MÙA
KHAI TRƯỜNG
Tản
văn
Có lần Bác Hồ đã có
thư gửi thanh niên và nhi đồng toàn quốc: “Một năm khởi đầu từ mùa xuân. Một đời
khởi đầu từ tuổi trẻ. Tuổi trẻ là mùa xuân của xã hội...”. Tuổi trẻ và mùa xuân
đồng nghĩa với sức sống mới căng tràn. Mùa xuân khai sinh chồi non, lộc biếc, từ
đó cho đời những vườn cây xanh tươi, hoa trái ngọt ngào, và những rừng cổ thụ vững
chãi. Tuổi trẻ cũng khai sinh những chồi non, lộc biếc của đời người, đó là sức
khỏe phơi phới, những ý tưởng tích cực, mới mẻ có ích cho chính mình, gia đình
và xã hội. Đó cũng là thời kỳ quyết định cho đời người sau này thành công hay
thất bại.
Mùa thu về cũng là
lúc mùa khai trường đến, năm học mới lại bắt đầu. Đó luôn là thời khắc thiêng
liêng của dân tộc Việt Nam ngàn đời vững bền bên chân sóng, nơi những con người
hiền hòa, chân chất luôn sống với truyền thống “tôn sư trọng đạo”. Mùa thu, Cách
mạng Tháng Tám thành công, khai sáng kỷ nguyên độc lập tự do, chủ quyền Việt
Nam sánh ngang với các cường quốc trên thế giới. Một ký ức không bao giờ quên
trong tôi, đó là cứ sau khi mừng Quốc khánh mồng 2 tháng 9 xong, đám học trò chúng
tôi lại rộn ràng với quần áo mới, cặp sách mới thơm tho đón chờ ngày khai trường
mồng 5 tháng 9. Và mãi về sau này tôi mới biết đó là Ngày toàn dân đưa trẻ đến
trường. Mùa khai trường chính là mùa xuân của tuổi trẻ, mùa của những lý tưởng
cuộc đời được khai sáng từ những nét phấn, con chữ của thầy cô. Những khát vọng
tương lai xuất phát trong thời khắc như thế, há chẳng phải thiêng liêng lắm
sao!
Nói thì có vẻ to tát,
bởi thật ra phải đến tận năm cuối cấp III, lúc điền hồ sơ thi đại học mới là lúc
lý tưởng ấy có cơ hội được thỏa chí. Mọi cái trở nên sáng sủa hơn nếu vượt qua
kỳ thi đại học. Nhưng sẽ như thế nào nếu cả triệu sĩ tử chỉ khát khao “giấc mơ đại
học” mà không phải là một cái gì khác. Nếu nói không nên với tất cả thì hóa ra
là ngăn cản ước mơ của họ sao? Ước mơ vốn là một quyền bất khả xâm phạm, mãi mãi
là như thế. Nhưng thật tiếc, hệ thống giáo dục của một quốc gia với nền kinh tế
đang trên đà hội nhập và phát triển cùng thế giới không thể nào đáp ứng cho tất
cả các “ước mơ” ấy. Vì thế mà tỉ lệ chọi được cả cộng đồng học tập quan tâm: 1
chọi 10, 1 chọi 50, 1 chọi 100… Những giờ học thêm, những lò luyện thi mọc lên
như nấm, những trường đại học thiếu chất lượng đua nhau thành lập khiến những
chủ nhân tương lai của đất nước rối rắm trong mớ bòng bong sách vở. Rồi chỉ có
những người ưu tú mới được ngồi “bàn giấy” và những kẻ thua cuộc lại theo sau
con trâu kéo cày?
Con người ta trở nên
hẹp hòi với chính mình vì những kiểu suy nghĩ như thế. Đại học chưa phải là tất
cả, không phải là con đường duy nhất để tuổi trẻ tiến thân. Người là hoa của đất
(một triết gia nào đó đã từng nói vậy). Mỗi loài hoa đều có hương sắc riêng, vẻ
đẹp riêng. Vậy thì tuổi trẻ cũng phải biết mình có sở trường gì, dành đam mê
cho nó, nhưng sẽ là vô nghĩa nếu không hợp thời, không có ích cho bản thân, gia
đình và xã hội. Sẽ ra sao nếu cả xã hội cùng tới trường trong khi không ai chịu
làm đầu bếp nấu ăn, không ai chịu làm chị nông dân chân lấm tay bùn trồng nên hạt
lúa, không ai chịu làm anh lái xe chở phân ra bón lúa ngoài đồng…? Để có thể làm
được những việc như thế cũng đều phải học, học nữa, học mãi nhưng là việc học
trong thực tế, thiết thực với sở trường riêng của mỗi người, chứ không hề rối rắm
trong một đống sách vở mô phạm kia mà chẳng biết phải làm gì! Đó mới là giáo dục
có chất lượng và lý tưởng nghề nghiệp sẽ cũng trở nên chất lượng hơn.
Sở trường trở thành
lối đi cho lý tưởng, nghề nghiệp thành công sau này cũng bắt nguồn từ đây. Tuy
nhiên rất nhiều bạn trẻ không biết mình có khả năng gì, và hiếm thầy cô, cha mẹ,
bạn bè phát hiện ra sở trường ấy giùm mình. Điều này bắt nguồn từ chính việc
nhiều bạn trẻ sống khép kín, ít chia sẻ với mọi người những suy nghĩ của chính
mình, đúng hơn là không dám nói ra ước mơ của mình. Đó là kết quả của sự thiếu
tự tin. Sẽ chẳng làm được gì nếu con người ta mất niềm tin. Ai đó khi hồi tưởng
về một thời tuổi trẻ sẽ ước ao được quay lại với mùa xuân ấy để được sống hết mình,
hòa đồng hết mình, phấn đấu hết mình cho ước muốn. Gác qua những định kiến của
một vài nhóm bạn, ra sức học hỏi hơn cách làm hay, ý tưởng tốt… thì có lẽ bây
giờ sẽ không hối tiếc như thế này. Nhưng sẽ chẳng ra làm sao khi chỉ biết tiếc
nuối những ngày đã qua. Chỉ còn cách là sống thế nào để không phải nuối tiếc những
tháng ngày sắp tới.
Guồng quay giấc mơ kinh tế giàu sang khiến nhiều làng quê quay cuồng với bài
ca xuất khẩu lao động như một làn gió mới đổi đời. Thật khó có thể phủ nhận điều
này khi cơm no áo ấm từ đây vực dậy nhiều gia đình tưởng chừng như sụp đổ hoàn
toàn. Tuy nhiên hệ lụy của nó cũng không kém, thấy gia đình hàng xóm tiền đô gửi
về ầm ầm là gia đình mình đứng ngồi không yên, bắt con thôi không học nữa, phải
“xuất khẩu” bằng được. Tuổi trẻ mấy ai giữ được lập trường vững vàng, vì hầu hết
còn nằm trong sự bao bọc của cha, nuôi nấng của mẹ. Thoát ly cùng ước mơ là đồng
nghĩa với bao gian nan chờ đón ở phía trước, điều này chỉ có thể xảy ra với những
ai có ý chí sắt đá, không bao giờ hết hy vọng ở lý tưởng cuộc đời mình, con đường
mình đã chọn, vinh quang sẽ thuộc về họ. Biết thế, nhưng “Cá không ăn muối cá ươn,
con cãi cha mẹ trăm đường con hư”, học ra trường cốt cũng làm việc kiếm tiến,
xuất khẩu không những kiếm được tiền mà còn rất nhiều tiền, đổi đời gấp hàng trăm
lần so với học hành lắm chứ. Quá đúng, nhưng… đau. Đau cho kiếp người không thoát
khỏi nỗi lo cơm áo lẫn đố kỵ sang hèn, đau cho những tầm nhìn dẫu đã được “xuất
khẩu” nhưng vẫn chưa thể vượt qua được lũy tre làng. Giấc mơ vì thế mà bỏ lỡ, lý
tưởng vì thế mà chênh chao. Thằng em hàng xóm tâm sự trước khi chia tay rằng,
chỉ ước ao được xuất khẩu đổi đời vì bạn bè đi hết rồi, mình ở nhà chịu sao nổi,
bảo đi học nghề trong khi chờ đợi thì không chịu, vì giấc mơ xuất khẩu đã choán
hết cả tâm trí rồi còn đâu. Nhưng một khi cánh cửa hy vọng ấy bị đóng kín thì
em lông bông không nghề không nghiệp ư, lấy gì sắm vốn mai sau khi sức khỏe chẳng
còn? Đứa khác thì kể, đang thi đại học nhưng ở nhà gia đình đã làm giấy tờ sẵn
sàng cho đi du học tận bên Úc rồi. Nghe thì oai đấy nhưng thực ra là lợi dụng đường
dây du học để qua đó kiếm tiền bằng việc “trồng cỏ” ở nông trại tận trên núi hoặc
trong rừng sâu, đối diện với vô vàn hiểm nguy không lường hết. Trời đất, ấy vậy
mà tôi cứ tưởng bây giờ học trò quê tôi đã có thể sánh ngang đồng trang lứa phố
thị đi học hỏi tri thức tiên tiến của thế giới rồi, điều mà chỉ có những người
cực kỳ xuất sắc mới có thể cụ thể hóa những khát vọng của cả một thế hệ. Hóa ra
thời nay người ta “du học” dễ như đi chợ. Thế mới biết, tiền chưa phải là tất cả
nhưng là cực kỳ quan trọng, một xã hội đang chạy theo đồng tiền, bị nó làm cho
chao đảo, thậm chí dập tắt cả những ước mơ tiến thân. Cũng dễ hiểu thôi, “không
thực lấy gì vực được đạo”. Để rồi cả lứa cuối cấp năm ấy giờ chỉ còn 1, 2 người
đi theo nghiệp đèn sách. Nhưng cũng sẽ không công bằng nếu bắt những sĩ tử bất đắc
dĩ mơ tiếp mộng khoa bảng trong khi họ chỉ muốn hiến thân trong những công việc
thực tại bằng cơ bắp kiếm tiền. Và cũng sẽ là đáng mừng khi những đồng tiền kiếm
được từ mồ hôi nước mắt kia lại có thể nuôi dưỡng được những lý tưởng mới cho
cuộc đời con cháu họ.
Sau bao nhiêu năm
kiếm tìm cho giấc mơ khát tiền được thỏa mãn, người ta mới giật mình nhận ra rằng
tiền không bao giờ đủ khi lòng tham của con người là không đáy! Cũng thật may
sao cả thế hệ trẻ trên đất nước này không chạy theo guồng quay điên đảo đó.
Minh chứng là vẫn còn đó những chàng trai, cô gái không lấy gì làm thích thú chạy
theo phong trào xuất khẩu lao động, họ dâng hiến hết niềm nhiệt huyết của tuổi
trẻ cho khát khao được học lên, học cao với thành tâm của mình để mai đây trở
thành bác sĩ, lương y chăm sóc sức khỏe cho cộng đồng. Vẫn còn đó những thanh
niên tình nguyện lên đường nhập ngũ tòng quân bảo vệ Tổ quốc, nằng nặc đòi vào
Hải quân bằng được để ra bảo vệ Trường Sa thân yêu. Còn đó những anh chàng “đại
gia” sẵn sàng quên đi những ngón ăn chơi thả cửa ở các hộp đêm, tình nguyện xây
những quán cơm thiện nguyện 2000 đồng phục vụ cho người nghèo. Đó là những lý tưởng
biết chia sẻ với cộng đồng cần được nhân rộng trong khi lối sống vô cảm đang ngày
một gia tăng trong xã hội, đặc biệt là ở những người trẻ. Đó là những bông hoa
ngời sáng lý tưởng cần được ngợi ca và phát huy trong thời buổi nhiều người chỉ
biết chạy theo trào lưu kiếm tiền mà quên mất rằng Tổ quốc có thể lâm nguy bất
cứ lúc nào. Chọn lối đi cho cuộc đời đồng nghĩa với việc biết đặt lý tưởng cạnh
trái tim biết yêu thương và sẻ chia.
Tuổi trẻ đang ngày càng biết phát huy việc học đi đôi với hành, biết mình nên
làm gì và không nên làm gì. Từng ngày qua đi họ sẽ dần nhận ra đâu là cái mình
thực sự làm được, thực sực yêu thích. Rồi lối đi cho cuộc đời sẽ được định hình
rõ ràng nếu được gia đình và xã hội định hướng đúng với sở trường mỗi người. Sẽ
phải nỗ lực hết mình bất chấp mọi gian khó thì những lý tưởng ấy mới mong thành
hiện thực. Sẽ cần thêm một chút may mắn, tuy nhiên chỉ có dũng cảm với chính mình
thì cánh cửa may mắn mới có thể mở ra.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét