Thứ Sáu, 3 tháng 1, 2014

SỐ: 256 - tác giả LÊ KHÔI NGUYÊN



 Tác giả - Lê Khôi Nguyên

NGÀY VỀ HƯU

Truyện ngắn


“Về hưu, hôm nay mình chính thức nhận quyết định về hưu…”. Trong chị như có cả ngàn phong linh gặp gió khua lên rổn rảng. 55 tuổi tròn, vừa đúng dịp sinh nhật, cơ quan làm một công đôi việc. Chị muốn hát, nhưng chẳng thuộc một bài nào cho trọn vẹn. Thậm chí nếu cất lên thành lời thì nhạc sĩ tác giả của ca khúc đó nếu đã khuất rồi cũng có thể đội mồ tìm đến để mắng chị vài câu vì sai nhạc điệu, làm tổn thương tác phẩm của họ. Thôi thì cứ ư ư trong cổ họng trong khi đánh rửa bộ ly ấm uống trà, trong khi quét và lau mấy vết dày dép trên cầu thang và sàn nhà, trong khi dùng chiếc chổi lông gà phủi bụi bám vào thành tủ hoặc bề mặt của dàn máy móc… Hôm nay nhận quyết định nghỉ hưu nhưng chị vẫn cố gắng hoàn thành trách nhiệm của một lao công tạp vụ mà 30 năm qua đã quá quen như nhịp thở, như nhịp tim, như sự tuần hoàn của máu trong con người chị, không để ý hoặc không cố tình điều khiển thì nó vẫn cứ diễn ra.
Nghỉ hưu. Chị bâng khuâng, trằn trọc cả đêm hôm qua. Ừ, 55 tuổi, đã là bà của mấy đứa cháu ngoại. Về trông nom cháu, đưa đứa này đi học, ru đứa kia ngủ, tranh thủ giặt giũ và nấu nướng rồi đón đứa này tan học, tắm cho đứa nọ… cũng hết ngày. Chẳng phải lo việc của cơ quan thì việc của gia đình vẫn cứ túi bụi, luôn chân luôn tay.
55 tuổi, với những người lao động chân tay thì nghỉ hưu là vừa. Xem ti vi, thấy mấy “bà nhớn” đòi tuổi hưu của nữ phải bằng với nam giới, chị thấy ghê. Có bổng lộc nên cứ phải tham quyền cố vị. Mất chức quyền thì mất bổng lộc nên họ ham là phải, chị chỉ là lao công tạp vụ nên chẳng ham. Vả lại, mấy bà ấy đầy chữ nghĩa nên chồng chẳng ăn hiếp được, còn chị thì… Ờ, mà mấy bà xồn xồn hàng xóm với chị là bác sĩ, giáo viên, công chức nhà nước… cũng chữ nghĩa đầy ra đấy nhưng vẫn cứ mong ngóng đến ngày được nhận sổ hưu đó thôi!
Chị cầm chiếc chổi lông gà phất phơ phủi bụi dãy bàn làm việc, vừa nghĩ đến phận mình. Nồi nào vung nấy. Chị chỉ là một lao công tạp vụ nên chồng chị cũng chỉ là một người thợ đụng (nghĩa là ai thuê việc gì thì làm việc nấy), thành ra thu nhập phập phù nhưng rượu chè, cờ bạc, gái gú như nhu cầu cơm ăn nước uống và hít thở để sống. Đã văn hóa lùn lại luôn luôn lên mặt dạy dỗ, không dạy dỗ được thiên hạ thì dạy dỗ vợ con. Dạy bằng những lời chửi mắng cộc cằn thô lỗ và bằng những hành động thượng cẳng chân hạ cẳng tay. Chị thường xuyên đến cơ quan với đôi mắt mọng nước vì khóc, với thân hình có những vết bầm tím bởi sự vũ phu. Nhưng ai có để ý và hỏi thì chị vẫn cười đáp lại rằng đang bị đau mắt hoặc sơ ý nên bị té, hoặc bị va đập vào đâu đó, hoặc bị thứ gì rớt phải… nghĩa là đủ lý do cho phù hợp với con mắt đỏ kè và những vết thâm trên da thịt. Chị không dám nói thật là bị chồng đánh. Sự cam nhận của chị xuất phát từ tính tự ti cũng có, từ ý nghĩ xấu chàng hổ ai cũng có, mà từ sự không muốn lòng thương hại của người khác cũng có. Đã có lúc chị muốn ra tòa để ly dị, nhưng nghĩ đi nghĩ lại thì thấy thương các con, nếu ở với cha thì thiếu tình thương của mẹ, và ngược lại. Đã có lúc chị muốn lao mình xuống sông hoặc treo mình vào sợi dây để thôi kiếp người, nhưng rồi nghĩ mình chết thì con cái sống sao đây. Đã có lúc chị muốn cầm dao lao vào lão chồng đang hả hê sau trận “dạy” vợ, nhưng rồi lại nghĩ đến những lúc đầu gối tay ấp thì anh ấy cũng nồng nàn, cũng da diết, cũng đằm thắm; nghĩ đến những lúc cái chất người của anh ta trong đạo làm chồng, làm cha… Vậy là chị đành chép miệng tự an ủi: thôi thì duyên phận.
Về hưu, cái nợ gia đình chưa thể thoát. Cái duyên cái phận của chị vẫn còn đeo đẳng như lời ru của mẹ chị thuở nào, cái lời ru bủa quanh vành nôi, phủ lên giấc mơ của tuổi thơ, rồi bám vào đời chị: “Ầu ơ… Gánh cực mà chạy lên non, chồn chân mỏi gối cực còn chạy theo…”. Chị sinh ra nơi vùng đất chiêm khê mùa úng, 14 tuổi đã thành lao động chính trong nhà, đành phải dở dang việc học; tuổi xuân ngắn ngủi, chưa đủ 17 tuổi đã chịu phận làm dâu mà chẳng kịp yêu. Người ta cưới chị cũng chẳng vì yêu mà là vì trốn nghĩa vụ quân sự. Cái lý do mới cưới vợ thì chính quyền địa phương chẳng nỡ gọi tuyển quân, bởi trai 18 vẫn còn ối đầy ra đấy. Chưa kịp đến sinh nhật lần thứ 18, thì chị đã lo thiên chức làm mẹ. Ruộng sâu trâu nái không bằng con gái đầu lòng - chị tự an ủi mình. Bà mẹ chồng bắt đầu khó chịu, ông bố chồng tỏ thái độ thờ ơ với con dâu và đứa cháu, mấy bà chị và em gái bên chồng ít nói chuyện bông phèng với chị hơn. Chồng chị là con độc tôn. 20 tuổi, cái bụng lùm lùm, chị thèm của chua. Cứ nhìn thấy cây sấu, cây khế ở đâu là muốn lao đến, không có quả thì cũng phải vơ lấy nắm lá mà nhai, mà nghiến ngấu cho đã cơn thèm. Triệu chứng này là nghén con gái rồi – ai cũng bảo thế. Chị em bên nhà chồng nhìn chị thở dài. Ông bố chồng tới bữa ăn chỉ lẳng lặng đẩy cái bát không về phía đầu nồi cho chị xới. Bà mẹ chồng thì mát mẻ nói với con trai: “Xem nhà con có thèm đất sét, bức vách hay cứt gà khô thì kiếm về cho nó, gái nghén là hay thèm những thứ đó lắm!...”. Chồng chị đêm nằm úp mặt vào vách tường, đứa con gái 2 tuổi vô tư xoay xỏa giữa giường. Chị biết thân biết phận làm hết mọi việc trong ngày rồi mới rón rén vào buồng, vén màn cố thu mình để chiếm diện tích ít nhất trên chiếc giường mét tư. Ngày chị sinh nở lần hai, trời có chút thương tình. Giữa mùa hè mà nắng chưa kịp gay gắt, 5 giờ sáng chị ra đồng để gặt mảnh lúa cuối cùng của vụ chiêm thì cơn đau nổi lên, chiếc xe cải tiến chuyên chở lúa thành chiếc xe chở chị đi trạm xá, những nông dân quanh thửa ruộng của chị thành bà đỡ, mẹ tròn con vuông trên dọc đường đi. Cảm ơn trời phật! Ở trạm xá xã, biết tin vợ đẻ, chồng chị đến với tô cơm và một quả trứng luộc, không một nụ cười (dù là cười buồn), không nhìn mặt sinh linh đang chóp chép đôi môi chờ người quết nước cam thảo để tứa ra những phần nước ngậm trong những ngày phải nằm trong bụng mẹ.
Chồng chị không chịu nổi những lời đàm tiếu mai mỉa của cánh đàn ông trong làng. Nào là thằng “lấy vợ không biết đẻ”, thằng “sính đồ ngoại” thằng “dốt đ…”… nhưng khốn nạn nhất là mỗi lần đi các đám ma chay cưới hỏi trong làng thì toàn bị đuổi xuống mâm dưới chỉ vì là người đàn ông “đẹp trai nhất nhà”. Vậy là chồng chị bỏ xứ mà đi, trở thành kẻ tha phương cầu thực, trạm dừng chân cuối cùng có lẽ là ở mảnh đất Tây Nguyên này. Vì đây là vùng đất mới, những người lao động chân tay không thiếu việc làm. Chỉ cần một tháng làm phụ hồ cũng có thu nhập bằng một vụ làm cả mẫu ruộng ở quê; mỗi công làm cà phê (dẫy cỏ, đào bồn, cắt cành, bẻ chồi vượt, kéo ống nước tưới…) cũng đủ gạo ăn cho gần nửa tháng; mỗi lần bốc vác gỗ lậu, chỉ trong một đêm, cũng đủ mua thức ăn tươi cho gia đình trong một tuần… Người ta gánh cực đi đổ, chị trốn cái cực này để níu kéo cái cực kia. Sự âu sầu của ông bố chồng, sự mát mẻ của bà mẹ chồng, những ánh mắt thương hại của chị em bên chồng không thể sánh với sự vũ phu nhưng bên cạnh đó vẫn còn chút âu yếm yêu thương. Chồng vẫn là chỗ dựa vững chắc. Vậy là chị kiên quyết với lập trường bất biến của mình: thuyền theo lái, gái theo chồng. Chồng đi đâu, chị bám đuổi theo đến đó. Chị tự đuổi theo cái cực, bươn bả với nó lên non...
Về hưu. Chị thoát khỏi một cái tròng ở cơ quan, chỉ còn một cái tròng ở gia đình. Cái tròng ở gia đình thì chị đã nhẫn nhục và cam chịu vì duyên phận và lâu lâu mới xảy ra, nhưng cái tròng ở cơ quan thì ngày nào cũng như ngày nào, nó như sợi dây thòng lọng đã choàng vào cổ chị và treo lên tít cao xanh, chỉ có về hưu mới gỡ ra được.
Ngày chị xin được vào làm chân tạp vụ của cơ quan, lương chỉ có 150 ngàn đồng, nhưng dẫu sao cũng có thu nhập ổn định vì phận đàn bà chân yếu tay mềm và ít học, vẫn đủ để lo cho bát cơm manh áo hàng ngày. Ông Giám đốc bảo chị nên mua Bảo hiểm xã hội nhưng chị đưa ra lý do là lương quá thấp, muốn nhận về hết để đủ trang trải cuộc sống. Được 10 năm, Đại hội Công đoàn cơ quan, ông Chủ tịch Công đoàn sắp nhận sổ hưu, vậy là hắn đắc cử. Hắn hơn chị 5 tuổi nhưng chị không ưa nên ngoài miệng thì vẫn cứ phải gọi anh xưng em nhưng trong bụng thì không phục, thậm chí là ghét cay ghét đắng, ghét đến mức căm thù. Vừa mới ngo ngoe ngồi vào ghế Chủ tịch Công đoàn hôm trước, hôm sau hắn đã gọi chị lên:
- Này, tại sao cô không tham gia mua bảo hiểm xã hội?
- Anh thông cảm. Tại vì lương của em… ít quá. Nếu mua bảo hiểm thì chẳng còn được bao nhiêu.
- Thế không tính đến lúc cô hết tuổi lao động thì còn có sổ hưu à?
- Thôi thì lúc đó hẵng hay. Em tính làm việc được ngày nào thì còn biết ngày đó…
- Cô có biết việc đóng bảo hiểm xã hội thì người lao động chỉ phải trả một phần, còn ba phần thì do cơ quan trả không?
- Dạ, em biết.
- Quyền lợi là thế mà tại sao lại không tham gia?
- Dạ, thì cũng do thu nhập…
- Như vậy là vi phạm chính sách của người lao động, cô có biết không?
- Sao ạ – Chị lắp bắp. Chị chỉ muốn yên ổn làm ăn, chẳng muốn dây dưa với pháp luật, nghe hắn hỏi thế khiến chị sợ hãi – Em vi phạm gì ạ?
- Đây này – Hắn mở một tập giấy, đọc chương gì, điều gì, khoản gì… chị chỉ láng máng nghe. Rồi hắn hỏi tiếp – Vậy muốn hợp đồng ba tháng một lần hay hợp đồng dài hạn hơn?
- Dạ, em muốn làm việc ở cơ quan mình đến khi nào… đến khi nào… - Chị không dám nói hai chữ “về hưu” vì sợ lại phạm luật.
- Thế cô có tính đến khi hết tuổi lao động thì phải nghỉ hưu không?
- Dạ, em chưa nghĩ đến ạ…
- Thế thì bắt đầu từ tháng này, cô phải mua bảo hiểm xã hội. Nếu không, chỉ được phép ký hợp đồng làm việc ở cơ quan này ba tháng một lần.
Thôi thì chẳng dại chống đối với người đang có quyền có chức. Họ đưa mình con dao mà họ đang nắm đằng chuôi.
Nhưng hắn vẫn chưa tha cho chị. Chỉ sơ sểnh một chút là hắn trừ lương. Hắn lúc nào cũng khoằm khoằm con mắt đối với chị:
- Này, hôm nay cẳng tay có vết bầm đấy! Chắc lại do va đập vào đâu hoặc đi đứng không cẩn thận chứ gì?
- Này, hôm qua mất ngủ phải không? Đôi mắt mọng đỏ thế kia không giấu được tôi đâu!
- Này hôm qua chuyện nhà có gì phải lo nghĩ mà hôm nay có vẻ chểnh mảng vậy?
Miệng hắn hỏi có vẻ ngọt ngào ra chiều thông cảm và sẻ chia nhưng tay trái cầm cuốn sổ, tay phải cầm bút ghi nhoay nhoáy. Mỗi lần như thế là y như rằng lương tháng của chị đều bị trừ với những lý do: “Cửa kính chưa sạch”, “Cầu thang còn có vết bụi trên lan can”, “Nhà vệ sinh có mùi hôi”, “Khách đến cơ quan mà chưa có nước sôi để pha trà”… Mỗi lần nhận lương là chị run bần bật bởi không biết mình sẽ bị trừ vì những khoản gì, mặc dù tháng nào cũng không thoát. Chị có kêu ca, than vãn nhưng cả Ban lãnh đạo và Tài vụ của cơ quan biết mà vẫn im lặng, chỉ có một số anh em nhân viên biết thì thở dài thốt lên một câu chia sẻ: “Thôi thì chó cắn áo rách”.
20 năm, bốn nhiệm kỳ hắn làm Chủ tịch Công đoàn cơ quan. Ba lần đại hội sau, hắn vẫn đắc cử. Lần nào Đại hội, cũng chỉ có 02 phiếu không tín nhiệm trong số hơn 100 phiếu tín nhiệm. Người ta đoán 01 phiếu là của hắn, còn một phiếu là của ai thì chỉ có chị mới biết. Chị không tín nhiệm vì chị ghét hắn. Quyền dân chủ, bỏ phiếu kín, chị không sợ vi phạm pháp luật, chị không nghĩ rằng mình đang lạm dụng dân chủ. Nhưng chị có bỏ phiếu chống, không tín nhiệm, thì vẫn chỉ là số ít, hắn vẫn có tài năng thật sự, nhiều người yêu quý và mến mộ. Mọi người cho hắn là công tâm, biết đấu tranh bảo vệ quyền lợi cho mọi người, nhưng đối với chị thì sao hắn lại hắc xì dầu, cậy quyền để bắt nạt một cách hèn mạt và nhỏ nhen đến vậy? Về hưu, thế là thoát được cái ách kìm kẹp của lão, hàng ngày không phải nhìn thấy cặp mắt cú vọ của lão, không phải run lên bần bật mỗi khi nhận lương lại thấy bị khấu trừ vì lỗi nọ kia do lão chấm công…
Cuối buổi, cơ quan cho nghỉ làm sớm để tổ chức chương trình trao quyết định nghỉ hưu cho chị và mấy người nữa. Lão thay mặt Công đoàn cơ quan trao sổ hưu cho từng người. Đến lượt chị, cùng với cái bắt tay là nụ cười và câu nói đầy vẻ ban ơn: “Thế là cô cũng có sổ hưu như mọi người là nhờ có tôi đấy nhé! Cũng xấp xỉ hai triệu một tháng…”. Tay chị run lên khi nhận cuốn sổ hưu. Ừ nếu lão không bắt chị mua bảo hiểm thì bây giờ làm sao mà có chế độ hưu trí! Lần đầu tiên chị nói lời cám ơn với lão một cách trân trọng và thành thực. Lão còn đưa tiếp cho chị hai cuốn sổ nữa: “Cái này là của riêng cô. Đừng để chồng con biết đấy nhé!”. Cuốn sổ thứ nhất quá quen với chị – nó chính là cuốn sổ mà lão vẫn ghi chép những lỗi của chị để kiếm cớ trừ lương trong suốt 20 năm qua. Cuốn sổ thứ hai, chỉ nhìn bên ngoài là cũng biết đó là cuốn sổ tiết kiệm. “Tôi biết với chế độ hưu của cô thì sẽ vất vả lắm. Hàng tháng, tôi trừ lương của cô để gửi tiết kiệm giúp. Việc này có Ban Lãnh đạo và Tài vụ của cơ quan biết. Bây giờ, cuốn sổ này cả tiền gửi và tiền lãi là hơn tám mươi triệu đồng. Trả lại cho cô…”
Chị òa khóc vì từ thuở cha sinh mẹ đẻ chưa bao giờ chị lại nghĩ đến việc trong tay mình có số tiền lớn đến thế. Chợt nghĩ đến ông chồng ở nhà, lão mà biết chị có nhiều tiền thế này thì lại mặc sức nướng vào cờ bạc rượu chè mất thôi.
Chị bíu chặt tay ông Chủ tịch Công đoàn: “Anh cho em gửi lại cuốn sổ tiết kiệm. Khi nào cần thì…”. “Tôi cũng chỉ còn ba tháng nữa là được nhận sổ hưu như cô…”. “Em gửi anh chứ không gửi Công đoàn. Anh cầm giúp em. Lúc nào thật cần thì cho em xin lại.”
Bây giờ chị thầm tiếc: Hồi còn làm việc anh ấy bắt lỗi mình ít quá.           



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét