Thứ Hai, 2 tháng 9, 2013

SỐ: 252 -tác giả HỒNG CHIẾN










Tác giả HỒNG CHIẾN

VÀI SUY NGHĨ VỀ TRUYỆN NGẮN

BÍ MẬT NHỮNG NGÀY MƯA

Kết thúc truyện ngắn Bí mật những ngày mưa của tác giả Nguyễn Thị Luyến với câu: “Trời đang mưa lắm!” làm tôi cảm thấy hẫng. Hẫng, vì đây là một truyện ngắn được tuyển chọn vào tốp 10 truyện ngắn hay của tuần báo Văn nghệ Xuân Quý Tỵ - một tờ báo chính thống của Hội Nhà văn Việt Nam nhưng phải nói thật: Còn có quá nhiều “sạn”.
Nếu xét về cốt truyện thì truyện không có gì mới, nếu không nói quá quen thuộc trên văn đàn; một cuộc tình tay tư mà rất, rất nhiều tác giả đã phản ánh trong các tác phẩm của mình, giống như bốn nhân vật của tác giả Nguyễn Thị Luyến xây dựng: Sơn Tinh, Thủy Tinh cùng yêu Mỵ Nương; cô Mỵ Nương lại mang lòng yêu Bạch Mã – viên tùy tướng của Sơn Tinh và tác giả đẩy xung đột lên cao bằng sự ghen tuông, tự dày vò của Sơn Tinh cũng như sự nổi loạn của Mỵ Nương để rồi tác giả tìm cách cởi nút thắt bằng sự đầu hàng của Sơn Tinh và Mỵ Nương mang Bạch Mã trốn vào núi sâu, kết thúc truyện. Nếu chỉ có vậy, truyện ngắn này thuộc vào loại đọc xong quên ngay, không để lại dấu ấn đậm trong tâm trí người đọc, nếu như tác giả không mượn cốt truyện trong truyền thuyết của dân tộc làm nền cho truyện của mình.
Nhân vật Mỵ Nương qua ngòi bút của Nguyễn Thị Luyến khắc họa thật đáng ghê sợ: Vừa đa tình vừa xảo quyệt. Đa tình được tác giả thể hiện qua hình ảnh Sơn Tinh đau khổ nhớ lại: “Thành khẩn của nàng, chân thành của nàng, những dòng lệ ấy, ánh mắt ấy, chẳng phải đã từng dành cho chàng khi lần đầu tiên Thủy Tinh suýt chiếm được địa phận Sơn thần sau bao lần giao đấu” và khi gặp Bạch Mã: “Mỵ Nương sững sờ ngạc nhiên trước bộ trang phục của viên tướng và thật sự choáng ngợp bởi sức trẻ, vẻ đẹp toát ra từ viên tướng nên không nghe rõ chàng nói gì… Vẻ đẹp đầy bí ẩn thần linh của Bạch Mã tướng trong lần đầu tiên gặp mặt ấy đã làm cho trái tim bé nhỏ nhạy cảm của nàng đập loạn nhịp và chỉ muốn thoát ra ngoài”. Thế ra bản chất của Mỵ Nương chỉ chăm chăm vào hính dáng bên ngoài và gặp ai cũng có thể “cảm”, cũng có thể “rung” và sẵn sàng quên đi người chồng: “…suốt ngày vi hành giúp dân đắp đê, làm nông. Đến kỳ hạn chàng lại giao tranh với Thủy Tinh”, và cũng tại vì: “Chàng không để ý rằng thời gian chàng bên ta… ít hơn rất nhiều so với Bạch Mã” – đây là lời biện minh của Mỵ Nương cho hành động ngoại tình của mình. Thứ “tình yêu” mà tác giả đề cập trong truyện chính là cách cổ xúy cho lối sống thực dụng, sống để thỏa mãn dục vọng cá nhân không quan tâm đến những người xung quanh, đến xã hội nơi mình đang sống, nó không phải là thứ văn hóa truyền thống của người Việt chúng ta đã tồn tại hàng ngàn năm nay.
Xót xa hơn, nhân vật Mỵ Nương được tái hiện dưới ngòi bút của tác giả còn là người phụ nữ mưu mô, xảo quyệt được tác giả khắc họa khá thành công: khi ở bên Thủy Tinh, để cứu Sơn Tinh, Mỵ Nương sẵn sàng dùng lời đường mật thuyết phục Thủy Tinh: “Chàng không thấy đánh nhau với một người bị thương như Sơn Tinh là bất công cho người ta sao, Thủy Tinh?” Còn khi nghi ngờ bị chồng phát giác ngoại tình thì sẵn sàng nhún mình: “Mỵ Nương đứng dậy bưng lấy bát canh, đưa miệng thổi rồi lại chỗ Sơn Tinh. Phu Quân! Chàng hãy uống khi còn nóng!” Biết việc ngoại tình bại lộ sẵn sàng van xin chồng tha cho người tình: “Cầu xin chàng đừng làm hại Bạch Mã! Thiếp cầu xin chàng!” Biết Sơn Tinh hết lòng yêu thương, quý trọng mình, Mỵ Nương tìm mọi cách từ năn nỉ đến tuyệt thực quyên sinh… đánh vào điểm yếu của người đàn ông: Lòng tự trọng, vị tha; buộc Sơn Tinh phải chấp nhận ly hôn để mình được chung sống với người mình chọn.
 Mỵ Nương một nhân vật được tác giả xây dựng nhằm mục đích đề cao “tự do”, đặt “tình yêu” lên trên tất cả, bất chấp luân thường đạo lý cũng như thuần phong mỹ tục của người Việt Nam và mục đích cuối cùng là thỏa mãn dục vọng cá nhân, bất chấp đến hậu quả do mình gây nên. Nhân vật Bạch Mã cũng chỉ là nạn nhân của Mỵ Nương, một thứ “đồ chơi”, nhằm thỏa mãn dục vọng của Mỵ Nương mà thôi. Cả tác phẩm chúng ta không thấy một cử chỉ, một hành động nào thể hiện tình yêu của Bạch Mã dành cho Mỵ Nương, còn Mỵ Nương vì vẻ bên ngoài của Bạch Mã mà chà đạp lên tất cả để thực hiện dã tâm của mình, đánh cắp Bạch Mã; và cuộc sống của Bạch Mã sẽ ra sao khi phải sống với người mình không yêu!
Rõ ràng ý đồ của tác giả là cố tình xuyên tạc và bội nhọ nhân vật truyền thuyết, đề cao sự bệnh hoạn dục vọng cá nhân được khoác áo bằng ngôn từ bóng bẩy “tình yêu”, thứ “tình yêu” ấy rất xa lạ với truyền thống người phương Đông nói chung và người Việt Nam nói riêng. Tác giả còn thay hình tượng người phụ nữ Việt Nam truyền thống thường sống hết lòng vì chồng, vì con bằng hình ảnh người phụ nữ phương Tây luôn chạy theo cái “tôi”, sống cho chính bản thân mình. Tác phẩm còn thể hiện những bất nhất trong cách giới thiệu nhân vật. Để bào chữa cho hành vi đa dâm, mới nhìn thấy Bạch Mã, Mỵ Nương đã rung động vì: “Từ nhỏ sống nơi cung cấm, nàng chưa từng gặp vị nam nhân nào ngoài phụ thân”; thế nhưng trước khi tác giả để Bạch Mã thay Sơn Tinh đến rước Mỵ Nương, Mỵ Nương đã dùng lời ngon ngọt ngăn cản Thủy Tinh không đánh Sơn Tinh khi đang bị thương; vậy tác giả tự mâu thuẫn với chính mình khi xây dựng nhân vật Mỵ Nương. Trong tác phẩm có tới hai Mỵ Nương cùng song hành tồn tại: một người suốt ngày quanh quẩn trong cung cấm không giao tiếp với bên ngoài; một Mỵ Nương sắc sảo đến thủ đoạn, dùng lời dỗ ngon dỗ ngọt, rót vào tai Thủy Tinh để cứu Sơn Tinh khỏi thất bại khi hai người tranh tài; đây là điều không thể chấp nhận được. 
 Từ nhỏ, khi tôi còn chưa biết cắp sách tới trường, thường được bà và mẹ kể cho nghe các chuyện cổ tích, thần thoại, truyền thuyết… và in đậm trong tôi hình ảnh vị thần oai phong Sơn Tinh lãnh đạo các vị thần chống lại sự cướp bóc của Thủy Tinh – một điển hình của thế lực đen tối, chuyên phá hoại cuộc sống thanh bình của người dân. Cuộc chiến tranh ấy bao giờ phần thắng cũng thuộc về Sơn Tinh, vị thần được người Việt tôn thờ, kính trọng và bên cạnh vị thần thao lược này cũng luôn có hình ảnh nàng công chúa Mỵ Nương xinh đẹp, nết na, thùy mỵ - được xem là hình tượng mẫu mực của người con  gái Việt Nam qua bao thế hệ. Thế nhưng qua truyện ngắn Bí mật những ngày mưa, tác giả Nguyễn Thị Luyến đã dựng lên hình ảnh một vị thần Sơn Tinh nhu nhược luôn luôn chìm trong đau khổ khi phát hiện ra người vợ mình yêu quý, tôn thờ giờ đã phản bội: “Sơn Tinh gục xuống đỉnh đồi. Chàng đau khổ tột độ”; đây cũng chính là cái kết cho một thần tượng bao đời của người Việt tôn thờ mà tác giả muốn nhắm đến. Nếu như nhân vật trong truyện ngắn này không phải là Sơn Tinh mà là bất kỳ một vị thần nào khác không phải là thần linh gắn với truyền thuyết được người dân Việt tôn thờ thì có thể chấp nhận được, còn đã là nhân vật của truyền thuyết, có đền miếu xây dựng để thờ cúng mà tác giả cố tình hạ xuống, bôi đen làm vấy bẩn như vậy là có tội với dân tộc và cha ông chúng ta, những người đã hy sinh xương máu và cả mạng sống của mình để gây dựng, bảo vệ và giữ gìn cho thế hệ hôm nay.
Trong văn học nghệ thuật chúng ta tôn trọng sự tự do sáng tác của tác giả nhưng không thể chấp nhận những tác giả lợi dụng tự do sáng tác để bôi nhọ nhân vật truyền thuyết của dân tộc, xâm hại đến thuần phong mỹ tục Việt Nam.




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét