NHÁNH HUỆ NƯỚC
TRỜI
Truyện ngắn
Bà nội tôi bảo số phận con người hiện
rõ trên đôi bàn tay. Bà đã già lắm, sương gió vất vả thế mà vẫn giữ được làn da
đẹp, da tay vẫn láng mịn, móng được cắt tỉa sạch sẽ, nhìn ưng mắt nhưng lại gợi
một cảm giác xa cách. Trong câu chuyện của mấy bà bạn của bà, tôi nghe câu được
câu mất, đại ý ngày xưa bà cũng là tiểu thư con nhà, gia cảnh sa sút, lấy ông tôi,
áo vải dài lưng nên mới phải tảo tần, xuôi ngược. Bà chỉ có cha tôi là con trai
một. Nhưng số bà không được hưởng lộc con cái. Cha tôi bệnh nặng mất sớm, mẹ cũng
ra đi sau đó không lâu. Cũng nhờ bà nhanh nhẹn, tháo vát, tôi mới được nhờ, qua
hết năm năm đại học thuận lợi.
Nhận công việc giao báo cũng là bất đắc
dĩ. Tôi ra trường, chưa xin được việc, quanh quẩn ở hàng tạp hóa mãi cũng chán,
nằm khểnh mãi cũng không đoạn, có người hỏi có đi giao báo không, tôi nhận
ngay. Mỗi buổi sáng, trước khi đến nhận báo, tôi đạp xe ra hồ, thả xe đổ rạp dưới
cây trứng cá, chạy hai vòng hồ rồi mới lại dựng xe lên, đạp lấy đạp để cho kịp
giờ. Mấy bà đi bộ sớm, có bà nhìn tôi cười thích thú, có bà cau mặt “Đồ hâm”.
Chỉ có cô gái vẫn hay đeo tai nghe, đội chiếc mũ len kiểu hiphop chạy một mình
là không nói gì. Nhiều lần, cô băng qua tôi như một làn gió, chạy mãi, chạy mãi
một tốc độ, cơ hồ đôi bàn chân không biết mỏi. Đó là Huệ Anh.
***
Cái tên cô gái
trở nên quen thuộc mỗi lần tôi giao báo, bắt gặp cô cũng vừa kịp về, bà giúp việc
đang quét sân, ngẩng mặt lên, nhẹ nhàng “Huệ Anh ăn gì để bác làm”. Ngôi nhà rêu
phong, ít có tiếng người, lại càng tĩnh mịch, vuông sân gạch rất nhỏ, tay phải
trồng một cây khế, dưới bóng cây là một cây xích đu sơn xanh treo cạnh bộ bàn
ghế nhỏ xinh tạc bằng đá. Không rõ nhà có mấy người mà đặt lắm báo thế, toàn báo
đặc chữ, tôi nhìn mà hoa cả mắt.
Nhiều đêm nằm ngửa mặt lên trần nhà,
dỗ giấc ngủ đến, tôi nghĩ về đôi má măng tơ, viền môi rõ nét, thân hình tròn trặn
và dáng đi nhàn nhã. Hình như có một cái duyên, nhiều sáng sớm mang báo đến, lại
gặp lúc Huệ Anh đi tập thể dục về, đôi bàn tay cô chìa ra, đón lấy những tờ báo
còn thơm mùi mực, đôi bàn tay vừa tầm mắt tôi, đôi bàn tay nhiều gân xanh, các
ngón thon nhưng gầy guộc, da mu bàn tay không được nuột nà, láng mịn. Đôi bàn
tay với những chiếc móng được cắt tỉa sạch sẽ, hồng hồng, không sơn màu, điều rất
hiếm thấy với con gái thời nay.
***
Một lần, khi tôi mang báo tới, Huệ
Anh nhìn tôi một lúc, rồi ngập ngừng “Anh vào đây, tôi nhờ một chút được không?”.
Rồi không nhìn tôi tần ngần đưa tay chỉ vào mình, Huệ Anh bước vào cửa. Hai chúng
tôi khệ nệ bê những chậu cây cảnh xếp vào góc sân gạch. Không để tôi kịp hỏi,
Huệ Anh nói “Chỗ đất này ông bảo để trồng hoa huệ”. Vừa nói xong, một ông cụ hãy
còn mạnh đẩy cửa bước ra: “May quá! Con bé này láu thật, canh đúng lúc cháu đến
giao báo. Thôi, ở đây dùng bữa sáng với ông con ông”. “Đây có lẽ cũng là điểm
giao cuối cùng, tôi không thấy có báo ở trên xe nữa. Anh cứ ở lại cho ông vui”,
Huệ Anh tiếp vào.
Trước khi về, tôi đánh liều “Lúc nào
ông với em cần cuốc xới lại mảnh đất để trồng hoa, để con tới làm giúp”. Huệ
Anh nhìn tôi bằng ánh mắt tinh nghịch. Cô gái vừa đi một vòng quanh tôi như mèo
vờn chuột vừa cười tủm tỉm. Ông cụ cũng cười xòa “Chắc gì đã ít tuổi hơn mà con
cứ dọa cậu ấy. Ông đã bảo rồi...” À! Thì
ra từ lâu ông cháu họ đã kín đáo quan sát, bình luận về tôi. Lúc tôi khai man hơn
ba tuổi như thật. Nụ cười đã kém tươi trên gương mặt Huệ Anh. Ông cụ tặc lưỡi “Đấy!
Ông đã bảo mà, bằng tuổi nhau”. Tiễn tôi ra cổng, ông nắm lấy vai, thân tình “Sáng
mai nhé! Ông đặt giống huệ rồi. Đến đây ăn sáng rồi xới giúp ông cái vuông đất”.
Tôi đạp xe về nhà, hứng khởi đến mức
mấy lần suýt đâm xe vào thùng rác. Bà ngạc nhiên vì không thấy tôi mang bộ mặt đưa
đám về nhà sau mỗi phiên giao báo như thường ngày, còn hát rống lên như mấy thằng
con trai đang tuổi dậy thì.
***
Huệ Anh vùi đôi
bàn tay gầy guộc, nhiều gân xanh vào lớp đất mịn màng. Mồ hôi thấm qua cả chiếc
mũ len, rịn xuống vầng trán. Viện lý do chưa đi tắm nên Huệ Anh chưa ăn, mặc ông
và tôi xì xụp, cứ loanh quanh bên những khóm huệ hãy còn non tơ, được tưới nước
mát, lay lay trong gió nhẹ. “Con bé yêu hoa huệ lắm. Chả tên nó là Huệ Anh mà!”,
ông cụ giải thích. “Chỗ Huệ Anh làm có ở gần đây không hả ông?”, tôi hỏi. Ông
già khẽ chớp mắt “Cũng khá gần. Chỗ ấy được lắm. Nhưng mà... con bé nghỉ làm rồi...
nó tiếc lắm... nhưng biết làm thế nào được”. “Chắc có lý do riêng”, tôi nghĩ, và
không hỏi gì thêm.
Mỗi lần nói chuyện với ông cụ, tôi lại
khám phá được thêm một câu chuyện về Huệ Anh. Hóa ra, nhiều tờ báo lắm chữ mà tôi
vẫn ngại nhìn vào là do cô đặt. Không biết cái cô gái 25 tuổi này tìm thấy điều
gì hay ho ở hằng hà sa số những con chữ ấy. Cái xích đu dưới gốc khế có từ hồi
Huệ Anh còn học cấp một. Xích đu ra đời chưa được bao lâu thì bố mẹ Huệ Anh
chia tay nhau. Rồi thì mỗi người đều có một gia đình riêng. Bố Huệ Anh cũng chẳng
ở với ông cháu cô được bao lâu. Ông thừa sức có được những căn nhà rộng rãi và
tọa lạc ở trung tâm. Nhà cũ, hai ông cháu và bà giúp việc lưu niên, ba người họ
sống cuộc đời bình yên, lặng lẽ như thế.
***
Dường như việc quen ông cháu Huệ Anh
mang lại vận may cho tôi. Vài tuần sau có một công ty lớn gọi điện, tôi đường
hoàng đến phỏng vấn, ký hợp đồng nhân viên chính thức như đùa. Rồi công việc mới
mẻ, chuyên nghiệp cứ thế cuốn tôi đi, khiến nhiều lúc chính tôi cũng quên mất rằng
từng có một khoảng thời gian mình là gã giao báo điên điên khùng khùng. Nhưng có
một thói quen, tôi không bỏ được, đó là mỗi sáng sớm đều đạp xe ra hồ, vứt chỏng
chơ dưới gốc cây trứng cá, ngóng xem những ai thân quen đang chạy quanh vòng hồ,
đúng hơn là ngóng Huệ Anh. Liền mấy ngày liền, rồi tuần liền, Huệ Anh không chạy
nữa, tôi cũng không quay lại hồ. Có lẽ Huệ Anh đã quay trở lại với công việc cô
yêu thích trước kia, có lẽ đôi bàn tay Huệ Anh đã bớt xanh xao, gầy mòn, có lẽ
những khóm huệ cũng đã kịp đơm hoa và tàn lụi. Tôi cứ tự an lòng mình như thế.
Và đến lúc, tôi lãng ra, dường như mọi ký ức về ông cháu Huệ Anh mờ dần, bị những
tiệc rượu choán ngang, bị sự phấn khởi của bà tôi làm nguôi ngoai.
Cho đến một hôm,
chắc phải mấy tháng liền sau những ngày ấy, giải quyết xong công việc sớm hơn
thường lệ, tôi ghé vào một quán nước ven đường. Cầm tờ báo lên, tôi ghé mắt xuống
những dòng chữ chi chít. Và như một phản xạ, tôi nhớ đến Huệ Anh. Và cũng chợt
nhớ, từ đây đi tắt sang cổng nhà cô gái có đôi tay gầy guộc ấy khá gần. Tôi gửi
xe, chậm rãi đi trên hè phố, chững lại khi đến gần cánh cổng thấp và nếp nhà rêu
phong cổ kính ấy.
***
Vừa lúc ông cụ đi ra. Nhìn sững vào
tôi một lúc, ông mới sực nhớ ra. Trong khi ông lập cập mở cửa, tôi cũng sững sờ
vì nhận ra ông đã như già thêm cả chục tuổi. Ông cụ vỗ nhẹ lên cánh tay trong
khi tôi mải ngắm nhìn những khóm huệ. Dường như hoa đã nở từ lâu lắm, nhưng vẫn
bền màu và tỏa hương thơm dễ chịu. “Ông ơi! Chừng nào thì Huệ Anh đi làm về ạ?”,
tôi mỉm cười, quay sang hỏi ông cụ.
Nhưng trời ơi!
Mắt ông cụ ngẩng lên nhìn tôi, nhòa lệ “Con bé mất cách đây hai tuần rồi, con ạ”.
Tôi chết lặng, môi mím lại, không thốt nên lời, cho đến khi ông cụ thôi nghẹn
ngào. “Cái ngày con còn giao báo, bệnh con bé đã nặng lắm, đôi bàn tay nổi đầy
gân xanh, gầy guộc, tóc rụng gần hết, phải luôn luôn đội mũ len. Nhưng nó không
nghe ông, vẫn cứ ra hồ chạy bộ mỗi buổi sáng. Ông mừng vì thấy nó khỏe ra. Nhưng
chẳng được bao lâu, khóm huệ nở rộ thì nó cũng lặng lẽ ra đi”. “Con vô tâm quá!”,
tôi lập bập thốt lên mấy lời. “Ban đầu con bé đặt nhiều tờ báo đọc để giết thời
gian, nó bảo báo càng nhiều chữ, càng chăm chú đọc và bớt cảm giác cô quạnh và
cũng bớt những cơn đau dày vò. Rồi khi biết con, biết từ lúc ngoài hồ và nhìn
thấy mặt mấy lần đầu giao báo, con bé giả vờ như tình cờ gặp mặt ở cổng, nhưng
thực ra nó canh để gặp con mãi. Ông biết thế vì mấy lần thấy bóng nó thập thò
sau tường rào nhà hàng xóm. Con bé rất thích được trò chuyện, nhất là với những
nhân vật có vẻ “cá tính và không cần để ý đến người khác” như con. Nó nghĩ ra cách
để mời con vào nhà, nó tìm lại được niềm vui, nó thích trồng hoa huệ và có vẻ hờ
hững nhưng lắng nghe đến thuộc lòng những câu chuyện của ông con mình đấy. Đêm
trước hôm con bé đi, nó nắm lấy tay ông, bảo “Lâu không thấy gã giao báo điên
khùng, con cũng thấy nhớ, chả còn hứng thú những trang báo lắm chữ nữa. Nhỡ gã
có đến lúc con vắng nhà, ông nhớ cắt một bó huệ gửi tặng bà nội gã nhé. Con
nghe chuyện giữa hai người, biết bà cụ cũng mê hoa huệ lắm”.
***
Tôi ôm bó hoa huệ trắng rời căn nhà
rêu phong, cổ kính. Huệ Anh, cô gái có đôi bàn tay gầy guộc ấy, sẽ mãi mãi không
biết rằng tôi ít hơn cô tới ba tuổi, và những lần vứt xe bên gốc cây trứng gà
chạy một mạch hai vòng quanh hồ chỉ để gây sự chú ý của cô mà thôi. Bóng chiều đổ
xuống, tối sầm cả một góc phố. Hoa huệ thơm nức và gắt quá, làm tôi chảy cả nước
mắt.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét