NHỮNG CUỘC CHIA LY
Truyện ngắn
Con Bin choài hai chân lên giường bà
Hai, nó rên ư ử, hít hít cái mũi vào người bà. Bà cố đưa tay ra sờ lên đầu nó,
nói bằng giọng thều thào, “tao chưa chết đâu Bin, chỉ mệt chút thôi, mày ra tự
kiếm cái gì mà ăn được không?”. Con Bin thôi khịt mũi, nó cố rướn lên để dụi hẳn
cái đầu vào người bà. Bệnh của tuổi già thường là tâm bệnh, xuất phát từ sự cô đơn
mà ra.
Chiều, bà Hai cố bước
từng bước ra khỏi cửa, ngồi xuống bậc thềm, nắng xiên qua hàng rào, qua khóm trúc,
qua bụi bông giấy, chiếu vào bà, nắng nhè nhẹ nhưng đỏ au. Con Bin cũng theo bà,
nằm dụi đầu vào chân bà, lặng im.
Căn nhà rộng mênh
mông, bà đi hoài không hết, nào phòng khách, nhà bếp, nào phòng ngủ thằng Hùng,
thằng Dũng, con Thư, con Thảo… Hồi xây nhà, bà nói cứ xây chừng hai phòng ngủ rộng
rộng cho tụi nó ngủ chung, ông Hai không chịu, nói mình đã bỏ tiền xây, thì cho
con cái mình nó hưởng thụ cho đáng, ít ra thì tụi nó cũng hưởng thụ một cái không
gian tự do của riêng mình. Vậy nên nhà có sáu phòng ngủ cho sáu đứa con, thêm ông
bà một phòng nữa thành bảy. Giờ ông mất, sáu đứa con đi xa, nhà như cái nhà tập
thể nhưng bỏ hoang. Đất quê mênh mông, lòng mẹ mênh mông nhưng cô đơn quá.
Thằng Hùng là đứa đầu tiên của cái xóm
nghèo này đậu đại học tận Sài Gòn. Ngày nó đi, ông bà làm tiệc ăn mừng như đám
cưới, sao không vui cho được khi con cái làm ông bà hãnh diện tới mức lúc nào cũng
thích ra đường, lúc nào cũng muốn gặp ai đó để người ta khen, “trời ơi, ông bà
có thằng con học giỏi đã quá, đâu như con tui…”. Vậy đó, hạnh phúc của người làm
cha làm mẹ đôi khi như vậy đã là quá đủ. Ngày đi, nó trồng trước ngõ cây bông
giấy, nó cười với bà, “chắc tới ngày con về, nó cao bằng hàng rào dâm bụt kế bên,
mẹ nhỉ?”. Bà la nó, “tổ cha bây, tính đi lâu từng đó lận hả?”. Tưởng đâu nó chỉ
đùa, ai ngờ, cây bông giấy cao ngất nghểu, lúc còn sống ông đã mấy lần tỉa bớt
xuống, thỉnh thoảng mấy đứa em cũng ra chặt bớt những nhánh cao để “tạo dáng”
cho cây. Vậy mà nó cũng chẳng chịu về, hết lý do này đến lý do khác, giờ, nghe đâu
nó có bạn gái người miền Tây, chắc tụi nó có lấy nhau, rồi cũng sinh sống hẳn Sài
Gòn, không bao giờ trở về nơi nắng bụi mưa bùn này nữa…
Những năm sau khi thằng Hùng đi, những đứa
con còn lại của bà, thằng Dũng, con Thư, con Thảo, con Nhị, thằng Út cũng lần lượt
tốt nghiệp phổ thông, sau đó cứ vào hết Sài Gòn theo tấm gương anh hai, đứa học
đại học, đứa cao đẳng, đứa trung cấp… riêng con Nhị học kém nhất nó cũng chẳng
chịu ở nhà mà vào Sài Gòn học nghề. Với tụi nó, Sài Gòn là thiên đường, việc làm
đầy ra, muốn làm là làm, muốn thay đổi là thay đổi.
Bà ngồi xót xa nhìn ra ngõ, ông hay chặc
lưỡi với bà: “Tụi nó nói đâu có sai, Sài Gòn tốt nghiệp xong xin việc nhiều lắm
một hai tháng là có, làm chỗ này không được thì xin qua chỗ khác tốt hơn, chứ ở
đây, muốn làm chỗ nào cũng nộp hồ sơ chờ cả năm, đút tay chỗ này một ít, chỗ
kia một ít, mất cả trăm triệu mà chưa chắc có được việc làm. Vô làm rồi, họ có đối
xử như con trâu con bò cũng ráng ngậm đắng nuốt cay mà làm, chứ bỏ là mất trắng,
mình già, mình biết làm vậy là ổn định cho tương lai tụi nó, nhưng tụi nó trẻ,
tụi nó nghĩ khác…”.
Nghe lời ông mà bà làm hết tiệc chia
tay đứa này tới tiệc chia tay đứa khác, đứa lớn làm lớn, đứa sau làm nhỏ dần nhỏ
dần, có đứa tới ngày xách ba lô đi mà không cho bà nấu món gì để chia tay nó.
Ngày thằng Út đi, nó đem đâu về con chó con, nó bảo “mẹ nuôi nó cho có bạn, để
nó giữ nhà đêm hôm cho mẹ”. Bà nói một câu, mà nói xong, cũng nghe đắng cả lưỡi
mình, “hết người rồi, giờ đem chó về biểu tao làm bạn hả bây?”. Thằng Út đứng
trân nhìn bà, rồi như chạnh lòng, nó quay đi, giả vờ làm việc, vác vác khiêng
khiêng mớ cây gỗ còn nằm ngổn ngang trong sân.
Đời bà, cuộc chia ly lớn nhất có lẽ là
chia ly với ông. Chưa tới sáu mươi, ông đã bỏ bà đi, cũng cái bậc thềm này, ông
trượt chân ngã xuống, bác sĩ nói không phải chỉ là trượt ngã, mà ông bị tai biến,
đột quỵ. Vậy là ông mất, chia tay ông khiến bà suy sụp nhiều nhất, khiến bà nghĩ
nhiều hơn tới sự sống và cái chết. Mất ông, bà mới nhận ra mạng người như cỏ như
cây, một sớm một chiều, chẳng có gì là vĩnh viễn. Sau đám tang ông, bà ngồi cùng
sáu đứa con trong một mâm cơm. Nước mắt bà chảy dài, nói với chúng, “có lẽ… tới
đám tang của mẹ, bây mới lại ngồi vào cái mâm này đủ sáu đứa…”. Tụi nó
chùng đũa, mấy đứa con gái cúi mặt, đứa cũng rớt nước mắt theo bà. Thằng Hùng nạt,
“mẹ nói gì kỳ quá, mẹ chưa tới sáu mươi, mẹ phải sống ba bốn chục năm nữa chứ ít
gì, hổng lẽ mấy chục năm mà hổng có ngày nào ngồi với nhau ăn được chén cơm
sao?”. Bà ngẩng lên, nhìn thằng Hùng rồi cười chua chát, “Ừ, ba bốn chục năm nữa
lận mà, mẹ chưa già mà mẹ tưởng mẹ đã già lắm rồi!”. Có vài cái trừng mắt nhìn
qua Hùng, có tiếng con Thư nghiến lại nho nhỏ “thôi, anh hai!”.
Sau đám tang, sáu đứa con quảy sáu cái
ba lô, đi cùng một lúc, bỏ lại bà trong căn nhà trống huơ trống hoác với bàn thờ
nghi ngút khói. Bà ngồi nhìn lên di ảnh của ông mà khóc. Sau đó bà đổ bệnh, rất
lâu, mấy đứa con đứa gởi tiền, đứa gởi thuốc, đứa gởi thức ăn bổ dưỡng mà tụi nó
thấy quảng cáo trên tivi. Bà để hết trên đầu tủ. Chẳng có đứa nào về xem mẹ bệnh
nặng hay nhẹ. Mà thôi, có gì đâu mà phải phiền đến công ăn chuyện làm của tụi
nhỏ. Nghĩ vậy nên bà cảm thấy đỡ buồn, ngày ngày ôm con Bin thủ thỉ tâm tình.
Con Bin dường như cũng hiểu lòng bà, nó cứ chờ bà ngồi xuống là chạy vào dụi đầu
nằm ngay chân bà, không đi đâu xa khỏi cổng.
Bây giờ cũng vậy, bà thấy mình già đi
nhanh vì bệnh tật, thuốc không muốn uống, cơm cũng chẳng còn muốn ăn. Cái bậc
thềm càng ngày càng cao, có vẻ như bà bước không qua nổi nữa rồi. Con Bin cũng
bỏ bà chạy đâu rồi nhỉ? Bin à, Bin à… Bà gọi hoài mà không thấy con Bin quẫy đuôi
chạy lại mừng bà, chắc là nó biết yêu rồi, hôm qua bà thấy con chó nhà hàng xóm
cứ lấp ló sau cổng nhà bà. Bà cười, cả con Bin cũng sắp bỏ bà mà đi rồi đấy, ừ,
thì nó cũng đã lớn rồi còn gì, tới tuổi thì phải tự lập, thì phải có đôi thôi mà.
Bà Hai cố vin vào tường mà đứng lên, định là kêu con Bin vài tiếng nữa, coi nó
có về không, kêu nó vô ăn cơm chiều, mặt trời lặn mất lâu rồi thì phải. Nhưng cái
chân bà làm sao ấy nhỉ, cố lắm rồi mà sao đứng lên không được, chà, cái tội bướng,
thuốc mấy đứa nó gởi, tụi nó đứa nào cũng nói thuốc chữa khớp hay lắm, vậy mà cứ
cứng đầu không uống. Thôi, ráng chút nữa, ráng chút nữa vô tủ lấy thuốc uống,
chớ đi đứng vầy sao coi được, mình già thì già, chớ đã tới tuổi phải chết đâu mà.
Nghĩ thì nghĩ vậy, nhưng cái chân bà nó không vâng lời bà nữa, nó cứ đổ ỳ xuống
đó, ngay cái bậc thềm đó, ngay chỗ ông đã ngã xuống đó. Rồi … hình như bà đứng
lên được, đã nói mà, phải đứng lên chứ, ôi, thân bà bỗng nhẹ quá, nhẹ quá, bà đang
bay thì phải, bềnh bồng bềnh bồng… Bin ơi, về ăn cơm, con!
Con Bin quỳ mọp ngoài cổng, 3, 4 ngày
nay nó không chịu ăn gì hết, thằng Út dỗ kiểu gì nó cũng không ăn, cứ thỉnh thoảng
lại tru từng hồi dài. Út dỗ dành, “ăn chút gì đi Bin, bữa đó tao giận một chút
thôi mà, tao chửi mày sao không ở cạnh bà để bà ngã, nhưng mà, có phải tao ghét
mày đâu!”. Nước mắt thằng Út chảy dài, hình như con Bin cũng đang chảy nước mắt.
Nó hối hận, chắc vậy, vì lúc bà ngã xuống bà có kêu tên nó, mà nó thì đang mãi
mê với cô bạn gái hàng xóm, trời ơi, người bà tội nghiệp của nó.
Bà đã được nằm cạnh ông. Kết thúc những
lần chia tay, vĩnh viễn bà sẽ không còn chia tay ai trên cuộc đời này nữa, giờ đời
bà, chỉ còn có sum vầy, bà tin vậy đó.
Sáu đứa con của bà buồn bã quay nhìn di
ảnh trên bàn thờ còn nghi ngút khói rồi từng đứa từng đứa ra đi. Tiếng khóa cửa
nghe lạnh lùng và tàn nhẫn. Ra đến cổng rồi thằng Út như chợt nhớ gì, quay ngược
trở vô khản giọng gọi con Bin. Tìm nhà trước nhà sau đều không thấy con Bin đâu
cả.
Giờ thì… con Bin đang
nằm cạnh bà chủ, gìn giữ bà, bảo vệ bà, nó cũng sẽ vĩnh viễn không bao giờ rời
bà nửa bước, nó đang sửa chữa lỗi lầm của mình.
Thằng Út khóc nấc khi nhìn con Bin. Thì
thào, “Bin ơi, tao sẽ làm cho mày một nấm mộ. Chỉ có mày mới xứng đáng nằm cạnh
mẹ thôi, Bin ơi!”.
Đắk Lắk 2013
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét