NHÌN
LẠI NĂM 2013
Thế là một năm nữa lại sắp
trôi qua, anh em trong Tòa soạn bắt tay vào chuẩn bị bài vở cho số tháng 12, số
cuối cùng năm 2013. Thời gian trôi nhanh quá, mới đó đã gần hết một năm, tôi giật
mình và nảy ra ý định điểm lại vài nét hoạt động chính của Tạp chí Chư Yang Sin
trong năm, qua để mong rút ra điều gì đó cho năm 2014 làm tốt hơn.
Bước vào năm 2013, Tạp chí
Chư Yang Sin đối mặt với biết bao khó khăn thách thức để duy trì đều đặn mỗi tháng
ra một số, có độ dày 84 trang cả bìa và ngày một nâng cao cả về hình thức cũng
như chất lượng nghệ thuật trong các tác phẩm được đăng tải. Kinh phí Ủy ban nhân
tỉnh cấp cho Tạp chí chỉ dừng lại ở con số 240 triệu đồng, có lẽ đây là số tiền
ít nhất so với tất cả các tạp chí văn nghệ trong cả nước. Anh em bấm bụng bảo
nhau cố mà làm, bằng mọi cách phải duy trì cho được cuốn Tạp chí – diễn đàn của
Hội và cũng chính là sân chơi cho các anh chị em văn nghệ sĩ tỉnh nhà. Nhìn xa
hơn một chút, tuyên truyền thông qua tạp chí văn nghệ chính là cách làm hiệu quả
nhất trong việc giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc và đó cũng chính
là công cụ tuyên truyền, sức lan tỏa mạnh nhất để các chủ trương của Đảng chính
sách của Nhà nước đến với nhân dân; đó cũng chính là đóng góp thiết thực của văn
nghệ sĩ với công cuộc đổi mới và xây dựng đất nước.
Ý thức được nghĩa vụ và trách
nhiệm của người làm báo văn nghệ trong thời buổi kinh tế lạm phát, sự cạnh
tranh quyết liệt của báo hình và báo mạng đang phát triển với tốc độ phi mã, đầu
năm 2013, Ban chấp hành Hội ra Nghị quyết cử nhà thơ Đặng Bá Tiến - Ủy viên Ban
chấp hành đảm nhiệm chức danh Phó tổng biên tập phụ trách nội dung Tạp chí. Do
bận công tác ở báo Lao Động nên mãi đến đầu tháng 7, nhà thơ Đặng Bá Tiến mới
chính thức về nhận công tác. Ngay ngày về nhận công tác, nhà thơ Đặng Bá Tiến có
ý kiến đề xuất: Để thu hút được bạn đọc đến với Tạp chí, phải nâng cao cả hình
thức và chất lượng các tác phẩm; được Quyền Tổng biên tập Lê Khôi Nguyên ủng hộ
và giao cho họa sĩ An Quốc Bình - Thư ký tòa soạn kiêm trình bày Tạp chí, thiết
kế và trình bày lại mẫu bìa. Sau nhiều ngày thử nghiệm, được anh em trong tòa
soạn góp ý bổ sung, mẫu bìa tạp chí mới thiết kế xong, đưa in vào số tháng 7. Tạp
chí phát hành nhận được nhiều ý kiến của anh em hội viên, cộng tác viên và bạn đọc
khen ngợi. Có lẽ nhờ vậy, tòa soạn nhận được nhiều hơn các tác phẩm từ mọi miền
đất nước gửi đến cộng tác, mỗi ngày trung bình trên trăm tác phẩm. Tiếp đà thắng
lợi, các trang ruột cũng được trình bày lại; ngoài các chuyên mục truyền thống
có thêm: Lá thư văn nghệ, Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí
Minh, các chuyên mục có trước đây nhưng không
được duy trì đều đặn được khôi phục và duy trì thường xuyên, như Văn học với nhà
trường, Văn học nước ngoài, Giới thiệu hội viên. Bằng tài hoa của mình và trí
tuệ của cả tập thể Ban biên tập, họa sĩ An Quốc Bình đã khoác cho Tạp chí văn
nghệ Chư Yang Sin một diện mạo mới hấp dẫn hơn.
Nhằm nâng cao chất lượng các
tác phẩm đăng tải, lãnh đạo Tạp chí yêu cầu bộ phận biên tập các chuyên đề,
chuyên mục phải lựa chọn các tác phẩm có chất lượng cao và cần thiết phải đặt bài
cho từng số; nhờ vậy đa số các tác phẩm sử dụng đều đạt yêu cầu. Cuối tháng 7,
giữa lúc bộ máy đang “vào guồng”, vận hành tốt thì một tin không vui ập đến:
Sau khi cân đối lại kinh phí, mới phát hiện Tạp chí không còn tiền để in ba số
cuối năm. Ban lãnh đạo Tạp chí họp khẩn rà lại toàn bộ công việc, chợt nhận ra
rằng: Từ trước tới nay, những người làm Tạp chí Chư Yang Sin đều vì cái tâm, vì
trách nhiệm trước hội viên mà làm; còn cộng tác viên thì vì lòng đam mê nghệ
thuật và tình yêu quê hương đất nước mà sáng tác chứ thù lao được chi trả chỉ là
tượng trưng. Có lẽ trên cả nước Việt Nam ta, không có một ông Phó tổng biên tập
nào nhận mức thù lao “khủng” tới 400 ngàn đồng một tháng như các Phó tổng ở Tạp
chí Chư Yang Sin! Lãnh đạo nhận thù lao như thế nên nhuận bút trả chỉ mang tính
chất tượng trưng: Thơ từ 80 ngàn đến 100 ngàn đồng một bài, văn xuôi và lý luận
phê bình chỉ xê dịch trong khoảng 220 ngàn đồng tới 250 ngàn đồng/bài… Nếu cũng
tác phẩm ấy đăng trên báo Dak Lak thì được trả gấp hai, hoặc ba lần. Trước tình
hình ấy lãnh đạo Tạp chí đề xuất Thường trực Hội có văn bản báo cáo Thường vụ Tỉnh
ủy và Ủy ban nhân dân tỉnh tình hình của Tạp chí; đồng thời lãnh đạo Hội cùng lãnh
đạo Tạp chí “xách cặp” lên làm việc với lãnh đạo tỉnh để xin bổ sung kinh phí
in ba số cuối năm.
Cha ông ta dạy quả không
sai: “Con có khóc, mẹ mới cho bú”, khi nghe báo cáo thực trạng kinh phí Tạp chí
như thế, ngày 30 tháng 9, ông Hoàng Trọng Hải – Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch
UBND tỉnh đã ký quyết định cấp bổ sung 120 triệu đồng cho Tạp chí. Vui quá, vậy
là lãnh đạo tỉnh rất thông cảm với giới văn nghệ sĩ nói chung và tạp chí văn
nghệ nói riêng, những người chiến sĩ tiên phong trên mặt trận văn hóa tư tưởng
của Đảng, đã cống hiến hết mình cho sự nghiệp của Đảng, góp phần quan trọng vào
thắng lợi của công cuộc đổi mới đất nước trong thời kỳ hội nhập. Tuy nhiên niềm
vui đó chỉ mới dừng lại nửa chừng, Chủ tịch tỉnh ký Quyết định cấp bổ sung kinh
phí nhưng cán bộ chuyên quản Sở Tài chính lại bảo: Không có tiền, các anh cứ nợ
in, nợ nhuận bút… sang năm mới rồi trả! Thế là sang tháng 12 rồi, nhuận bút từ
tháng 10 vẫn chưa có, đành thất hứa với cộng tác viên; anh em hội viên cũng tỏ
ra thông cảm, có người nói: “Trên bảo dưới không nghe” là chuyện thường ngày ở
ta, cơ chế nó thế! Nghe mà lòng đau nhoi nhói.
Kinh phí thì vậy, còn về
nhân sự tổ chức bộ máy của Tạp chí cũng gặp không ít khó khăn, tại cuộc họp Ban
chấp hành lần 8, nhà văn Lê Khôi Nguyên - Chủ tịch Hội kiêm Quyền tổng biên tập
Tạp chí đề xuất giới thiệu nhà thơ Đặng Bá Tiến - Phó Bí thư Đảng đoàn, Phó tổng
biên tập đảm nhận chức danh Tổng biên tập thay mình, vì Chủ tịch Hội là thủ trưởng
cơ quan chủ quản lại kiêm chức Quyền tổng biên tập Tạp chí của Hội là trái với
Luật Báo chí hiện hành. Ban chấp hành nhất trí và Thường trực Hội đã có văn bản
gửi các cơ quan có liên quan; nhưng gần 5 tháng trôi qua mà vẫn chưa có hồi âm,
nên cũng chỉ còn biết… đợi!
Sáng ngày 3 tháng 12, nhà
thơ Đặng Bá Tiến thông báo cho tôi biết, tại cuộc họp giao ban báo chí sáng ngày
2 vừa qua, anh đã phát biểu nêu vấn đề kinh phí của Tạp chí: Có Quyết định của
UBND tỉnh nhưng Sở Tài chính vẫn không chịu cấp tiền; ông Trần Hiếu – Phó chủ tịch
UBND tỉnh - chủ trì Hội nghị đã trả lời: Hội phải có văn bản báo cáo gấp lên
UBND tỉnh để tỉnh xử lý! Vậy là khi bản thảo số cuối Tạp chí chuyển qua nhà in
bấm máy, kinh phí vẫn chưa về và chúng ta lại… đợi và… nợ!
Số cuối cùng trong năm
2013 bạn đang cầm trên tay hôm nay không chỉ là trí tuệ tình cảm của các văn
nghệ sĩ muốn cống hiến cho Đảng, cho đất nước, phục vụ nhân dân mà còn là tâm
huyết của tất cả anh chị em trong tòa soạn Tạp chí Chư Yang Sin, đang phải gồng
mình lên chống chọi với khó khăn của cuộc sống đời thường, làm tất cả những gì
có thể để duy trì Tạp chí xuất bản hàng tháng đúng định kỳ, đủ số lượng, xứng tầm
với vùng đất được mệnh danh là “thủ phủ cao nguyên”.
Cuối năm nhìn lại, với những
vui buồn lẫn lộn, chắc chắn sẽ làm nhiều người khó chịu trước sự thật phũ phàng
của cuộc sống, nhưng chúng ta tin vào Đảng, tin vào sự sáng suốt của các vị lãnh
đạo Nhà nước cũng như chính quyền địa phương tỉnh nhà sẽ từng bước tháo gỡ khó
khăn, đưa đất nước ngày một phát triển. Chúng ta tin vào Ban chấp hành Hội khóa
V, những văn nghệ sĩ giàu tâm huyết,
quen chịu đựng thử thách sẽ chèo lái con thuyền văn nghệ tỉnh nhà vượt qua tất
cả thác ghềnh đến được bến bờ đã định và Tạp chí Chư Yang Sin của chúng ta vẫn đến
tay bạn đọc đúng lịch trình. Chúng ta hãy tin và mong được như thế!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét