Thứ Năm, 26 tháng 9, 2013

SỐ: 253 - tác giả HỒNG CHIẾN






VỮNG VÀNG BẢN LĨNH NGƯỜI CHIẾN SĨ
TIÊN PHONG TRÊN MẶT TRẬN VĂN HÓA TƯ TƯỞNG


Ngày 5 tháng 9 năm 2013, kỷ niệm 23 năm ngày thàng lập Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đắk Lắk (5.9.1990-5.9.2013); một chặng đường chưa dài so với lịch sử dân tộc, nhưng chúng ta đã gặt hái được những thành tựu đáng ghi nhận. Từ con số khiêm tốn 45 hội viên sáng lập, đến nay Hội đã có 203 hội viên sinh hoạt ở 9 chi hội và hơn 70 hội viên được kết nạp vào các hội chuyên ngành trung ương. Song song với việc phát triển hội viên, các tác phẩm được văn nghệ sĩ hoàn thành và giới thiệu ngày một nhiều hơn, chất lượng cao hơn, gặt hái được những giải thưởng cao ở khu vực, trong nước và quốc tế. Chỉ tính riêng trong vài năm gần đây một số hội viên đã khẳng định được mình, tạo dấu ấn tốt đẹp trên diễn đàn văn nghệ nước nhà như: Đinh Thị Như Thúy, Niê Thanh Mai (Văn học); Nguyễn Mạnh Trí, Dương Tấn Bình (Âm nhạc); Bảo Hưng, Nam Phương (Nhiếp ảnh); An Quốc Bình, Nguyễn Huy Lộc, Hồ Hậu (Mỹ thuật); NSƯT Vũ Lân, Trương Ân, Nguyễn Đức (Văn nghệ Dân gian)… Sau Đại hội V, Hội Văn học Nghệ thuật Đắk Lắk (nhiệm kỳ 2010-2015), các chi hội đã có những bước chuyển biến rõ rệt: Tích cực tham gia sinh hoạt chuyên môn thường xuyên theo định kỳ, đi thực tế sáng tác trong và ngoài tỉnh, giao lưu với các hội bạn v.v... đã mang lại nhiều kết tốt, nhiều tác phẩm chất lượng cao được giới thiệu và được công chúng đón nhận như: Từ sông Krông Bông - tiểu thuyết của Trúc Hoài; Ký ức chiến tranh - tiểu thuyết của Nguyễn Liên; Rừng cổ tích - trường ca của Đặng Bá Tiến… Bên cạnh đó một số hội viên trẻ được phát hiện và kết nạp vào Hội đã có những tác phẩm chất lượng, mang dấu ấn của thế hệ mới, đem đến luồng sinh khí mới cho văn học nghệ thuật tỉnh nhà như: H’Xíu Hmok, H’Siêu Bya, Nguyễn Văn Hợp (Văn học); Nguyễn Thu Vân, Nguyễn Tân (Mỹ thuật)…
Chúng ta tự hào được sống và làm việc trên vùng đất từng được suy tôn là thủ phủ Tây Nguyên không chỉ về quân sự, kinh tế mà còn cả về văn học nghệ thuật; nơi quy tụ nhiều tài năng đóng góp sức mình vào công cuộc xây dựng và phát triển đất nước trong tình hình mới. Đạt được kết quả tốt đẹp như trên là nhờ sự đoàn kết, nhất trí cao của tập thể lãnh đạo Hội cũng như hội viên, tin tưởng tuyệt đối vào chủ trương đường lối của Đảng và các chính sách của Nhà nước trong công cuộc hội nhập và xây dựng đất nước.
Tuy nhiên, trong xu thế phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin toàn cầu, bên cạnh những ưu điểm cũng có những bất cập nhất định; đặc biệt là các thế lực thù địch lợi dụng để tuyên truyền chống phá Đảng và Nhà nước ta, làm ảnh hưởng đến cuộc sống bình yên của nhân dân. Các thế lực thù địch kết hợp với bọn phản động lưu vong âm mưu thực hiện “diễn biến hòa bình” ở đất nước ta đối tượng mà chúng nhắm tới trước hết là giới văn nghệ sĩ, vì thực tiễn đã chứng minh: Các tác phẩm văn hoc nghệ thuật có sức lan tỏa mạnh mẽ nhất, tác động đến xã hội lớn hơn bất cứ các công cụ tuyên truyền nào khác. Chính vì thế biên pháp hàng đầu của chúng là tìm cách mua chuộc, lôi kéo các các văn nghệ sĩ bất mãn với chế độ, những người lập trường thiếu vững vàng; qua đó cổ súy cho các tác phẩm đi ngược lại văn hóa truyền thống dân tộc, bôi nhọ lịch sử, hạ bệ thần tượng, lấy hiện tượng để quy kết cho cả chế độ. Trong tình hình suy thoái kinh tế chung toàn cầu, nước ta cũng bị ảnh hưởng, vì thế các thế lực thù địch lợi dụng để hạ thấp uy tín của Nhà nước và thông qua đó xúc phạm đến các vị lãnh đạo chủ chốt của Đảng và Nhà nước ta, làm suy giảm niềm tin của nhân dân vào chế độ. Thời gian gần đây xuất hiện một số tác phẩm lan truyền trên các trang mạng cá nhân phủ nhận quá khứ, phủ nhận văn học cách mạng, kháng chiến nhằm chia rẽ đội ngũ, đánh đồng giữa chiến tranh chính nghĩa và chiến tranh phi nghĩa…
Hơn lúc nào hết, các văn nghệ sĩ chúng ta phải thấy được âm mưu thâm độc của các thế lực thù địch, phản động đang tìm mọi cách bội nhọ Đảng, chống phá Nhà nước ta, thực hiện kế hoạch “diễn biến hòa bình” nhằm làm sụp đổ chế độ. Hội Văn học Nghệ thuật là tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp do Đảng ta tổ chức và lãnh đạo; các hội viên tự nguyện đứng trong tổ chức của Đảng phải thấm nhuần tư tưởng của Đảng, thực sự là người “chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng văn hóa”. Chúng ta phải vạch trần thủ đoạn thâm độc của thế lực thù địch, trên lĩnh vực tưởng – văn hóa mà chúng đang nhắm vào đất nước ta; cùng chung tay xây dựng một nền văn hóa văn nghệ “tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”, góp phần quan trọng vào công cuộc đổi mới do Đảng ta đề xướng và lãnh đạo, nhằm xây dựng đất nước ta ngày càng “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét