Chủ Nhật, 19 tháng 1, 2014

SỐ: 256 - tác giả THANH QUẾ





MỘT QUYỂN SÁCH ĐÁNG ĐỌC
(Nhân đọc tiểu thuyết “Từ sông Krông Bông” của Trúc Hoài,
NXB Công an nhân dân, 2012)



Trúc Hoài vốn là một người làm thơ. Anh sáng tác từ trong chiến tranh chống Mỹ. Bài thơ “Âm điệu quê hương” của anh được nhiều người biết đến và được đưa vào trong nhiều tuyển tập. Cùng với thơ, anh còn sáng tác nhiều truyện ngắn. Gần đây, Trúc Hoài đã dồn nhiều tâm sức, thời gian để hoàn thành quyển tiểu thuyết đồ sộ 600 trang, đó là quyển “Từ sông Krông Bông”.
Cuốn truyện xoay quanh câu chuyện hai cặp đôi: Quang – Thanh Xuân (Hồng Ánh) và Hà – Nguyệt.
Quang là người Quy Nhơn, sinh ra trong một gia đình cách mạng. Cha anh đi tập kết. Mẹ ở lại quê hương vất vả nuôi hai người con: anh và anh trai anh. Khi anh trai anh đến tuổi công dân, mẹ anh sợ bị địch bắt lính nên đã bán nhà lo lót. Anh trai anh phải giả dạng một ông già trên 50 tuổi, làm nghề đạp xích lô. Quang học đại học Vạn Hạnh (Sài Gòn), tham gia phong trào học sinh, sinh viên, bị đuổi học, anh về quê. Ở quê bị truy đuổi, anh vào Phú Yên sống với ông chú và được ông đưa lên căn cứ cách mạng. Ở Ban Tuyên huấn tỉnh anh được phân công công tác vùng ven và nội thị.
Người yêu của anh là Thanh Xuân, một cô gái người Quảng Ngãi. Cô là một cô gái đẹp và thông minh. Cô được phân vào công tác nội thị mang tên Hồng Ánh. Trải qua nhiều lần bị địch truy đuổi, cô vẫn hoàn thành nhiệm vụ. Cô đã hy sinh trong một lần đi công tác.
Cặp thứ hai là Hà và Nguyệt.
Hà sinh ra trong một gia đình trí thức ở Hà Nội. Anh cả của Hà đi bộ đội, vào chiến trường Nam Bộ. Em út học nhạc viện Hà Nội. Hà đã tốt nghiệp khoa sinh, Đại học Tổng hợp Hà Nội. Anh được cho đi học nghiên cứu sinh ở nước ngoài, nhưng cũng như nhiều thanh niên miền Bắc, anh hăng hái xung phong vào miền Nam công tác. Anh được phân công về Ban Tuyên huấn tỉnh.
Người yêu của Hà là Nguyệt, sau này là vợ anh, Nguyệt quê ở Bình Định. Cô thoát ly, lên Khu học y sĩ. Sau đó được phân công về Ban Tuyên huấn Đắk Lắk. Nguyệt và Hà yêu nhau, lấy nhau. Hà đã hy sinh trong một trận tập kích của địch vào căn cứ.
Những nhân vật trên có quê hương khác nhau, có quá khứ khác nhau, được phân công những nhiệm vụ khác nhau, nhưng ai cũng vượt qua gian khổ, ác liệt, quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ, có người đã hy sinh (Thanh Xuân, Hà).
Cùng với cặp đôi này là ông Chín, Phó Ban Tuyên huấn, một lão thành cách mạng. Ông từng bị địch bắt tù tội năm 1940, đã vượt ngục tham gia Khởi nghĩa 1945 rồi hoạt động suốt hai cuộc kháng chiến. Ông Tâm vốn là du kích trong kháng chiến chống Pháp, năm 1945 đi tập kết ra Bắc tham gia xây dựng chủ nghĩa xã hội rồi lại xung phong vào Nam.
Các nhân vật: Mạo, Khả, Y Khéc, Đích… ở căn cứ; Hồng Thắm, Khải, Sử… ở vùng giải phóng; bà Mười, bà Quyền, chị chủ quán ở nội thị… mỗi người một vẻ, có cuộc đời khác nhau, sinh hoạt khác nhau, công tác khác nhau nhưng vẫn một lòng hoạt động cho cách mạng.
Có một vốn sống, vốn hiểu biết phong phú, Trúc Hoài đã dựng lại được những bức tranh hiện thực ở các vùng đất của tỉnh Đắk Lắk.
Vùng căn cứ được hiện ra với những cảnh sản xuất tự túc, gùi cõng, đánh cá, săn bắn… Đây là sinh hoạt: “Mùa phát rẫy sau tết nguyên đán năm nay cơ quan còn ít nhân lực. Những tay rìu lực lưỡng cừ khôi nhất có thể phạt đổ cây cổ thụ… thì được điều động đi công tác” cho nên: “Hết đợt phục vụ chiến dịch trở về đành chia nhau nháo nhào kiếm ăn mọi hướng”.
Vùng giải phóng với cảnh cắt lúa đêm trong tiếng pháo được miêu tả sinh động: “Đêm nay trời không mưa, đến chừng mười giờ thì trăng đã lên cao, ai cũng mừng. Thôn hai có chừng ba mươi người đi cắt lúa đêm… Ai cũng có kinh nghiệm hễ nghe pháo đề-pa, sau đó nghe tiếng đạn víu víu, người ta biết ngay là nên đứng phía nào ở bụi tre”. Còn đây là cảnh bố phòng chống địch càn quét: “Bây giờ phải chuyển bố phòng dọc theo chân núi là nơi bà con ta đang tấp vào đấy. Đặc biệt phải nghiên cứu bố phòng kỹ, bảo vệ hang đá, làm chỗ ẩn nấp cho bà con khi có địch càn quét”.
Vùng địch tạm chiếm hiện ra ở một quán nhỏ: “Lính biệt động hành quân về coi mình như con trời, vô quán ăn không trả tiền, rồi xô xát, nổ súng đánh nhau với quân cảnh làm náo loạn cả đường phố”.
Quyển sách dày tới 600 trang nhưng được tác giả bố cục chặt chẽ với các chương, các tuyến nhân vật một cách hợp lý, với lối kể chuyện mạch lạc, văn phong giàu hình ảnh, giàu màu sắc, âm thanh nên đã cuốn hút người đọc, xem một mạch từ đầu đến cuối.
Điều có thể nhắc tác giả, vì có vốn sống, vốn hiểu biết phong phú nên đôi lúc anh còn sa đà trong miêu tả hiện thực đời sống và các nhân vật phụ do vậy có chỗ còn lan man.
Nhìn chung lại, tôi thấy đây là một quyển tiểu thuyết được thực hiện công phu, phản ánh được nhiều mảng hiện thực đời sống, nhiều vùng đất, nhiều loại người trong chiến tranh, giúp cho người đọc hiểu thêm cuộc chiến tranh nhân dân ở một địa phương đầy gian khổ và ác liệt: tỉnh Đắk Lắk. Quyển sách rất xứng đáng được nhận giải thưởng của Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật Việt Nam.
Xin chúc mừng sự thành công của Trúc Hoài và mong được đọc những tác phẩm mới còn hay hơn nữa của anh.


     Đà Nẵng, 21.11.2013

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét