Thứ Sáu, 10 tháng 1, 2014

SỐ: 256 - tác giả NGUYỄN LIÊN






VĂN NGHỆ ĐỊA PHƯƠNG-NHÌN TỪ TỈNH BẠN
Ghi chép



Bảy năm trước, trong dịp dự trại sáng tác tại Nhà sáng tác Đại Lải, tôi đến thăm các đồng nghiệp ở Hội Văn học Nghệ thuật Phú Thọ. Giữa lúc hoạ sĩ Đỗ Ngọc Dũng, Chủ tịch Hội đang tất bật cho việc tổ chức một đoàn gồm lãnh đạo, một số uỷ viên BCH Hội, bộ phận làm tạp chí cùng đại diện Ban Tuyên giáo, Sở Nội vụ, Sở Tài chính, Sở Văn hoá… có một chuyến xuyên Việt giao lưu trao đổi cách tổ chức làm báo văn nghệ với một số tỉnh. Một năm sau, nhân đại hội văn nghệ toàn quốc tại Hà Nội, gặp lại vị lãnh đạo văn nghệ vùng Đất Tổ năng động này, anh tươi cười: “Ổn rồi!” Thì ra từ cái khó ló cái khôn. Có thể nói Phú Thọ là cái nôi của văn nghệ kháng chiến sản sinh ra nhiều văn nghệ sĩ tên tuổi cho đất nước, Tạp chí văn nghệ Đất Tổ ra đời cùng với ngày khai sinh Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Phú Thọ ngay từ khi đất nước thống nhất 1975. Ấy thế mà hoạt động của Tạp chí cứ trầy trật thiếu người, thiếu vốn; nhiều dự định đặt ra muốn nâng chất lượng văn học nghệ thuật phục vụ đời sống nhân dân mà không thực hiện được. Vậy là ý định tách bộ phận Tạp chí ra hoạt động độc lập được sụ đồng tình của BCH Hội. Giờ thì Tạp chí đã có biên chế 9 người, có ô tô riêng, tài khoản riêng, hàng năm tỉnh cấp ngân sách trực tiếp 1 tỉ cho riêng tạp chí hoạt động; sinh hoạt Đảng, Đoàn, lương vẫn chung với Hội. Gọi là riêng nhưng tạp chí vẫn không tách rời sự quản lý của Hội, bởi nó là một bộ phận chuyên môn của đơn vị như trong điều lệ quy định.
Mỗi tỉnh có cách tổ chức hoạt động hiệu quả riêng nhờ vào tầm nhìn của lãnh đạo tỉnh đến đâu. Lãnh đạo tỉnh quan tâm nhiều thì văn học nghệ thuật, báo chí đỡ vất vả; nơi nào lãnh đạo tỉnh ít quan tâm thì buộc anh em văn nghệ, báo chí phải tìm cách khắc phục để phát huy tốt vai trò của mình. Một trong những cách khắc phục ấy là tìm đến những nơi có hoạt động báo chí văn nghệ tương đối khá xem cách thức làm ăn của họ ra sao để về rút kinh nghiệm vận dụng.
 Đắk Lắk là vùng đất giàu tiềm năng, Hội Văn học Nghệ thuật Đắk Lắk có đội ngũ văn nghệ sĩ từng có những thành tích làm rạng danh vùng đất Tây Nguyên. Chỉ được cấp hơn 200 triệu đồng cho hoạt động tạp chí quả là vô cùng khó khăn. Lãnh đạo và BCH Hội đã trăn trở tìm hướng đi hiệu quả cho Tạp chí văn nghệ Cư Yang Sin và quyết định tổ chức một chuyến giao lưu trao đổi kinh nghiệm với một số Hội bạn.
Trung tuần tháng mười một. Những cơn bão nối nhau vào miền Trung vừa tan, đoàn công tác của Hội gồm chín người, một nửa là uỷ viên BCH, số còn lại là những người trực tiếp làm tạp chí, có đại diện Sở Nội vụ tham gia đã lên đường ra Bắc, nhà văn Hồng Chiến, Phó Chủ tịch Thường trực Hội làm trưởng đoàn. Gió heo may tràn về báo hiệu mùa khô đã đến, trời Tây Nguyên trong xanh, đây đó những cụm hoa cúc quỳ vàng rộ. Chiếc xe lao vun vút trên đường 14 ngồi trong xe, hầu như tất cả chúng tôi chẳng còn tâm trạng để thưởng thức cái khoảnh khắc đẹp đẽ của đất trời chuyển mùa, ai cũngï mang nặng nỗi niềm lo toan, trách nhiệm, làm sao để tạp chí hay hơn, đẹp hơn và đến được với đồng bào các dân tộc trong tỉnh. Hơn 19 giờ qua hầm Hải Vân đoàn mới dừng lại ăn cơm chiều. Ăn xong tranh thủ lên đường ngay về Huế nghỉ để kịp sáng mai làm việc với các đồng nghiệp Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Thừa Thiên Huế và Tạp chí Sông Hương.
Như đã hẹn, các anh lãnh đạo Hội và Tạp chí Sông Hương đã đợi và niềm nở đón tiếp đoàn Đắk Lắk. Lâu nay chỉ biết đất Cố Đô có nhiều lợi thế, được lãnh đạo tỉnh ủng hộ. Hoạt động văn học nghệ thuật gây được tiếng vang, Tạp chí Sông Hương nổi danh không chỉ trong nước mà cả ở nước ngoài. Có “mục sở thị” mới thấy “tiếng đồn quả không sai”. Tạp chí Sông Hương là một trong ba cơ quan báo chí của tỉnh là Báo Đảng, Đài Phát thanh Truyền hình hoạt động được Bộ Thông tin và Truyền thông cấp phép. Cũng giống như Đắk Lắk và các tỉnh khác thôi. Nhưng khác là ở chỗ họ thực hiện theo đúng Thông tư của Bộ Văn hoá Thông tin năm 2006 (Bộ Văn hoá Thông tin lúc đó cấp phép và quản lý báo chí) về việc phân cấp báo chí, nghĩa là báo văn nghệ tỉnh thuộc cấp II. Tổng biên tập hưởng mọi chế độ quyền lợi tương đương giám đốc sở. Kinh phí do ngân sách tỉnh cấp trực tiếp cho hoạt động tạp chí mỗi năm 1.6 tỉ đồng. Biên chế của Tạp chí là 10 người, có ô tô riêng. Nhà văn Hồ Đăng Thanh Ngọc, Tổng biên tập phấn khởi cho biết Tạp chí Sông Hương không chỉ làm tạp chí mà còn tổ chức nhiều hoạt động có ý nghĩa khác như. Nào là Tạp chí đứng ra tổ chức, giới thiệu tác giả tác phẩm của các hội viên tọa đàm về các sự kiện mới trong đời sống VHNT, giao lưu với các đoàn văn nghệ sĩ trong và ngoài nước mỗi lần ghé thăm Huế; thành lập Câu lạc bộ Văn học trẻ dành cho học sinh, sinh viên; tổ chức các cuộc thi.
Rời Huế lên đường ra Quảng Bình, ngồi trên xe ai cũng xuýt xoa, mình mà có tiền tỉ như họ… Quảng Bình một tỉnh nhỏ chỉ có 5 huyện và thành phố. Miền đất cát còn có nhiều khó khăn, thể hiện rõ nhất những bụi tre, dãy keo gãy đổ, những căn nhà lợp tôn trống hoác sau trận bão lũ… Có biết bao việc cán bộ và nhân dân Quảng Bình phải làm trước cuộc sống kinh tế còn khó khăn ấy. Ấy vậy mà Văn học Nghệ thuật vẫn được tỉnh quan tâm không kém gì tỉnh lớn như Thừa Thiên – Huế. Mỗi năm tạp chỉ Nhật Lệ được cấp 1 tỉ đồng. Anh Nguyễn Bình An, Chủ tịch Hội cho biết lãnh đạo tỉnh cũng đắn đo lắm, tách từ Bình Trị Thiên ra cũng phải 2 năm sau mới có được số kinh phí ấy cho hoạt động tạp chí. Các anh lãnh đạo văn nghệ Quảng Bình cho biết một vị lãnh đạo nhắc tới câu nói từng nghe ở đâu đó rằng tỉnh đã phát liên “Chi một đồng cho văn hoá nghệ thuật hơn phải chi mười đồng để xây nhà tù”. Mừng lắm, cái tầm nhìn của lãnh đạo như thế sao ta không làm tốt, sáng tạo thật nhiều, tuyên truyền thật hay. Hiện nay tạp chí Nhật Lệ phát hành đều đặn một ngàn bản, chủ yếu ngành giáo dục mua đưa vào thư viện, tủ sách văn học địa phương. Có một tiêu chí kết nạp hội viên của Quảng Bình, điều mình rất cần để tham khảo đó là kết nạp hội viên chuyên ngành văn học, đối với thơ 10 bài, văn phải 5 truyện, ký được đăng trên báo văn nghệ Trung ương hoặc văn nghệ địa phương, đăng báo khác không tính. Phải chăng đó cũng là cách để nâng cao chất lượng hội viên. Nếu chỉ tính đầu sách thì hiện nay người ta tự bỏ tiền mua giấy phép, tự in nhan nhản.
*
Thanh Hoá cũng được hưởng ân huệ không kém. Một tỉnh khá lớn, Hội Văn học - Nghệ thuật có tới 450 hội viên. Tạp chí Xứ Thanh đang ở độ tuổi sung mãn, tuổi hai mươi. Cũng là báo cấp 2, nhà văn Hoàng Trọng Cường, Tổng biên tập và nhạc sĩ Đồng Tâm, Chủ tịch Hội đón chúng tôi tại Nhà khách Tỉnh uỷ. Hai chiếc xe con, một của Hội, một của Tạp chí dẫn đường chúng tôi về cơ quan Hội. Tạp chí Xứ Thanh được cấp 900 triệu đồng một năm. Nhưng mỗi năm tỉnh cấp thêm 100 triệu nữa cho tạp chí tổ chức các cuộc thi. Năm nào cũng vậy, từ các cuộc thi này đã phát hiện ra những mầm tài năng, để bồi dưỡng phát triển bổ sung cho lực lượng văn nghệ tỉnh nhà.
Đối với Hải Dương, tuy tạp chí là một bộ phận riêng biệt, kinh phí cho hoạt động cũng riêng biệt, nhưng con người biên chế chung với Hội. TS văn học Kim Nga, Phó Chủ tịch Hội làm Tổng biên tập, nhà văn Vũ Thị Mây làm Chánh văn phòng kiêm công tác Trị sự tạp chí, nhà văn Thương Huyền - Phó chánh văn phòng kiêm thư ký toà soạn v.v… Nghĩa là tất cả biên chế hai bộ phận Văn phòng và Tạp chí tuy riêng biệt nhưng con người lại chung. Lương chung, nhưng kinh phí riêng cho tạp chí in ấn, nhuận bút cũng có 400 triệu đồng nhưng được lãnh đạo tỉnh chuyển kinh phí mua tạp chí mỗi số 1.500 bản cấp cho lãnh đạo các sở, ban ngành cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở, giống như báo Đảng của địa phương. Đây cũng là một lợi thế lớn để tạp chí đến với công chúng rộng rãi hơn. Ở Phú Thọ cũng như Hải Dương, tạp chí có xe riêng, tài khoản riêng, biên chế riêng nhưng tất cả mọi kế hoạch hoạt động đều nằm chung trong kế hoạch của Hội. Ngân sách tỉnh cấp cho Hội 3 tỉ thì tỉnh cũng cấp cho tạp chí 1 tỉ. Ngoài việc hoạt động nâng cao và phát hành rộng rãi tạp chí, tỉnh còn giao cho Hội tất cả các hoạt động bề nổi như tổ chức Lễ hội, Triển lãm … vốn là của ngành văn hoá. Nhưng văn học nghệ thuật chuyên nghiệp hơn dẫn tới hoạt động hiệu quả hơn. Có lẽ nhờ vậy mà đời sống anh em văn nghệ sĩ Phú Thọ xênh xang hơn nhiều nơi. Chắc cũng chỉ duy nhất có Phú Thọ đủ sức ưu ái cho văn nghệ sĩ đi thực tế, dự trại sáng tác bằng máy bay.
*
Hy vọng sau chuyến đi này, được mắt thấy tai nghe, lại có cả đại diện sở Nội vụ, chắc chắn Hội sẽ có đề án trình lên lãnh đạo tỉnh cũng như lãnh đạo các ngành liên quan qua đó Hội và Tạp chí sẽ được sự quan tâm hơn đúng với tinh thần Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị nêu rõ: “Văn học, nghệ thuật là lĩnh vực rất quan trọng, đặc biệt tinh tế của văn hoá; là nhu cầu thiết yếu thể hiện khát vọng chân, thiện, mỹ của con người; là một trong những động lực to lớn trực tiếp góp phần xây dựng nền tảng tinh thần của xã hội và sự phát triển toàn diện của con người Việt Nam”.




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét