Thứ Bảy, 21 tháng 9, 2013

SỐ: 252 - tác giả BÙI MINH VŨ




CÂY HOA SỮA XANH TƯƠI
(Đọc chương 9, tiểu thuyết Từ sông Krông Bông của Trúc Hoài)



Khi nói đến nhà văn Trúc Hoài, người ta hay đề cập đến các tác phẩm Từ những tháng năm (thơ, 2 tập), Vượt dải Trường Sơn (Nhật ký, truyện ngắn), nhưng có ai hay, Trúc Hoài đã dành trọn mười năm để sáng tác tiểu thuyết Từ sông Krông Bông (1998-2008), với 591 trang, do Nhà xuất bản Công an Nhân dân phát hành năm 2012. Trong một lá thư rất ngắn, tác giả gửi cho con trai Nguyễn Hành Văn, có đoạn: “Đây là quyển sách để đời của ba. Ba đã miệt mài với nó không dưới mười năm. Lúc nào ba cũng có mặt trên mỗi trang sách…”
Từ những ngày ở căn cứ cách mạng đến khi trở thành cán bộ quản lý giáo dục ở Đắk Lắk, Trúc Hoài luôn có ước mơ sẽ viết một tiểu thuyết tâm huyết về những gì anh đã chứng kiến, trải nghiệm ở chiến trường, vì thế nhiều đêm anh mất ngủ, thao thức với từng tính cách nhân vật, trăn trở với từng hoàn cảnh. Anh lùi lại thời gian, cố hình dung ra hiện thực hào hùng của cuộc chiến tranh tranh vệ quốc vĩ đại của dân tộc, để miêu tả chân thật những điều đã thấy, đã nghe và khái quát bức tranh hiện thực ấy tuy gian khổ nhưng hào hùng trong niềm vui khát khao ngày đại thắng.
Tác giả bài viết này không có tham vọng nghiên cứu toàn diện 13 chương của tiểu thuyết Từ sông Krông Bông, mà muốn ngắm chương 9, muốn nhìn một cây hoa sữa xanh tươi. Chương 9 là chương rất ngắn, nhưng biểu hiện nhiều trạng thái cảm xúc của tác giả. Ở đây không có tính cách, hình tượng phản diện, chỉ có một tuyến nhân vật, gồm: Bảy, Tâm, Hồng Hà, Quyên, Nguyệt, Sáu, Trạch, Quỳnh, Hạ, Hơ Phia, Quý, Ama Bốc.
Đọc qua 24 trang sách, bạn đọc sẽ thấy công việc của Ban Tuyên huấn rất khẩn trương, khi có việc thì tập trung, khi chờ việc thì tranh thủ làm rẫy, như ông Tâm già đã buông một câu chí lý “Bò ra trồng trỉa con ơi, để có cái bỏ bụng mà vật nhau với Mẽo”. Trên tinh thần đó, Hồng Hà miên man nghĩ “Chỉ có ai qua những mùa rẫy mới thấu hiểu cái gian nan đến khắc nghiệt của việc kiếm sống ở chiến trường.” Theo kế hoạch, trong thời gian chờ chuẩn bị cho chuyến công tác mới, mọi người trong Ban được phân công cụ thể, người thì đi lấy thịt nai, kẻ có gan đi lấy mật ong, đứa chịu khó sống chung với muỗi, với vắt, thì đi mai phục heo rừng, săn tìm con cheo, còn Hạ - chàng trai làm Hơ Phia mê mệt thì đi Buôn Chàm tìm ché rượu loại một, và Thu Nguyệt được phân công đi kiếm măng rừng. Hồng Hà không được phân công nhưng Nguyệt đã thuyết phục anh cùng đi. Từ cơ quan đến nơi tìm măng chỉ độ 10 phút. Đây là bối cảnh, không gian, thời gian trữ tình nhất để cho Nguyệt và Hà bộc bạch tâm tư tình cảm sâu thẳm nhất. Chỉ vài dòng thôi, nhưng hình ảnh Nguyệt hiện ra rõ nét “Nguyệt mặc bộ bà ba đen quen thuộc. Chiếc gùi tre cũ choán hết lưng cô. Họ đi song đôi im lặng. Nhiều khi Hà tụt lại phía sau ở chỗ nào đường chật. Nguyệt quan sát từng gốc tre để tìm măng mới nhú. Còn Hà thỉnh thoảng đưa mắt nhìn lên phía trên miệng gùi, bộ tóc đen nhánh của Nguyệt được bới thành bó tròn to bằng quả cam. Phía sau vành tai cô mớ tóc xoăn xoăn nổi bật lên trên mảng da trắng mịn”. Trong khoảnh khắc ấy, tác giả đã vẽ lên một chân dung khi để cho Hồng Hà dạt dào trong dòng cảm xúc: “Những cây tre đắm mình trong điệu múa với nỗi niềm đắc thắng của dòng họ nhà tre. Trên mặt đất này, mặc cho bom đạn, mặc cho loài người nhân danh là động vật thượng đẳng mà cứ chém giết nhau không biết đến bao giờ mới hả dạ, còn dòng họ nhà tre thì chỉ biết mải miết đu mình trong không trung, hồn tan trong điệu nhạc âm âm vô cùng vô tận của gió đại ngàn và tiếng róc rách của con sông Krông Bông cạn nước đang uốn mình đổ qua con thác nhỏ chắn giữa dòng. Ôi dòng họ nhà tre, sao mà vô tư hạnh phúc đến vậy. Còn ta thì sao? Ta có Nguyệt. Ta trăn trở biết bao điều. Họ nhà tre có nghe giai điệu gì đang ào ạt trong lòng ta không nhỉ”. Trên con đường đến “kho chiến lược dự trữ măng của cơ quan”, Nguyệt đã làm Hà bất ngờ khi giải thích những từ ngữ rất mới. Gọi là măng đào: “vì đầu mùa mưa, măng chưa trồi lên mặt đất. Mình muốn ăn măng thì phải đào, phải bới nó lên. Thì gọi là măng đào”. Còn măng đạp: “vào mùa mưa chừng một tháng, măng mọc lên tua tủa. Đi đâu cũng thấy măng. Ăn măng liên tục cho đến giữa mùa khô. Cho đến khi măng nhô lên khỏi mặt đất, ta không cần đào, chỉ co chân đạp một đạp rồi lượm bỏ vô gùi là xong”. Và măng rung: “qua mùa khô, măng già, thành cây tre non. Mùa khô kiếm rau thật khó. Gặp măng lên cao hai ba mét, đưa tay vung mạnh, ngọn măng gãy. Mỗi lóng măng mình chỉ xắt được vài lát mềm mềm. Xơ nhiều lắm”. Những từ này đã làm cho Hà thán phục Nguyệt. Khi họ lấy đầy gùi măng, Hà xuống sông rửa mặt, rồi bước lên trong vòng tay của Hà: “Ai đã đem cô gái này đến cho ta?... Dáng đi của cô ấy mới uyển chyển làm sao. Da mặt cô ấy trắng mịn nổi bật giữa vầng tóc đen. Hai cổ tay cô ấy tròn lẳn. Một cô gái như vậy, thật hiếm thấy trong chiến tranh… Họ ôm nhau, đứng rất lâu trong gió mát, không nói với nhau một tiếng nào nữa. Không gian êm ắng đến lạ lùng.” Bức tranh đẹp bắt đầu hiện ra trong khung cảnh của sông nước núi rừng. Tình yêu không bắt buộc phải chấm dứt dù bất cứ hoàn cảnh nào. Hễ ở đâu có hai con tim khác giới là ở đó có tình yêu. Họ bắt đầu bàn chuyện cưới, nào bánh kẹo, trà thuốc, rượu và đặc biệt là có “cá dưới sông. Rượu trong buôn… bàn ghế thì sẵn tre, sẵn nứa.” Họ tưởng tượng ra một đám cưới hoành tráng, ấn tượng nhưng cũng buồn buồn, khi chợt nghĩ đến đám cưới của Hòa, đang thực hiện lễ cưới “thì bọn quỷ đỏ hành quân đến, trực thăng đầy trời, đạn như mưa. Cô dâu bị đạn ngã sấp xuống mâm cơm. Mọi người quần nhau với bọn Trung đoàn bốn mươi lăm, cho đến tối, đói lả.” Và họ tiếp tục bàn nhau làm thế nào để đám cước được diễn ra an toàn, vui vẻ, thoải mái và ấn tượng. Cũng chính lúc này, khi Hà hỏi Nguyệt ngày nào mình tổ chức đám cưới, Nguyệt lại trở nên tư lự, ngập ngừng, nghẹn ngào, rưng rưng nước mắt. Không gian cũng thay đổi: “một loạt tiếng sấm nối nhau rung trời. Mưa lớn trút xuống”. Lúc này, tính cách của Nguyệt hiện ra rõ nét, khi cô bình tĩnh lại, nói thong thả: “Em không còn…Em không còn trinh.” Đây quả là vấn đề rất lớn đối với đời con gái. Có mấy người dám bộc bạch chân tình, có mấy ai dám nói thật? Dường như ở chiến trường con người thật lòng hơn, chân tình hơn và Nguyệt là người đại diện, cô dũng cảm nói cái điều khó nói, nói cái điều mà sống để bụng chết mang theo. Nội tâm của Nguyệt đã được bóc trần, phơi bày, thể hiện hết mình với người sắp cưới làm chồng. Đây cũng là thời khắc cô đặt ra nhiều câu hỏi, tại sao mình nói điều này, giá như, nhưng không, có sao nói vậy, tùy Hà xử sự, Nguyệt cam lòng dù kết cục là điều không hề mong đợi.
Nhận được thông điệp hãi hùng này, Hà thét lên: “Trời, em không còn…”. Đó chính là tiếng thét thiết tha, trách móc, tiếng lòng đớn đau rươm rướm nước mắt. Trên đường đi về, Hà thẫn thờ, thầm nhủ: “mẹ ơi, sao đời con lại gặp phải nông nỗi này? Mẹ khóc nhiều, phải không mẹ? Bây giờ con biết làm sao? Con đau khổ quá”. Anh nghĩ: “Cuộc đời nắn gân ta rồi đó”. Và anh thay đổi hướng đi, không cùng về cơ quan, mà lại vô buôn Chàm. Anh nghĩ ngợi nhiều điều, anh trách cứ lung tung, anh buồn trách cây kơ nia sao không chịu sẻ chia đau khổ với mình.
Tác giả khá thành công khi khắc hoạ tính cách Hà: một con người không có bản lĩnh, dễ đổi thay, không chung thủy, hay đổ lỗi cho hoàn cảnh; hơn tất cả là không có lòng bao dung, độ lượng và tha thứ. Cơn đau chợt đến bất ngờ, tin sét đánh có thể thay đổi cả một quá trình yêu nhau, thương nhau, ngay cả khi chuẩn bị cưới. Biểu hiện là, anh quay đầu nhớ đến người con gái với mối tình đầu mà từ lâu anh cố quên. Phương Đông đã bước vào ngăn ký ức, in đậm trong sâu thẳm tâm hồn anh không thể nào quên. Trong khi Nguyệt đi một mình về cơ quan, thì Hà lại nhớ Phương Đông, thậm chí “luôn ước ao được lấy em làm vợ. Em có thấu chăng, Đông ơi!”
Trúc Hoài đã viết một đọan văn hay nhất về mối tình xưa của Hà: “Hai người đi trên đường Nguyễn Du, bên hồ Thuyền Quang. Đó là một buổi sáng mùa thu đẹp nhất trong năm của đất trời Hà Nội. Những cây hoa sữa xanh tươi chạy dọc hai bên phố, kéo dài qua phố Lê Văn Hưu. Mùi hoa thơm nồng ấm đậm đặc, tỏa sực nức cả một vùng rộng lớn. Ngực họ hít đầy hương hoa. Trên  mái tóc họ rắc đầy những cánh hoa sữa nhỏ li ti trong cái đài tròn tỏa hương ấy. Và từ những bông hoa đã kết trái nhả ra những hạt có đuôi, gió thổi bay muôn hướng, để mùa xuân năm sau, mát mắt thấy trên bờ hồ Thuyền Quang lớp lớp những cây sữa con mọc lên mơn mởn”.
Nói chung, ngòi bút Trúc Hoài rất sắc nét khi mô tả nghi lễ cúng cầu mưa, cảnh đôi lứa yêu nhau, đi lấy măng rừng, lao động sản xuất. Phác họa chân dung nhân vật, Trúc Hoài là người tài. Anh xoáy sâu vào nội tâm, để nhân vật tự bóc trần, trôi theo dòng ý thức. Đôi khi vài nét chấm phá, người đọc hình dung ra một gia đình miền Bắc nền nếp: “Sau bữa cơm, ông bố nghe đài trên gác xép, mẹ con chị dâu về phòng riêng, bà mẹ rửa bát, người anh thứ hai đi chơi đâu đó. Chỉ mỗi Phương Đông tiếp khách.
Đoạn độc thoại nội tâm của Hà khi nghĩ đến Phương Đông vừa mang cảm hứng lãng mạn trữ tình, rất buồn đau, rất tha thiết về mối tình đầu, vừa nói lên suy nghĩ của nhà văn muốn khái quát một vấn đề có tính toàn cầu, nhưng không kiệm lời: “…Tình yêu vĩnh hằng. Và lớn lao biết bao nhiêu, cao đẹp biết bao nhiêu là tình yêu nhân loại. …Cô ấy mới lạ lùng làm sao, cực đoan quá thể. Với cô ấy, hình như trái đất này chỉ có mặt bốn người, gồm các ông: Bét-tô-ven, Mô-za, Trai-cốp-xi-ki. Người thứ tư làm đồ đệ chính là cô ấy...”
Có thể nói ngòi bút hiện thực tỉnh táo của Trúc Hoài qua chương sách này, người đọc thấy có nhiều trạng thái cảm xúc, trữ tình, lãng mạn cách mạng, tin yêu con người trong hoàn cảnh của chiến trường đầy gian khổ và nguy nan. Nhìn chung, Trúc Hoài miêu tả nhân vật hơi ít, thuyết minh phần tâm hơi nhiều, lý giải nhiều hơn; qua những đoạn độc thoại nội tâm dường như suy tư của tác giả lấn suy tư của nhân vật. Tuy nhiên, cây bút của Trúc Hoài vẫn còn có khả năng đi xa hơn nếu anh còn khát khao sáng tạo và cống hiến.





Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét