NỀN TẢNG
VỮNG CHẮC
CỦA ĐỘC LẬP
DÂN TỘC
Thành quả vĩ đại của Cách mạng Tháng
Tám đã đưa nhân dân ta thoát khỏi ách thống trị của chủ nghĩa đế quốc lên vị trí
làm chủ đất nước. Ngày 2.9.1945, trước gần một triệu đồng bào thủ đô Hà Nội đại
diện cho hơn 20 triệu đồng bào cả nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn
độc lập khai sinh ra nước Việt Nam mới - nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Hồ Chí
Minh đã trịnh trọng tuyên bố trước toàn thể quốc dân và cộng đồng thế giới về
quyền độc lập dân tộc cũng như quyền được hưởng nền độc lập đó của nhân dân Việt
Nam.
Độc lập dân tộc là quyền thiêng
liêng bất khả xâm phạm của tất cả các dân tộc. Điều này đã được ghi trang trọng
trong Tuyên ngôn độc lập 1776 của nước Mỹ và trong Tuyên ngôn nhân quyền và dân
quyền cách mạng Pháp năm 1791 và đã được Hồ Chí Minh trịnh trọng nhắc lại trong
Tuyên ngôn độc lập năm 1945: “Tất cả mọi
người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hoá cho họ những quyền không ai có
thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và
quyền mưu cầu hạnh phúc… Suy rộng ra, câu ấy có ý nghĩa là: tất cả các
dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng, dân tộc nào cũng có quyền sống,
quyền sung sướng và quyền tự do”.
Độc lập dân tộc, theo Hồ Chí Minh, là
đất nước thực sự thoát khỏi tình cảnh nô lệ, thực sự được tự do, có chủ quyền và
toàn vẹn lãnh thổ, nhân dân được sống trong hòa bình và thực sự được hưởng thụ
các giá trị nhân văn - dân chủ, công bằng và bình đẳng,…
Khát vọng đã trở thành hiện thực,
song các thế lực thù địch thực dân và đế quốc chưa từ bỏ dã tâm trở lại xâm lược,
đô hộ nước ta một lần nữa. Để bảo vệ độc lập dân tộc – một quyền thiêng thiêng
và bất khả xâm phạm, cả dân tộc Việt Nam không phân biệt già trẻ, gái trai.. đã
hưởng ứng Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đứng
lên chống thực dân Pháp xâm lược làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ (1954) lừng
lẩy địa cầu, đánh bại chủ nghĩa thực dân cũ.
Độc lập dân tộc là khát vọng lớn
nhất của dân tộc thuộc địa. Hồ Chí Minh nói: “Tự do cho đồng bào tôi, độc lập
cho tổ quốc tôi, đó là tất cả những điều tôi muốn; đấy là những điều tôi hiểu”. Độc lập dân tộc là vấn đề sống còn đối với mỗi
quốc gia dân tộc. Thực tiễn kinh nghiệm lịch sử đã cho thấy, sự tồn vong và phát
triển của mỗi quốc gia - dân tộc đều gắn liền với việc giữ vững nền độc lập và
chủ quyền của mỗi quốc gia - dân tộc ấy. Độc lập dân tộc luôn luôn là nguyện vọng
chính đáng của mỗi người sống trong cộng đồng dân tộc; vừa là mục tiêu, động lực
của cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc khỏi ách áp bức, bóc lột của kẻ thù xâm lược.
Độc lập dân tộc là cơ sở, điều kiện không thể thiếu để thực hiện quan hệ bang
giao với các dân tộc khác. Giữ vững độc lập tự chủ luôn là nguyên tắc hàng đầu đảm
bảo cho các dân tộc thực hiện chính sách đối ngoại bền vững.
Theo quan điểm Chủ tịch Hồ Chí Minh, quyền độc
lập dân tộc bao hàm nhiều nội dung sâu rộng, vừa kế thừa những quan điểm truyền
thống Việt Nam như Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Nguyễn Trãi đã nêu, vừa được
nâng lên tầm cao mới. Đó là quyền độc lập thực sự, độc lập hoàn toàn bao gồm đầy
đủ chủ quyền quốc gia về chính trị, kinh tế, an ninh quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ.
Quyền độc lập là quyền thiêng liêng bất khả xâm phạm. Do vậy, bất cứ thế lực nào
kéo đến xâm lược đều bị giáng trả và trừng trị. Đầu tháng 2 năm 1946, Người trả
lời tướng Raun Xalăng và cũng trả lời Chính phủ Pháp “Độc lập câu chữ đối với
tôi không quan trọng. Điều quan trọng đối với tôi là nội dung của nó. Chúng tôi muốn sống tự
do. Tất nhiên chúng tôi muốn có nhiều sự giao lưu kinh tế, các quan hệ văn hóa
sâu rộng hơn, muốn cán bộ, kỹ sư Pháp làm việc trong mọi lĩnh vực, nhưng chúng
tôi cũng muốn làm chủ nước mình”.
Người khẳng định rõ lập trường của mình đối với Chính phủ Mỹ, rằng nền độc
lập phải được giữ vững và tăng cường bằng nền an ninh và tự do. Trong thư gửi Tổng
thống Mỹ H.Truman, Người viết: “Nhân dân Việt Nam sau bao nhiêu năm bị cướp
bóc và tàn phá, mới bắt đầu công cuộc xây dựng, cần phải có an ninh và tự do”…
“Nền an ninh và tự do đó chỉ có thể được đảm bảo bằng nền độc lập của chúng tôi
khỏi mọi cường quốc thực dân, bằng sự hợp tác tự do đối với tất cả các nước khác.
Chính vì vậy chúng tôi yêu cầu Mỹ, với tư cách là những người bảo vệ và những
chiến sĩ của công bằng thế giới, có bước quyết định ủng hộ nền độc lập của chúng
tôi. Chúng tôi sẽ làm hết sức mình để cho nền độc lập và sự hợp tác đó có lợi
cho toàn thế giới”.
Hồ Chí Minh khẳng định quyêt tâm
của dân tộc Việt Nam: “Thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước,
nhất định không chịu làm nô lệ”.
Với tinh thần đó, trong một phần tư thế kỷ kể từ khi Cách mạng Tháng Tám
thành công đến những ngày cuối đời, Người đã lãnh đạo Đảng ta và nhân dân ta liên
tục tiến hành hai cuộc chiến tranh lâu dài, gian khổ và ác liệt chống thực dân
Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, bảo vệ độc lập dân tộc, giải phóng đất nước, thống
nhất Tổ quốc.
Ngày nay, tình hình thế giới và khu
vực, đặc biệt là tình hình biển Đông đang diễn biến phức tạp, việc nắm vững ngọn
cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội với những nội dung mới, chúng ta sẽ tiếp
tục tạo ra lực lượng lớn mạnh bảo đảm cho Đảng làm tròn nhiệm vụ lịch sử trong
giai đoạn cách mạng mới.“Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên
chủ nghĩa xã hội (Bổ sung, phát triển năm 2011)” rút ra bài học kinh nghiệm
hàng đầu là: “nắm vững ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội - ngọn cờ
vinh quang mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trao lại cho thế hệ hôm nay và các thế hệ
mai sau. Độc lập dân tộc là điều kiện tiên quyết để thực hiện chủ nghĩa xã hội
và chủ nghĩa xã hội là cơ sở bảo đảm vững chắc cho độc lập dân tộc”.
Kỷ
niệm 68 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2 tháng 9, trong tâm thức mỗi người
Việt Nam yêu nước vẫn còn vang vọng lời Bác trong bản Tuyên ngôn độc lập:
"Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một
nước tự do độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực
lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy".
Nhớ thương da diết, lòng nặng ơn
sâu, mỗi chúng ta thầm hứa với Bác kính yêu: “Xin nguyện cùng Người vươn tới mãi”,
thực hiện bằng được ước mong của Người trước lúc đi xa: “Xây dựng một nước Việt
Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh”.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét