Thứ Hai, 16 tháng 9, 2013

SỐ: 252 - tác giả PHẠM TUẤN VŨ


Vẻ đẹp buôn làng - ảnh BẢO HƯNG

QUÊ HƯƠNG TRONG CÁC BÀI THƠ ĐƯỜNG
Ở NHÀ TRƯỜNG PHỔ THÔNG


Đường thi là đỉnh cao của thơ ca Trung Hoa nói riêng và văn minh thế giới nói chung. Ở thơ Đường, xét trên phương diện nội dung, đề tài rất phong phú và hầu như mảng nào cũng đạt đến trình độ mẫu mực với nhiều thi phẩm xuất sắc. Quê hương là một đề tài phổ biến và rất thành công trong thơ Đường. Không phải ngẫu nhiên mà trong số 10 bài thơ (cả đọc chính và đọc thêm) được tuyển chọn đưa vào nhà trường phổ thông (05 bài trong sách Ngữ văn 7, tập 1 và 05 bài ở Ngữ văn 10, Cơ bản, tập 1. Sách Ngữ văn 10, Nâng cao, tập 1 có tuyển thêm bài Tỳ bà hành, nâng tổng số lên 11 bài) có đến 04 bài liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp đến đề tài này. Đó là các bài Tĩnh dạ tư (Lý Bạch), Hồi hương ngẫu thư (Hạ Tri Chương), Thu hứng (Đỗ Phủ) và Hoàng Hạc lâu (Thôi Hiệu). Gần nửa số bài được chọn, lại là những tác phẩm làm nên tên tuổi của các nhà thơ lớn, có thể thấy, quê hương là mảng đề tài quan trọng, giá trị của thơ Đường.
Đặc điểm chung của quê hương trong các bài thơ này, đó đều là những cố hương. Khác với quê hương đang hiện hữu trong thực tại cùng con người, quê hương trong các bài thơ trên đều thuộc về kí ức xa xăm và mịt mờ “khuất bóng hoàng hôn” đối với nhà thơ. Cả không gian lẫn thời gian, mảnh đất chôn nhau cắt rốn hiện tại đang cách rất xa chủ thể trữ tình. Trong Tĩnh dạ tư, đó là một “cố hương” xa ngút ngàn, tưởng đến nhạt nhòa như ánh trăng nơi đầu giường rọi khi tác giả đang là kẻ đường dài lữ thứ nhiều năm xa quê, đi mãi khó về. Trong Thu hứng, đó là mảnh vườn cũ (cố viên), nói rộng ra là quê cũ (cố hương) đã nhiều năm xa cách, bởi lúc này, năm 766, Thánh thơ Đỗ Phủ đang ở tạm tại Quỳ Châu cách xa quê nhà Hà Nam cả ngàn dặm. Trong Hoàng Hạc lâu, đó là quê nhà (hương quan) mờ mịt trong khói sóng hoàng hôn không biết nơi nào định hướng. Riêng trong bài Hồi hương ngẫu thư, quê hương hiện ra khi thi nhân vừa đặt chân đến thôn làng. Quê hương là hiện thực trước mắt. Nhưng ngay trước đó, khi bước chân thi nhân chưa đến quê nhà, nhà thơ cũng từng gần một đời người xa quê, “khi đi trẻ, lúc về già”, cho nên chắc chắn đã từng có một cố hương khắc khoải trong những tháng năm dài biền biệt ra đi. Đó chính là nơi dồn nén mọi cung bậc cảm xúc cho một câu hỏi ngây ngô của mấy trẻ nhi đồng “khách nơi nào đến vậy” làm tất cả vỡ òa.
Trong các hoàn cảnh, có lẽ khi xa quê người ta mới cảm nhận về quê hương sâu sắc nhất. Quê hương trong các bài thơ trên đều là những cố hương của những người li hương, tha hương. Chính bởi xa quê, tình yêu quê lại càng sâu đậm hơn bao giờ hết. Bởi vậy, quê hương trong các bài thơ đều hiện lên trong nỗi nhớ mong, khắc khoải, ngậm ngùi. Đó là nỗi nhớ thương, buồn bã của kẻ xa quê “ngẩng đầu nhìn trăng sáng” (cử đầu vọng minh nguyệt) rồi cúi đầu lặng lẽ nghĩ về cố hương (đê đầu tư cố hương) giữa đêm trăng yên tĩnh nơi đất khách quê người trong Tĩnh dạ tư. Đó là “nỗi lòng riêng tư của Đỗ Phủ nhưng cũng chan chứa tâm sự yêu nước, thương đời” (Ngữ văn 10, Cơ bản, tập 1, NXB Giáo dục, H., 2006) và nhớ quê, thương nhà trong cảnh thu hiu hắt, tiêu điều trong Thu hứng. Trong Hoàng Hạc lâu, đó là nỗi lòng ưu tư, hụt hẫng, buồn sầu khi quê hương đã trở nên xa tít tắp, mù mịt, chẳng còn biết ở hướng nào của kẻ lữ hành phiêu bạt trước cảnh khói sóng chiều buông. Còn trong bài Hồi hương ngẫu thư, tác giả không nói đến nỗi “tư hương”, “hoài hương” (nhớ quê, mong quê) nhưng chi tiết “giọng quê không đổi” (hương âm vô cải) dù cho bụi thời làm bạc mái đầu (mấn mao tồi) sau hơn nửa cuộc đời “trẻ đi, già lại trở về” (thiếu tiểu li gia, lão đại hồi) bôn ba nơi đất khách cũng đủ nói lên tấm lòng đau đáu, nhớ mong. Bởi nếu không nhớ thương, ngóng đợi ngày trở về quê cũ, thì làm sao có thể khẳng định một cách dứt khoát, tự hào “hương âm vô cải”. Tình cảm quê hương là một trong những thứ tình cảm thiêng liêng, sâu đậm nhất của con người. Nó có nhiều cung bậc khác nhau. Trong các bài thơ Đường này, tình cảm ấy đều chung một cung bậc là nỗi nhớ mong, đau đáu, ngậm ngùi. Đây chính là “một tấc lòng quê” (“nhất phiến hương tâm” – Nguyễn Du) đẹp đẽ trong mỗi thi nhân. Nó cũng chính là nơi chôn chặt, dồn nén nhiều cảm xúc để rồi khi có một tác động, dù rất nhỏ, sẽ bung tỏa, thăng hoa.
Như đã trình bày, nỗi nhớ mong, khắc khoải về cố hương trong các bài thơ trên không phải là một khoảnh khắc trạng thái tâm lí nhất thời. Đó dường như là sự dồn nén đến đỉnh điểm của những chuỗi dài cảm xúc trong nhiều năm tháng xa nhà chôn chặt trong tận sâu đáy lòng mỗi nhà thơ. Bởi vậy, như giọt nước làm tràn li, khi có một tác động dù rất nhỏ, cũng đủ làm tất cả vỡ òa, không thể kìm nén được nữa. Cho nên có thể nói, quê hương trong các bài thơ Đường trên được hiện lên rõ nét nhất qua sự dâng trào, bung tỏa trong cảm xúc của mỗi thi nhân. Có người cho rằng Thi tiên Lý Bạch dường như “lãng mạn” hơi quá khi chỉ một ánh trăng rọi nơi đầu giường như mọi ánh trăng mà cũng chạnh lòng nhớ quê. Quả đây là một nhận xét hết sức phiến diện. Không phải ngẫu nhiên khi người ta cho rằng Tĩnh dạ tư là một trong những bài thơ xuất sắc nhất của Lý Bạch nói riêng, của mảng thơ “vọng nguyệt hoài hương” (trông trăng nhớ quê) trong thơ Đường. Hơn nữa, cùng với rượu và kiếm, trăng thấm đẫm trong thơ Lý Bạch nhưng hiếm có ánh trăng nào vừa đơn sơ lại vừa ám ảnh, ngậm ngùi như ánh trăng trong bài Tĩnh dạ tư. Chúng ta quên mất rằng, ánh trăng sáng nơi đầu giường chỉ là một cái cớ, một chất xúc tác cho cả quá trình diễn biến tâm lí kéo dài, nén chặt về nỗi tư hương trong thi nhân được đạt đến đỉnh điểm và bộc phát một cách chân thành. Nếu chỉ thoáng nhớ quê thì làm sao vừa “ngẩng đầu nhìn trăng sáng” đã có cái cúi đầu lặng lẽ nghĩ đến quê nhà. Cho nên lời thơ trong bài giản dị nhưng ý thơ khôn cùng. Cũng vậy, trong Thu hứng, Hoàng Hạc lâu, nếu chỉ là “tức cảnh” vội “sinh tình” thì làm sao chỉ một “con thuyền lẻ loi” (cô chu) đã có thể buộc chặt mãi (nhất hệ) tấm lòng nhớ nơi vườn cũ (cố viên tâm); làm sao chỉ một làn khói sóng trên sông lúc cuối ngày cũng khiến lòng người sầu muộn mà thảng thốt cất lên câu hỏi ngậm ngùi “quê nhà ở nơi nào” (hương quan hà xứ thị). Đặc biệt trong bài Hồi hương ngẫu thư, tác giả không hề nói đến cảm xúc của mình trong buổi mới về quê, nhưng một câu cười hỏi hồn nhiên “khách từ nơi nào đến” (khách tòng hà xứ lai) gợi nên nhiều điều về tâm trạng “làm khách trên chính quê nhà” phức tạp của thi nhân lúc này: Có buồn cười, có tủi giận, có hụt hẫng, có ngậm ngùi, xót xa, lạc lõng… Vấn đề ở chỗ, nếu chỉ một câu hỏi bình thường của bọn trẻ mới lớn, chưa từng gặp “vị khách” này thì làm sao khiến chủ thể trữ tình phải có nhiều cảm xúc buồn vui khó tả như vậy. Hóa ra, người ta càng trông mong ngóng đợi ngày về bao nhiêu thì khi không được nhận ra, thấy nhau mà chẳng biết nhau (tương kiến bất tương thức) càng ngậm ngùi, xót xa, hụt hẫng bấy nhiêu. Rõ ràng, nỗi nhớ mong và lòng trông đợi ngày trở lại quê hương luôn thường trực, ấp ủ trong lòng người đi từ thời trai trẻ. Cho nên, một câu hỏi ngây thơ, vô tình cũng đủ làm trào dâng nhiều cung bậc cảm xúc.
Trong dạy học các bài thơ Đường này, nên chú ý thêm điều này. Tình cảm quê hương bao giờ cũng thiêng liêng, cao đẹp, là mạch nguồn giá trị làm nên sức sống lâu bền cho những thi phẩm trên. Tuy nhiên, mức độ biểu hiện của nó không giống nhau. Điều này cũng dễ hiểu thôi, bởi mỗi bài thơ là một thế giới nghệ thuật sống động, giàu có và không lặp lại bao giờ, nhất là đối với những tác phẩm xuất sắc. Ở một phiên diện nào đó, có thể thấy, tình cảm “tư hương”, “hoài hương”, “hoài quy nhật” (trông ngóng ngày về) ở hai bài trong Ngữ văn 7 dễ nhận ra hơn so với hai bài cùng chủ đề trong Ngữ văn 10. Ở Tĩnh dạ tư tác giả nói thẳng “nhớ quê nhà”. Ở Hồi hương ngẫu thư tuy không nói trực tiếp nhưng dễ dàng nhận ra tình cảm ấy của tác giả. Nhưng ở hai bài trong Ngữ văn 10, điều này khó nhận ra hơn. Bởi tình cảm này không phải là tình cảm chủ đạo trong tác phẩm, lại được đan cài trong nhiều tình cảm khác. Tiêu biểu là bài Thu hứng, ở đó còn có tâm sự yêu nước, thương người, thương đời tất cả làm nên một tình thu chứa chan, đầy nỗi ưu tư của tác giả; tình quê chỉ thoáng hiện qua một chi tiết, hình ảnh nhỏ mà thôi, dù rằng đây cũng là một tình cảm hết sức đẹp đẽ ở nhà thơ vĩ đại một đời vì những giá trị nhân đạo cao cả, Thánh thi Tử Mỹ. Như vậy, ở bậc học cao hơn, vấn đề sẽ phức tạp hơn, đòi hỏi phải có cái nhìn toàn diện, sâu sắc và tinh tế hơn. Con đường tiếp cận, khám phá thế giới bao la của tác phẩm khi lên lớp càng cao vì thế sẽ càng hẹp và sâu hơn, khó định hình hơn nhưng cũng thú vị hơn rất nhiều. Người giáo viên dạy học trong tính kế thừa và phát triển, dạy học theo hướng tích hợp nên chú ý ở điểm này.
Tóm lại, quê hương là đề tài quen thuộc và quan trọng trong thơ Đường. Nhiều bài thơ được tuyển chọn đưa vào giảng dạy ở chương trình phổ thông là những thi phẩm tiêu biểu cho mảng đề tài này. Một số điểm gặp gỡ của đề tài quê hương trong những bài thơ này đã được phân tích như trên. Trong dạy và học, có nhiều cách tiếp cận tác phẩm. Tuy vậy, phải đảm bảo định hướng vừa kế thừa vừa phát triển cao hơn. Mặt khác, không nên hạn chế sự sáng tạo của người học. Bởi quê hương có thể là “chùm khế ngọt” cũng có thể là “đêm trăng tỏ”, là “con diều biếc” v.v…, nghĩa là những gì hết sức gần gũi, quen thuộc và rất riêng với từng người học. Làm được điều này, tính giáo dục trong dạy học sẽ cao hơn.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét