Thứ Bảy, 18 tháng 1, 2014

SỐ: 256 - tác giả HỮU CHỈNH





TỰ THẮP SÁNG MÌNH
(Đọc Hơi thở thời gian – Thơ Sơn Thúy – NXB Văn học - 2013)



Nỗi buồn đem gửi xuống ao
Cá buồn cá lặn để ao lặng tờ
Nỗi buồn đem gửi vào thơ
Chữ buồn run rẩy nhòe mờ mắt ai
Bốn dòng trên được trích trong bài Biết gửi vào đâu của Sơn Thúy, lời tự bạch của bà giáo già đã vượt ngưỡng bảy mươi từ mấy thu qua cứ ám ảnh tôi. Để rồi bỏ qua lỗi trùng vần “ao” chỉ còn lại hồn thơ lãng đãng.
Thơ Sơn Thúy giàu nữ tính, trước hết chị là người phụ nữ, là mẹ, là bà. Đậm đặc hình ảnh người mẹ trong nhiều câu, nhiều bài, rưng rưng tình mẫu tử.
Bàn chân mẹ to bè
Dáng xòe hình cái chổi…
Bàn chân mẹ tòe ra chìm xuống
Để chúng con thẳng bước mà đi.
                                                                   Bàn chân mẹ
Biết ơn mẹ, ơn cuộc đời nuôi ta khôn lớn, cho ta thẳng bước. Nhiều người đã viết về mẹ nhưng hình ảnh bàn chân xòe hình cái chổi thì tôi mới gặp lần đầu. Cái chổi quét tước, cái chổi vun vén, cái chổi tảo tần, cái chổi chìm xuống để nâng bước ta đi. Lòng biết ơn rất cụ thể mà sâu lắng.
Một nắng hai sương, người mẹ của đồng bằng Bắc bộ hiện lên, đặc trưng của sự lam lũ không lẫn vào đâu được:
Có những mùa lũ lụt
Con ốc bò lên cột nhà
Con cua trèo lên mái rạ
Mẹ ngâm mình bợt bạt
Mò từng bông lúa, củ khoai.
                                                       Giấy khen
Chống chọi thiên nhiên hung dữ, mẹ tìm nguồn sống nuôi con. Thế mà cả nhà đều có giấy khen về công tác hay học tập. Chỉ riêng mẹ không có giấy khen nào. Kết thúc bài thơ, Sơn Thúy thêm một lần khẳng định: Mẹ là giấy khen nguồn cội mọi giấy khen của gia đình:
Mẹ ơi!
Trái tim chúng con
Là nơi treo giấy khen của mẹ.
Sơn Thúy đề cao phụ nữ, khẳng định công lao phụ nữ, thông cảm sự thiệt thòi, nhẫn nhịn và đớn đau của các bà mẹ. Nước mắt mẹ Việt Nam âm thầm chảy thành những giọt sao, tụ thành dải Ngân Hà:
Dòng nước mắt đàn bà
Đắng cay
Soi sáng.
                               Giọt sao
Có sự liên tưởng, so sánh khá lạ khi Sơn Thúy liên hệ sự tích bánh chưng, bánh dày. Bầu vú cho sữa nuôi con xứng đáng đặt lên bàn thờ trong tâm thức cộng đồng:
Bầu vú mẹ khum khum vòm trời
Thiêng liêng tròn đầy cặp bánh dày
Dâng lên bàn thờ ngày lễ hội
                                                                   Bầu vú mẹ
Trong bài Hơi thở thời gian (được lấy tên cho tập thơ) Sơn Thúy trải lòng, nghe hơi thở thời gian cũng là sự chuyển vần của tự nhiên, không giấu được sự tiếc nuối, bởi thời gian đi không trở lại:
Ta nghe hơi thở thời gian
Run rẩy nến lau sương phủ
Lãng đãng đấy, phiêu bồng đấy mà cũng vô vi đấy. Mấy ai đã nhìn thấy ngọn lau phơ phất trắng như nến cháy, như sương trắng mái đầu. Câu thơ hay và lạ. Câu thơ chỉ xuất thần ở người cao tuổi đã trải nghiệm cuộc đời.
Thơ Sơn Thúy canh cánh bên lòng vì những người mẹ, có cả mẹ chung và mẹ của riêng mình. Lòng biết ơn chảy dài theo năm tháng, theo những vần thơ chan chứa tình người. Gần như để tổng kết đời thơ của mình, Sơn Thúy hạ bút:
Con chữ trong đầu tôi ngày một nhiều hơn
Cùng với bước chân mẹ trượt trơn
Hạt thơ cũng nảy mầm từ con chữ trên lưng của mẹ.
Hạt thơ được gieo từ lưng mẹ, thành kính và biết ơn nên thơ Sơn Thúy đậm đặc tình mẫu tử, gốc của tình người.
Không kể tập tản văn – truyện ngắn Miền ký ức, đây là tập thơ thứ ba của Sơn Thúy, sau tập Nỗi niềm, Chút nắng mùa đông.

Tập Hơi thở thời gian là kết tinh sự lao động miệt mài, tự thắp sáng mình của bà giáo già đã vào tuổi bảy mươi lăm, rời quê gốc Thái Bình vào Đắk Lắk gieo mầm câu chữ. Tập thơ xứng đáng đạt giải B – Giải thưởng thường niên năm 2013 của Hội Văn học – Nghệ thuật Đắk Lắk.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét