GIÁ TRỊ HIỆN THỰC VÀ NHÂN
ĐẠO
TỪ HÌNH TƯỢNG NHÂN VẬT ÔNG
GIÁO
TRONG TRUYỆN NGẮN LÃO HẠC
Nhắc đến truyện ngắn Lão Hạc, một trong
những tác phẩm xuất sắc nhất của văn học hiện thực Việt Nam giai đoạn
1930-1945, người ta nghĩ ngay đến nhân vật cùng tên, một điển hình của người nông
dân nước ta trước Cách mạng tháng Tám mà quên mất một hình tượng cũng hết sức
thành công khác trong truyện: Nhân vật “tôi”- ông giáo. Có thể nói, dù không phải
là nhân vật chính, xuất hiện với vai trò là người kể chuyện, hiện lên chỉ với vài
nét ngắn gọn qua lời kể của chính mình nhưng nhân vật ông giáo “tôi” là một hình
tượng nghệ thuật đặc sắc của Nam Cao, mang nhiều giá trị nghệ thuật, trong đó có
giá trị hiện thực và giá trị nhân đạo.
GIÁ TRỊ HIỆN THỰC
Đúng như nhận định của Trần Đăng Suyền: “Nam
Cao là nhà văn lớn nhất của trào lưu văn học hiện thực phê phán 1930-1945”
(trong bài viết Nam
Cao -nhà văn hiện thực xuất sắc, nhà nhân đạo chủ nghĩa lớn). Ông đến với
chủ nghĩa hiện thực phê phán khá muộn, khi trên văn đàn đã có những cây bút đại
thụ với nhiều đỉnh cao không dễ gì vượt qua như Nguyễn Công Hoan, Vũ Trọng Phụng,
Ngô Tất Tố… Thế nhưng bằng sự ý thức sâu sắc về quan điểm nghệ thuật của mình,
Nam Cao đã “biết đào sâu, biết tìm tòi, khơi những nguồn chưa ai khơi, và sáng
tạo những cái gì chưa có” (Đời thừa). Với cách đi của riêng mình, Nam
Cao đã sáng tạo nên những điển hình nghệ thuật bất hủ trong văn xuôi hiện thực Việt
Nam .
Ngày nay, những Chí Phèo, Thị Nở, dì Hảo, lão Hạc… không chỉ còn là nhân vật
trong trang sách nữa mà đã bước ra cuộc đời, in đậm dấu ấn trong đời sống văn học
dân tộc.
Trong truyện ngắn Lão Hạc, bên cạnh nhân
vật chính là một điển hình xuất sắc về người nông dân Việt Nam trước 1945, nhân
vật ông giáo tuy chỉ là nhân vật phụ nhưng lại mang nhiều giá trị hiện thực rõ
nét. Đây là nhân vật tiêu biểu cho tầng lớp trí thức tiểu tư sản nước ta trước
Cách mạng, cụ thể là những người dạy học mà tác giả gọi là những “giáo khổ trường
tư”. Không được khắc họa đậm nét như anh giáo Thứ trong tiểu thuyết Sống mòn,
nhưng qua một ông giáo “tôi” trong truyện ngắn Lão Hạc, ta bắt gặp nhiều
ông giáo khác ở nước ta trước năm 1945. Đó là những trí thức nghèo khổ, sống lay
lắt bằng đồng lương ít ỏi ở các trường tư. Cuộc sống họ cũng chẳng hơn gì cuộc
sống của người nông dân, cũng bấp bênh, túng quẫn và bế tắc. Trong truyện,
gia đình ông giáo thường xuyên rơi vào cảnh “cùng đường đất sinh nhai”, con cái
nheo nhóc, bệnh tật liên miên, vợ “khổ quá rồi” đến nỗi “cái bản tính tốt” của
thị “bị những nỗi lo lắng, buồn đau, ích kỉ che lấp mất”. Cũng như văn sĩ Hộ
trong Đời thừa, văn sĩ Điền trong Giăng sáng, ông giáo “tôi”
trong Lão Hạc cũng phải “chạy ăn từng bữa toát mồ hôi” (Trần Tế Xương). Đây
chính là cuộc sống của trí thức tiểu tư sản nói chung, người làm nghề dạy học nói
riêng ở nước ta trước năm 1945 mà nhân vật ông giáo “tôi” là một người tiêu biểu.
Trong hoàn cảnh đời sống chật vật, túng thiếu,
quẫn quanh ấy, các nhân vật trí thức của Nam Cao thường rơi vào bi kịch giữa lí
tưởng cao đẹp và hiện thực khốn cùng trói buộc, giữa khát vọng lớn lao với chuyện
áo cơm ghì sát đất. Ông giáo trong Lão Hạc là một tiêu biểu cho bi kịch
này của những “giáo khổ trường tư” nước ta trước Cách mạng. Ông giáo “tôi” cũng
từng có “một thời chăm chỉ, hăng hái và tin tưởng đầy những say mê đẹp và cao vọng”,
một thời mà “mỗi lần mở một quyển ra, chưa kịp đọc dòng nào, tôi đã thấy bừng lên
trong lòng tôi như một rạng đông, cái hình ảnh tuổi hai mươi trong trẻo, biết yêu
và biết ghét”. Nhưng “một trận ốm thập tử nhất sinh đã đem y về, trả cho đất chôn
nhau cắt rốn” (Sống mòn), và rồi sau nhiều lần “cùng đất sinh nhai”, con
cái ốm đau nheo nhóc, vợ “khổ quá rồi”, những ước mơ, hoài bão của thời trai trẻ
ấy chỉ còn trong “cái kỉ niệm của một thời”, đã ngủ yên trong kí ức và sau này
chưa một lần ông giáo nhắc lại. Có thể nói, dù không được tác giả khắc họa đậm
nét như bi kịch “một kẻ vô ích, một người thừa” giằng xé trong nội tâm của các Điền,
Hộ, Thứ,… nhưng qua những gì ông giáo nghĩ về “những quyển sách rất nâng niu”,
về “một thời chăm chỉ, hăng hái và tin tưởng”, về cuộc sống bấp bênh, nghèo túng
hiện tại, ta hiểu ở nhân vật này cũng có những nỗi khổ khó nói ra. Trong Sống
mòn, Nam Cao khẳng định : “Đau đớn thay những kiếp sống muốn khao khát lên
cao nhưng lại bị áo cơm ghì sát đất”. Hay như trong Đời thừa, ông viết :
“Còn gì đau đớn hơn cho một kẻ vẫn khao khát làm một cái gì mà nâng cao giá trị
đời sống của mình, mà kết cục chẳng làm được cái gì, chỉ những lo cơm áo mà đủ
mệt”. Đó chính là nỗi đau của những trí thức tiểu tư sản làm nghề dạy học ở nước
ta trước 1945 mà anh giáo Thứ, ông giáo “tôi” là những điển hình.
GIÁ TRỊ NHÂN ĐẠO
Không chỉ là “nhà văn hiện thực xuất sắc”, Nam
Cao còn là “nhà nhân đạo chủ nghĩa lớn”. Và “cái góc, nền tảng vững chắc của chủ
nghĩa hiện thực của Nam Cao là chủ nghĩa nhân đạo” (Trần Đăng Suyền, tài liệu đã
dẫn), bởi hơn ai hết, ông ý thức được rất rõ giá trị chân chính của “một tác phẩm
thật giá trị” là giá trị nhân đạo của nó. Trong Đời thừa, nhà văn viết:
“Một tác phẩm thật giá trị, phải vượt lên bên trên tất cả bờ cõi và giới hạn,
phải là một tác phẩm chung cho cả loài người. Nó phải chứa đựng được một cái gì
lớn lao, mạnh mẽ, vừa đau đớn lại vừa phấn khởi. Nó ca tụng lòng thương, tình bác
ái, sự công bình… Nó làm cho người gần hơn”. Quả thực, Nam Cao đã làm được những
gì ông quan niệm. Giữa lằn ranh mong manh của chủ nghĩa hiện thực và chủ nghĩa
tự nhiên, nhà văn đã không bị chao đảo, nghiêng lệch về chí tuyến bên kia bởi ông
đứng vững chắc trên nền tảng chủ nghĩa nhân đạo. Nam Cao là “nhà văn của những
người khốn khổ, tủi nhục nhất trong xã hội thực dân - phong kiến”. Viết về từng
người trong họ, ông “đều bộc lộ tấm lòng của một con người đau đời và thương đời
da diết”, bởi “Nam Cao yêu thương những con người bị cuộc đời đày đoạ” (Trần Đăng
Suyền, tlđd). Tác phẩm Nam Cao “càng thử thách càng ngời sáng”, có địa vị quan
trọng trong lịch sử văn học dân tộc, có lẽ trước hết bởi ở giá trị nhân đạo mà
chúng mang trong mình.
Trong Lão Hạc, ông giáo “tôi” tuy là nhân
vật phụ nhưng lại được tác giả dụng công xây dựng, và do đó mang nhiều giá trị
nhân đạo sâu sắc. Giá trị ấy trước hết được biểu hiện ở tấm lòng cảm thông, thương
xót đối với những con người bất hạnh, khổ đau, cùng cực. Trong truyện, ông giáo
là “kẻ bầu bạn, người được trao gửi, nhân chứng gần gũi của lão Hạc” (Nguyễn Thị
Thanh Xuân trong bài Bi kịch của lão Hạc) bởi ông giáo là người bạn an ủi
trong lúc tuổi già hiu quạnh duy nhất của lão Hạc; là người biết thấu hiểu, cảm
thông với hoàn cảnh trống vắng, buồn tủi khi “Vợ lão chết rồi. Con trai lão đi
bằn bặt” bằng cách thường xuyên thăm hỏi, chuyện trò, chia sẻ với lão bạn già
khốn khổ của mình những niềm vui đơn sơ của người nghèo như củ khoai luộc, điếu
thuốc lào, ấm chè đặc. Thậm chí cả khi lão Hạc “dở chứng” “từ chối tất cả những
cái gì tôi cho lão. Lão từ chối một cách gần như là hách dịch”, ông giáo không
hề giận mà chỉ “càng buồn”, vì ông hiểu rằng “Những người nghèo nhiều tự ái vẫn
thường như thế. Họ dễ tủi thân nên rất hay chạnh lòng”. Rõ ràng, ông giáo đã có
một tấm lòng thương người, một trái tim nhân hậu, dù những người xung quanh ông
có ở trong hoàn cảnh khốn cùng, quẫn bách. Đây chính là giá trị nhân đạo quan
trọng từ hình tượng nhân vật này.
Hình tượng nhân vật ông giáo xưng “tôi” trong Lão
Hạc còn mang một giá trị nhân đạo khác, thể hiện ở tác giả một nhân sinh
quan tốt đẹp, một quan niệm hết sức tiến bộ về cách nhìn nhận, đánh giá con người.
Đó là cái nhìn thấy điểm sáng trong cả góc khuất tâm hồn con người, nhìn nhận
con người bằng những mặt tích cực, bằng thái độ bao dung, “gạn đục khơi trong” để
thấy những điều đáng trân trọng ở mỗi người, dù họ có thế nào đi nữa. Nam Cao
viết: “Chao ôi! Đối với những người ở quanh ta, nếu ta không cố tìm mà hiểu họ,
thì ta chỉ thấy họ gàn dở, ngu ngốc, bần tiện, xấu xa, bỉ ổi… toàn những cớ để
cho ta tàn nhẫn; không bao giờ ta thấy họ là những người đáng thương; không bao
giờ ta thương” (Lão Hạc). Điều này xuyên suốt trong các sáng tác của ông
mà tiêu biểu nhất là cái nhìn con người trong truyện ngắn Chí Phèo.
Trong Lão Hạc, ông giáo đã có được cái nhìn nhân văn ấy khi nghĩ về lão
bạn già và người vợ của mình. Với lão Hạc, khi biết chuyện lão xin bả chó từ
Binh Tư, lúc đầu ông giáo ngộ nhận “Thì ra đến lúc cùng lão cũng có thể làm liều
như ai hết”. Nhưng rồi khi chững kiến cái chết dữ dội mà nguyên nhân “chỉ có tôi
với Binh Tư hiểu”, ông giáo mới vỡ lẽ ra nhiều điều. Từ chỗ hiểu nhầm, ông giáo
càng hiểu hơn, kính trọng hơn ở lão bạn nghèo khổ khốn cùng của mình một nhân cách
cao đẹp.
Nếu như cái nhìn nhân đạo ấy của ông giáo đối với
lão Hạc phải trải qua sự ngộ nhận, hiểu nhầm mới có được, thì với vợ mình, ngay
từ đầu ông giáo đã có cái nhìn này. Trong truyện, khi “tôi nói chuyện lão với vợ
tôi. Thị gạt phắt đi”. Vợ ông giáo đã nói về lão Hạc bằng những lời hằn học, đáng
kiếp. Thế nhưng không vì thế mà ông giáo giận vợ, trái lại ông chỉ thấy buồn. Bởi
ông hiểu rằng “Vợ tôi không ác, nhưng thị khổ quá rồi… Cái bản tính tốt của người
ta thường bị những nỗi lo lắng, buồn đau, ích kỉ che lấp mất”. Rõ ràng, ông giáo
nhìn thấy được cái nguyên nhân sâu xa của những ích kỉ, nhỏ nhen, hằn học của vợ
mình. Nhưng trên hết, nhân vật này biết nhìn vào nỗi đau khổ của vợ mà cảm thông,
bao dung đồng thời có một niềm tin sâu sắc, bền bỉ vào bản tính lương thiện, tốt
lành của con người, dù nó có bị những lo toan, vất vả, khổ đau che khuất mất. Đây
là giá trị nhân đạo cao nhất từ hình tượng nhân vật ông giáo mà Nam Cao đã thành
công khi xây dựng.
Có thể nói, Nam Cao là nhà văn hiện thực xuất sắc,
nhà nhân đạo chủ nghĩa lớn của văn học hiện đại Việt Nam . Xuyên suốt các sáng tác, làm nên
giá trị lâu bền cho các tác phẩm của ông là các giá trị hiện thực và nhân đạo.
Trong truyện ngắn Lão Hạc, nhân vật ông giáo tuy chỉ đóng vai trò phụ nhưng
lại là một hình tượng nghệ thuật thành công của Nam Cao, bên cạnh điển hình xuất
sắc là lão Hạc. Ở nhân vật ông giáo, giá trị hiện thực và nhân đạo được biểu hiện
khá rõ nét. Đây là nhân vật được tác giả dụng công xây dựng, mang nhiều yếu tố
tự truyện nhưng đã vượt ra ngoài khuôn khổ của một “giáo khổ trường tư” ở nước
ta trước Cách mạng, trở thành một hình tượng đẹp về người giáo viên trong văn học,
sống mãi trong đời sống văn học nước nhà.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét