhận nhiệm vụ công tác tại cơ quan Huyện ủy và Đảng ủy thị trấn. Liên tục trong nhiều năm nay, nắng cũng như mưa, ngoài những công việc cần làm của một người bí thư thì mỗi sáng ông đều ghé qua buôn 1 lần để xem có gì biến động, mọi diễn biến hàng ngày trong buôn, kể cả có người đau ốm, người chết đột xuất ông đều nắm chắc và xử lý kịp thời.Trong những năm qua, Cuộc vận động “ Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” do Đảng ta phát động đã góp phần xây dựng và chỉnh đốn Đảng, xây dựng chính quyền trong sạch vững mạnh có hiệu quả… Theo đó đã xuất hiện ngày càng nhiều tấm gương điển hình tiêu biểu học tập và làm theo lới Bác. Ông Đinh Văn Ruyến, một cựu chiến binh, cán bộ hưu trí ở huyện Krông Năng là một trong những tấm gương như thế!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét