THA LỖI CHO CON
Truyện ngắn
Với con bé ở độ tuổi mười bảy bẻ gãy sừng
trâu như tôi thì trải nghiệm cuộc đời có lẽ cũng giống như hạt cát trên sa
mạc và một trong những hạt cát mà tôi nghiệm ra được đó là: Chúng ta thường đánh
mất những thứ lớn lao bởi vì chúng ta không để ý đến những điều nhỏ nhặt quanh
mình. Và khi đánh mất rồi ta mới cảm thấy hối hận nhưng đã quá muộn rồi, vì bởi
thời gian không thể quay ngược, có hối hận cũng chẳng làm được gì và điều đó biết
đâu đã là vết sẹo trong tim mà không bao giờ lành lại được…
“Ambulance” - dòng chữ ấy, với tôi như một
cơn ác mộng. Mỗi khi chiếc xe màu trắng mang trên mình dòng chữ ấy lướt qua trước
mắt thì tự đâu trong tôi trái tim như rỉ máu, sống mũi cay cay, nghẹn đắng, từ đâu
trên hai gò má đã lăn dài dòng nước mặn mặn. Cái vị mặn mà làm rát từng thớ thịt,
từng giây, từng phút xát muối trái tim bé nhỏ. Vị mặn ấy như một sợi dây xiết
chặt trái tim tôi. Đôi bàn chân tưởng vô cùng mạnh mẽ, nhanh nhẹn bỗng khựng lại,
yếu đuối và khuỵu xuống đất “Không… ông!” tôi muốn hét lên, hét thật to. Hét
cho cả thể giới biết rằng tôi không yếu đuối. Muốn đứng dậy, muốn lau đi nước mắt,
muốn tiếp tục mỉm cười nhưng càng cố gắng thì sự yếu đuối trong tôi lại dâng
trào, nhịp tim đập như dồn dập hơn, thắt chặt hơn như không thể thở, không thể
chống cự được – bất lực! Nỗi ám ảnh, sự hối hận dâng trào trong tôi – hình ảnh
ba cứ hiện lên rõ nét…
Khi còn nhỏ, tôi luôn thắc mắc một điều: “Tại
sao mẹ lại chọn ba?” - một người chỉ biết làm bạn với rượu, đi xe ôm, một cái
nghề không cao sang, thậm chí bần hạ. Và chính cái nghề ấy luôn khiến tôi phải
dấu mặt hay lơ đi chỗ khác khi người ta nhắc tới nghề nghiệp của ba mình. Và cái
nghề ấy chỉ kiếm ra những đồng tiền ít ỏi chỉ đủ để cung cấp cho những giọt rượu
mà ba coi là tuyệt vời. Trong khi mẹ là tất cả với tôi, không những là một người
mẹ tuyệt vời mà còn là một giáo viên tận tình, chu đáo hết lòng vì học sinh. Thật
đáng tiếc cho mẹ, hình ảnh ba trong tôi chỉ vậy. Ngoài ra, sau những giờ làm trở
về nhà người ba đã nồng mùi rượu, những lúc ấy lí trí trong ba dường như bị chất
kích thích điều khiển, làm lu mờ tất cả. Những lúc ấy, rượu là tất cả, ba coi mẹ
con tôi như là một thứ rác rưởi, là tấm bia để ba trút hết muộn phiền. “Cút!
Cút khỏi nhà cho tao! Đúng là một lũ vô dụng! Biến cho khuất mắt tao!” những
lời nói ấy trở thành một điệp khúc mà chúng tôi từng nghe hàng trăm hàng ngàn lần.
Câu nói ấy đã khắc sâu vào tâm trí hai chị em tôi. Bởi thế tôi ghét ba, ghét giờ
ăn tối nói một cách đúng hơn là tôi sợ điều đó. Tôi sợ cứ tối lại đứng nép ở cánh
cửa nhìn ba chửi mắng, đánh đập mẹ mà bất lực không giúp được gì, sợ mỗi tối lại
phải nhìn khuôn mặt đáng ghét của ba, sợ phải nhìn thấy hai hàng lệ rơi không
bao giờ ngớt trên khuôn mặt mẹ, sợ hằng đêm thấy mẹ ngồi khóc một mình mà cố giấu
không cho ai thấy. Thế nhưng mẹ vẫn chịu đựng. Tôi thương mẹ nhiều nhiều lắm. Cứ
mỗi lần như thế sự căm ghét ba lại trỗi dậy trong tôi, tôi rất rất ghét ba. Mà
thường đã không thích thì đâu có sự quan tâm, chăm sóc. Mà ngược lại là lạnh nhạt,
xa lánh. Tôi biết với bổn phận làm con thì làm vậy là sai nhưng tôi không thể mỉm
cười, coi không có gì với người đã làm mẹ khóc hằng đêm. Tôi không thể chịu nổi
khi nhìn tấm thân gầy của mẹ cứ sáng cứ chiều đứng trên bục giảng hết lòng vì học
sinh, tối về đáng lẽ được bữa cơm gia đình vui vẻ để tan đi mệt mỏi công việc.
Vậy mà…
Đúng là những ý nghĩ con nít,
ngu ngốc, tôi nhận ra điều này khi thần chết đã đứng trước cửa nhà tôi, dò
tên tìm người. Tự nhiên hôm ấy trong tôi có một niềm nao nao khó tả, tôi chẳng
tập trung vào gì cả, đầu óc cứ để đâu đâu như một đứa mới lớn bị thất tình, làm
việc gì cũng không ra hồn. Thật nản! Và rồi giờ khắc mà hai chị em tôi ghét nhất
trong ngày cũng đến, đó là 20 giờ 30 phút, khi tiếng xe “lạch bạch”
nghe từ cuối đường, là chúng tôi biết “ổng” – “con sâu rượu” đã về.
Bước vào nhà, cũng cái điệu đá chân chiêu, hai chị em ra đỡ “ổng” vào và
bắt đầu dọn cơm ăn tối như thường ngày. Nhưng hôm ấy, sự hung dữ trong ánh mắt đã
thay bằng sự trìu mến hơn. Ba nhìn hai chị em tôi một lượt rồi dừng lại khi ánh
mắt ba mẹ bắt chợt nhìn nhau rồi đi thẳng vào phòng mà không nói năng gì. Có vẻ
mẹ hiểu ý bảo chị em tôi ăn cơm trước không cần đợi nữa, tôi cảm thấy là lạ nhưng
chợt nghĩ đó là do “ổng” say quá, rồi không suy nghĩ gì nữa. Vào bàn học,cảm giác
nao nao khó tả lúc chiều lại dâng lên, giờ này tôi không còn kìm nén nổi cảm giác
ấy nữa, nó cứ xâm chiếm, vây kín suy nghĩ của tôi. Một cảm giác bất an khó tả.
Thấy ngồi ngẩn ngơ, mẹ vỗ vai hỏi:
- Còn làm gì đó?
- Học bài đi!
Nhìn ánh mắt đầy trìu mến nhưng trong
sâu thẳm là nỗi buồn vô vọng, khó nói. Tôi không tài nào nói ra nỗi bất an của
mình. Và chỉ đáp lại bằng nụ cười và tỏ ra không có gì để đáp lại mẹ:
- Dạ, con học liền đây ạ!
Cố lục lọi vài cuốn sách, cố tỏ ra là mình đang
học nhưng nỗi bất an vẫn không hề ngớt, mẹ quay bước trở về phòng. Từ khi ba là
một con sâu rượu thì ba mẹ đã không còn ngủ chung, mỗi người có một không gian
riêng.
“Rầm…rầm”, cái âm thanh mà mỗi tối vẫn hay
phát ra từ phòng ba. Nhưng lần này,cái âm thanh ấy làm cho nỗi bất an, sự khó
chịu trong tôi trỗi lên quyết liệt hơn, mạnh mẽ hơn như thúc giục, như thôi thúc
tôi qua phòng ba. Nên vào hay không? Quay lưng hay bước tiếp? Để
tay lên khóa cửa rồi bỏ xuống. Có bao giờ tôi quan tâm tới ba, tôi làm như thế
này để làm gì chứ? Vô nghĩa. Nhưng lí trí không thể thắng nổi sự bất an
trong lòng. Mong là sự bất an đấy là sai, mong cái linh tính vớ vẩn của tôi là
không đúng, mong là không có chuyện gì xảy ra đằng sau cánh cửa ấy. Thật nhẹ nhàng,
khéo léo tôi hé mở cánh cửa…
“Ba..a.a..ba”, mở ào cánh cửa tôi chạy lại
gần ba, cố giữ ba, cố hỏi ba sao vậy. Đáp lại tôi là sự quằn quại, đau đớn, hai
con mắt nhíu lại, các nếp nhăn cứ xô vào nhau một cách bất giác, hai tay ôm bụng
nhưng ba không cất một tiếng đau nào. Giờ đây con mới hiểu, con đã hiểu rồi,
ba ơi! Tôi biết ba đau, đau lắm. Sao thế này? Hàng ngàn con
dao như cùng một lúc đâm thẳng vào con tim tôi, xé nát trái tim nhỏ bé này, tôi
như chết lặng trước cảnh tượng kinh hoàng ấy. Phải chăng tôi lạnh lùng với ba quá,
phải chăng tôi ghét ba mà tôi như thế này. Từ khi nào mẹ đã có mặt ở cửa, thấy
tôi đứng như trời trồng mẹ vội vàng bảo tôi đỡ ba dậy, mẹ toan chạy gọi xe cấp
cứu, thấy ba đau mà tôi như bất lực như muốn đau cùng ba như muốn chịu cơn đau đó
thay ba, tôi không muốn ‘con ác quỷ” ấy hành hạ ba một phút giây nào. Nước mắt đã
giàn giụa trên mặt tự khi nào, cứ chảy, cứ chảy mà không kìm lại được. Đỡ ba ra
cửa, xe cấp cứu đã có từ khi nào, họ vội vã, giục nhau đỡ bệnh nhân nằm lên giường,
lập tức đóng sầm cửa lại và bắt đầu lăn bánh. Xe mỗi lúc càng đi xa hơn thì tim
tôi càng như có bàn tay nào bóp chặt. Hai chân không còn đứng vững được nữa,
hai đầu gối như khuỵu xuống đất, mọi chuyện xảy ra quá nhanh, đấy là thực hay mơ?
Chuyện gì đang xảy ra trước mắt mình thế này? Tôi nhận ra hai hàng nước mắt đã
chảy ngược vào trong, xót xa, đau quặn. Cái cảm giác muốn nói mà nói không được,
cái gì đó cứ nghẹn nghẹn, tôi muốn nổ tung ngay lúc đó. Nhìn đứa em gái nhỏ bé
của mình đang khóc oà mà tôi muốn ôm em, dỗ dành em hay cũng muốn xoa dịu sự đau
đớn trong tôi. Căn nhà đã vắng lặng càng vắng lặng hơn, ngột ngạt hơn, khó chịu
hơn.
Với những bước chân nặng trĩu sự ưu tư, mẹ
bước vào nhà. Trong ánh mắt buồn sâu thẳm ấy tôi biết mẹ chịu nhiều áp lực, tôi
muốn mẹ cho tôi biết chuyện gì đang xảy ra, tôi muốn mẹ trả lời các thắc mắc của
tôi nhưng nhìn ánh mắt ấy, nhìn khuôn mặt xanh xao gầy gò ấy tôi lại không thốt
ra nổi một lời, mẹ nhìn tôi mà hai hàng nước mắt tuôn trào, mẹ ôm chầm tôi mà
nghẹn ngào:
- Ba của con…
Tiếng khóc như hòa vào lời nói, tôi đang cố
lắng nghe từng từ từng từ mẹ nói:
- Bị… ung… thư… dạ… dày… giai… đoạn… đoạn…
cuối.. uối.
Nói xong mẹ vỡ òa trong nước mắt, gục xuống.
Tiếng mẹ nói như tiếng sét ngang tai. Có mắng tôi, đánh tôi sao cũng được nhưng
xin đừng nói những lời đó. Tôi không muốn nghe, thực sự không muốn nghe. Một sự
ngột ngạt, lạnh lẽo, khó chịu trong gian nhà bé nhỏ. Còn đâu tiếng cười ngây thơ
của em, còn đâu nụ cười hiền dịu của mẹ, còn đâu sự nạt nộ nghiêm khắc của ba,
tôi cần chúng, cần những giây phút ấy ngay bây giờ.
Tôi thấp thỏm bước vào bệnh viện. Đi một vòng,
tôi dừng lại với cái tên Hồ Trung Sơn nằm giường 306. Ngước mặt lên, ba vẫn
nằm đó – bất tỉnh. Khi nghe bác sĩ nói rằng ba bị bệnh này do sử dụng quá nhiều
chất kích thích, làm hư hại tới dạ dày dẫn tới ung thư, bác sĩ đã nhắc nhiều lần
và bảo ba chú ý nhưng ba không nghe và giờ là như thế này. Nhìn ba tôi vừa thấy
giận thấy thương, thấy đau mà thấy thật đáng trách. Ba ơi! Ba có hiểu cảm
giác của con, ba có thấy mẹ xanh xao gầy lại thêm gầy, ba có thấy thân thể ba cũng
hao gầy từng ngày? Ba ơi ba hãy khỏe lại đi! Xin ba đấy! Hãy tỉnh lại đi ba. Với
gia đình tôi bây giờ, mọi thứ chỉ trông vào bác sĩ và nghị lực của ba.
- Chúng tôi đã cố gắng hết sức, mọi người đã
cố gắng hết sức nhưng…
Trái tim như nổ tung, tôi không muốn nghe
những câu nói ấy vào giờ này. Tôi chưa chăm sóc ba mà! Chưa nói chuyện với ba mà!
Chưa nói rằng tôi xin lỗi ba, xin lỗi ba rất nhiều. Tôi muốn hét cho thế giới này
biết, biết rằng tôi đã sai.
Nhưng ba ơi! Ba có nghe, con biết lỗi rồi,
dù sông có cạn cũng không rửa trôi hết tội của con. Khi xưa con ghét ba vì ba là
“con sâu rượu” nhưng bây giờ con đã hiểu, hiểu rồi ba ạ! Từ khi công việc làm ăn
của ba xuống dốc, rồi thất nghiệp, mặc cảm tự ti của người đàn ông đã biến ba từ
con người chất phác, hiền lành, từ người chồng biết quan tâm, chở che trở nên
thô bạo, độc đoán. Ba lấy rượu giải sầu hay để xoa dịu nỗi đau trong lòng
ba và để quên đi cơn đau đang hành hạ ba từng ngày dù ba biết chính chúng là
nguyên nhân làm căn bệnh quái ác này trầm trọng hơn. Ba hay la chúng con và cả
mẹ, ba đòi tách phòng ngủ riêng để mình ba chịu đựng cơn đau. Tại sao chứ, sao
ba lại nghĩ vậy, ba biết làm như vậy sẽ làm cho gia đình mất đi một người cha,
người chồng tốt không? Ba có hiểu cảm giác gia đình thiếu đi người cha, mâm cơm
thiếu một thành viên là như thế nào không? Ba còn nhớ không? Lúc con còn
nhỏ xíu ấy ba đã bày con làm diều để cùng chúng bạn hả hê bay cùng gió, ba còn đánh
đàn ghi ta cho con nghe nữa mà, ba nói, mẹ thích ba cũng nhờ cây đàn sinh viên đó,
vậy giờ đây còn tìm kiếm những giây phút ấy ở đâu hả ba?
Ba ơi! Con mất ba rồi, mất ba mãi mãi. Con
ghét bản thân con, con ghét con người lạnh nhạt, cố chấp và non nớt này. Con phải
làm sao đây, phải làm sao đây hả ba? Làm sao để con có được người cha tốt như
thế mà giờ đây con đã để ba ra đi. Để giờ đây không còn thấy ba nữa. Con thật
ngốc phải không ba? Ba ơi! Tha lỗi cho con!
Những lời nói ấy có nói một trăm lần, một
ngàn lần thì cũng đã muộn rồi! Muộn quá rồi…
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét