GIẤU
MỘT ĐIỀU GIẢN DỊ
Tản
văn
Được tặng sách, bạn sẽ làm gì sau đó?
Đầu tiên bạn
sẽ xem sơ sơ cái vẻ bề ngoài phẳng phiu cùng nhan đề và những đường nét trang
trí của bìa sách, sau đó là lướt qua mấy trang đầu tiên và chắc chắn là ngắm cái
mục lục (nếu có) xem nó như thế nào, tiếp nữa bạn mới để ý xem nó dày hay mỏng.
Dày quá, bạn than “đọc bao giờ cho hết”. Mỏng quá, bạn chủ quan “Một tý là đọc
hết nó ấy mà”. Bạn đang giấu vẻ nghi ngờ về chất lượng của cuốn sách...
Rồi thoáng giây
nào đó, bạn muốn khoe cho thiên hạ biết mình được tặng sách. Ẩn ý phía sau hành
động khoe ấy là muốn chứng tỏ mình được để mắt tới. Nhưng... không phải người tặng
nào cũng muốn được công khai danh tánh. Có người van xin đừng công khai, cũng có
người ra điều kiện nếu công khai thì cắt đứt duyên nợ… Bạn bối rối. Bạn ngắm lại
món quà họ tặng thêm lần nữa. Một cảm giác ghét cuốn sách người ấy tặng len lỏi
trong từng thớ thịt. Bạn mềm nhũn, bạn suy tư, bạn buồn, bạn hụt hẫng… Bạn cố
che giấu nỗi sợ hãi bị mất người quan tâm.
Còn kẻ tặng thì sao? Chỉ đơn giản rằng họ e ngại với những thị phi. Suy cho
cùng thì lời khen hay tiếng chê cũng từ hành động khoe mà ra. Cuộc đời cho họ sự
chín chắn trong suy nghĩ và hành động. Người tặng muốn có mối thâm tình êm ả,
dai dẳng với người nhận mà không ai biết. Nhiều khi ta phải trách người nhận quá
bồng bột. Thôi thì nhắn một cái tin cảm ơn cho chu toàn mọi nhẽ.
Việc tặng sách
cũng có vài ba trường hợp. Trường hợp nhờ mua nhưng người gửi không lấy tiền thì
nghiễm nhiên cuốn sách ấy thành sách tặng. Có trường hợp sách tặng chính là cuốn
do người tặng viết. Lại có trường hợp tặng sách cũng là tặng một món quà, nó gây
tò mò cho người được tặng nhất. Tò mò ý đồ tặng sách. Tò mò nội dung sách. Cảm
xúc của bạn lúc nhận sách nó tùy thuộc vào loại “sách tặng” ấy. Nhận “sách tặng”
là cuốn nhờ mua thì bạn có cảm giác chiếm đoạt. Nhận “sách tặng” là cuốn do người
tặng viết thì bạn có cảm giác được chia sẻ. Còn nhận “sách tặng” là một cuốn bất
kỳ thì một cảm giác “lạ sách” lóe lên và ngự trị. Bạn muốn biến cái lạ đó thành
cái quen. Nói chung mỗi một cuốn sách được tặng đều ẩn chứa một thông điệp của
người tặng. Nó là gì thì thời gian trôi sẽ tỏ.
Mọi thủ tục nhận sách đã xong. Cảm nhận ban
đầu về sách đã có. Bạn bắt đầu tiến hành đọc đó. Bạn sẽ đọc nó ở đâu? Quán cà
phê hay trên một ghế đá? Sáng sáng chịu khó lượn lờ ở những quán cà phê sẽ dễ bắt
gặp hình ảnh một cô gái buông mái tóc xõa. Tóc như che phủ một phần bộ ngực căng
tròn trịa, gió đong đưa tóc rối, hấp háy khe hở áo. Gợi cảm và cuốn hút. Muốn
biết họ xem gì thì cũng phải cúi đầu men theo góc nhìn của họ.
Đàn ông đọc sách
ở quán cà phê cũng nhiều chứ. Át hẳn số lượng nữ giới đọc sách ở quán cà phê đấy.
Hãy ngắm nét mặt của đấng mày râu khi đọc sách thôi. Ngắm xem mặt họ có đờ đẫn
không, có bộc lộ cảm xúc với một tình
tiết nào đó hoặc chép miệng tặc lưỡi với
một tình huống diễn ra trên trang sách không và thậm chí là thích cái cảnh
ứng xử vụng về của họ khi làm cà phê đổ lên sách vì mắt dán lên sách, còn tay
quờ quạng tìm tách cà phê. Tôi lại có cái sở thích quái dị như vậy đấy. Suy cho
cùng, chúng ta đọc sách để làm gì? Đọc để học cách giấu những cái xấu của riêng
mình.
Đọc xong cuốn
sách rồi, nếu bạn là người ưa viết lách Chắc chắn bạn sẽ ngồi hý hoáy ghi chép
sơ bộ về nội dung sách trong một cuốn sổ nhỏ hoặc gõ trực tiếp trên phần mềm soạn
thảo văn bản nào đó. Nếu bạn tỉ mỉ và bài bản hơn thì có thể viết hẳn một bài
phê bình văn học chứ chẳng chơi. Vấn đề là cái nội dụng viết ấy là gì? Bạn có
muốn có kẻ thứ hai (nhất là tác giả cuốn sách ấy) đọc được không? Bạn sẽ đăng bài
viết ở đâu? Chỉ để trong cuốn sổ tay hay là đăng hẳn trên mạng xã hội? Bạn lại
băn khoăn. Bạn nghĩ ra một phương kế an toàn đó là khuếch trương những chi tiết
hay của sách và lờ đi những lỗi sai trong lối viết (nhưng tôi nói thật, nếu bạn
biết lối viết ấy sai, nội dung cuốn sách có những trang đạo văn của kẻ khác thì
bạn là nhà phê bình văn học thực thụ rồi). Nhưng mà nhất thiết bạn sẽ nói đến một
vài lỗi sai để người ta thấy bạn là người theo chủ nghĩa tương đối.
Khi bài cảm nhận đã viết xong rồi và có thể là đăng ở đâu đó rồi. Ngẫm lại
nội dung cuốn sách, tự dưng một tứ thơ xuất hiện trong đầu bạn. Bạn khai triển
nó và bạn có hẳn một bài thơ mà bạn cho là hay. Còn những người có sở trường viết
văn xuôi, có thể họ có được ý tưởng viết từ một câu nói nào đó trong trang sách.
Rồi họ hư cấu lên thành một câu chuyện. Ở đây tôi không nói họ đạo ý tưởng sách.
Chỉ là người đọc tìm ra được cái mới dựa trên một vài ngôn từ khơi mào ý tưởng
văn chương. Ví dụ như sau khi bạn đọc hết bài viết này của tôi. Bạn nhìn lại cái
tiêu đề bài viết và sau đó muốn làm bài thơ có tứ thơ là “Giấu”, hoặc viết một
cái truyện ngắn có đoạn cuối kiểu như là: “Nàng cầm cuốn sách vừa được tặng trên
tay, mặt hớn hởn khoe với chàng. Chàng không nói gì, chỉ siết một vòng tay thật
chặt vào vòng eo bé nhỏ của nàng. Môi chàng tìm kiếm sự bóng bẩy của son trên môi
người con gái ấy. Chàng kéo chiếc hôn xuống cổ và lách sang phía dưới tai nàng
và nói “Cất sách đi em, hãy ôm anh như em ôm những cuốn sách hằng ngày và đọc từ
mắt anh xem anh yêu em như thế nào”. Nàng bị sự nồng nhiệt của “cuốn sách ba mươi
bảy độ C” làm rơi thứ đang nắm trên tay. Họ run rẩy tìm kiếm ngôn ngữ của cơ thể
ẩn chứa trong nhau”. Đó là tôi ví dụ cụ thể thế thôi chứ mỗi đầu óc là một khoảng
trời sáng tạo. Vậy nên thế gian này mới có nền văn học đồ sộ đến như vậy chứ.
Quay lại với
câu hỏi: “Được tặng sách, bạn sẽ làm gì sau đó?”. Tôi nghĩ câu trả lời hay nhất
đó là “Đọc thôi chứ chẳng làm gì cả”. Dù thế nào thì ai cũng muốn giấu cái bản
ngã của mình. Mỗi một lời nói đều có thể chống lại bạn trong một trường hợp nào
đó. Cho nên mới có câu: “im lặng là vàng” và lượng người viết phê bình văn học
vẫn ít hơn người sáng tác.
Buôn Ma Thuột, 8/8/2013
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét