Thứ Năm, 2 tháng 1, 2014

SỐ; 256 - tác giả LÊ HUY THÀNH



SAU CƠN LŨ ĐI QUA
                                                                               
Ghi chép


Chúng tôi đi công tác lên các đồn biên phòng tuyến Bắc của tỉnh trong thời điểm cơn bão số 9 vừa đi qua, nhưng trời vẫn còn mưa. Mưa từ thành phố Buôn Ma Thuột mưa vào đến tận biên giới. Dọc con đường tỉnh lộ 16, những ổ trâu ổ bò còn đọng đầy nước khiến chú lái xe, điều khiển chiếc U-oat không dám đi nhanh. Đến ngã ba Chư M'Lanh, chiếc U-oat ngoặt trái chạy kịch đường rồi rẽ phải theo con đường 14c. Trời đã vào trưa, cơn mưa cũng ngớt dần. Nhìn dòng nước chảy xiết, tôi biết rừng ở đây đã trọc lóc còn đâu mà ngăn cản được dòng lũ từ trong nội địa đổ về. Chiếc U-oat vượt con đập tràn chảy xiết nước ngập bánh, khiến chiếc xe chòng chành... 
Ngồi trên xe, nhìn xuống hai ven đường, ngấn nước rút còn để lại với những rều rác bám trên lùm cây, ngọn cỏ đủ biết cơn bão số 8, số 9 vừa qua để lại hậu quả rất lớn với nhân dân trên địa bàn. Vừa tới đồn biên phòng Ea H’Leo, tôi gặp ngay đồng chí Trung tá, Chính trị viên Mai Thế Bùi. Anh cho biết: Cơn bão số 8, 9 vừa qua gây ra mưa trên diện rộng. Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão Bộ đội Biên phòng, do đồng chí Đại tá Phạm Quang Hùng, Phó chỉ huy trưởng làm trưởng ban đã có mặt và chỉ đạo các đồn biên phòng, phối hợp với chính quyền địa phương, tuyên truyền cho nhân dân ở các thôn trong xã chủ động phòng chống ngập lụt; đồng thời chỉ đạo đội công tác địa bàn xuống các thôn trọng điểm giúp các hộ thiếu lao động vận chuyển nông sản đã thu hoạch từ ngoài ruộng lên chỗ an toàn. Thông báo kịp thời cho 60 hộ trong diện ngập lụt chủ động phòng chống kịp thời, chỉ đạo đội công tác giúp 18 hộ gia đình và một trường mầm non di dời khỏi vùng ngập lụt nguy hiểm. Phối hợp với lực lượng cứu hộ, cứu nạn của các đơn vị bạn thuộc Binh đoàn 16 đứng chân trên địa bàn, thông báo kịp thời với lực lượng Trạm cảnh sát bảo vệ biên giới của đồn ÔRô (Căm-pu-chia) tham gia tìm kiếm nạn nhân ở xã Cư Bang, huyện Ea Súp bị dòng lũ cuốn trôi, (ngày 18 tháng 9). Trong thời điểm này, mưa lũ càng trở nên dữ dội hơn. Hơn một km đường ở thôn Chiềng liên thông với thôn Đừng, thôn Án bị ngập. Có đoạn ngập tới gần cả mét nước. Đồng chí Hà Ngọc Lâm và đồng chí Y Juyên, đội công tác đã trực tiếp cùng anh em xuống địa bàn giúp dân di chuyển tài sản lên nơi khô ráo.
Vừa làm nhiệm vụ chống lũ lụt trong nội địa, đơn vị còn phải khẩn cấp triển khai ứng cứu giúp lực lượng biên phòng Căm Pu chia bị nước lũ cô lập. Trời vẫn mưa mù mịt, chiếc xuồng nhỏ do đồng chí Nguyễn Đức, thuộc Tiểu đoàn cơ động 19 điều khiển tiến dần ra phía dòng Ea H’Leo cuồn cuộn chảy. Muốn sang được bên kia dòng lúc này không phải dễ, đòi hỏi người lái phải có kinh nghiệm sông nước, phải quen thuộc địa hình mới có thể sang được. Mới hơn 15 giờ rưỡi mà trời như đã quá chiều. Đồng chí Mai Thế Bùi và đồng chí Nguyễn văn Thanh, phó nghiệp vụ đồn, khẩn trương vào trận. Đồng chí Mai Thế Bùi chỉ đạo Thiếu úy Nguyến Đức điều khiển chiếc ca nô luồn lách trong rừng né lánh những cây cối lềnh bềnh phóng theo dòng chảy va chạm vào xuồng. Chiếc xuồng men ra dòng nước mênh mang đục ngầu, đỏ quạch và xuôi chếch theo dòng nước xiết. Suốt gần hai tiếng đồng hồ mới sang tới Chốt 9 của nước bạn. Vừa thấy xuồng của ta tới, anh em trên chốt của bạn mừng vui khôn tả. Đồng chí Mai Thế Bùi triền khai, phát áo phao cho bạn và thúc giục đưa vũ khí, trang bị lên xuồng. Chiếc xuồng lại tiếp tục hành trình. Hành trình lúc đi thuận lợi hơn lúc về; bởi lúc về xuồng vừa phải tải nặng vừa phải bơi ngược dòng nước chảy xiết, bị rều, rác bám cứng vào chân vịt, buộc người lái xuồng phải nhiều lần dừng lại tháo gỡ… Cứ thế cho đến 20 giờ 30 cùng ngày, chiếc xuồng nhỏ đã đưa được 05 cán bộ, chiến sỹ của chốt bạn sang đồn biên phòng Ea H'leo tránh lũ an toàn. Thay mặt chốt bảo vệ biên giới của bạn, ông Súp Pơ, Thiếu úy chốt trưởng Chốt 9-C3 và Trạm cảnh sát bảo vệ biên giới của bạn, đã tỏ lời cảm ơn BĐBP Việt Nam đã cứu giúp qua cơn nguy hiểm.
* * *
Đó là tình hình ở đồn biên phòng. Để hiểu rõ và sâu hơn về trận lũ lụt trên diện rộng, tôi đã trực tiếp liên lạc với đồng chí Lương Văn Sơn, cán bộ kê của xã Ia Lốp. Anh Sơn cho biết.
- Từ ngày 17 đến 19.9 cơn bão số 8 hoành hành suốt 3 ngày trời gây ra mưa lũ lớn. Nước ngập cả con đường vào thôn Nhạp, ở thôn Án ngập 15 ngôi nhà, thôn Ba Tri ngập 3 ngôi. Mưa lũ gây thiệt hại hơn 734,1 héc ta hoa màu, cây nông sản của nhân dân, làm chết 01 con bò, 05 con dê, hàng trăm con gà vịt... Nghiêm trọng hơn là mưa bão đã làm sạt lở hơn 10 km đường giao thông liên thôn, thiệt hại lên tới 14,158 tỷ đồng.
Cùng trên dải đất liền kề của xã Ia Lốp là xã Ia Rvê. Đồng chí Phó chủ tịch xã Nguyễn Viết Sơn cho biết: Cơn bão số 7, 8, 9, 10 vừa qua xảy ra liên tiếp. Nhưng trong đó, cơn bão số 8 gây thiệt hại nặng nhất. Mưa lớn kéo dài, cùng với việc xả lũ của hồ Ea Súp Thượng, nước từ địa phận tỉnh Gia Lai và các nơi khác đổ về, nên đã gây ra lũ lụt lớn. Cấp ủy, chính quyền địa phương ở đây đã chủ động kịp thời phối hợp với Ban phòng chống lụt bão của huyện, phối hợp với Bộ đội biên phòng và các đơn vị quân đội đứng chân trên địa bàn, phân công tổ trực 24/24, tập trung ở các thôn trọng điểm, nên đã đưa được 100 người bị mắc kẹt ở các chòi rẫy bị ngập lụt vào nơi an toàn. Về hoa màu như lúa, khoai, bắp, mì, nghệ, gừng… cây công nghiệp như cao su, bông… hầu hết bị ngập mất trắng với tổng diện tích là 644,6 héc ta, trên 533 hộ bị ảnh hưởng. Một số hồ ao thả cá, trâu bò cũng bị lũ cuốn trôi. Nghiêm trọng hơn là tuyến giao thông nông thôn bị sạt lở hơn 10 km, 08 cầu cống bị hỏng. Thiệt hại nặng nhất là ở thôn 7, 8, 9 và thôn 13 của xã. Tổng thiệt hại ước tính trên14,158 tỷ đồng.
- Thế sau cơn bão lũ, cấp ủy, chính quyền địa phương đã có hướng chỉ đạo khắc phục thế nào? Tôi hỏi Chủ tịch xã.
Anh nói với tôi giọng trầm xuống: Sau cơn bão ruộng đồng mất trắng. Cấp ủy, chính quyền địa phương đã chỉ đạo trạm y tế kiểm tra các thôn phun thuốc chống dịch bệnh cho người và gia súc. Đề nghị và xin cấp trên tu sửa lại đường giao thông huyết mạch; đồng thời vay vốn cho nhân dân tiếp tục sản xuất. Ruộng đồng mất trắng, hộ nghèo ở hai xã Ia Lốp Ia Rvê lại tiếp tục tăng lên, có thể còn vượt lên trên 73%. Anh  Lương Văn Sơn, cán bộ thống kê của xã Ia Lốp nói với tôi vậy.
Để đối phó với cái đói, cái nghèo ngay sau khi lũ đi qua, người có sức khỏe thì bỏ nhà đi nơi khác làm thuê (cuốc cỏ, cạo mủ cao su, thu hái cà phê…), người ở lại đa số là người già, phụ nữ thì tiếp tục thu nhặt những gì còn sót lại trên đồng... Hiện tại chính quyền địa phương đang kêu gọi các cơ quan, doanh nghiệp, các nhà hảo tâm hỗ trợ về vật chất cứu trợ cho nhân dân. Vừa qua các nhà chùa ở miền Tây cũng đã kịp thời vận chuyển hàng hóa như mì tôm, bột ngọt giúp đỡ được phần nào. Tôi liên tưởng lại mấy hôm trước: Sau một ngày cơn bão số 8, đồng chí Đỗ Minh Hảo, Đại tá Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng, Đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh đã trực tiếp xuống xã Cư Bang, huyện Ea súp hỗ trợ cho 07 gia đình có người bị mưa lũ cuốn trôi, mỗi gia đình 2 triệu đồng và 4 hộ gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, mỗi gia đình 50 kg gạo. Món quà nho nhỏ đó cũng đã thể hiện tình cảm quân dân nồng ấm keo sơn.
Ông Lê Thanh Hải, chủ tịch xã Ia Rvê, cho biết thêm:
- Cuộc sống của bà con ở đây giờ còn khó khăn nhiều lắm… Năm nào cũng lũ lụt. Mùa mưa làm rất vất vả mà không được thu hoạch. Mùa khô thì không có nước. Không có nước thì chẳng làm ăn gì được. Muốn phát triển kinh tế  thì cần phải có nhiều hồ, đập. Mùa khô có nước là có tất cả.
Chia tay anh Lê Thanh Hải ra về, trời vẫn còn lác đác mưa. Mưa khiến trong tôi buồn bã và biết thông cảm sâu sắc hơn với hoàn cảnh của người dân nơi vùng biên của tỉnh nhà.
                                                                    Buôn Ma Thuột 29.10.2013









Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét