TỔ ẤM TÌNH NGƯỜI
TRONG “THẰNG
HỦI” CỦA VŨ MỸ DUNG
(Đọc tập
truyện ngắn Thằng hủi của Vũ Mỹ Dung, NXB Trẻ 2012)
Trong văn học, ta thấy có ba phương thức miêu tả hiện thực
như sau: Một là chỉ chú ý khai thác những nét thuận chiều của cuộc sống; hai là
khai thác những nét nghịch chiều của cuộc sống; ba là kết hợp cả những nét sáng
tối trong bức tranh hiện thực. Vũ Mỹ Dung đã chọn phương thức thứ ba khi sáng tác
tập truyện ngắn Thằng hủi.
Cũng giống như tiểu thuyết
Nỗi oan (2010) và tập truyện vừa Mùa bão qua (2011), trong tác phẩm
thứ ba này, Vũ Mỹ Dung cũng tiếp tục khai thác thế giới của những người nghèo.
Họ là những người bất hạnh, sống vật vạ, tha phương cầu thực và chết bằng đủ lý
do khác nhau: Tai nạn giao thông (Bài hát của em tôi), sét đánh (Trời
đánh nhầm), nước cuốn trôi (Những mảnh đời khốn khổ), tự tử bằng thuốc
ngủ (Sắc đông tàn), chết vì nghiện thuốc phiện (Niềm vui bất ngờ),
chết do nghiện rượu (Ngôi nhà trong nghĩa địa), chết vì con cái không chăm
sóc (Thương ai hơn)… Nếu may mắn không chết thì cũng bị bệnh tật dày vò,
như cô Liên (Vẫn là cuộc đối đầu), người mẹ ở bệnh viện (Vượt lòng nhân
ái), thằng hủi (Thằng hủi), những nạn nhân chất độc da cam (Xuân
Tây Nguyên)… Nhìn chung, những chi tiết về cảnh nghèo nàn và bệnh tật đã tạo
nên gam màu xám xịt trong cộng đồng của Thằng hủi.
Tuy nhiên, trong thế giới
ấy, không có ai hoàn toàn xấu. Nói cách khác, đó là thế giới của người tốt, có
những người quá thánh thiện đến mức khó tin. Chẳng hạn, bà Tư bò phải dùng tay
bò đi xin ăn, vậy mà vẫn dành dụm tiền gửi về nuôi gia đình người em khỏe mạnh ở
quê. Đặc biệt, bà còn nhận nuôi một đứa bé mồ côi (Người đi bằng tay). Còn
ông già xin ăn (Những mảnh đời khốn khổ) và ông già đạp xích lô (Niềm
vui bất ngờ) mặc dù khốn khó nhưng vẫn cố gắng nhận nuôi những đứa trẻ mồ côi.
Ta cũng gặp những gia đình nghèo hạnh phúc, yêu thương, nhường cơm xẻ áo cho
nhau và luôn hướng thiện: Bài hát của em tôi, Vượt lòng nhân ái, Xa quê, Ngôi
nhà trong nghĩa địa… Một số gia đình phức tạp, nhiều người chạy theo lối sống
thực dụng, coi thường tình nghĩa nhưng cuối cùng cũng nhận ra sai trái và phục
thiện. Đó là lối kết thúc có hậu trong Trời đánh nhầm, Sắc đông tàn, Vẫn là
cuộc đối đầu, Con sen tập đòi, Thương ai hơn…
Tác phẩm Thằng hủi
khá tiêu biểu cho giá trị hiện thực và nhân văn của tập truyện. Một thằng bé mồ
côi trốn trại để đi tìm cha mẹ. Đi đâu, nó cũng bị mọi người xa lánh, chỉ có bà
già mù xin ăn là thương nó, giúp cho nó có quần áo lành lặn để đi khám bệnh. Được
sống trong tình yêu thương của những người cùng cảnh ngộ, nó có cảm giác như sống
trong cảnh thiên đường: “Tao đã hiểu rồi. Thiên đường ở chính trong lòng ta”.
Phần thưởng dành cho những người nghèo trong cộng đồng của Thằng hủi là
tình yêu thương đùm bọc lẫn nhau. Còn những người giàu dường như rất khó có được
điều đó, như cô chủ (Con sen tập đòi), bà Tư (Trời đánh nhầm), Liên
(Vẫn là cuộc đối đầu)…
Đi dạo trong thế giới đa
dạng của Thằng hủi, ta cũng bắt gặp những câu văn lạ. Tác giả tô điểm Những
cảnh đời khốn khổ bằng câu văn giàu chất thơ khiến ta quên đi nỗi buồn về
nhân vật: “Từng cánh gió thì thầm như gọi nhau, gom thành cơn bão chạy suốt qua
quãng đời thơ ngây của con bé Nhi”. Hoặc đoạn văn miêu tả nỗi buồn trống vắng của
một phụ nữ lớn tuổi độc thân: “cô cảm thấy cô đơn quá, cái trống vắng giống như
một “cuốn sách bị bỏ quên”, không có bàn tay nào động vào. Cuốn sách buồn rầu nằm
khóc một mình trên kệ sách mà những giọt nước mắt không làm trôi đi lớp bụi bám
trên cuốn sách ấy” (Mối tình già). Nhiều khi, ta không muốn xa lánh Thằng
hủi bởi cuộc sống con người và cảnh sắc thiên nhiên quá đẹp. “Những sợi nắng
nằm vắt trên ngọn tre cuối vườn, nó hiu hắt và tiếc nuối như không muốn rời xa
khóm tre già, những ngọn tre luôn chơi đùa với nắng, đã lâu năm, tre ru nắng bằng
cái giọng đu đưa ngọt ngào”.
Tác giả cũng cố gắng tạo
không khí miền Nam qua ngôn ngữ nhân vật nhưng nhiều chỗ chưa có sự nhất quán
cao. Đôi lúc, nhân vật nói giọng Bắc, giọng Nam lẫn lộn, lúc “mẹ”, lúc “má”… Nhưng
về cơ bản, mật độ phương ngữ Nam bộ xuất hiện khá nhiều. Như lời của nhân vật bà
Tám Xuyến: “Người ta nói vậy chớ, theo tui, bị trời quýnh là chết một cái rụp,
hổng có đau đớn gì hết, đó là chết phẻ. Còn sống lây lất bịnh đau rồi ỉa trây, đái
dầm mới mệt cho con cháu”. Thông thường, nhà văn sử dụng phong cách viết, nhân
vật sử dụng phong cách nói. Nhưng nhiều lúc, Vũ Mỹ Dung cũng sử dụng phong cách
nói: “Cô giáo Lệ tuổi năm mươi nhưng dáng người thon gọn lắm, eo ra eo, ngực ra
ngực, ba vòng rất chuẩn (…) Ông Giao lớn hơn cô hai tuổi, vợ chết đã lâu, ý chừng
muốn ngắm nghé cô nhưng chưa dám giãi bày, ông như cậu thanh niên mới lớn, nhát
nhúa và sượng sùng mong được hẹn hò” (Mối tình già). Tác giả sử dụng loại
ngôn ngữ sinh hoạt đời thường vừa hiện đại, vừa cổ kính, trang trọng nhưng cũng
hóm hỉnh.
Cách đặt nhan đề tập truyện “Thằng hủi” cũng
khá ấn tượng, vừa bao quát được tinh thần chung của cuốn sách vừa khêu gợi tò mò.
Người ta có thể lánh xa thằng hủi ngoài đời nhưng lại bị mê hoặc bởi thằng hủi
trong văn chương. Vũ Mỹ Dung đã làm cho bạn đọc hiếu kỳ không thất vọng khi lạc
vào thế giới diệu kỳ của “Thằng hủi”.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét