Thứ Tư, 31 tháng 7, 2013

SỐ: 251 - tác giả ĐỖ THƯỢNG THẾ



Dưới tấm trần rỉ mưa

Nằm ngửa mặt dưới tấm trần mưa
Dòng sông bị cơn đêm đốt cháy
Nét than vẽ muôn hình vô vọng
Cánh buồm nào mọc lên

Ngôi nhà cố ngoại liễn đối cột kèo
Bỏ hoang trong khói
Dậu gộc trơ khô
Thấy đâu mấy đọt bìm

Trưa cắm chang chang đầu ngõ
Mắt hoa đom đóm chính ngọ
Hạt nổ đỏ xanh vàng trắng
Vãi cô hồn

Nhạc lễ đất đai vang lên
Vang lên…
Aùnh mắt di dân dọc đường về
Héo cơn đói mới

Khu vườn chân núi
Ai đó gọi mà không ai mở cửa
Ấm ức giếng thơi
Nhiều năm dềnh một tiếng gàu đứt dây

Có phải thân tàn của gã chiêm bao
Cái bóng tha về
Nằm nhai mảnh tình dại

Ô…!
Vị sư già khất thực cơn mưa
Chiều lặn vào chiếc khung chạm trổ công phu
Và thếp vàng Nam mô A di đà Phật…


Thứ Hai, 29 tháng 7, 2013

SỐ: 251 - tác giả TRUNG TRUNG ĐỈNH




BÀI CA TUYỆT MẬT
Truyện ngắn


Tôi vừa dẫn đoàn khách từ trong ra, về đến trạm thì nhận được lệnh: Phải gửi ngay gùi công văn mật, vô cùng quan trọng xuống trạm khẩu tiền phương trong đêm! Mật thì lúc nào các bố chả tuyệt mật. Khẩn trương lúc nào mà chả khẩn trương! Muốn anh em đi thì cứ nói là đi, việc gì phải chua thêm mấy câu “khổ lắm, biết rồi, nói mãi” ấy nữa. Dù sao tôi cũng phải xuống bếp chị nuôi khua khoắng, nạp cái gì đó cho yên dạ dày, rồi thì đi với đứng trong đêm trong ngày, muốn thế nào cái thân này cũng chịu vậy. Đã mang cái nghiệp giao liên, nhiệm vụ lúc nào cũng khẩn trương tuyệt mật, nếu không có kinh nghiệm mà bình tĩnh, mà đủng đỉnh thì suốt ngày, suốt đêm, vắt chân lên cổ cũng không làm thỏa mãn các bố! Có hôm chỉ mỗi lá thư tình của ông Binh trạm trưởng tán cô y tá, phong bì cũng đề “Tuyệt mật”, “hỏa tốc”, nửa đêm cũng dựng nhau dậy, hối nhau đi, không đi không được, mà đi thì bụng tức anh ách! Tóm lại là phải quen dần, phải “cáo”, nhìn hàng, xách hàng lên, đoán ngay ra trong đó là món gì, cần gấp thì ta chơi gấp, còn không, cứ la cà dọc đường với mấy làng dân tộc quen thân, rồi về báo cáo sau là có biệt kích phục, hoặc gặp đồng bào bị xóc chông dọc đường, phải giúp dân đưa họ về trạm xá, vân vân. Vô thiên lủng những lí do lí trấu.
Với những ý nghĩ ấy, tôi ậm ừ với anh Nhiên trạm trưởng rồi lủi xuống bếp. Bếp lạnh tanh. Sao thế nhỉ? Mấy bà chị nuôi cũng biến đâu cả. Tôi lục trong dàn bếp vớ được mấy nắm cơm liền thủ hai nắm vào túi mìn c’lây-mo, cái túi đa dụng của cánh giao liên, rồi chơi thêm nắm nữa, vừa đi lên nhà chỉ huy vừa “tọng”. Đúng là tọng! Ăn vụng phải biết chùi mép. Nhưng mà tôi cứ chén vì tôi đang cần “nạp năng lượng” để đi làm nhiệm vụ khẩn! Không ngờ mấy nắm cơm ấy là phần của cái thằng tôi, để cho tôi đi và các bà chị nuôi đã phải nhận nhiệm vụ đi gùi mấy gùi công văn khẩn, xuống hướng khác rồi. Anh Nhiên buộc gùi cho tôi, chuẩn bị cả nước, cả ruốc, cả đèn pin, thấy tôi trốn đâu, anh gọi ời ời. Té ra tôi đã mò xuống bếp và anh lao xuống gặp lúc tôi vừa ăn vừa thở vừa đi lên. Anh quát như quát giặc, còn tôi vẫn cứ “măm” cho hết nắm cơm. Anh bảo tôi quay xuống bếp mà lấy hết đem đi. Tôi càng tỏ ra ấm ớ, lấy xong hai nắm kia nữa rồi mò xuống vòi nước gội cái đầu. Anh xồng xộc chạy xuống nắm tay tôi kéo lên: “Cậu có đi ngay không thì bảo!
  
Nếu sáng mai không có hàng cho các thủ trưởng dưới đó lo cho anh em, thì cậu bị tước quân tịch, hiểu chưa!”. “Vâng”, tôi đáp và khoác gùi lên vai. Gùi công văn gì mà nặng thế nhỉ? Dứt khoát công văn thì không nặng thế này. Nhưng mà đạn thì phải nặng hơn. Thuốc tây, vải vóc, dụng cụ quân y, quân trang, tất tật tôi đã gùi qua hàng trăm lần. Nhưng lần này hàng đóng đai đóng kiện, bọc ni lông rất kỹ, lại được đích tay trạm trưởng buộc quai, giao nhiệm vụ. Anh Nhiên lúc nào cũng quan trọng hóa vấn đề. Vẻ mặt anh căng thẳng, nhưng lại dúi cho tôi lọ thuốc tăng lực và bảo: “Mày đi cho đến nơi đến chốn, nếu có chuyện gì thì cả tao và mày đều mất gáo, ra tòa án binh”. “Vâng”. Tôi cứ “vâng” đại rồi đi.
Đêm bắt đầu bao trùm xuống núi. Đường xuống trạm khẩu nếu đi ban ngày, gùi cỡ ba chục cân thế này, tôi bươn chừng bốn giờ thì tới. Nhưng đi đêm thì phải gấp đôi thời gian. Làm quái gì mà phải lo. Tôi tính ngay ra bài tính trong đầu: Đến làng Đê Tăng Chà vào nghỉ nửa tiếng, đổi đôi pin lấy con gà, đem xuống trạm liên hoan với thằng Châu, thằng Chung đồng hương đồng khói. Cứ đảm bảo đúng bốn giờ sáng - đó là tính theo cách tính kỹ càng của tôi - có hàng cho các bố là được chứ gì. May mà lúc chiều, khi giao đoàn khách cho trạm ngoài, tôi đã tranh thủ ngủ được cả tiếng đồng hồ, thành thử bây giờ leo núi, mệt thì khỏi nói, nhưng tôi không bị buồn ngủ. Buồn ngủ là ớn nhất. Có hôm vừa đi vừa ngủ, hẫng chân, ngã bươu cả trán.
Tôi vừa đi vừa nghĩ tới anh Nhiên. Anh ta tính khí cứ đùng đùng, được cái quát thế nhưng lại hay nịnh anh em. Có cái gì ngon là dúi cho. Anh sợ ông Biền binh trạm trưởng cứ như sợ cọp. Chả biết vì sao lại thế nhỉ? Tôi thấy ông Biền cũng hiền, cũng dễ chịu, cũng “quần chúng” chứ đâu có khó khăn gì. Tôi rất ghét cái tính anh Nhiên mỗi khi nói chuyện với ông ta, lúc có mặt thì khúm na khúm núm, lúc vắng mặt thì một “cụ” hai “cụ”. Gọi thủ trưởng là “cụ” nghe nó cứ hèn hèn thế nào ấy. Có lần tôi bảo anh Nhiên: “Tại sao anh gọi ông Biền là “cụ” gọi thế để làm gì?”. Anh cười: “Tớ quen như mọi người vẫn gọi”. Một “Bá cáo cụ”, hai “Bá cáo cụ”, tôi nghe mà lộn cả ruột! Kể cũng buồn cười, tôi cũng biết tính khí tôi cứ hay để ý vặt. Hồi mới về trạm, anh Nhiên gọi tôi là “cậu”, tôi nghe đã thấy trái tai, ngứa miệng liền đốp lại anh rằng, nhà tôi với anh không có họ hàng gì, đừng cậu cậu cháu cháu thế bất tiện cho công việc. Gọi nhau là mày tao nó thân mật hơn. Lúc họp, cáu lên thì mới gọi nhau là “đồng chí”. Anh cười hì hì: “Tớ quen rồi. Tính tớ thế”. Cái gì cũng “tính tớ”, chơi trò ấy với ai thì được, chứ với tôi là tôi “chơi” lại liền. Tôi bảo: “Tính anh thế còn tính tôi là không thế”. “Ừ, ừ, xin lỗi. Tớ sẽ gọi cậu là mày.”
Các bạn đã đi đêm một mình bao giờ chưa? Đã đi đêm mà không nghĩ ngợi lung tung thì vất vả lắm. Phải tếu táo với chính cái thằng mình, nó mới đỡ mệt. Tôi buồn cười thay cho ông Biền mê chị Ngọ y tá ở bệnh xá binh trạm. Mê mà không dám ngỏ lời, lại cứ gửi “công văn”, quà là gì nhỉ: Lúc lọ tăng lực, khi lọ thuốc vắt, lúc quyển Điều lệ Đảng, khi dăm ba gói lương khô “bảy linh tư”, nhờ anh Nhiên chuyển. Anh Nhiên nhờ tôi. Tôi đưa cho chị Ngọ. Chị Ngọ chia cho tôi một nửa, chẳng tỏ ra xúc động gì. Cũng không hề phản đối, chỉ bảo tôi. “Anh Biền tội ghê”. Tôi xui: “Chị viết thư bảo ông ấy gửi cho mấy cân đường, dăm hộp sữa”. Chị Ngọ mắng tôi: “Mày chỉ được cái lợi dụng”. Ôi dào, có chị ta lợi dụng thì có. Không yêu người ta mà cứ ậm ờ, ngậm miệng ăn tiền, lại còn nói phách!
Đấy, tôi nghĩ lung tung thế nên đã tới chỗ rẽ vào làng Đê Tăng Chà, chắc phải khuya hung rồi. Tôi ngồi tôi nghĩ. Giờ vào làng, chả ai còn thức, lớ khớ du kích “đoàng” cho một phát thì toi. Hay là ta sang làng Đê Nghe Tỉ hãy đổi gà. Làng ấy gần Khẩu, họ không cần đổi chác, nhưng pin con thỏ thì họ thích vô cùng. Đôi pin con thỏ ông Biền tặng chị Ngọ, chị Ngọ tặng tôi, tôi có gì là chỉ nghĩ ngay tới đổi gà, đổi gạo chén cho sướng cái bụng. Tôi vần bao hàng định đi tiếp. Nhưng máu tò mò nổi lên khi gùi hàng cứng ngắc thế này mà anh Nhiên bảo là “công văn mật”. Hay ta xem thử cái gì? Có thể là sách báo, giấy tờ chứ công văn qué gì? Đúng rồi! Có khi là tiểu thuyết, là Tạp chí Văn nghệ Quân đội, nếu đúng cái khoản này thì nhất định tôi phải thó vài cuốn. Thằng Chung, thằng Châu bạn tôi lúc nào cũng mê sách báo. Khi vào Nam chúng tôi mỗi thằng mang chục quyến tiểu thuyết, hàng chục quyển Văn nghệ Quân đội để đọc đi đọc lại cho “đỡ tê”. Bây giờ mà vớ được những khoản ấy thì chỉ có nhất! Tôi lấy dao găm ra, lựa thế, gỡ cái nút đầu tiên. Vẫn không gỡ được, đành rạch bao, xem thử cái đã. Tôi soi đèn pin, rạch ngang trên miệng bao, cố moi thử. Cái gì mà cứng thế nhỉ? Không phải là đồ kim loại, không phải thuốc men mà đích thị là một loại giấy. Nhưng có vẻ không phải sách. Hay là truyền đơn? Hay là tranh cổ động? Thôi thì đã rạch ra rồi thì cứ làm thêm nhát nữa. Mình chỉ ăn trộm sách báo, còn bất cứ thứ gì cũng không thèm màng. Nghĩ thế nên tôi rạch tiếp. Tôi thò tay vào. Tôi rạch ra. Tôi soi đèn pin. Thật là bất ngờ! Đúng là khiếp quá. Từ tối tới giờ tôi coi thường quá. Thế này mà dám to gan định la cà với lại tạt ngang tạt ngửa. Nếu có chuyện gì thì đúng là phải tước quân tịch, phải ra tòa án binh, phải mất gáo thật! Không phải chỉ có mình tôi mà anh Nhiên cũng toi, ông Biền cũng toi! Cả cái trạm của chúng tôi cũng sẽ chẳng ra gì nếu tôi không hoàn thành nhiệm vụ. Tôi hối hả khoác gùi lên vai, tự nhủ, thôi nhé. Bây giờ thì cố mà đi cho nhanh, cố mà đến cho sớm. Tiền chứ có phải chuyện đùa đâu. Tôi đang gùi một gùi tiền xuống cho các thủ trưởng lo chiến  dịch cho đơn vị dưới cửa khẩu, đâu phải chuyện đùa.
Và thế là tôi không còn nghĩ ngợi được gì cho hóm hỉnh nữa. Tôi cắm cúi bước, bụng bảo dạ, mình đang gùi cả cái gùi dạ dày của anh em trên vai trước giờ ra trận chứ không phải bỡn.


Chủ Nhật, 28 tháng 7, 2013

SỐ: 251- tác giả NINH ĐỨC HẬU






Bóng cha




Con về tìm bóng cha xưa
Cánh đồng gốc rạ… cha vừa đâu đây
Con trâu vẫn ngóng buổi cày
Bếp nhà mình vẫn khói gầy thoảng bay

Con nghe tiếng rít điếu cày
Cha say khói thuốc bước gầy liêu xiêu
Bóng cha đổ xuống bóng chiều
Cuối thu cả gió bao nhiêu lá vàng

Một đời cha đã dọc ngang
Trường Sơn khói lửa, Tây Nam mịt mùng
Những đêm mắc võng ngủ rừng
Giấc mơ dành để rưng rưng nỗi nhà

Chiến trường rồi cũng lùi xa
Tây buông khẩu súng cha ra cánh đồng
Mồ hôi lại rỏ ròng ròng
Thắp lên hai vụ trổ bông mùa màng…

Con về lòng dạ xốn xang
Nơi nao con cũng ngỡ ngàng bóng cha
Tháng năm rồi cũng phôi pha
Chỉ bóng cha mãi mãi là trong con.





Thứ Bảy, 27 tháng 7, 2013

SỐ: 251 - tác giả VŨ DY




Điện Biên,
đêm chờ mưa tháng sáu



Mưa. Cuối cùng cũng rơi xuống
Miên man những tiết tấu vô nghĩa và đơn điệu
Trên sơn nguyên xanh ngát màu ngô
Đêm đen như đổ mực
Điên Biên, nghìn con mắt thức

Núi rừng mang mang
Ta về tiếc mãi mùa mận tam hoa chưa đến thì kết trái
Đêm nằm nghe tiếng bắp ngô trở mình trong bẹ
Những hạt ngô non tăm tắp như răng em
Nở nụ đầu e thẹn
Đêm trên những ngôi nhà kiêu hãnh cô đơn bên sườn núi
Tiếng ngô xào xạc như bài phúc âm buồn
Núi im sừng sững
Lũy dài tháng năm
Mường La mùa đi
Trên mặt đất, hoa tàn như áo đỏ

Đêm. Như tóc không còn đen
Bắt đầu lên màu khác
Khuya mang mang
Ta con ngựa thồ cô đơn chở đêm xuống chợ

Đêm trên cung đèo những cú lừa ngoạn mục
Sương trôi ma mị
Giọng khèn âm âm
Về đi mà nghe núi nhớ
Về đi mà nghe lũng nhớ
Về đi để em nhớ

Điện Biên ban mai
Ba phần ôn nhu một phần mĩ lệ
Hai phần mong manh một phần hoang dại
Giấu vào mưa
Bước chân em nông nổi
Phía ta về
Đêm tiếng con chim núi dỗ dành ta ngủ
Mưa đổ bộ vào em trên từng nốt phiêu
Mưa đổ bộ vào em mịt mù Tây Bắc
Nhớ điệu xòe đong đưa
Nhớ xôi tím lá xanh
Điện Biên ơi cứ làm ta mệt lử
Tháng sáu căng mọng như bờ môi em gái Thái
Những khúc thổ cẩm biến tấu
Nồng nàn Điện Biên.

6/2013

Thứ Năm, 25 tháng 7, 2013

SÓ: 251 - tác giả ĐẶNG BÁ TIẾN





Một lần Tây Bắc



Núi giăng thành như lưỡi cưa
xẻ đất trời thành Tây Bắc
chưa đến đây ký ức đã nằm lòng
đã thấy Tô Hoài đứng cười phía trước
đã thấy Nguyễn Huy Thiệp vênh mặt trên đỉnh dốc
thả xuống đồng bằng những Hua Tát, Phiềng Sa…
và ta đã khát khao ánh mắt đêm xòe
đã say men nụ cười cô gái Thái…

Tây Bắc
chiều nay bạn đợi
ta ngược Mộc Châu như ngược lên trời
cỏ và mây bạn bầu quấn quýt
ta với trăng vàng cùng được kề môi
ly rượu nếp nương em rót tựa sương trời
rót từ ánh mắt nhìn
rót từ làn da trắng
rót từ ngón tay thon
từ trái tim ấm nóng
chảy vòng qua vai
chảy vào trái tim mình
ta chưa uống rượu nào ngon đến thế
em Thái ơi
ta say đến suốt đời!

Dẫu đầu thu
hoa ban chưa nụ
đêm Điệân Biên hoa vẫn trắng trời
có chùm ban từ cơn mưa ký ức
có nụ ban em nở tặng riêng người…

Lên Tây Bắc
ta thành ngơ ngác
mải nhìn theo búi tóc cao ngồng
mải nhìn gánh
toòng teeng người xuống chợ
hương quế hương hồi thoảng theo gót chân thon…

Và ta biết
Mường Thanh nhiều khát vọng
nên mướt xanh trên hoen rỉ một thời
nên lúa chín vàng bên hầm Đờ-cát
phố cao tầng đã mọc chỗ bom rơi…

Và ta biết
chỉ một lần Tây Bắc
trái tim ta sẽ mãi nhắc nơi này
bởi ta nợ nụ ban thu khoe sắc
nợ đầm đìa đôi mắt Mường Lay…

Buôn Ma Thuột, 30.6.2013



Thứ Tư, 24 tháng 7, 2013

SỐ: 251 - tác giả LÊ ANH PHONG



Chuyện một người
đi “bán vận may”

Chị tảo tần
Đi “bán vận may”
Khắp góc chợ đường thôn hè phố
Mong manh sau tờ vé số
Một phận đời nổi nênh

Tuổi trẻ một thời
Lăn lộn chiến tranh
Mười hai tuổi, cô giao liên bé nhỏ
Mười lăm tuổi làm cô y tá
Hết chiến tranh chị thành… thương binh

Dẫu chưa một lần sinh
Nhưng chị có ba người con cô quả
Niềm hạnh phúc được làm người mẹ
Nâng bước chân
Chị khập khiễng với đời

Đồng trợ cấp thương binh, tờ vé số nhỏ nhoi
Vun vén từng ngày niềm tin yêu bình dị
Mà lòng chị khắc khoải như mắc nợ
Đồng đội xưa
Bao đứa không về

Dành dụm gói gom
Gió bấc nắng hè
Chị đi “bán vận may” khắp miền thiên hạ
Lầm lụi lặng thầm nuôi khát khao cao cả
Đem những đồng tiền chắt chiu ốp đá nghĩa trang làng

Dáng chị nhỏ nhoi
Khập khiễng chông chênh
Tích cóp tảo tần mua niềm thanh thản
Nhẫn nhục miệt mài “vận may” đem bán
Chị mua niềm vui vẹn nghĩa với người xưa…



(*) Chuyện về nữ thương binh Đặng Thị Bảy – xã Long Hưng A, huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp.

Thứ Ba, 23 tháng 7, 2013

SỐ: 251 - tác giả HOÀNG THANH HƯƠNG



Buổi chiều và nỗi nhớ

Có những buổi chiều
muốn tìm về một làng xa
say ngất rượu cần và xoang và hát
vô tư chơi đùa rủ rì kể lể
những người nghe mình gà gật hơi men
những bàn tay lấm lem
nắm tay mình âu yếm
chẳng chút âu lo dối lừa
ước gì mình là tiểu nữ thần
để bay về nơi cuộc sống mình tin cậy…

Có những đêm nằm lại một làng xa
chiếc chăn lành mí nhường tôi
bắp ngô non mí nhường tôi
rượu cần ủ đợi lễ cúng nhà rông
ama bảo cứ uống đi, mai làm ché khác
bên bếp lửa thâu đêm ngồi nghe kể chuyện
những người đã khuất những người đang còn
làng có từ bao lâu không ai nhớ
nhưng chẳng ai có thể rời bỏ
mái nhà rông bao đời sừng sững cùng mưa gió
như một ánh sao cho người lạc tìm về
như một hẹn thề trăm năm đôi lứa

Có những đêm ở lại một làng xa
khuya tiếng chiêng chập chờn cơn say
chập chờn cuộc chia tay giữa ma – người vĩnh viễn
tôi uống sương, sao trời, ánh mắt anh như lửa
những tiếng hú phấn khích, những bước chân phấn khích
thế giới của riêng tôi đặc biệt cảm nhận
để lại có những buổi chiều ngồi như gỗ mục
lan man nỗi nhớ…
lại ước gì mình là tiểu nữ thần
để bay về nơi cuộc sống mình tin cậy…

5.3.1013

Thứ Hai, 22 tháng 7, 2013

SỐ: 251 - tác giả THỦY LINH LUNG





MỘT SẮC CAO NGUYÊN

Tản văn


Bầu trời như nhả bạc. Nắng không còn là những vẩn nắng li ti mà đã chếnh choáng men say của núi rừng, trong nắng như nở rộ từng đoá hoa nhỏ xinh của đất và đám bụi, những bông đỏ màu đất tươi mới đang soi mình đùa vui mỗi bận gió ù thổi qua. Đón đợi điều ấy mọi người khẽ thì thầm một mùa khô nữa bắt đầu rồi. Mùa khô đang về giữa đại ngàn.
Mùa bỗng cởi chiếc áo thâm chùng của những màn mưa để khoác lên mình chiếc áo mới sặc sỡ đón đợi một mùa vui. Nơi vương quốc của nắng và gió. Nắng rỏ ong những giọt mật còn gió thì cứ lồng lộng trên cao. Giữa cao nguyên xanh rờn của núi rừng đã chờn vờn những đốm vàng rực rỡ - một sắc cao nguyên, sắc áo của Cúc Quỳ. Những người bạn tôi chỉ mới nghe đến loài hoa ấy với cái tên thật mĩ miều Dã Quỳ, nên bất chợt bắt gặp một bức ảnh Dã Quỳ trên báo thì tôi lại buồn khi nghe họ kết luận đó là hoa Hướng Dương. Thực ra, thoạt nhìn có thể thấy Dã Quỳ có phần nào giống với loài hoa Hướng Dương vì chúng cùng thuộc họ Cúc. Nhưng tôi có phần nào yêu quý loài hoa hoang dại này hơn bởi sức sống kì lạ của nó. Dã Quỳ được biết đến với rất nhiều tên gọi khác nhau như Cúc Quỳ, Sơn Quỳ, Quỳ Dại, Hướng Dương Dại, hay với những cái tên như Hướng Dương Mexico. Với người Nhật họ gọi nó với cái tên gắn liền với người đã đưa nó đến với xứ Phù Tang này đó là Cúc Nitobe. Dã Quỳ sống hồn nhiên chân tình và mạnh mẽ như những con người Tây Nguyên vậy. Sức sống kì lạ ấy phải chăng đã được hun đúc từ ngàn đời! Bởi cây hiên ngang giữa vùng đồi núi, dù trong đất nghèo nàn chất dinh dưỡng, giữa nắng đốt hay mưa dầm hàng tháng nhưng cây vẫn vươn mình cho đời những bông hoa đẹp đẽ xinh tươi.
Mẹ tôi thường kể chuyện ngày xưa, khi bộ đội mới về thường chặt từng ôm cây để nguỵ trang, bởi lẽ đâu đâu trên vùng đất này cũng mọc thứ cây này nên dễ dàng tìm thấy và địch cũng khó phát hiện được. Có lần tôi thử nhai lấy vài đọt lá cây, ngai ngái một vị đắng chát đầu lưỡi, nhưng bỗng thấy mùi cỏ dại thơm nồng, đối với người Tây Nguyên nó là thứ thuốc của trời. Rồi hương nồng đượm đắng chát ấy lớn dần theo người khi cắt từng ôm cây để về ủ lại làm thành một thứ phân bón mà người ta vẫn gọi là phân xanh để giúp đất màu mỡ hơn vì thân cây Dã Quỳ chứa nhiều chất P, Ca, Mg, cũng như cách người ta trồng cây đậu phộng (cây lạc) vào các loại cây khác để lợi dụng những nốt sần mang vi khuẩn cố định đạm giúp đất tươi tốt; đây là cách “nhất cử lưỡng tiện” của ông cha ta mà đến ngày nay những người nông dân  vẫn sử dụng. Hướng Dương chỉ thích cuộc sống đơn độc nên chỉ thường mọc thành từng cây, còn Dã Quỳ thì khác. Khó có thể tìm thấy một bông hoa Dã Quỳ cô độc, bởi lẽ Dã Quỳ mọc thành bụi và nở nhất loạt như một tràng pháo báo hiệu mùa sang.
Tôi thì yêu lắm cái màu vàng lựng của những đoá Dã Quỳ một hữu sắc vô hương, mẹ tôi  thường nói Dã Quỳ là loài hoa vô duyên nhưng tôi lại thấy quý cái vẻ rất riêng rất Tây Nguyên ấy của hoa, bởi trên mảnh đất cao nguyên gió lộng này có lẽ hoa đã vụng về gửi hương của mình theo những con gió mà sống chân tình, hồn nhiên giữa đất trời. Tôi chợt nhớ đến vô tự bia của nữ hoàng đế Võ Tắc Thiên của đất nước Trung Hoa như một bí ẩn đời đời không thể lí giải và thầm khâm phục chữ “Vô” của đạo Thiền.
          Tôi kể cho bạn tôi nghe về câu chuyện tình tha thiết đầy bi ai của  nàng H'Linh, của con suối dành cho chàng K'Lang của núi rừng để rồi chúng tôi ngạc nhiên thơ thẩn bởi một mái tóc cài bông Dã Quỳ vừa nở làm gương mặt hồng lên trong nắng chiều, rồi thốt lên “Ôi! Những bông hoa rừng”. Tôi mơ màng chìm trong màu vàng rực bên bờ suối như đang nhuộm vàng  tình yêu thủy chung son sắt của các chàng trai cô gái Tây Nguyên.
Một mùa khô nữa lại về giữa cao nguyên có nắng, có gió, có một màu vàng lựng như ấp ủ một tình yêu thầm kín mang sắc màu của tình yêu cao nguyên ban tặng cho hoa.


Mùa hoa!

Chủ Nhật, 21 tháng 7, 2013

SỐ: 251 - tác giả NINH ĐỨC HẬU

Bóng cha

Con về tìm bóng cha xưa
Cánh đồng gốc rạ... cha vừa đâu đây
Con trâu vẫn ngóng buổi cày
Bếp nhà mình vẫn khói gầy thoảng bay
Con nghe tiếng rít điếu cày
Cha say khói thuốc bước gầy liêu xiêu
Bóng cha đổ xuống bóng chiều
Cuối thu cả gió bao nhiêu lá vàng
Một đời cha đã dọc ngang
Trường Sơn khói lửa, Tây Nam mịt mùng
Những đêm mắc võng ngủ rừng
Giấc mơ dành để rưng rưng nỗi nhà
Chiến trường rồi cũng lùi xa
Tay buông khẩu súng cha ra cánh đồng
Mồ hôi lại rỏ ròng ròng
Thắp lên hai vụ trổ bông mùa màng...
Con về lòng dạ xốn xang
Nơi nao con cũng ngỡ ngàng bóng cha
Tháng năm rồi cũng phôi pha

Chỉ bóng cha mãi mãi là trong con.

SỐ: 251 - tác giả VŨ DY




TẬN MẶT TÂY BẮC
Tùy bút



Mai Châu mùa em thơm nếp xôi
                                                                                     (Quang Dũng)
                                  
    Những nương ngô chập chùng trên núi, bản làng cheo leo và từng cung đèo ngoạn mục uốn lượn là nét chấm phá tuyệt đẹp trên nền xanh hun hút của núi rừng Tây Bắc. Một chuyến đi ngắn nhưng kí ức cứ dài xa tít tắp. Bây giờ thì Sơn La, Điện Biên đã trở thành miền thương nhớ. Khôn nguôi. Như mắt  cô gái Thái, không lời, nhưng sâu vợi.
   Trước đó một ngày chúng tôi về thăm cố đô Hoa Lư, lên chùa Bái Đính trưa nắng chói chang hòng “ăn mày cõi phật” để chiêm ngưỡng cái bề thế của một công trình, nghe đâu là ngôi chùa lớn nhất nhì Đông Nam Á, dù còn dang dở, và để thấy cái tục lụy thời mở cửa, đã thâm nhập ồn ã đến tận cửa thiền. Buổi chiều chèo thuyền thăm khu danh thắng Trường An. Đi qua nhiều hang động, núi cao hàng hàng và hồ nước quanh co xanh ngắt rong chìm, lòng vòng như ma trận, thành lũy phên dậu của vua Đinh thời giữ nước đây mà. Đặng Bá Tiến cùng Hồng Chiến nhẩn nha bấm máy. Thuyền đi lững lờ, chúng tôi chèo phụ với chị lái đò và hát “Thuyền ơi viễn xứ xa xôi, một lần qua dạt bến lau thưa, hò ơi giọng hát thiên thu, suối nguồn xa vắng, chiều mưa ngàn về”*. Chiều xuống chậm, một con chim vịt líu ríu đùa dưới chân hoa súng, lẻ loi. Bóng núi chìm sâu, nghe một chút hào sảng, một chút ngậm ngùi.
    Bây giờ thì tôi đã ở giữa lòng Sơn La. Và Sơn La đã trong tôi. Phố trong núi và núi trong phố. Phố mà vẫn xanh ngời bóng núi. Mưa đã rơi xuống lần đầu trong suốt những ngày chờ đợi, xua đi cái oi nồng của một đêm Lăng Cô, một trưa Hà Tĩnh gió Lào. Mưa giữa khuya, mơ hồ trên mái tôn và cây lá, trên những đồi ngô cao tít có những ngôi nhà kiêu hãnh một mình. Cô đơn và kiêu hãnh. Tháng sáu ngô bắt đầu ấp bẹ, hoa trắng xám và râu ngô tím giữa nhạt nhòa lá xanh. Đẹp và buồn. Phố Sơn La ban đêm như một giấc mơ. Sầm uất và một chút hoang liêu. Như Buôn Ma Thuột mươi, mười lăm năm trước, hoang liêu và nhung nhớ. Tôi nhớ cái thân tình  bữa tiệc chiêu đãi của anh em văn nghệ Sơn La, nhớ cái nồng ấm của rượu đắng và măng ngọt, mỗi thứ một vị, nhưng cuộc say có khác gì nhau, cứ mãi ngọt ngào. Buổi sáng Sơn La mùa này không có sương nhưng phố vẫn điệu đàng vì những cô gái Thái gánh hàng rau xuống chợ. Những bó rau gọn gàng xanh biếc, những chùm ớt đỏ, quả rừng chỉn chu thật đẹp ở hai đầu đòn gánh đong đưa. Váy đen, áo tím, thắt lưng xanh màu lá. Con gái Thái xuống chợ cũng đẹp như đi hẹn hò. Đặng Bá Tiến, Trần Chi liên tục bấm máy, còn tôi, anh Tiến Thảo và Khôi Nguyên cứ ngẩn ngơ nhìn.Tôi nhớ Yên Châu và Mộc châu, dõi mắt cố tìm đàn bò trên thảo nguyên xanh nhưng không thấy, chỉ toàn đồi ngô, mỏi mắt, thi thoảng những vạt dong riềng hoa đỏ rưng rưng giữa đá tai mèo. Sơn La mùa này hoa ban chưa nở, lá cứ nhưng nhức xanh, hình móng bò. Tôi tiếc mãi vì không được nhìn thấy màu trắng và đỏ của một loài hoa đã yêu lâu rồi nhưng chưa tận mặt. Một cuộc tranh luận không ngã ngũ nổ ra ngay trên sân Nhà đày vì ai đó phát hiện hoa ban Sơn La giống hệt hoa móng bò ở Buôn Ma Thuột. Hoa ban nghe thơ mộng, còn móng bò lại gần gũi. Sao cứ phải là hai loài hoa khác nhau mà không là một để Tây Nguyên và Và Tây Bắc gần nhau hơn chút nữa? Tôi thầm nghĩ. Rời Nhà đày Sơn La ngược nguồn sông Đà lên thủy điện. Sông Đà mù khuất trong mưa, mưa mù khuất tôi. Sừng sững trước chúng tôi là một con đập bê tông khổng lồ chắn ngang dòng sông hung dữ. Tầng tầng kiên cố. Mới thấy trước cái vĩ đại của con người làm thiên nhiên phải khuất phục một cách toàn diện. Rất tiếc, mới đầu mưa, cổng xả lũ chưa hoạt động và chúng tôi không được chiêm ngưỡng vẻ mĩ lệ khi hàng nghìn khối nước thoát qua, tung bờm trắng xóa như lũ ngựa bất kham băng về phía hạ nguồn. Dưới mờ xa, sông Đà trắng ngần như dải lụa. Bên lan can ướt mưa nhìn xuống, tự dưng mơ mộng, muốn mình bé nhỏ như chiếc lá rừng, thoát lìa, đáp xuống, qua bao ghềnh thác, trôi mãi về phía hạ du.
    Cơn bão số hai bám theo chúng tôi suốt hàng trăm cây số đường rừng về đến Điện Biên bằng một chiều mưa lê thê. Cuối cùng rồi cũng đến được Điện Biên, mảnh đất huyền thoại, gắn liền với những tên đất, tên người và những trận đánh ác liệt. Phố đẹp, thơ mộng và yên bình, chim sếu theo bão rớt dạt về, chấp chới đầy bầu trời thành phố. Tôi cứ nghĩ hình như nơi đây chưa từng trải qua những tháng năm kháng chiến gian khổ “Mưa dầm, cơm vắt” đầy máu và nước mắt. Điện Biên đã hồi sinh giữa núi rừng xanh mướt. Buổi sáng ở Văn phòng Hội VHNT Điện Biên chúng tôi vừa nói chuyện vừa chờ ngớt mưa để thăm Nhà bảo tàng và lên chiến địa xưa. Những cái tên như hầm Đờ-cát, đồi A1, Him Lam, Mường Thanh… vẫn còn đó, nguyên vẹn, sừng sững suốt 70 năm qua. Chúng ta đã bước một bước dài về phía trước, nhưng đối với người Pháp nơi đây mãi mãi là một kỉ niệm buồn. Buổi trưa, đứng bên tượng đài Chiến thắng nhìn xuống, thành phố non trẻ rạng rỡ sau mưa, lô nhô giữa cây lá, xanh ngời như ngọc.
    Đi chợ là một thú vui, dù chẳng để mua gì hoặc chỉ để xem người ta mua mua chọn chọn. Dân văn nghệ thường hay uống rượu nên tìm thuốc làm mát gan. Trần Chi và Đặng Bá Tiến đến bữa ăn nào cũng kè kè theo can rượu nên lên chợ khuân về cơ man là bọc to bọc nhỏ la hán quả và lá rừng để củng cố lá gan. Lạ thật, thuốc bổ gan nhưng phải ngâm trong rượu cho dễ uống!? Đêm Điện Biên mát lạnh, cảm giác thật lạ lùng khi đi trên phố khuya Tây Bắc, ngang qua những quán ăn “Lợn bản, gà đồi, dê núi”, những dãy phố toàn các loại rượu ngâm sâu chít, hà thủ ô, sâm núi và vô số các loại cây lá, rễ rừng, những shop bán trang phục người Thái, Mường, nghe một chút bâng khuâng, một chút nuối tiếc ở nơi biết rằng sẽ còn cơ hội để quay lại. Đêm cuối cùng ở Điện Biên quá nhiều kỉ niệm, cũng giống Sơn La, ngồi xếp bằng trên sàn uống rượu. Món ăn kiểu người Thái. Có thịt băm nướng lá, có măng nấu chua, có xôi nếp tím trong lá chuối xanh, có những món tôi không nhớ tên nhưng không thể nào quên vị. Rượu nồng, đầy ắp niềm vui và “khát vọng”.
    Nhớ đêm Hòa Bình. Từ Điện Biên về đến hơn 8 giờ tối mà anh em trong cơ quan Hội văn nghệ Hòa Bình vẫn còn đợi và cho người ra dẫn đường. Thật vui và cảm động. Đêm giao lưu ấy Khôi Nguyên làm MC, anh Tiến Thảo, Đặng Bá Tiến, Trần Chi đọc thơ, Chị Lệ Hải hát “Bóng cây kơ nia”. Sau này tôi hỏi nhỏ hôm ấy đau chân sao vẫn đọc thơ nồng nàn vậy, Tiến Thảo bảo hôm ấy anh dẫm phải “gai tình”. Ngồi xe suốt hàng trăm cây số chẳng sao, vừa đặt chân xuống đất Mường đã dẫm phải gai tình. Lạ thật? Nhớ Hòa Bình, tôi còn nhớ những ngôi nhà sàn lá cọ, đêm ngủ se se lạnh, nhớ một Kim Bôi, một “Nụ cười sơn cước”**.
     Bây giờ tất cả đã tận mặt và đã vụt xa. Những đêm và ngày Tây Bắc, núi rừng và lũng đèo, những nói cười, ánh mắt, và cả những chuyện tiếu lâm, những câu thơ châm chọc, khúc hát trên suốt dọc đường và giai thoại, tự biên, thêm thắt và “diễn nôm”, tất cả đã thành thương nhớ mà mỗi lần hồi tưởng lại cứ thấy tươi rói, trong veo, mát lành như suối tưới.

                                                                                    Krông Bông, 4.7.2013







* Lời trong bài “Thuyền viễn xứ” của Phạm Duy
** Tên một nhạc phẩm của Tô Hải





Thứ Bảy, 20 tháng 7, 2013

SỐ: 251 - tác giả HỒNG CHIẾN

HỒNG CHIẾN
SUY NGẪM SAU MỘT “VỤ MÙA”



Nhân kỷ niệm 88 năm ngày báo chí cách mạng Việt Nam (21.6.1925-21.6.2013), Ban chỉ đạo cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” tỉnh Đắk Lắk tổ chức Lễ trao thưởng các tác giả, tác phẩm đạt giải Cuộc vận động sáng tác,  quảng bá tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí về chủ đề “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” năm 2013. Trong số 37 tác phẩm được trao giải lần này, riêng Văn học – Nghệ thuật có 7 tác phẩm được trao giải từ A đến C, không có giải khuyến khích.
Để có 7 tác phẩm văn học – nghệ thuật trao thưởng lần này, Hội VHNT tỉnh nhà đã tổ chức phát động từ tháng 3 năm 2011 và được đông đảo văn nghệ sĩ trong cả nước nhiệt tình hưởng ứng, tham gia gửi bài về Ban tổ chức. Riêng tòa soạn Tạp chí Văn nghệ Chư Yang Sin đã nhận được hơn 200 tác phẩm dự thi, ban sơ khảo tuyển chọn 53 tác phẩm giới thiệu trên Tạp chí. Có thể thấy, chưa có cuộc thi nào chỉ trong một thời gian ngắn đã có bài vở gửi về tham gia nhiều về số lượng, phong phú về thể loại đến thế. Về Thơ, bên cạnh gương mặt quen thuộc thường xuất hiện trên văn đàn và thường xuyên nhận giải cao của các kỳ trao giải lần trước như nhà thơ Hữu Chỉnh, còn có các tác giả gửi nhiều tác phẩm tham gia như: Lê Thị Minh Nghiệm, Nguyễn Văn Tao, Nguyễn Trọng Tuất, Nguyễn Đăng Việt, Nguyễn Hưng Hải, Nguyễn Trọng Đồng... về Văn xuôi có: Đặng Bá Tiến, Hồng Chiến, Nguyễn Liên, Nguyễn Trọng Đồng, Trương Bi, Hoàng Bích Hà, Trần Thu Thủ...; Âm nhạc có tác giả: Nguyễn Văn Hạnh, Nguyễn Tiến Liêu... Nhiếp ảnh có tác giả: Bảo Hưng, Thạch Sơn.
Có thể nói tất cả các tác phẩm đã đăng trên tạp chí Chư Yang Sin đều có chất lượng khá cao. Nhưng vì số lượng giải thưởng có hạn, Ban tổ chức cân nhắc và rất khó khăn để chọn ra 7 tác phẩm xuất sắc nhất trao giải lần này.
Hai giải A thuộc về nhà thơ Hữu Chỉnh và nhà nhà báo, nhà thơ, nghệ sĩ nhiếp ảnh Đặng Bá Tiến. Nếu như tác giả Hữu Chỉnh với tác phẩm “Vĩ nhân bình dị” tìm thấy vẻ đẹp mới qua lăng kính của nhà thơ về Bác, làm người đọc, người nghe cảm nhận được sự gần gũi, thân thương của Người Cha Già dân tộc luôn luôn và mãi mãi bên cạnh mọi người thì tác phẩm “Người chỉ huy thao lược trên thương trường” của tác giả Đặng Bá Tiến lại đề cập đến cuộc vật lộn của các doanh nghiệp để hòa nhập kinh tế thị trường; tác giả đã khắc họa thành công hình ảnh một vị “tướng” trên thương trường, dưới sự chỉ huy tài ba của mình, ông đã đưa một công ty nhỏ cấp tỉnh lẻ, vốn hơn 500 triệu, sau 18 năm đã vươn ra thế giới, góp mặt trong tốp 500 doanh nghiệp vốn lớn nhất nước và là một trong 1000 doanh nghiệp đóng thuế lớn nhất nước.
Hai giải B được trao cho hai tác giả Vân Trang và Nguyễn Liên. Nếu tác phẩm “Đi lên từ sự đồng thuận của xã hội” của tác giả Hồng Chiến (bút danh Vân Trang) dẫn bạn đọc đến với tấm gương điển hình của một trường tiểu học vùng xa, nhưng bằng sự cố gắng của cả tập thể đảng bộ, chính quyền địa phương cũng như lòng tận tụy, yêu nghề của các thầy cô giáo đã xây dựng thành công “Trường đạt chuẩn Quốc gia mức độ hai”. Trong thành công chung đó có vai trò quan trọng của người hiệu trưởng gương mẫu, biết tập hợp lực lượng, đoàn kết nội bộ xây dựng được hai trường đạt chuẩn quốc gia trên địa bàn huyện Ea Kar, đây chính là phát hiện mới của tác giả đối với công tác giáo dục trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk. Tác phẩm “Trên lưng ngựa Chư Yang Sin” của tác giả Nguyễn Liên lại đưa người đọc đến với tấm gương người lính anh dũng trong chiến tranh giải phóng dân tộc, thống nhất nước nhà và khi bòa bình lập lại, vị tướng trong quân đội về hưu vẫn cố gắng cống hiến sức lực còn lại của mình cho công cuộc đoàn kết dân tộc, xây dựng đất nước trong thời kỳ hội nhập.
Ba giải C được trao cho các tác giả Hồng Chiến, Nguyễn Trọng Đồng, Nguyễn Liên. Trong ba tác phẩm đoạt giải C lần này, ngoài tác phẩm “Lòng tốt gửi vào thiên hạ” của Nguyễn Liên tiếp tục giới thiệu tiếp về tấm gương điển hình của người lính khi hoàn thành nhiệm vụ trên chiến trường được Đảng và Nhà nước cho nghỉ, nhưng vẫn cố gắng đóng góp công sức của mình một cách vô tư vào công cuộc xây dựng đời sống mới nơi mình thường trú – hình ảnh đẹp của anh bộ đội Cụ Hồ. Các tác phẩm còn lại đề cập đến những mảng khác nhau của cuộc sống. Nếu tác phẩm “Tàn mà không phế” của tác giả Hồng Chiến nêu tấm gương người nghệ sĩ tật nguyền biết vượt lên trên số phận, sống có ích cho gia đình và xã hội; thì tác phẩm “Chỗ dựa tinh thần của buôn làng” của tác giả Nguyễn Trọng Đồng đưa chúng ta đến với một vị già làng tiêu biểu, khi chứng kiến cảnh đổi mới của đất nước đã đứng ra vân động bà con các dân tộc thiểu số chống lại bọn xấu, tin tưởng vào chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước, áp dụng khoa học vào sản xuất nên mọi nhà trong buôn có cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
Có thể khẳng định 07 tác phẩm văn học - nghệ thuật được trao giải lần này là minh chứng cho sự nhiệt tình của văn nghệ sĩ tỉnh nhà hưởng ứng Cuộc vận động sáng tác, quảng bá tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí về chủ đề “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Văn nghệ sĩ đã thâm nhập vào cuộc sống trên khắp mọi vùng đất của tỉnh nhà, từ thành phố Buôn Ma Thuột đến các các huyện vùng sâu, vùng xa như: Krông Năng, Krông Bông, Ea Kar, Lăk..., phản ánh kịp thời các tấm gương tiêu biểu của mọi tầng lớp nhân dân trong xã hội; đó là vị Tổng giám đốc tài ba trên thương trường, hay vị tướng lừng danh khi về hưu đến các nhà giáo, già làng, văn nghệ sĩ... Mỗi một tấm gương điển hình ấy có những cách học và làm theo tấm gương đạo đức của Bác khác nhau, nhưng đều có chung một kết quả là góp phần quan trọng xây dựng cho xã hội ngày một phồn vinh, hạnh phúc. Qua cuộc trao giải lần này chúng ta hy vọng các văn nghệ sĩ tỉnh nhà tiếp tục có những tác phẩm mới xuất sắc, góp phần quan trọng vào công cuộc đổi mới của Đảng và Nhà nước, xứng đáng với lời dạy của Bác: “Văn hóa nghệ thuật cũng là một mặt trận, anh chị em là chiến sĩ trên mặt trận ấy”.

GIỚI THIỆU CHƯ YANG SIN SỐ: 251 - THÁNG 7 NĂM 2013


Thêm chú thích
Tạp chí Văn Nghệ CHƯ YANG SIN
Xuất bản hàng tháng

Số: 251

Tháng 7/2013


                                   Tòa soạn:                    
172 Điện Biên Phủ - TP.Buôn Ma Thuột - Đắk Lắk
ĐT :  0500.3840 276
Email: cuyangsindaklak@gmail.com
                                              
Quyền Tổng biên tập:
LÊ KHÔI NGUYÊN

Phó Tổng biên tập thường trực:
 HỒNG CHIẾN

Phó Tổng biên tập:
 ĐẶNG BÁ TIẾN

Ban biên tập:
NGUYỄN VĂN THIỆN
PHẠM HUỲNH
AN QUỐC BÌNH
HUỲNH NGỌC LA SƠN

Trình bày:

Y KUAN NY NIÊ

AN QUỐC BÌNH

Thiết kế mỹ thuật:
AN QUỐC BÌNH

Sửa bản in:
TRẦN THỊ ÁNH NGUYỆT

Trong số này


 VĂN:
      l Suy ngấm sau một “vụ mùa” – HỒNG CHIẾN
l      Tận mặt Tây bắc (ký) – VŨ DI
l      Một sắc Cao Nguyên  (Tùy bút) THỦY LUNG LINH
l  Bài ca Tuyệt mật (truyện ngắn) – TRUNG TRUNG ĐỈNH 
l      Viên ngọc quý (truyện ngắn) – NGUYÊN HƯƠNG
l      Đồng tiền lẻ (truyện ngắn) – Y NGUYÊN
l Bạn chỉ sống có một lần (truyện ngắn) HỒ THU HIỀN
l Ami còn yêu chị lắm không? (truyện ngắn) H’XÍU HMOK
l Đêm giọt châu (truyện ngắn) TRẦN THU THỦ
l Đứng yên (Truyện ngắn nước ngoài) VÕ HOÀNG MINH (dịch)




THƠ của các tác giả:
HOÀNG THANH HƯƠNG – ĐẶNG BÁ TIẾN – VŨ DI – NINH ĐỨC HẬU – ĐỖ THƯỢNG THẾ - ĐOÀN GIAO HƯỞNG – HỒ HỒNG LĨNH – NGUYỄN VĂN HIẾU- ĐỖ VĂN TIẾN – NGUYỄN HƯNG HẢI – DUY HOÀN – LÊ VĨNH TÀI – HUỆ NGUYÊN – LÊ THỊ MINH NGHIỆM – NGÔ THẾ LÂM – PHAN HOÀI THỦY – LÂM BẰNG – TRẦN ANH THUẬN – BÙI XUÂN TIẾN – CÔNG NAM – LÊ HÒA – LÊ THÀNH VĂN – THANH TRÁC NGUYỄN VĂN – NGUYỄN TRƯỜNG THỌ -

Nghiên cứu giới thiệu – phê bình:

l                       Mây và sóng -  VŨ BÌNH LỤC
l                       Tổ ấm tình ngươi...      –  PHẠM NGỌC HIỂN
l                       Lạ lùng Tây Nguyên   - NGUYỄN VĂN THIỆN
l                       Mênh mang trường ca...     – NGUYỄN HUY LỘC
l                       Ngô Tiến sỹ và...          – NGUYỄN HUY LỘC
l                       Những kỷ niệm về y vơn – TRƯƠNG BI
                                     
NHẠC
Nhớ bạn.
Nhạc: MẠNH TRÍ
Lời: PHẠM DOANH - MẠNH TRÍ
Hương cà phê Ban Mê.
Nhạc: LƯU ĐỨC GIANG
Thơ: ĐẶNG BÁ TIẾN

     TRANH - ẢNH VÀ MINH HỌA:                          

 ĐẶNG BÁ TIẾN - NGUYỄN HẢI LONG - HỒNG CHIẾN - AN QUỐC
BÌNH - NGÔ TIẾN SĨ - NGUYỄN HUY LỘC - PHẠM HUỲNH - NGUYỄN
THÀNH ĐỒNG - MẠNH TRÍ - HỒ MINH QUÂN - LÊ THỪA TIẾN - Tư
liệu...

Bìa 1: Phong cảnh Buôn Du Kmăn.
Tranh: NGUYỄN HẢI LONG

     
         Thư văn nghệ (Tháng 7.2013)


SỐNG XỨNG ĐÁNG
VỚI NGƯỜI ĐÃ HY SINH
   

     Trong lời kêu gọi nhân ngày 27.7.1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: “Hỡi toàn thể đồng bào! Anh em thương binh và gia đình tử sĩ! Khi nạn ngoại xâm ào ạt đến, nó đến như một trận lụt to. Nó đe dọa tràn ngập cả non sông Tổ quốc. Nó đe dọa cuốn trôi cả tính mệnh tài sản, chìm đắm cả bố, mẹ, vợ, con, dân ta. Trước cơn nguy hiểm ấy, số đông thanh niên yêu quý của nước ta dũng cảm xông ra mặt trận. Họ quyết đem xương máu của họ đắp thành một bức tường đồng, một con đê vững để ngăn cản nạn ngoại xâm tràn ngập Tổ quốc, làm hại đồng bào. Họ quyết hy sinh tính mệnh họ, để giữ gìn tính mệnh của đồng bào. Họ hy sinh gia đình và tài sản  họ, để bảo vệ gia đình và tài sản của đồng bào. Họ quyết liều chết chống địch để cho Tổ quốc và đồng bào sống. Họ là những chiến sĩ anh dũng của ta. Trong đó, có người đã bỏ lại một phần thân thể ở trước mặt trận. Có người đã bỏ mình ở chiến trường. Đó là thương binh, đó là tử sĩ”.
      Cũng từ nhận thức đó, trong lễ kỷ niệm 30 năm thành lập Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhắc nhở mọi cán bộ, đảng viên: “Ăn quả phải nhớ người trồng cây. Trong cuộc sống tưng bừng vui vẻ hôm nay chúng ta phải nhớ đến những anh hùng, liệt sĩ của Đảng ta, của dân ta”. Đấy cũng là truyền thống đạo lý của dân tộc Việt Nam.
      Biết ơn người đã hy sinh vì dân, vì nước, là phải biết sống sao cho xứng đáng. Điều này nói thì dễ nhưng làm chẳng dễ chút nào. Có nhiều người đứng trên diễn đàn rao giảng về đạo đức rất hay, nhưng trong hành xử lại rất thất đức. Lợi dụng chức quyền, họ sẵn sàng bán đứng đồng đội, sẵn sàng đưa và nhận hối lộ nhằm giành giật chức quyền, vơ vét tài sản của nước, của dân về cho cá nhân mình; bỉ ổi hơn, họ còn dùng  mọi thủ đoạn để cướp nhà, cướp đất của gia đình thương binh, liệt sĩ… Họ chính là “một bộ phận không nhỏ” cán bộ, đảng viên suy thoái, biến chất hiện nay mà Đảng ta đang phải đấu tranh để loại bỏ ra khỏi hàng ngũ của mình.
      Người cầm bút biết ơn sự hy sinh của đồng chí, đồng bào thì phải tự biết xếp mình vào đội ngũ những người tiên phong trong cuộc đấu tranh chống lại cái ác, chống lại sự vô ơn, bạc nghĩa  bằng những tác phẩm tâm huyết có sức chiến đấu cao. Đấy cũng là điều Đảng và nhân dân đang thiết tha mong đợi.                          
                        
CHƯ YANG SIN