Thứ Sáu, 23 tháng 8, 2013

SỐ: 251 - tác giả NGUYỄN VĂN THIỆN


 Tác giả NGUYỄN VĂN THIỆN


LẠ LÙNG TÂY NGUYÊN!
(Đọc tập bút ký Các bạn tôi trên ấy của Nguyên Ngọc – Nxb Trẻ, 2013)


Nhà văn Nguyên Ngọc bén duyên với Tây Nguyên từ lâu lắm, kể những năm đầu chống Pháp, cho đến nay, đã mấy mươi năm. Tây Nguyên đã trở thành quê hương của Nguyên Ngọc. Lâu lâu lại thấy ông xuất hiện giữa núi rừng, lúc thì ở Đak Glei, khi ở Krông Pa, có khi ở Buôn Ma Thuột. Nhà văn lên để gặp bạn, gặp núi rừng, và… viết. Tác phẩm mới nhất của Nguyên Ngọc, Các bạn tôi trên ấy, là tập hợp 24 bài bút kí đặc sắc về đất nước và con người Tây Nguyên. Đọc một lần, lại thèm đọc thêm lần nữa, để nhận ra rằng, nhà văn đã viết về Tây Nguyên bằng một tình cảm gắn bó thiết tha đến kì lạ. Tác giả cứ thủng thẳng kể với bạn đọc những tên đất tên người, những kỉ niệm vui có, buồn có về mảnh đất huyền thoại còn đầy bí ẩn này. Và đặc biệt, qua hơn 300 trang viết, bạn đọc được dẫn dắt vào một không gian tâm linh đầy minh triết mà vô cùng mới lạ!
Đó là cách sống, cách nghĩ, cách làm, cách chơi, cách yêu và cách say… của đồng bào Tây Nguyên trên một nền tảng tư tưởng hiền minh, sắc sảo và vô cùng tự nhiên như núi rừng, như sông suối, cỏ cây. Bạn hãy nghe người bạn thân của nhà văn, một người Ba Na từng có một “phát minh vĩ đại” là giặc Pháp cũng chảy máu – anh hùng Núp – nói về nghệ thuật vận động quần chúng làm cách mạng: “Một mình mình làm, không làm nổi việc gì đâu. Phải nói nhiều người cùng nghe, cùng làm, cách mạng mới thành công”. Và để nói được vào tai của đồng bào, Bok Núp có thể ngồi bên bếp lửa từ đầu hôm đến rạng sáng để rầm rì trò chuyện với bà con, đồng bào mình. Người Tây Nguyên là thế, quan trọng hơn cả là nghĩa tình giữa con người với con người, còn lại, những mệnh lệnh áp đặt hay những giá trị vật chất đổi chác đều không đáng kể. Một du khách nước ngoài thích thú trước một vỏ quả bầu treo trên giàn bếp của một gia đình Ba Na và có ý định hỏi mua, câu trả lời của chủ nhà là: “Không bán… chỉ cho thôi. Thích, xin, thì cho!” (Hiền minh của rừng, tr.40).
Có lẽ, phải mất khá nhiều thời gian hòa mình vào cuộc sống của đồng bào ở những buôn làng xa xôi nhất mà còn đậm chất rừng nhất, nhà văn Nguyên Ngọc mới phát hiện ra triết lí đáng kinh ngạc này: “Con người là gì? Từ đâu đi đến cõi trần này? Từ rừng – người Tây Nguyên trả lời. (…) Cuộc đời của con người thì hữu hạn, rừng thì vô hạn. Đi ra, rồi trở về. Chết là cuộc trở về” (Tây nguyên, mùa lễ hội, tr.266). Vì vậy cho nên, lễ bỏ mả của người Tây Nguyên không phải là một đám tang như nhiều người vẫn lầm tưởng mà là một lễ hội để mọi người múa hát, vui mừng tiễn người chết về với nơi họ đã sinh ra. Và những người đang sống, họ làm việc, họ tích lũy của cải không phải để giàu có mà là để đem cho, để san sẻ. Người Tây Nguyên nói chung không có nhu cầu hoặc khả năng tích lũy của cải. Sau một lễ kết nghĩa anh em, kẻ kết nghĩa thường trở nên nghèo xác xơ vì bao nhiêu của cải trâu bò, heo gà đều đã đem ra làm lễ. Nhưng anh ta sẽ trở nên giàu có, cao quý, vĩ đại trong mắt của bà con, đồng bào mình.
 Mỗi thực thể con người Tây Nguyên là một nghệ sĩ, điều này, hẳn nhiều người đã biết. Hầu hết các nhân vật trong tập bút kí này, các bạn thân của nhà văn Nguyên Ngọc, đều là những nghệ sĩ tài hoa thiên bẩm. Đó là Y Yơn, người hát rong của buôn làng Êđê, đó là H’Ben, nghệ sĩ múa của dân tộc Ba Na, là họa sĩ Su Man… và rất nhiều những nghệ sĩ có tên và không tên khác nữa. Có một điều khá lạ lùng, quan niệm về nghệ thuật của họ không hề giống như ta thường nghĩ: “Người Tây Nguyên, ý nghĩa của nghệ thuật không nằm trong sản phẩm đã hoàn thành. Ý nghĩa của nó nằm trong chính sự sáng tạo, trong chính hành động sáng tạo, trong chính hạnh phúc được sáng tạo, trong niềm say mê sáng tạo, hạnh phúc được thỏa mãn nhu cầu sáng tạo sâu xa trong mỗi con người” (Triết lý Klong Pút làng, tr.254). Điều đó đã lý giải vì sao người Tây Nguyên sáng tạo những pho tượng nhà mồ tuyệt tác rồi sau đó “bỏ quên” giữa rừng mặc cho nắng mưa tàn phá không thương tiếc; vì sao người Tây nguyên trình diễn nhạc cụ (như Klong Pút chẳng hạn) hoàn toàn tùy hứng; vì sao những buổi kể khan không đêm nào giống đêm nào, không lần nào giống lần nào mà bao giờ cũng đắm say, lôi cuốn.
Trong quan hệ giữa con người với con người, ở Tây Nguyên, thiết chế xã hội cũng khá lạ lùng, độc đáo: Thiết chế mẫu hệ, hay mẫu quyền. Huyết thống chảy theo phía mẹ, con lấy họ mẹ chứ không phải lấy họ cha. Người đàn bà mới là chủ nhân, chi phối tất cả. Thế nhưng, khi vào một làng bất kỳ, dù là người Gia Rai hay Êđê, bạn sẽ không hề nhận ra được điều đó. Tiếp khách, sắp đặt mọi việc, cử hành các nghi lễ… đều do đàn ông thực hiện. Người đàn bà quyền uy lặng lẽ chọn cho mình một vị trí xa khuất trong gian nhà để nhìn ra, điều hành tất cả. Vì thế, trong dân ca Gia Rai có câu: Anh làm sấm/ em làm sét. Cái sét mới là chuyện quyết định, chuyện sống chết, chứ không phải là cái sấm ồn ào bên ngoài! Vì thế, trước đây, khi chính quyền phong kiến, thực dân đặt chân đến Tây Nguyên, họ đã rất cố gắng “nắm” lấy thiết chế xã hội đặc thù này để đặt ách cai trị, nhưng, theo nhà văn Nguyên Ngọc, họ đã thất bại bởi cùng lắm, họ mới chỉ nắm được cái bên ngoài, cái sấm mà thôi.
Có thể nói, mỗi bài bút ký là một câu chuyện, là một triết lí sống độc đáo của con người Tây Nguyên mà nhà văn đã nâng niu, quý trọng giới thiệu với bạn đọc chúng ta. Trong một chuyến ngược rừng vào cuối tháng ba vừa rồi, nhà văn Nguyên Ngọc cùng chúng tôi vào thăm một người bạn thân đã mất: Già ama H’Rin – người sáng lập ra buôn A Kọ Dhong nổi tiếng ở Buôn Ma Thuột, cũng là một nhân vật đặc biệt trong tập bút ký này. Buổi trưa, nằm nghỉ dưới bóng cây mát mẻ cuối buôn, nhà văn vẫn không thôi băn khoăn: “Tây Nguyên đã bị tàn phá, biến dạng đi nhiều rồi, để giữ được bản sắc độc đáo của đồng bào nơi đây, quả là một thử thách lớn lao”.

Tôi biết, đó cũng là lo lắng lớn nhất của một nhà văn đã yêu Tây Nguyên từ trong máu thịt, đã ngấm trong mình những triết lý sống kỳ lạ nhưng vô cũng sâu sắc, hiền minh của đại ngàn.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét