Thứ Năm, 16 tháng 1, 2014

SỐ: 256 - tác giả NGUYỄN ĐỨC MẬU


     


THƠ Ở TRẠI SÁNG TÁC
MIỀN TRUNG, TÂY NGUYÊN



Thơ ở Trại sáng Miền Trung, Tây Nguyên do Hội Văn học - Nghệ Thuật các Dân tộc thiểu số tổ chức ở Đắc Lắc có mười bảy tác giả thơ ở nhiều vùng đất khác nhau. Tác giả Hữu Chỉnh có bài thơ Chào bạn muôn nơi, dành tặng các bạn bè dự trại:
Anh như con gấu người Vân Kiều, Quảng Trị
Chị Hơ Rê từ Quảng Ngãi xuôi vào
Và anh nữa: Con vượn trên cây hai ngàn lá
Bạn Pa Dí về cùng Tày, Thái, Mông, Dao…

Cô gái Hà Giang gặp chàng trai Sóc Trăng, Bình Phước
Anh Cao Bằng gặp Cần Thơ, Kiên Giang
Chè Thái Nguyên gặp cà phê Đắk Lắk
Xứ Lạng hương hồi gặp quế Quảng Nam
Tác giả Pờ Sào Mìn, có chùm thơ 3 bài mới viết. Nhà thơ  người Pa Dí tới vùng đất Tây Nguyên với tâm sự: “Tôi xin được hóa thân/ Làm họa mi xanh nhảy nhót chuyền cành/ Trên những rừng thông nông trường Đắk Lắk, Gia Lai lộng gió/… Và ngàn vạn lời ca vẫn còn chưa đủ/ Khi hát về Cao nguyên, Cao nguyên.” Tác giả Lương Định với chùm thơ liền mạch, cảm xúc liền mạch viết về Đêm trăng Êđê, hoài niệm Êđê. Tới buôn Ako DHong, Lương Định có những chấm phá rất gợi:
A Ko DHong
Buôn là phố
Phố cũng là buôn
Những ngôi nhà dài sánh cùng biêt thự
Khu vườn em hoa tím bốn mùa
Một buôn làng bình yên trong thành phố
Những buồn đau một thuở
Đã xa vời…
Trong phần thơ của Trần Ngọc Trác, nổi bật là bài Tình sơn cước. Bài thơ có nét thực, nét ảo và chất men say trong từng đoạn thơ, câu thơ:
Cám ơn vó ngựa chiều qua đồi, qua dốc
Lắc lư trời
            lắc lư mây
                         ắc lư hồn ta
Choáng ngợp người
                        choáng ngợp hoa
                                             lòng ta choáng ngợp
Tác giả Đoàn Hữu Nam có sự trải nghiệm về thời gian, về nhân tình thế thái qua bài thơ Từng đốt cuộc đời. Là người xa quê, Đoàn Hữu Nam có những trăn trở, cảm thức về quê hương nguồn cội: “Hai mươi năm, một phần đời/ Chân trời góc bể khôn nguôi góc làng/ Vết bùn ruộng rộc tôi mang/ Gió heo may vẫn vẽ hàng chân chim/ Cái mùa bão tố thót tim/ Ráng chiều hấp hối nổi chìm trong tôi”. Ở một gốc độ khác, trong bài thơ Con đường từ những núm nhau Đoàn Hữu Nam có cách nhìn tổng thể, khái quát.
Tôi đi
Một bước ngoái nhìn mẹ
Hai bước ngước nhìn trời
Ba bước rừng ken kín lối

Tôi mở đường vào cái trán dô của đá
Vào da thịt của rừng
Vào dòng sữa của núi
Cuộc đời đứt nối như không
Là người con của cao nguyên, KraJa Pline khai thác nhiều về vùng đất mình đã sống, đã gắn bó. Từ vùng đất Đắc Nông, Nguyễn Ngọc Hinh có thơ: Trước tượng đài N’Trang Lơng với những câu thơ gân guốc: “Người M’Nông, người Bih, người Êđê…/ Muôn ngàn con thú, muôn ngàn loài cây/ Đồng lòng tụ hội, đồng thanh lời thề/ Đồng tâm đánh  tan bầy cướp nước/ N’Trang Lơng đốt ngọn lửa hồng/ Thắp sáng niềm tin hồn thiêng dân tộc.” Ngô Xuân Bắc ngoài bút ký còn có thơ viết về con người và vùng đất ba dan như: Một thoáng cao nguyên, Gặp nón ba tầm trên Tây Nguyên, Lính Tây Nguyên qua miền Tây Bắc. Chùm thơ của Đinh Hữu Hoan ngắn gọn, lắng đọng. Có nhiều thơ viết về tháng ba, nhưng với đề tài quen thuộc, Đinh Hữu Hoan vẫn tạo được cách nhìn mới mẻ:
Hương dong thơm bánh chưng tết vẫn còn
Đã rục rịch xôi ba màu đi tảo mộ
Mùng ba ngày âm dương hội ngộ
Dù ai đi phương trời nào vẫn nhớ
Vạt áo chàm gói trọn một tháng ba
Trong chùm thơ của Hồ Chư, khá hơn cả là bài Trắng. Bài thơ có tứ, từ hiện thực đời mình, tác giả lồng được tâm trạng: Tôi ra đi với hai bàn tay trắng/ Để lại sau lưng sóng trắng bạc đầu. Tác giả có những đúc kết về quy luật cuộc sống: Trách làm chi định mệnh con người/ Hồn ai cũng bay theo khói hương màu trắng.
Thơ của bảy tác giả  nữ, mỗi người một vẻ, một giọng. Trần Ngọc Phượng viết thơ ngắn và đang thử sức mình trong một trường ca mới. Thơ Thái Hồng mới mẻ, vững tay nghề và tạo cho người đọc một ấn tượng riêng. Nông Quy Quy và Diệp Vy là hai tác giả nữ ở Lâm Đồng. Chùm thơ của Trúc Linh Lan phần lớn là thơ viết về tình yêu. Rải rác trong các bài thơ, Trúc Linh Lan có những buồn vui, khắc khoải trong cuộc sống đầy lo toan, bận rộn thường ngày.
 Trong phần thơ Cội nguồn, Nga Ri Vê có thơ về Buôn Đôn, về lễ hội, về huyền thoại Đam San. Tác giả khắc họa chân dung người cha bằng nét vẽ phóng khoáng:
Cha – Người đàn ông đeo khố
Chân đất, vai trần
Ngực nở cánh cung
Thân chắc cây ké
Ăn một lúc một mảng thịt heo
Uống một lúc một ché rượu cần
Tiếng cười chẻ tre, chẻ trúc
Đánh chiêng vang chín suối mười đèo
Tác giả Huyền Minh sửa chữa hoàn chỉnh bản thảo tập thơ Vũ khúc và viết tiếp một chùm thơ ngắn. Là người mấy chục năm sống ở vùng cao nguyên đá Hà Giang, Huyền Minh có thơ trả ơn nơi mình đã khôn lớn, trưởng thành. Tác giả cảm thông, chia sẻ với những mối tình lỡ dở trong Lục bát Khau vai: Biết mình là của người ta/ Mộng mị giữa chợ biết là có nhau/ Mong mình hạnh phúc bền lâu/ Trái tim vẫn khóc một câu… nhớ mình. Trong bài Tiếng quê hương, Huyền Minh chân tình dãi bày cùng bạn đọc:
Tôi muốn gói ghém
Cao nguyên đá của tôi
Vào cánh đồng
Long lanh con chữ

Thơ trong trại sáng tác ở Đắc Lắc ghi nhận những sáng tác của mỗi tác giả. Có tác giả đến trại hăm hở đi, hăm hở viết. Có tác giả đến trại viết ít, dành thời gian để học hỏi, trao đổi kinh nghiệm và để tự lắng nghe và nhìn lại mình. Cái chung và cái riêng. Cái ta và cái tôi. Truyền thống và hiện đại. Làm thế nào để có thơ hay. Làm thế nào để thơ có được sự cộng hưởng với người đọc, đó là cái đích mà mỗi người làm thơ đang gắng sức tìm kiếm.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét